Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Định nghĩa Tình yêu




Hội thảo của các nhà khoa học với chủ đề " Tình yêu là gì". Nhà khoa học đầu tiên phát biểu:
- Tình yêu là căn bệnh bắt mọi người phải nằm giường
Nhà khoa học thứ hai:
- Hãy khoan, căn bệnh gì mà chẳng người bệnh nào muốn được chữa chạy? Tình yêu là công việc.
Nhà khoa học thứ ba:
- Công việc gì mà lại thế, khi mà bộ phận chính của cơ thế lại đứng im tại chỗ? Tình yêu là một vụ kiện.
Nhà khoa học thứ tư lên tiếng:
- Vụ kiện gì mà chẳng ai đau khổ, cả đôi bên đều hài lòng? Tình yêu là một nghệ thuật.
Nhà khoa học tiếp theo: 
-Sao lại có thể là một nghệ thuật khi tất cả mọi người đều làm được? Tình yêu là một môn khoa học.
Cuối cùng, nhà khoa học lão thành, vị giáo sư đáng kính nhiều tuổi nhất lên tiếng:
-Môn khoa học gì mà tất cả các sinh viên đều làm được, còn tôi thì không thể?

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Khách giang hồ

Khuất khúc non sông mấy nhịp cầu
Những là gió Á với mưa Âu
Đời chưa duyên kiếp, ai xanh mắt
Khách chẳng công danh cũng bạc đầu
Cảnh cũ đòi phen thay chủ mới
Đường xa kinh nỗi suốt đêm thâu
Giang hồ chưa đã bao nhiêu bước 
Mà cuộc trần ai mấy bể dâu !

/ Thơ Tản Đà toàn tập, tập 1, NXB Văn học/



Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Tôi có người Thày như thế



Năm 1964, cách đây đúng 50 năm, tôi cùng gia đình sơ tán về quê nội, đồng thời cũng là quê ngoại,làng La khê, xã Văn khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà đông thời bấy giờ.Tôi học lớp 4, trên tôi có 2 chị , chị cả đi sơ tán theo trường phổ thông 3B Hà nội, tôi và chị hai cùng với 6 em về quê. Cha mẹ sinh chúng tôi “ ba năm đôi”, chắc hẳn vì chưa có được các phương tiện phòng tránh thai cũng như ý nghĩ : “Trời sinh voi thì sinh cỏ” đã thấm sâu các thế hệ. Hàng tuần bố mẹ tôi chuyên chở gạo, bánh mỳ, lương khô, cá khô...nói tóm lại, là tất cả nhưng gì mua được bằng đồng lương ít ỏi ngày đó về quê cho 8 chị em chúng tôi. Chúng tôi sống với gia đình bác ruột, chị mẹ tôi, ngôi nhà nằm giữa làng,ngay cạnh chợ Đình, Bia bà ngày nay. Ngôi nhà từ khi có chúng tôi về sơ tán, luôn đầy ắp tiếng cười và cả tiếng khóc trẻ thơ. Làng tôi ngày đó không to như bây giờ, có những lũy tre xanh rờn, rễ bò lan mép bờ ao đầy hoa bèo tím, có những con đường lát gạch nghiêng đỏ chói sau cơn mưa, và có hòn đá Đen rất to và nhẵn bóng nằm giữa ngã ba đường từ nhà chúng tôi đến trường.Làng chúng tôi là làng tằm tơ dệt lụa, tôi vẫn nhớ như in hình bóng bà ngoại tôi ngồi se sợi, bác gái tôi dệt khung cửi, những con thoi kêu lách cách thâu đêm.Cứ vậy chúng tôi đi qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ thời đó.

Cả 4 chị em chúng tôi cùng học trường cấp 1-2 Văn khê, bắt đầu từ chị hai lớp 5, tôi lớp 4, cô tư lớp 3, cô năm lớp 1, còn lại 4 em nhỏ thì ở nhà với ông bà.Hàng ngày, dậy sớm, đánh răng rửa mặt, ăn sáng bằng 1 mẩu bánh mì hay lưng bát cơm nguội, chúng tôi lũ lượt đến trường. Rồng rắn nhau đến cổng trường thì chia tay, rồi lại đợi kẻng tan học, rồng rắn đợi đưa nhau về. Cứ thế, tuổi thơ qua đi êm đềm, mặc dù những năm tháng đói khổ và đầy bất trắc của những tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ,của sự xa bố mẹ, của sự thiếu thốn trăm đường, thiếu cả ngọn đèn dầu, vì 4 chị em chỉ được thắp 1 đèn ngồi học. Nhiều đêm, vì không đủ sáng, tôi và chị hai nhường cho cô tư, cô năm học trước, đến lượt mình ngồi học thì mắt đã nặng trĩu vì buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài, cố chống mắt ngồi học cho đến khi ngủ gục bên ngọn đèn leo lắt sắp cạn dầu.

