Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

CUBA- 2002

Năm Nhâm Ngọ 2002, tôi đến thăm Cuba. Nửa bên kia của trái đất thanh bình, xinh đẹp, biển xanh một màu xanh chưa từng thấy ở đâu, lung linh như viên ngọc bích. Người Cuba hiền lành, cam chịu, và thật tội nghiệp, vì họ sẵn sàng xuống đường đi mít tinh hàng ngày trời dưới nắng gay gắt 40 độ, hô hàng trăm lần " Viva Phi Del", " Viva Cu Ba", chỉ để cuối ngày được nhận 1 túi khoảng 10 chiếc bánh mỳ bé bằng bàn tay. Nếu là nhà chính trị của giai cấp thống trị, tôi sẽ cảm phục họ, sẽ ca ngợi họ về lòng yêu Tổ quốc, yêu chế độ , yêu lãnh đạo Phi Del. Còn tôi, chỉ là một khách qua đường nơi đây để ngắm cảnh, ngắm người, thấy sự đổ nát hoang tàn chính giữa trung tâm Thủ đô Habala, thấy bà bán bán rán " chui" trước cổng trường học cho bọn trẻ trong một cái túi đeo vai, mắt trước mắt sau sợ cảnh sát bắt, thấy hàng triệu người xuống đường hô khẩu hiệu nghênh tiếp Phi Del và chính phủ nhân ngày Quốc khánh để buổi tối về được nhận bánh mỳ, tôi thấy xót xa và khó hiểu, thầm thán phục vị Thủ lĩnh tại vị mấy chục năm tại đất nước này.
Nhưng thôi, chẳng bàn tán làm gì chuyện của họ, dù sao tôi cũng đã biết đến 1 vùng đất mới, những con người thân thiện hiền lành, bãi biển cát trắng như gương và biển xanh như ngọc. Chí ít khi ra về tôi cũng đã có mấy kiểu ảnh kỉ niệm, một chiếc áo sơ mi đúng kiểu Cuba và hai quả lắc làm từ những quả bầu khô làm kỉ niệm. 






Chợ nông trường, chỉ thấy người, những sạp rau quả úa héo



  Hihi, giống gái Cuba chưa nào? 




Có lẽ đây là nơi đẹp nhất của Thủ đô Habanla




Những di tích còn sót lại của thế kỉ trước chưa bị bào mòn bởi năm tháng và chiến tranh


Và dù sao thì cũng vui cười . Mới vậy mà đã một giáp qua rồi, năm 2014 liệu còn có nụ cười thế này không đây?

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Đêm Giáng sinh 24 tháng 12

                         






Ngày 24 tháng 12 kết thúc bằng một buổi lễ long trọng. Ở thời chưa có đạo, con người cho đó là ngày sinh ra một mặt trời và một năm thiên văn mới.Còn với những người theo Đạo Thiên chúa, họ chào đón ngày sinh của Chúa Jesu Kristos.Chẳng ai biết chính xác ngày sinh của Jesus Kristos, nhưng từ thế kỉ thứ 6, nhà thờ đặt ngày 25 tháng 12 là ngày Chúa giáng sinh để chối bỏ  ngày ra đời  Thần Mitra của Batư cũng vào ngày này. Đêm ngày 24 được gọi là Đêm Giáng sinh.
Những người theo Đạo thiên chúa  chuẩn bị rất long trọng cho tiệc lễ đêm ngày 24. Theo tục lệ cổ truyền, người ta nấu các món ăn như đậu, ớt nhồi thịt nướng, cơm bọc trong lá nho, hạt lúa mì, bánh làm từ bí ngô, tỏi,mật ong, hạt quả óc chó, các loại hoa quả ....và bánh mỳ tự nướng với mong muốn cho năm sắp tới sẽ có đầy đủ mọi thức ăn. Các món kể trên có thể 7, 9 hoặc 11 món. Miếng bánh mỳ bẻ ra đầu tiên/ không cắt bằng dao/ sẽ được dâng lên Đức mẹ, sau đó, một miếng dành cho những người đã chết, một miếng cho ngôi nhà đang ở. Bánh mì được phân phát cho tất cả mọi người trong nhà, kể cả những con súc vật nuôi trong nhà như chó, gà...Sau bữa tiệc đêm Giáng sinh, mọi đồ ăn đồ uống còn lại vẫn để trên bàn không dọn đi với hi vọng Chúa sẽ tới thăm ngôi nhà của họ.
Người ta đặt cỏ trong máng để nhớ lại nơi Đức mẹ đồng trinh đã sinh ra chúa Jesus.Người lớn tuổi nhất trong gia đình hoặc dòng họ đọc lời cầu nguyện trước bữa ăn. Ngọn lửa đốt bằng gỗ sồi hoặc gỗ cây lê trong đêm Giáng sinh phải được giữ cháy suốt đêm không để cho tắt, giữ ấm cho ngôi nhà cũng như biểu tượng của ánh sáng của sự ra đời của Chúa Jesus.Mọi người tin rằng đêm Chúa ra đời sẽ có nhiều điều huyền thoại xảy, sẽ mang lại sức khỏe và may mắn cho mọi người trong gia đình.





