Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Tôi có người Thày như thế / phần 2/

Có người bạn vừa đọc xong phần một, hỏi tôi: “Tại sao ngày đó, năm 1976, biết tin thày còn sống trở về ,ngay tại Hưng yên mà không tìm đến thăm thày ngay, mà phải đợi mãi đến năm 1986?”. Mười năm trôi qua, trái tim mách bảo ngày đó sẽ đến, nhưng số phận đã không cho tôi được điều hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Trước đó tôi nghe mong manh những tin đồn, khi thì bảo thày đã hy sinh, khi thì nghe tin mất tích.Bởi thế, khi cô Đắc nói là thày đã trở về, tôi mừng vui khôn xiết nhưng cũng rối bời trong dạ.
Tại sao số phận lại khắc nghiệt đến thế với người thày của tôi? Hàng trăm ngàn câu hỏi đặt ra khi một ai đó thoát chết trong gang tấc để trở về cuộc sống, khi tất cả những người xung quanh chết hết? Tại sao người đó không có quyền được sống, tại sao phải chết tập thể nhiều như vậy để được người đời vinh danh? Thày của tôi may mắn thoát chết trở về sau chiến tranh, nhưng thày đã không may mắn được sống như những con người bình thường khác .Thực tế đã cho tôi thấy cuộc đời đầy dối trá này đã vùi dập biết bao nhiêu người lương thiện, biết bao trái tim nhân hậu, đã làm thui chột bao nhiêu ý chí và tài năng. Thày của tôi nằm trong số người đó.
Mùa hè năm 1987, sau gần 1 năm liên lạc vài tháng mới nhận được 1 thư vì đường từ Hưng Yên - Hà nội...xa quá, bưu điện giữ hay ai giữ để kiểm tra? Lá thư sau nói rằng đã không nhận được thư trước??? Trước ngày lên đường đi học NCS, tôi gắng vượt qua mọi nhọc nhằn để tìm đến thày giáo của tôi, nghĩa là, đúng 20 năm sau cái ngày đi thi học sinh giỏi trên huyện Hoài Đức ấy. Tại sao lại “ nhọc nhằn”. Đúng thế, rất nhiều đấu tranh trong tư tưởng, rất nhiều các cuộc bàn luận với chồng, với cả bố mẹ và chị em, vì cả gia đình tôi, từ bố mẹ đến tất cả chúng tôi, đều yêu quí và kính trọng thày. Các cụ và chị em tôi động viên tôi, còn chồng tôi thì hậm hực, khó chịu. Rốt cục thì anh cũng đồng ý đưa tôi đi bằng chiếc Honda cũ kĩ ngày đó lên đường về quê thày.
Ngày hôm đó nắng như đổ lửa, gửi 2 con nhỏ nơi ông bà ngoại, chúng tôi khởi hành từ sáng sớm nhưng mãi đến trưa mới tìm được đến làng của thày.Những con đường bụi mù, nóng như rang, ngày đó chẳng có kính râm, chẳng có áo chống nắng, khẩu trang chống bụi như bây giờ, và cũng chẳng biết đường đi/ lấy đâu ra GPS như bây giờ, thậm chí điện thoại cũng không có để báo trước cho thày và gia đình biết/. Ngay tại đầu làng có một chợ nhỏ, tôi xuống xe hỏi thăm, được 1 bác bán rau chỉ rất cặn kẽ. Khi chúng tôi vào đến xóm, một cậu bé chạc chừng 8-9 tuổi, đen nhẻm, cởi trần, chạy ra và reo lên “ Cô Thục”. Ôi trời, trái tim tôi đứng lại, nhìn cậu bé không chớp mắt, và hiểu ngay ra đấy là cậu con trai đầu lòng của thày giáo tôi. Rồi cậu bé dẫn tôi vào nhà, một ngôi nhà tranh vách đất ba gian, cột chống tuềnh toàng, cửa che bằng những tấm liếp,một bên kê giường có một chiếc màn bộ đội cũ kĩ mắc lửng lơ và 1 bức ảnh thày giáo tôi trong quân phục bộ đội treo trên cây cột.Chỉ một