Vậy mà cả 4 chị em chúng tôi luôn luôn nhất lớp. Tôi là niềm tự hào lớn nhất trong gia đình và của cả trường cấp 2 Văn khê ngày ấy. Tôi học bài nhanh thuộc, tôi viết văn không nháp trước mà điểm vẫn cao, tôi giải toán nhanh đến nỗi thày vừa viết đầu bài xong thì ở dưới tôi đã giải gần xong.Ban ngày, tôi giúp bác và anh con trai bác may quần áo kiếm thêm tiền cho chị em chúng tôi, đỡ đần cho bố mẹ. Năm 1964, tôi 10 tuổi, cao tới bụng các bà các cô, vậy mà ngồi đạp máy khâu nhanh như thợ. Lên lớp 5, rồi lớp 6, lớp 7, tôi là học sinh xuất sắc, năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi cấp Huyện môn Toán, có khi cả 4 môn: Văn, Toán, Lý và Hóa. Thày chủ nhiệm lớp, mỗi lần sắp có kì thi học sinh giỏi, lại đến nhà nhắc bác tôi: “ Bác để cho cháu học, nó là niềm hy vọng của cả trường”,bác bảo: “ Tôi có bắt nó làm đâu, nó thích thì nó làm, buổi tối nó vẫn học Thày ạ.”

Ngày đó, trường tôi có thày giáo dạy Toán tên là Phạm Văn Phúc. Thày trẻ, đẹp trai, trắng lắm, trong khi chúng tôi lam lũ, nhếch nhác, đen nhẻm. Thày chắc mới ra trường Cao đẳng sư phạm, về cấp 2 Văn khê dạy ngay nên có vẻ rất thư sinh, ngượng ngùng trước các học sinh nữ người quê, tuy mới lớp 7 nhưng đã dậy thì, phổng phao, hồng hào.Cuối năm học, chia tay, thày vẽ các bông hồng vào các sổ lưu niệm cho mấy đứa. Thế rồi, chúng tranh nhau mang sổ đến phòng tập thể của thày, đống sổ cao ngất ngưởng từ những ngày còn chưa thi cuối kì, cho đến tận giữa mùa hè năm ấy mà thày vẫn chưa vẽ xong hết đống sổ lưu niệm. Thày không nỡ làm bọn trẻ con buồn rầu và cãi nhau nên nhận sổ của cả lớp. Các bông hồng tô bằng mực đỏ, đỏ thắm,giống nhau như in, cùng những lời chúc cũng giống nhau thày viết nắn nót, vậy mà bọn chúng đứa nào cũng đinh ninh bông hồng của mình to hơn, đỏ hơn, chữ thày viết cho mình nắn nót hơn. Tôi đứng từ xa nhìn các bạn cãi nhau, nhìn chúng nâng niu cuốn sổ có bông hồng đỏ chói, nhìn đống sổ trên bàn thày vơi dần, và một hôm, tôi cũng mang cuốn sổ trắng tinh của mình đến phòng thày. Vậy là tôi cũng có 1 bông hồng đỏ chói,bông hoa đầu tiên trong đời được tặng từ 1 người khác giới, người thày dạy toán của tôi năm đó.Cũng như tất cả các bạn khác, tôi nghĩ mình đã được thày tặng bông hoa to nhất, đỏ nhất, và những dòng chữ thày đề tặng cũng nhiều ý nghĩa nhất.

Tôi bé nhỏ nhất lớp, thày gọi tôi là “ Người lùn Pích mê”, tôi giỏi toán nhất lớp, thày bảo: “ Em phải tiếp tục học chuyên Toán cấp 3”.Làng tôi ngày đó xếp gia đình ông bà , bố mẹ tôi vào loại gì không biết, chỉ biết khi nghe tin tôi thi đỗ, ông trưởng công an xã đã cất công đến tận trường cấp 3 Nguyễn Huệ đề nghị không cho tôi vào học lớp chuyên Toán / vì sẽ được học bổng 9 đồng 1 tháng/. Thày đến gặp Ban giám hiệu trường, đề nghị tha thiết nhân danh các giáo viên cấp 2 trường La khê, nhân danh giáo viên dạy Toán tôi mấy năm liền cho tôi được nhập học. Rốt cục tôi cũng được vào học lớp chuyên Toán của tỉnh Hà Tây năm đó mà tôi đâu có biết nếu không có thày, chắc chẳng bao giờ tôi được đặt chân vào trường chuyên cũng như chẳng bao giờ trở thành giảng viên của 1 trường Đại học sau này.

Mùa hè năm 1967, tôi đi thi học sinh giỏi trên Huyện Hoài Đức. Không nhớ rõ ở trường nào, chỉ biết là thày kèm tôi đi thi. Tôi đạp chiếc xe đạp nhỏ thó, thày đi chiếc xe Thống nhất nam cao lênh khênh từ làng La khê đến Huyện lỵ. Đang đi đến đoạn phố huyện, bỗng còi báo động rú lên, thày quẳng chiếc xe của mình bên vệ đường, ấn tôi vào hầm tăng xê cùng mấy người lớn lạ mặt. Tôi sợ chết khiếp không dám ngẩng đầu nhìn lên, cũng chẳng biết chiếc xe của mình ở đâu, khi bắt đầu thút thít khóc vì sợ mất xe đạp thì còi báo yên vang lên. Mọi người trèo lên khỏi hầm, tôi quá nhỏ bé, không tự trèo được, rồi bỗng 1 cánh tay lôi tôi lên và 1 khuôn mặt trắng trẻo tươi cười bảo tôi : “Đừng lo mất xe, thày ngồi trên miệng hầm trông xe cho em đây”. Năm ấy, tôi thi đỗ cao nhất, được nhận rất nhiều giải thưởng / thực ra cũng không nhớ là giải thưởng cho môn nào nữa./Khi tôi về trường La khê, thày đứng với các thày cô giáo khác, bảo rằng, mắt nó sáng thế kia làm gì mà nó không đỗ cao. Tôi chỉ nghe thấy vậy, bỏ chạy ù té vì xấu hổ.Nghe đâu năm đó thày cũng đạt danh hiệu “ Giáo viên dạy giỏi”, vì ngoài tôi ra, còn nhiều học sinh các lớp thày dạy cũng đạt điểm thi rất cao khi tốt nghiệp.