Đêm Giáng sinh tại Sofia, Thủ đô của Cộng hòa Bulgaria











Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Nikulden – ngày lễ Thánh Nicolas ở Bulgaria

Thánh Nicolas còn được gọi là Santa Claus và người Việt nam thường gọi là Ông già Noel. Lễ kính vị thánh này là vào ngày 6 tháng 12 hàng năm (ngày mất của Thánh Nicolas).
Hôm nay là một trong những ngày lễ lớn nhất Bulgaria, lễ Nikulden, dành riêng cho thánh Nicholas.  Nếu sấm sét trên thiên đường thuộc thánh Elias và dưới thế giới âm phủ là Michael Archangel, thì phần không gian giữa trái đất và thiên đàng là của thánh Nicholas.
Có một truyền thuyết kể về việc phân chia thế giới. Trong đó Thánh Nicholas được phân các vùng biển, sông hồ, và vì thế ông được coi là người bảo trợ toàn bộ thế giới mặt nước, cũng như gió biển. Ông là vị thánh bảo trợ cho các vùng biển, sông hồ, cho các thủy thủ và ngư dân, doanh nhân và chủ ngân hàng, cho gia đình và dòng họ.
Thánh Nicholas là người làm biển động, tạo ra và dừng những cơn gió. Ông đi dạo quanh biển, cứu vớt tàu thuyền, thủy thủ và ngư dân gặp nạn trên biển. Theo tín ngưỡng dân gian, khi Thánh Nicholas tức giận ông gây ra bão tố làm nhấn chìm tàu thuyền. Đó là lý do tại sao dân chúng nói rằng trong ngày lễ Thánh Nicholas (Nikulden) tất cả thuyền buồm ngừng di chuyển, để xoa dịu và tỏ lòng tôn kính bắt buộc đối với vị thánh bảo trợ.
Trong ngày lễ Nikulden nhất thiết phải ăn cá
Theo truyền thống vào ngày này trên mỗi bàn ăn phải có món cá, thường là cá chép, bởi vì theo truyền thuyết cá chép là “đầy tớ” của Thánh Nicholas.
Có một truyền thuyết nói rằng trong một lần, khi Thánh cùng với những người đồng hành của mình đi trên một chiếc thuyền, sóng biển mạnh làm thủng đáy tàu. Nicholas kéo từ dưới biển lên một con cá chép, bịt vào lỗ trên thuyền, và nhờ vậy tất cả mọi người được cứu thoát.
Ngày lễ này là để tế biển. Đồ tế lễ là cá còn nguyên vảy, cá không có vảy mang lại những suy nghĩ buồn và nghèo đói. Khi làm cá phải đánh vảy thật cẩn thận không để rơi xuống đất. Nếu vẫn có vảy cá rơi xuống đất thì không được dẫm lên, vì nếu ai dẫm lên vẩy cá sẽ không có sức khỏe tốt trong suốt cả năm. Xương cá được được thu nhặt lại và đem đốt, chôn xuống đất hoặc thả trong nước.
Cá chép được nhồi đầy gạo, bulgur, quả óc chó, hành tây và nho khô, bọc lại và nướng trong bột. Món ăn của ngày lễ được nấu như vậy và được gọi là “Rybnik”.
