Năm 1964, cách đây đúng 50 năm, tôi cùng gia đình sơ tán về quê nội, đồng thời cũng là quê ngoại,làng La khê, xã Văn khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà đông thời bấy giờ.Tôi học lớp 4, trên tôi có 2 chị , chị cả đi sơ tán theo trường phổ thông 3B Hà nội, tôi và chị hai cùng với 6 em về quê. Cha mẹ sinh chúng tôi “ ba năm đôi”, chắc hẳn vì chưa có được các phương tiện phòng tránh thai cũng như ý nghĩ : “Trời sinh voi thì sinh cỏ” đã thấm sâu các thế hệ. Hàng tuần bố mẹ tôi chuyên chở gạo, bánh mỳ, lương khô, cá khô...nói tóm lại, là tất cả nhưng gì mua được bằng đồng lương ít ỏi ngày đó về quê cho 8 chị em chúng tôi. Chúng tôi sống với gia đình bác ruột, chị mẹ tôi, ngôi nhà nằm giữa làng,ngay cạnh chợ Đình, Bia bà ngày nay. Ngôi nhà từ khi có chúng tôi về sơ tán, luôn đầy ắp tiếng cười và cả tiếng khóc trẻ thơ. Làng tôi ngày đó không to như bây giờ, có những lũy tre xanh rờn, rễ bò lan mép bờ ao đầy hoa bèo tím, có những con đường lát gạch nghiêng đỏ chói sau cơn mưa, và có hòn đá Đen rất to và nhẵn bóng nằm giữa ngã ba đường từ nhà chúng tôi đến trường.Làng chúng tôi là làng tằm tơ dệt lụa, tôi vẫn nhớ như in hình bóng bà ngoại tôi ngồi se sợi, bác gái tôi dệt khung cửi, những con thoi kêu lách cách thâu đêm.Cứ vậy chúng tôi đi qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ thời đó.
Cả 4 chị em chúng tôi cùng học trường cấp 1-2 Văn khê, bắt đầu từ chị hai lớp 5, tôi lớp 4, cô tư lớp 3, cô năm lớp 1, còn lại 4 em nhỏ thì ở nhà với ông bà.Hàng ngày, dậy sớm, đánh răng rửa mặt, ăn sáng bằng 1 mẩu bánh mì hay lưng bát cơm nguội, chúng tôi lũ lượt đến trường. Rồng rắn nhau đến cổng trường thì chia tay, rồi lại đợi kẻng tan học, rồng rắn đợi đưa nhau về. Cứ thế, tuổi thơ qua đi êm đềm, mặc dù những năm tháng đói khổ và đầy bất trắc của những tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ,của sự xa bố mẹ, của sự thiếu thốn trăm đường, thiếu cả ngọn đèn dầu, vì 4 chị em chỉ được thắp 1 đèn ngồi học. Nhiều đêm, vì không đủ sáng, tôi và chị hai nhường cho cô tư, cô năm học trước, đến lượt mình ngồi học thì mắt đã nặng trĩu vì buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài, cố chống mắt ngồi học cho đến khi ngủ gục bên ngọn đèn leo lắt sắp cạn dầu.
Vậy mà cả 4 chị em chúng tôi luôn luôn nhất lớp. Tôi là niềm tự hào lớn nhất trong gia đình và của cả trường cấp 2 Văn khê ngày ấy. Tôi học bài nhanh thuộc, tôi viết văn không nháp trước mà điểm vẫn cao, tôi giải toán nhanh đến nỗi thày vừa viết đầu bài xong thì ở dưới tôi đã giải gần xong.Ban ngày, tôi giúp bác và anh con trai bác may quần áo kiếm thêm tiền cho chị em chúng tôi, đỡ đần cho bố mẹ. Năm 1964, tôi 10 tuổi, cao tới bụng các bà các cô, vậy mà ngồi đạp máy khâu nhanh như thợ. Lên lớp 5, rồi lớp 6, lớp 7, tôi là học sinh xuất sắc, năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi cấp Huyện môn Toán, có khi cả 4 môn: Văn, Toán, Lý và Hóa. Thày chủ nhiệm lớp, mỗi lần sắp có kì thi học sinh giỏi, lại đến nhà nhắc bác tôi: “ Bác để cho cháu học, nó là niềm hy vọng của cả trường”,bác bảo: “ Tôi có bắt nó làm đâu, nó thích thì nó làm, buổi tối nó vẫn học Thày ạ.”