Đang học chuyên Toán, đến đầu năm học lớp 10, cuối năm 1970, tôi nghe tin thày đi bộ đội.Tôi về làng La khê thân yêu để cùng các bạn tiễn thày lên đường. Chúng tôi xếp hàng dài tới hàng vài trăm mét ở sân kho hợp tác xã rồi cùng cả đoàn lính mới đi dọc đường 6 từ thị xã Hà đông hướng phía Mai lĩnh. Học sinh trường Văn khê đi tiễn thày, khóc như mưa như gió, đông tới mức làm dân đứng hai bên đường kinh ngạc hỏi nhau, lũ trẻ kia làm sao vậy. Tôi dấu khuôn mặt đầm nước mắt dưới chiếc nón, xấu hổ không dám ngẩng đầu lên nhìn ai, chỉ sợ một ai đó đọc được mọi ý nghĩ của mình, hòa trong đám học sinh của thày. Dòng học sinh đi tiễn thưa dần, cho đến điểm tập kết đội ngũ thì chỉ còn lại vài đứa lớn chúng tôi chia tay với thày.Thày dặn dò tôi: “Em cố học cho giỏi”. Chỉ có vậy thôi, rồi thày lên xe và đi ra trận.Ngày thày đi chiến trường B, trên đường hành quân thày viết cho tôi 1 lá thư, lá thư lưu lạc mãi 1 năm sau tôi mới nhận được khi đã là sinh viên.Tôi trân trọng và giữ gìn lá thư đó cho mãi tới hôm nay.

Năm 1976, tôi tốt nghiệp Đại học, ở lại trường giảng dạy.Tình cờ, hè năm đó, trường cử tôi đi coi thi tuyển sinh Đại học tại ngay thị xã Hà đông. Hội đồng tuyển thi năm đó kết hợp với giáo viên các trường cấp 2 trong thị xã.Và cũng ngày hôm đó, tôi nhận ra cô Đắc, hiệu trưởng trường cấp 2 La khê năm nào. Tại hội trường sau hôm thi tuyển sinh, cô Đắc bảo tôi : “Thày Phúc còn sống và đã trở về quê Hưng Yên, huyện ...”. Trời ơi, suốt những năm sinh viên, hình bóng thày giáo của tôi chưa một ngày phai mờ, nhưng trái tim non nớt đầy sợ hãi không dám khẳng định tình cảm của mình, chỉ biết trông mong một ngày được gặp lại thày, lúc này tưởng chừng như vỡ ra vì xúc động. Tôi đã khóc nhiều đêm sau đó, kể cả khi tôi lấy chồng,chỉ vì ân hận một điều: Chưa được gặp lại thày.

Nhưng rồi cuộc đời đã cho tôi cơ may, niềm mong mỏi đã thành hiện thực.Năm 1986, cùng đoàn Nghiên cứu sinh của tôi có một anh bạn người Hưng yên. Trong một giờ giải lao khi đang học Ngoại ngữ ở Thanh xuân, hỏi nhau quê quán, tôi tình cờ hiểu rằng anh ấy cùng quê với thày. Rồi tôi kể câu chuyện về thày giáo của tôi, anh ấy rất cảm động, bảo rằng sẽ giúp tôi tìm thày. Ngày đó, đi ra khỏi Hà nội vài chục / chưa nói tới vài trăm/ km, đã là cả một chuyện khó khăn. Rồi một lần anh ấy bảo: “Ông anh tôi cũng là giáo viên cấp 2 trên Huyện, tôi đã nói chuyện, anh ấy quen biết thày Phúc”. Thế rồi tôi viết thư nhờ anh bạn chuyển qua anh ấy đến thày. Vậy là tôi đã tìm được người thày của mình sau 16 năm bặt vô âm tín. / còn tiếp/.





Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Ngày này năm xưa.





Em nhớ ngày xưa xa xôi
Anh cắt săm xe đạp, tặng em làm chun buộc tóc
Cái dây chun đã buộc chặt
Không phải tóc, mà buộc cả đời em .

Thế nhưng năm tháng phôi pha
Chun rã rời chẳng còn đủ sức
Bung ra, sợi ngang, sợi dọc
Tóc em bay trong gió,chẳng cần chun

Sợi chun chẳng buộc được tóc em
Cũng như anh, dù cố tình chăng nữa
Bởi chúng ta, mỗi người mỗi nửa
Hai mảnh cuộc đờichẳng thể ghép thành đôi


Hôm nay, /ngày này năm xưa xa xôi/
Tóc tung buộc lại, dù đã bạc
Có một người chẳng tặng dây chun em cuộn tóc
Mà tặng em sợi chỉ buộc cổ tay


Dù chẳng biết nói yêu, chẳng biết chiều, biết nựng
Nhưng sợi chỉ kia đã buộc em rồi
Năm tháng sẽ trôi đi, chỉ phai màu sương gió
Mở lòng yêu thương, hạnh phúc mỉm cười./.






Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Mùa thu không trở lại.

 Đọc lại để nhớ những ngày buồn vui đầy kỉ niệm, chẳng biết nên đi đâu, về đâu những năm 90 thế kỉ 20. Thoáng vậy mà đã 20 năm qua rồi, cuộc đời thật như " vó câu qua cửa sổ".