thoáng, tôi đã hiểu hết cuộc sống hiện tại của thày tôi ra sao,đột nhiên tôi bật khóc./ lúc đó chồng tôi đang tìm chỗ dựng xe, đang ngắm mảnh vườn trồng rau cằn cỗi của gia đình thày/.Một loáng sau, gian nhà chật ních,mọi người tự giới thiệu, đây là bà dì, đây là chú em, đây là cô em...nghe tin tôi về thăm, cả họ đã đến. Mãi sau cậu bé mới dẫn mẹ về, vợ thày, một người đàn bà nông dân nhỏ nhắn xinh xắn chạc tuổi tôi,nhưng không thấy thày giáo tôi đâu. Hơi chột dạ, tôi cố kìm nước mắt để hỏi, vỡ lẽ ra rằng thày vừa đi Hà nội sáng sớm nay thăm người chị đang ốm nặng, chiều tối mới về. Cả năm trời thư từ qua lại, họ hàng cô bác vợ con thày đều đã quen biết tôi, đều được nghe thày kể về tôi nên đã vui mừng đón tôi như một người thân trong gia đình.
Chỉ một loáng, các bà, các cô bác đã bày ra một mâm cơm thịnh soạn rất hiếm hoi có được trong một gia đình nông dân thời đó.Chắc mỗi người bưng sang một thứ trong bếp nhà mình, bởi mâm cơm được dọn ra nhanh chóng bất ngờ và đầy đủ, có cả cá chép rán và thịt gà là hai thứ xa xỉ nhất thời bấy giờ. Tôi ăn qua loa để gia đình không buồn, chứ bụng dạ nào mà ăn, cứ hỏi mãi địa chỉ người chị của thày ở Hà nội, chẳng ai nhớ số nhà, chỉ biết tên phố Nguyễn Hữu Huân, con phố 1 chiều dài dằng dặc. Hôm đó, nắng như đổ lửa, sau khi đã gửi tặng lại số quà mang theo / toàn bộ tiêu chuẩn cho 1 nghiên cứu sinh chuẩn bị đi nước ngoài ngày đó gồm 2 tấm vải may quần âu và áo sơ mi, một áo khoác may sẵn và mấy thứ chúng tôi mua thêm dọc đường/ chúng tôi lên đường trở về .Cảm giác trống rỗng và đau xót trong tôi ngày càng tăng bao nhiêu thì anh chồng của tôi lại càng tức giận bấy nhiêu. Tôi đã nài nỉ anh dắt xe đi dọc phố, hỏi từng nhà tên chị của Thày, không ai biết, rồi lại ra bến Nứa, ngóng từng chuyến xe đò đi Hưng yên mà chẳng thấy bóng dáng thày đâu. Tôi đã khóc rất nhiều, buồn cho số phận người thày của mình mỗi khi nhớ lại câu nói của vợ thày khi chỉ chiếc chõng cạnh bờ sông phía sau nhà, bảo rằng: “Ông ấy ngủ ở đó hàng đêm để trông cái vó lưới đánh cá cải thiện thêm, chứ lương giáo viên cấp hai chẳng được bao nhiêu cô ạ.”
Một tuần sau, chỉ còn 2 ngày nữa tôi lên đường, bất ngờ có tiếng gõ cửa, và người thày của tôi xuất hiện. Thày đã tìm đến nhà bố mẹ tôi, khi đó còn ở 111 Phố Huế, rồi bố mẹ tôi chỉ đường cho thày tìm đến chỗ chúng tôi. Người thày trắng trẻo đẹp trai năm xưa bây giờ gày đen, tóc đã điểm bạc dù lúc đó chắc chưa đến 50 tuổi. Thày mang theo gạo nếp, đậu xanh,bánh nếp, bánh tẻ, bảo rằng cả đêm qua họ hàng kéo đến làm giúp để sáng nay thày đi Hà nội sớm. Tôi cảm động không nói được gì, còn chồng tôi ngồi tiếp nước thày, chúng tôi giữ thày ở lại ăn cơm, thày nhất định từ chối, tôi ân hận mãi đến tận bây giờ là đã không mời thày một bữa cơm đàng hoàng như chúng tôi đã được tiếp đón hôm trước ở quê thày. Một phần vì lúng túng, bất ngờ, một phần vì chồng tôi kèm sát từ đầu đến cuối, thậm chí tranh phần đi tiễn thày ra đầu ngõ. Nỗi cay đắng trào lên khi anh ấy trở vào và nói: “ Thế nào, thần tượng của cô sụp đổ rồi chứ?”