Ngày đó, trường tôi có thày giáo dạy Toán tên là Phạm Văn Phúc. Thày trẻ, đẹp trai, trắng lắm, trong khi chúng tôi lam lũ, nhếch nhác, đen nhẻm. Thày chắc mới ra trường Cao đẳng sư phạm, về cấp 2 Văn khê dạy ngay nên có vẻ rất thư sinh, ngượng ngùng trước các học sinh nữ người quê, tuy mới lớp 7 nhưng đã dậy thì, phổng phao, hồng hào.Cuối năm học, chia tay, thày vẽ các bông hồng vào các sổ lưu niệm cho mấy đứa. Thế rồi, chúng tranh nhau mang sổ đến phòng tập thể của thày, đống sổ cao ngất ngưởng từ những ngày còn chưa thi cuối kì, cho đến tận giữa mùa hè năm ấy mà thày vẫn chưa vẽ xong hết đống sổ lưu niệm. Thày không nỡ làm bọn trẻ con buồn rầu và cãi nhau nên nhận sổ của cả lớp. Các bông hồng tô bằng mực đỏ, đỏ thắm,giống nhau như in, cùng những lời chúc cũng giống nhau thày viết nắn nót, vậy mà bọn chúng đứa nào cũng đinh ninh bông hồng của mình to hơn, đỏ hơn, chữ thày viết cho mình nắn nót hơn. Tôi đứng từ xa nhìn các bạn cãi nhau, nhìn chúng nâng niu cuốn sổ có bông hồng đỏ chói, nhìn đống sổ trên bàn thày vơi dần, và một hôm, tôi cũng mang cuốn sổ trắng tinh của mình đến phòng thày. Vậy là tôi cũng có 1 bông hồng đỏ chói,bông hoa đầu tiên trong đời được tặng từ 1 người khác giới, người thày dạy toán của tôi năm đó.Cũng như tất cả các bạn khác, tôi nghĩ mình đã được thày tặng bông hoa to nhất, đỏ nhất, và những dòng chữ thày đề tặng cũng nhiều ý nghĩa nhất.
Tôi bé nhỏ nhất lớp, thày gọi tôi là “ Người lùn Pích mê”, tôi giỏi toán nhất lớp, thày bảo: “ Em phải tiếp tục học chuyên Toán cấp 3”.Làng tôi ngày đó xếp gia đình ông bà , bố mẹ tôi vào loại gì không biết, chỉ biết khi nghe tin tôi thi đỗ, ông trưởng công an xã đã cất công đến tận trường cấp 3 Nguyễn Huệ đề nghị không cho tôi vào học lớp chuyên Toán / vì sẽ được học bổng 9 đồng 1 tháng/. Thày đến gặp Ban giám hiệu trường, đề nghị tha thiết nhân danh các giáo viên cấp 2 trường La khê, nhân danh giáo viên dạy Toán tôi mấy năm liền cho tôi được nhập học. Rốt cục tôi cũng được vào học lớp chuyên Toán của tỉnh Hà Tây năm đó mà tôi đâu có biết nếu không có thày, chắc chẳng bao giờ tôi được đặt chân vào trường chuyên cũng như chẳng bao giờ trở thành giảng viên của 1 trường Đại học sau này.
Mùa hè năm 1967, tôi đi thi học sinh giỏi trên Huyện Hoài Đức. Không nhớ rõ ở trường nào, chỉ biết là thày kèm tôi đi thi. Tôi đạp chiếc xe đạp nhỏ thó, thày đi chiếc xe Thống nhất nam cao lênh khênh từ làng La khê đến Huyện lỵ. Đang đi đến đoạn phố huyện, bỗng còi báo động rú lên, thày quẳng chiếc xe của mình bên vệ đường, ấn tôi vào hầm tăng xê cùng mấy người lớn lạ mặt. Tôi sợ chết khiếp không dám ngẩng đầu nhìn lên, cũng chẳng biết chiếc xe của mình ở đâu, khi bắt đầu thút thít khóc vì sợ mất xe đạp thì còi báo yên vang lên. Mọi người trèo lên khỏi hầm, tôi quá nhỏ bé, không tự trèo được, rồi bỗng 1 cánh tay lôi tôi lên và 1 khuôn mặt trắng trẻo tươi cười bảo tôi : “Đừng lo mất xe, thày ngồi trên miệng hầm trông xe cho em đây”. Năm ấy, tôi thi đỗ cao nhất, được nhận rất nhiều giải thưởng / thực ra cũng không nhớ là giải thưởng cho môn nào nữa./Khi tôi về trường La khê, thày đứng với các thày cô giáo khác, bảo rằng, mắt nó sáng thế kia làm gì mà nó không đỗ cao. Tôi chỉ nghe thấy vậy, bỏ chạy ù té vì xấu hổ.Nghe đâu năm đó thày cũng đạt danh hiệu “ Giáo viên dạy giỏi”, vì ngoài tôi ra, còn nhiều học sinh các lớp thày dạy cũng đạt điểm thi rất cao khi tốt nghiệp.