Có một lần bên anh ,em nói khẽ:
" Anh tin không, em đi chỉ 1 tuần
Anh đừng giận và đừng buồn anh nhé
Em đi rồi còn ai nữa mà mong"

Em đi rồi, có trở lại nữa không?
Mùa thu tiễn em qua miền sơ vắng
Mỏng manh quá lời yêu không đủ ấm
Những đam mê ngày ấy ngỡ qua rồi

Nỗi khổ này tôi biết có mình tôi
Em như rượu, em làm tôi cháy mất
Lời yêu ấy tôi tin là có thật
Em một mình đốt hết cả mùa thu

Ở bên em thành phố có sương mù
Nơi xa vắng em buồn như cỏ dại
Em đi rồi, mùa thu không trở lại
Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh

Về đi em, về đi sống bên anh
Mùa thu mãi mãi còn trong kí ức
Ta bên nhau ngàn đời là có thật
Em ra đi ngần ấy đủ rồi.

Ly rượu buồn tôi uống với mình tôi
Trong quán vắng " Cafe de Paris"
Tiếng nhạc buồn cùng tim tôi thổn thức
Em ở đâu? Mùa thu mãi xa vời./.

Namcua & K.B.T,  1995 Sofia Bulgaria

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Cảm thu

Thu vàng nhưng Cúc không vàng
Hương thu hương Cúc dịu dàng ngất ngây
Ngày mai tuyết trắng,gió bay
Tàn thu,tàn Cúc,còn đây ....một mình.






Một sớm thu buồn,sương khói bay
Mờ trông vườn rộng lá rơi đầy
Chim bay về tổ tìm hơi ấm
Chỉ một mình ta ở lại đây








Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

CHUYỆN TÌNH RÙA HẠC CHỐN THIỀN MÔN

Lá sen “cõng người”, chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó  giải thích, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã.
Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết. 
Một lần phạm giới tu hành, Hạc đã bị sư chủ cho “hoàn tục”. Hạc bay đi, Rùa buồn ủ rũ, Rùa đã mất sau ba ngày tuyệt thực. Tình bạn vỏn vẹn 3 năm giữa Hạc và Rùa vẫn được người đời truyền tai nhau khi bước chân vào chùa Phước Kiển Tự (Hòa Tân – Châu Thành – Đồng Tháp).
Chim hac
Ngôi chùa ngoài câu chuyện bi thương giữa hai linh vật, thì còn nổi tiếng vì độc hữu loài sen vua “cõng người” chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu trên đất Việt.
Sen “cõng người” trong Phước Kiển Tự
Từ nhiều năm nay, ngôi chùa nhỏ nằm trên vùng Nha Mân, được biết đến là cái nôi sản sinh con gái đẹp nổi tiếng phương Nam luôn tấp nập khách thập phương. Họ đến để tận mắt ngắm loài hoa sen khổng lồ có một không hai trên đất Việt Nam. Và, để trải nghiệm cảm giác ngồi trên lá sen dập dềnh trên mặt nước, tha hồ ngắm đất trời, cây cỏ và những loài cá hiền hòa dưới lòng hồ.
Vì sao lá sen có khả năng chịu đựng trọng lượng của một con người ? Vì sao lá sen khổng lồ ấy lại chỉ mọc trong ao một ngôi chùa nhỏ tận vùng Đồng Tháp ? Câu hỏi đó, hiện nay đang là đề tài nghiên cứu hấp dẫn và hóc búa của giới khoa học trong và ngoài nước.
4 Chua phuoc kieng 1Từ chợ Nha Mân, chúng tôi dễ dàng hỏi thăm về nơi đang giữ huyền tích lá sen khổng lồ, người dân vui cười chỉ dẫn tường tận và sẵn sàng xác nhận rằng, lá sen “cõng người” là sự thật. Hầu hết bà con ở quanh vùng đều ít nhiều được đứng hay ngồi chễm chệ trên là sen.
Chủ nhân của ngôi chùa nhiều dị biệt ấy, sư thầy trụ trì đời thứ 4 Thích Huệ Từ (75 tuổi) là người am tường sự việc nhất. Đã nhiều năm nay, ông không còn lạ lẫm gì với những câu hỏi và sự ngạc nhiên của bàn dân thiên hạ đồn đoán về loài sen khổng lồ trong ao chùa. Theo sư thầy, thì đó chỉ là sự ngẫu nhiên, một đột biến dị thể của loài sen.
Đó là một buổi sáng trong lành ngày 8/1/1992 (âm lịch), như bao buổi sáng khác ở làng quê Đồng Tháp. Sư thầy xắn tay áo xuống hồ nhổ ngó sen ra chợ bán như thường lệ, ra tới giữa hồ, sư thầy phát hiện một bông sen nở to khác thường, lại có gai bao bọc xung quanh. Hoa sen mang màu đỏ thắm phía ngoài, trong lại có màu trắng tuyết, nhiều gai. Sư thầy lặng lẽ quan sát, thì phát hiện ra đây không phải là bông hoa bình thường, vì hoa đổi màu liên tục theo thời gian trong ngày.
Buổi sáng, sen nở màu trắng ngà, đến tầm 9 giờ thì chuyển màu hồng rồi cúp lại. 3 giờ chiều sen nở ra màu đỏ thắm rồi chuyển dần sang màu tím, khi hoàng hôn vừa khuất núi, sen chuyển hẳn sang màu hồng và cúp lại. Vòng đời của sen tồn tại trong vòng ba ngày, ngắn hơn sen bình thường.
Vậy mới có câu chuyện, có hai người khách vào chùa ngắm sen. Một ông ngắm buổi sáng thấy hoa màu trắng, ông ngắm buổi chiều thấy hoa màu hồng. Hai ông này về kể lại cho bà con thì mỗi người một kiểu, họ cự cãi nhau, tranh luận rất gay gắt. Họ kéo đến hỏi sư thầy cho rõ ngọn ngành và phân đúng sai. Sư Thích Huệ Từ mỉm cười : “Cả hai ông đều đúng, sen trong chùa thay đổi màu theo thời gian trong ngày”. Từ đó, tin đồn về loài sen lạ nhanh chóng lan đi, phật tử và khách thập phương tìm về chùa ngày một đông.
Ngoài hoa sen lạ, thì cùng thời điểm đó, lá sen bắt đầu phát triển và to ngoài sức tưởng tượng. Lá sen hình giống một cái nia, bề rộng chừng 2m cứ xếp lớp mọc kín bưng ao sen, bề mặt lá sen nhẵn nhụi chia thành những ô vuông nhỏ, phía dưới có nhiều gai. Đặc biệt vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 tháng 10 (âm lịch), sen no nước nên phát triển rất nhanh và mạnh. Lá sen có thể tới 3m. Người dân thường gọi là sen vua hay sen nong nia.
4 Chua phuoc kieng 3Ngày đó, trong chùa có nuôi một chú Hạc rất thông minh và có thể hiểu được tiếng người. Sư Thích Huệ Từ liền bảo chú Hạc bay xuống lá sen đứng. Lúc đầu, Hạc đứng lên do tiếp xúc với móng chân sắc nhọn làm lá bị rách, nước thấm vào, xong sư thầy lấy chiếc mâm đặt lên trên bề mặt của lá sen, Hạc đứng lên thì không rách lá nữa. Thấy lạ, sư thầy đứng thử lên và thật ngạc nhiên, lá sen trụ vững ở sức nặng có trọng lượng hơn 50kg. Người dân ùn ùn kéo đến, đua nhau kiểm nghiệm sự thật là sen “cõng người”, tất cả đều sửng sốt khi đứng trên lá sen khổng lồ.
Thầy Huệ Từ giải thích : “Tất cả mọi người khi đến chùa thì việc đầu tiên là họ phải ngồi trên lá sen cho bằng được. Bạn có thể ngồi, có thể đứng tùy thích mà không hề có cảm giác chao đảo hay bồng bềnh. Lá sen giữ vững thăng bằng, chắc chắn như bức bê tông vậy. Theo tôi ở đây không có gì huyền bí cả. Là do lá sen rất to, tự thân nó đã tạo cân bằng và giữ lực khi tiếp xúc với mặt nước. Nó giống một chiếc thuyền độc mộc vậy. Người nào có trọng lượng trên 60kg thì lá cũng chỉ dập dềnh một lúc thôi, không sao cả”.
Loài sen lạ không mọc bất cứ đâu ngoài Phước Kiển Tự
Hòa thượng Thích Huệ Từ cho biết : “Đây là loài sen có nguồn gốc từ Amazon, vùng Nam Mỹ. Sự xuất hiện của nó tại chùa Phước Kiển Tự cho đến thời điểm này, vẫn chưa ai biết”. Phước Kiển Tự được xây dựng vào năm 1847 thời vua Thiệu Trị thuộc dòng họ Đoàn. Trải qua bao biến cố thăng trầm, từ ngày thầy Huệ Từ theo chú vào tu ở chùa vẫn chưa có gì đổi khác.
Ngày đầu, thầy trồng sen Bá Biển (sen trăm cánh), trải qua binh biến, chiến tranh, lũ lụt, sen Bá Biển tuyệt chủng. Với niềm yêu thích loài sen, hễ đi đâu thấy có hoa sen, hoa súng lạ là ông lại xin về trồng trong ao chùa. Có thời điểm, trong ao quy tụ hàng trăm loài sen, súng. Chúng đua nhau nở hoa các loại, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, rực rỡ đủ mùi hương sắc. Năm 16 tuổi, khi người chú của ông viên tịch, thì ông chính thức làm chủ trì Phước Kiển Tự cho đến bây giờ.
4 Chua phuoc kieng 2Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc, Phước Kiển Tự cũng chịu chung số phận với đồng bào Nam bộ, ao sen trăm hoa đua nở bị hai quả B52 xới tung, cánh sen tan tác, rũ rượi khét lẹt mùi thuốc súng. Ao sen thay bằng hố bom sâu hoắm, tù đọng nước đen như mực. Sau năm 1975, thầy Huệ Từ tìm về, xây dựng lại chùa cũ và sửa sang lại hố bom trồng các loại sen, súng.
Cuộc đời tu hành của thầy Huệ Từ chưa bao giờ ông thấy loài sen kỳ lạ như vậy. Bản thân ông không hề biết xuất xứ của loài sen ấy, ông cố công tìm hiểu thì cũng chỉ biết nguồn gốc của loài sen này có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đứng bên hồ sen, thầy trải lòng: “Có cả khách nước ngoài tìm về đây, họ cứ trầm trồ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cũng có một vài đoàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật đến đây lấy mẫu nước, mẫu sen về nghiên cứu nhưng chưa thấy kết luận gì cả.
Sen lạ trong Phước Kiển Tự vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, nhưng lạ thay loài sen này chỉ sống được ở ao của chùa. Nhiều người đến xin giống về trồng nhưng đều thất bại, sen không sống nổi ở bất cứ nơi ào, vùng nào”.
Mối lương duyên định mệnh của Rùa và Hạc giữa ao sen
Xung quanh câu chuyện về loài sen khổng lồ, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau về tình bạn giữa Rùa và Hạc trong Phước Kiển Tự. Đây không phải câu chuyện cổ tích, mà đây là câu chuyện có thật mới xảy ra trong chùa, giữa ao sen.
4 Chua phuoc kieng 4