Rybnik – món cá chép tẩm bột, được coi là món ăn truyền thống của ngày lễ. Cá được nướng trong lò, cùng với bánh mì lễ – hai chiếc bánh cho mỗi nhà. Trong ngày lễ thánh Nicholas trên bàn ăn, ngoài món rybnik và bánh mì nghi lễ, phải có cả các món chay như: ngô luộc, lúa mì, lá rau, ớt, đậu.
Theo tục lệ, các bà nội trợ giữ lại xương đầu cá, có hình dạng như cây thánh giá.
Xương này – “krahche” hay “duna – đáy” được coi là có thể chữa bệnh. Các bà mẹ khâu nó vào mũ của trẻ sơ sinh để bảo vệ chúng khỏi những ánh mắt ác.
Có nhiều chuyện kể về đời sống đạo đức và lòng tốt của Thánh Nicholas, nổi tiếng nhất là câu chuyện ở thành phố Petra quê hương ông. Một người vốn giàu có và được tôn kính trong thành phố bất ngờ bị phá sản và không thể gả chồng cho ba cô con gái của mình vì không có của hồi môn. Một đêm, Thánh Nicholas bí mật ném qua cửa sổ nhà người đàn ông tội nghiệp đó một túi lớn đầy tiền vàng. Sáng dậy người cha không thể tin vào mắt mình – ngay giữa phòng lấp lánh những đồng tiền vàng. Ông hết lòng cám ơn Chúa và nhờ số vàng đó chẳng bao lâu sau cô con gái đầu lòng của ông đã lấy được một chàng trai tốt.
Sau đó ông lại lo lắng việc cưới gả cho cô thứ hai, thì ông lại cũng nhận được một túi tiền vàng để làm lễ thành hôn cho cô. Ngoài việc cám ơn Chúa, ông đoán là có một ân nhân nào đó bí mật giúp đỡ.
Vì còn cô thứ ba phải cưới gả, nên ông quyết định rình xem để nhìn tận mặt vị ân nhân. ”Lạy Chúa nhân từ – người cha cầu xin – hãy cho tôi thấy được ân nhân của mình!” Chẳng bao lâu mong muốn của ông được đáp ứng. Một đêm tối trời, ông nghe thấy tiếng ai đó mở cửa sổ và lần thứ ba bay vào một chiếc túi đầy vàng. Ông vội lao ra ngoài chạy theo người lạ, và khi đuổi kịp ông nhận ra Thánh Nicholas. Ông bèn quỳ xuống trước Thánh nhân và nói: “Nếu Chúa không gửi Ngài xuống cứu vớt chúng tôi, có khi tôi đã thành kẻ ăn xin hoặc một tên trộm. Cảm ơn Ngài đã giữ cho tôi tránh khỏi tội lỗi”.
Sau đó người đàn ông trở thành ngư dân và mỗi lần bắt được cá, ông đều hôn lên con cá và nói: “Vì Thánh Nicholas”. Kể từ đó, vào ngày 06 tháng 12 người ta đều ăn cá, đặc biệt là cá chép, tượng trưng cho sức mạnh và sự tốt lành.
Trương truyền rằng khi đóng xong một chiếc thuyền mới, trên đó phải gắn biểu tượng của Thánh Nicholas. Người ta tin rằng nó sẽ bảo vệ con thuyền khỏi các cơn bão to gió lớn. Những khi có bão, những người vợ ngư dân đi ra bờ biển mang theo ảnh Thánh và nhúng xuống nước ba lần như một câu thần chú để đưa người đàn ông của họ còn sống mạnh khỏe trở về.

By  Thanh Hằng / https://doanbulgaria1976.wordpress.com/