Đang học chuyên Toán, đến đầu năm học lớp 10, cuối năm 1970, tôi nghe tin thày đi bộ đội.Tôi về làng La khê thân yêu để cùng các bạn tiễn thày lên đường. Chúng tôi xếp hàng dài tới hàng vài trăm mét ở sân kho hợp tác xã rồi cùng cả đoàn lính mới đi dọc đường 6 từ thị xã Hà đông hướng phía Mai lĩnh. Học sinh trường Văn khê đi tiễn thày, khóc như mưa như gió, đông tới mức làm dân đứng hai bên đường kinh ngạc hỏi nhau, lũ trẻ kia làm sao vậy. Tôi dấu khuôn mặt đầm nước mắt dưới chiếc nón, xấu hổ không dám ngẩng đầu lên nhìn ai, chỉ sợ một ai đó đọc được mọi ý nghĩ của mình, hòa trong đám học sinh của thày. Dòng học sinh đi tiễn thưa dần, cho đến điểm tập kết đội ngũ thì chỉ còn lại vài đứa lớn chúng tôi chia tay với thày.Thày dặn dò tôi: “Em cố học cho giỏi”. Chỉ có vậy thôi, rồi thày lên xe và đi ra trận.Ngày thày đi chiến trường B, trên đường hành quân thày viết cho tôi 1 lá thư, lá thư lưu lạc mãi 1 năm sau tôi mới nhận được khi đã là sinh viên.Tôi trân trọng và giữ gìn lá thư đó cho mãi tới hôm nay.
Năm 1976, tôi tốt nghiệp Đại học, ở lại trường giảng dạy.Tình cờ, hè năm đó, trường cử tôi đi coi thi tuyển sinh Đại học tại ngay thị xã Hà đông. Hội đồng tuyển thi năm đó kết hợp với giáo viên các trường cấp 2 trong thị xã.Và cũng ngày hôm đó, tôi nhận ra cô Đắc, hiệu trưởng trường cấp 2 La khê năm nào. Tại hội trường sau hôm thi tuyển sinh, cô Đắc bảo tôi : “Thày Phúc còn sống và đã trở về quê Hưng Yên, huyện ...”. Trời ơi, suốt những năm sinh viên, hình bóng thày giáo của tôi chưa một ngày phai mờ, nhưng trái tim non nớt đầy sợ hãi không dám khẳng định tình cảm của mình, chỉ biết trông mong một ngày được gặp lại thày, lúc này tưởng chừng như vỡ ra vì xúc động. Tôi đã khóc nhiều đêm sau đó, kể cả khi tôi lấy chồng,chỉ vì ân hận một điều: Chưa được gặp lại thày.
Nhưng rồi cuộc đời đã cho tôi cơ may, niềm mong mỏi đã thành hiện thực.Năm 1986, cùng đoàn Nghiên cứu sinh của tôi có một anh bạn người Hưng yên. Trong một giờ giải lao khi đang học Ngoại ngữ ở Thanh xuân, hỏi nhau quê quán, tôi tình cờ hiểu rằng anh ấy cùng quê với thày. Rồi tôi kể câu chuyện về thày giáo của tôi, anh ấy rất cảm động, bảo rằng sẽ giúp tôi tìm thày. Ngày đó, đi ra khỏi Hà nội vài chục / chưa nói tới vài trăm/ km, đã là cả một chuyện khó khăn. Rồi một lần anh ấy bảo: “Ông anh tôi cũng là giáo viên cấp 2 trên Huyện, tôi đã nói chuyện, anh ấy quen biết thày Phúc”. Thế rồi tôi viết thư nhờ anh bạn chuyển qua anh ấy đến thày. Vậy là tôi đã tìm được người thày của mình sau 16 năm bặt vô âm tín. / còn tiếp/.