Hạc và Rùa là hai con vật được thầy Thích Huệ Từ mang về nuôi trong chùa nhiều năm trời. Trong đó, Rùa đến trước và sống lâu năm hơn Hạc. Rùa theo chủ nhân của nó từ thời chiến tranh, một thời gian chạy loạn, thầy Thiện Từ bị thất lạc mất chú rùa. Sau khi trở về, thầy cất công đi tìm nhưng mãi không thấy.
Một hôm, thầy đến nhà người dân có việc, bỗng thầy nghe tiếng dây xích cạ vào nhau loảng xoảng, thầy nhìn xuống thì hóa ra chú Rùa ngày nọ của mình. Người chủ yêu cầu thầy chuộc lại Rùa với giá 1.500 đồng. Thời trước, đó là số tiền không nhỏ. Rùa sống hiền hòa bên ngôi chùa nhỏ cùng người thầy ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Người dân gọi Rùa là “ông Quy”.
Năm 1999, khi đang ra chợ, thầy Huệ Từ thấy con Hạc bị người thợ săn trói thắt cổ đem rao bán. Nhìn thương quá, thầy bỏ tiền mua chú Hạc rồi cởi trói và phóng thích Hạc về rừng. Nhưng Hạc không bay, nó lủi thủi theo chân thầy về tận chùa. Vậy là từ đó, thầy Huệ Từ có hai con vật làm bạn là Rùa và Hạc.
4 Chua phuoc kieng 5

Từ ngày có Hạc, Rùa nhanh nhẹn hẳn lên, hễ thầy đi đâu, làm gì đều có hai con vật theo cùng. Hơn 3 năm ngày Hạc về chùa, thì nó phạm giới cấm của nhà Phật. Buổi sáng hôm đó, Hạc đứng hít khí trời trên lá sen, bỗng nó thấy con cá liền thò mỏ xuống rỉa và nuốt sống chú cá. Sư thầy trông thấy cảnh Hạc phạm giới, ông lặng lẽ quay vào đọc hết bài kinh. Rồi ông “nói” với Hạc hãy bay đi. Ở đây, không chấp nhận việc làm đó của Hạc. Hạc bay vòng vo mấy lượt quanh chùa, nó đậu trên ngọn cây bồ đề kêu lên thảm thiết một hồi mới cất cánh bay về hướng Nam.
Rùa ngay sau đó không còn hăng hái đi theo sư thầy ra vườn, hay tụng kinh hàng giờ nữa. Nó nằm thu mình trong một góc, không ăn không uống ba ngày thì chết. Sư thầy Huệ Từ cảm thương Rùa và Hạc, lập bàn thờ chúng ngay trong chùa và ngày ngày tụng kinh cho chúng siêu thoát. Trên tấm bia khắc tưởng niệm Rùa, Hạc, thầy Huệ Từ khắc “1948 – 29/7/2002”.