Lúc đó, nếu không phải là vì sắp lên đường đi xa, chắc chắn tôi đã hét vào mặt anh ta, rằng anh không là một ai khi đứng cạnh thày tôi, rằng nếu không vì tưởng tượng ra thày trong hình dáng của anh thì anh sẽ chẳng bao giờ bước được vào cuộc đời tôi.Mãi đến bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được câu nói và nét mặt hả hê của anh ta ngày đó, khi thấy thày của tôi nghèo khổ, đen gày, ốm yếu và quê mùa hơn anh ta nghĩ.Nhưng lúc đó, tôi đã im lặng, ngừng bặt và chỉ nhìn anh trân trối. Anh ta đã đánh mất tôi thật sự từ ngày đó./ còn nữa /.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

THANH


Dễ thường bốn mươi năm đã trôi qua, vậy mà tôi vẫn khó quên câu chuyện về một cô gái Hà Nội, người sinh ra trong một thời khắc đang tồn tại sự ăn thua về ý thức hệ, về đấu tranh giai cấp và vì thế, không ít kẻ phải chết oan vì sự ích kỉ của thế nhân, chẳng hiếm tài năng bị vùi dập…Câu chuyện ấy có chút tế nhị, vì thế tôi viết trên tường nhà và không ghi tên thật của nhân vật, âu cùng là cái sự thường tình.
-----
Sinh ra trong một gia đình được ghi trong sơ yếu lý lịch là tư sản, Thanh lớn lên đúng vào thời kì đạn bom của miền Bắc, song là cô gái thông minh và hiền thục. Dám đăng kí thi vào khoa Toán của một trường đại học danh giá, nơi người ta luôn có thói quen chỉ tiếp nhận những thí sinh có lý lịch thuộc diện cơ bản, đa số là công nông binh hay là loại CCCC như cách nói bây giờ. Và Thanh đã trúng tuyển với điểm số cao vọt nên cô buộc phải được nhập học. Nữ sinh này ở nhà số 111 trên đường phố lớn của Thủ đô nên bè bạn vui đùa gọi Thanh bằng cái tên “Cánh cụp cánh xòe” khi họ hay nhắc đến máy bay F111 của Mỹ. Hồi ấy, con gái Hà Nội, lại thuộc diện tư sản, nhà có tiền, đi học lại có chiếc xe đạp nên không phải lúc nào cũng nhận được sự khen ngợi đồng cảm, dù nàng có học giỏi thế nào. Bạn bè quý mến Thanh, thày giáo khen cô gái học giỏi, nhưng chuyện đời thật sự không đơn giản.
Khi Thanh học đến năm thứ 3, cô được học chuyên đề về lý thuyết quy hoạch phi tuyến, một môn học khó và khá phức tạp. Cuối học kì, môn học ấy sẽ thi vấn đáp và ngay bên cạnh phòng thi, thày Kh là trưởng bộ môn kiêm bí thư chi bộ gọi thày giáo Lâm vào và nói nhỏ: 
-Anh Lâm hãy nghe đây, anh hãy vào hỏi thi cái Thanh và quay cho nó hết đường tự cao tự đại con nhà tư sản đấy.
Lâm là giáo viên trẻ, thông minh và nhiều tài lẻ. Theo phân công, anh vào bàn và bắt đầu “tra tấn” cô sinh viên có đôi mắt đen láy ngồi trước mặt. Đề ra trong phiếu bắt thăm của trò là lý thuyết đối ngẫu song thày Lâm đã lôi hết các chương khác ra để vặn cô gái, từ bảng cân đối liên ngành đến lý thuyết xác suất, bài toán vận tải, chu trình Euler…và anh luôn nhận được sự tự tin và chính xác trong câu trả lời của Thanh. Hơn 20 phút lục vấn ấy đã xong, thày Lâm vừa bước ra khỏi phòng thi (Lâm chỉ nhận có mỗi một trách nhiệm này) và đã gặp thày Kh đang chờ anh với câu hỏi gọn: 
- Thế nào rồi, nó tắc tị chứ?
- Tôi không thể làm khác, điểm 5 anh ạ.
Và Lâm trở gót ra khỏi phòng thi, để lại ánh mắt ngạc nhiên pha chút bất mãn của sếp. Câu chuyện chưa đến hồi kết, Lâm đinh ninh mình đã hành động đúng với lương tâm, thế nhưng tuần sau, tình cờ lên phòng giáo vụ có việc, Lâm ngã ngửa khi biết điểm thi hôm ấy của Thanh không phải ở mức cao nhât như mình phê, mà là điểm 3! 
Gần hai năm sau, với những nỗ lực lớn và kết quả không thể phủ nhận, Thanh ra trường và được phân công về công tác tại một vụ của Bộ Công nghiệp. Tại đây, cô gái gặp được một ông Vụ trưởng tài năng, biết người biết việc và chỉ sau hơn hai năm nữa, đích thân ông Vụ trưởng này đề xuất lên Bộ ý kiến gửi Thanh về làm nghiên cứu sinh tại chính nơi cô từng học 4 năm ở đó. Và thế là một lần nữa, dường như lịch sử muốn trêu ngươi con người: “Cánh cụp cánh xòe” không được chào đón mặn mà và tạo những điều kiện như mong muốn, lý do thì có lẽ vẫn là bổn cũ soạn lại, tất cả đã dồn nén lên cô gái, cũng với sự đổ vỡ của gia đình nhỏ để không lâu sau, Thanh xin nghỉ việc và tìm đến vùng đất mới để lập thân. 
Đất lành chim đậu, cô và con gái đến sinh sống ở xứ xở hoa hồng và sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, Thanh được nhà nước Bungarie trao bằng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, cô thường xuyên có giờ giảng ở mấy Đại học châu Âu và sở hữu một khu nhà vườn tuyệt đẹp ngay giữa lòng thủ đô Sophia hoa lệ. Thi thoảng khi có dịp về lại Việt Nam, Thanh vẫn không quên những kỉ niệm buồn vui cùng gương thân quen của các thày, bạn nơi quê nhà

Nguyễn Lưu, tháng 09/2017