Huỳnh Văn Yên chuyển tiếp

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014


Rùa trong biểu tượng văn hóa
 
Rùa được xem là con vật thiêng liêng mang lại nhiều điềm lành và tài lộc. Rùa còn là biểu tượng của sự trường thọ. Mọi người đều được hưởng lợi ích từ sự hiện hữu của rùa. Ngoài ra, rùa còn là vật bảo vệ ở hướng Bắc, là hướng chủ đề tài lộc của bạn.
Văn hoá Phương Đông
Rùa có chức năng chống đỡ, đảm bảo sự ổn định của thế gian,nó được gắn với vị thần cao nhất. ỞTây Tạng cũng như ở Ấn Độ, con rùa là vũ trụ hoá thân, lúc thì của Bồ tát, lúc thì của thần Vishnu, vị thần dưới hình dạng này có một khuôn mặt xanh, là dấu hiệu của sự tái sinh hoạc sinh sản, khi thần từ nguồn nước khởi nguyên nhô mình lên, cõng Trái Đất trên lưng. Việc gắn nước khởi nguyên với sự tái sinh thuộc hệ biểu tượng đêm, Mặt Trăng. Ở Trung Quốc, rùa cũng là biểu tượng của Phương Bắcmùa Đông, mà người ta gắn với các tuần trăng.
Các tác giả cổ điển Trung Hoa nhấn mạnh vai trò tạo ổn định của con rùa: Nữ Oa đã cắt bốn chân con rùa để thiết lập bốn cực của thế giới. Trong các mộ phần của các hoàng đế, mỗi cây cột đều đặt trên một con rùa. Theo một số truyền thuyết, chính một con rùa đã chống đỡ một trụ trời, bị Kung Kung, vị chúa tể của các thần khổng lồ phá đổ. Liệt Tử nói rằng các đảo tiên chỉ được đứng vững khi được rùa cõng trên lưng. Ở Ấn Độ, rùa là một giá đỡ ngai thần; đặt biệt nó là Kurma-avatara, giá đỡ của núi Mandara, giữ cho ngọn núi này vững chãi khi Deva và Asura tiến hành đánh biển sữa để làm ra Amrita. Người ta bảo đến nay Kurma vẫn tiếp tục chống đỡ tiểu châu lục Ấn Độ. Các sách thánh Brahmana gắn nó với chính công cuộc sáng thế. Giống như ở Trung Quốc, nó cũng được gắn với nước khởi nguyên: nó nâng đỡ con rắn thần ananta cũng như các nguồn nước của thế gian vừa sinh ra.
Trong các huyền thoại Mông Cổ, rùa vàng chống đỡ ngọn núi trung tâm vũ trụ. Người Kamouk tin rằng khi khí nóng mặt trời nung khô và thiêu cháy mọi vật, con rùa cõng thế giới sẽ cảm thấy hệ quả của sức nóng, sẽ lo lắng, lật mình lại và do vậy mà gây nên cuộc tận thế.
Văn hoá Việt Nam
Con rùa mang biểu tượng thần thánh, linh thiên lần đầu tiên xuất hiện trong truyền thuyết dưới thời dựng nước Âu Lạc của An Dương Vương - Thục Phán. Theo truyền thuyết, dưới thời An Dương Vương dựng nước, Rùa thần Kim Quy đã xuất hiện hai lần để giúp nhà vua. Lần đầu tiên ngài xuất hiện để giúp An Dương Vương xây thành công thành Cổ Loa và cho nhà vua một cái móng thần của mình để làm ra nỏ thần, nỏ thần có thể bắn ra hàng trăm ngàn mũi tên,bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của giặc phương Bắc. Lần thứ hai thần Kim Qui xuất hiện chỉ ra kẻ bán đất nước là Mỵ Châu và đưa An Dương vương về biển.Con rùa hiện thân như là một thần linh (một con vật có thật) hộ mạng và bảo trợ cho người Việt và các vùng đất họ sinh sống. Dường như theo quan niệm của người Việt thời xưa, thần Kim Quy là một cận thần của Cha Lạc Long Quân, có nhiệm vụ nhận lệnh từ người để giúp đỡ con cháu Việt tộc.
Đặc tính của Rùa
Thủy chung
Để đưa ra được kết luận rằng rùa biển đồi mồi rất “chung thủy”, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra ADN của các chú rùa con tại hòn đảo Cousine, Seychelles để xem có bao nhiêu rùa đực tham gia vào quá trình thụ tinh trứng rùa trong mùa sinh sản.
Kết quả thật bất ngờ: hầu hết số trứng nở ra là do một chú rùa đực thụ tinh và các chú rùa đực chỉ thụ tinh cho một con rùa cái trong kỳ sinh nở 75 ngày. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng loài rùa này sống theo chế độ 1 vợ-1 chồng. Đây là hiện tượng hiếm ở hầu hết các loài vật”- TIến sỹ David Richarson, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Tìm về quê hương

Rùa biển là loài bò sát, sống lâu năm. Trong vòng đời phát triển của mình, rùa biển trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, bắt đầu từ những bãi cát ven biển, lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển ven bờ rồi trôi dạt ra tít ngoài đại dương. Đến mùa sinh sản, chúng trở lại vùng rạn san hô để kết đôi và trở về đúng nơi nó đã sinh ra để làm tổ và đẻ trứng.

Đến tuổi trưởng thành, rùa sẽ trở về đúng nơi nó được sinh ra để thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Chưa có nhà khoa học nào đưa ra được đáp án đáng thuyết phục cho câu hỏi: Tại sao rùa có thể nhớ chính xác nơi chúng đã chào đời.
Tôi và Rùa
Tôi cầm tinh con Ngựa,luôn nhanh nhẹn, xông xáo, chịu đựng mọi gian nan mà không kêu ca phàn nàn.Rồi một năm nào đó, thấy mình rã rời từ trong tâm can, cảm nhận cuộc sống cứ dần trôi mà cái đích còn xa quá, tự nghĩ, phải chăng đã tới lúc phải sống chậm lại.Bỗng một hôm, anh bạn người Bul ngẫu nhiên tìm thấy 1 chú rùa cô đơn trên đường mòn vùng núi giáp biên giới Hy lạp, đã đem tặng tôi làm kỉ niệm /vì biết tôi yêu súc vật/. Thế là, tôi đã thực sự có may mắn trong nhà, một tấm gương để tôi nhìn lại mình và mọi sự đời. Trầm tĩnh, đôi khi gặp chướng ngại vật trên đường, nó chật vật trèo qua rồi lại thanh thản bước, không ngừng nghỉ, không gây ồn aò,rất lặng lẽ. Không biết nó ăn gì để sống, mùa hè nó cô đơn trong khu vườn, cỏ hoa tràn ngập, nó mặc kệ, cứ mải miết chuyển động, xéo nát đám rau Dấp cá tôi nâng niu, đám cỏ Bồ công anh rạng rỡ hoa vàng.Hình như chỉ một đôi lần, tôi thấy nó ngậm một bông hoa cỏ, sau đó, lại lặng lẽ bước đi. Ai đó đã viết rằng, Rùa chờ rất lâu để có cơ hội chộp con mồi như muỗi, côn trùng...trong yên lặng, nhưng khi cơ hội đã đến, nó đớp mồi còn nhanh hơn Rắn rất nhiều lần. Và ngẫu nhiên thấy cuốn “ Trí tuệ loài Rùa” của Donna De Nomme, mới biết rằng ta còn phải học nhiều đến thế nào để mới dám sánh mình với chú Rùa nhỏ bé kia.Nhưng có một điểm tôi thấy mình giống với Rùa: Đó là chỉ muốn có một mình, lặng lẽ bước trên đường, vượt qua tất cả gian khổ trong cô đơn. Chắc kiếp trước tôi là con Rùa?




Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Quả Việt quất

Боровинки



Bulgari có một loại quả thường mọc dại trên rừng ,phải thật tinh mắt và thật hiểu biết mới dám hái và ăn nó. Hơn nữa, khóm cây mọc um tùm, thân bụi, rất nhiều gai, nên việc thu hái nó chỉ có những người sống lâu gần rừng mới thực hiện được. Một lần ngẫu nhiên vào một cửa hàng rau sạch gần nhà con trai, tôi giật mình thấy giá rất “ trời ơi”, khoảng 1,2-1,5 triệu/ 1 kg. Bình thường, tôi chẳng để ý gì đến nó, nhưng sau khi quan tâm, tôi hiểu được một điều: Chúng ta sống ngay bên cạnh các loại quà tặng tuyệt vời của thiên nhiên mà không biết, thậm chí, coi thường chúng nữa. Đó chính là quả Việt quất, tiếng Bulgaria gọi là quả Borovinki, tiếng Anh là quả Blueberry

Loại quả này có 2 màu: Đỏ và đen, hình dáng gần giống như quả Sim mọc ở các đồi núi trung du Bắc Bộ, nhưng ruột thì khác hẳn. Việt quất đen được gọi là “ Những viên ngọc xanh của rừng”,

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng chúng chứa nhiều nhất các chất chống Oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh ung thư ,làm tăng thị lực của mắt và có hiệu quả chữa rất nhiều loại bệnh khác .

Thành phần hóa học của Việt quất:

Quả Việt quất chứa rất nhiều chất Carotene, Vitamin B1, B2, C, Kali, Natri, Canxi, Magie, Phốt pho và chất sắt. Quả Việt quất đen chứa nhiều đường và Axit hữu cơ như (citric, malic, succinic, vv ..), tannin, pectin, glycoza và các chất khác.

Ngoài ra, quả Việt quất còn chứa một số lượng lớn Mangan và Sắt, vì thế, nó có tác dụng rất tốt cho tuần hoàn máu.

Nước quả Việt quất tươi giúp cho việc kháng viêm, làm thăng bằng, ổn định cơ thể. Các bác sỹ Đông y dùng quả Việt quất chữa bệnh viêm đường ruột nhờ tác dụng làm cân bằng lượng axit trong dạ dày. Ngoài ra, họ còn dùng Việt quất để chữa bệnh sỏi thận, thấp khớp, thiếu máu và các bệnh về da. Họ còn cho thấy Việt quất làm giảm quá trình lão hóa của cơ thể và bộ óc con người.

Các loại Việt quất được thuần hóa và trồng nhiều ở một số nước như Mỹ, Úc châu...Năm 1997, ở Mỹ đã có nghiên cứu 43 loại quả, Việt quất đứng đầu bảng xếp hạng là loại quả chứa nhiều nhất chất chống Oxy hóa.

Bản thân tôi đã dùng Việt quất đỏ để thay trà vào mùa đông, nhất là khi cảm thấy đường tiểu tiện không được thông thương lắm. Chỉ cần 200-300gr quả Việt quất khô, mỗi lần dùng khoảng 50gr đun nước thật sôi, ngâm kĩ, chiết ra uống trong ngày cho hết chỉ còn bã / nếu thích có thể ăn cả bã/, thế là bệnh viêm đường tiết niệu do cảm lạnh nhanh chóng rút lui. Ngoài ra, tôi thường mua Việt quất đen ở chợ / chỉ có trong tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch/, khi người dân mới mang trên rừng về, làm mứt ăn cùng sữa chua mùa đông thì thật tuyệt. Ngoài vị ngọt dễ chịu của trái cây, bạn còn cảm nhận thấy hương thơm của rừng, và yên tâm rằng loại quả này không hề bị phun tưới bởi bất kì loại hóa chất công nghiệp nào./.


Cowberry.jpg










Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

LẠ VỚI NGHỀ “VUỐT TAI” THANH LONG


Học nghề
Nghe người quen mách bảo, Mơ lên xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam tìm việc. Phúc đức thế nào mà cô gặp chị Nguyễn Thị Huyền, chủ của một vựa thanh long lớn, người cùng quê. Chị Huyền khuyên Mơ học nghề vuốt tai thanh long vì nghề này đang lúc thịnh. Buổi sáng mở mắt ra đã có người kêu công.
Thoạt đầu, Mơ phân vân : Vuốt tai là thế nào ?  Chị Huyền  giải thích : “Vuốt tai là làm cho tai của trái thanh long giữ được màu xanh, cho dù trái hái đã khá lâu, cũng như khi ra đến chợ đường biên”.
Chưa có máy móc nào thay con người vuốt tai thanh long, trừ khi các nhà khoa học sáng chế ra một loại thuốc bón vào gốc nhưng có khả năng làm xanh tai của thứ quả có tên gọi rồng xanh. Khi thấy Mơ có vẻ thuận, chị Huyền gởi Mơ cho một người vuốt tai chuyên nghiệp ở xã Hàm Thạnh cùng huyện để cô học nghề.
9 Vuot tai 2Vuốt tai
Những ngày giữa tháng 6 này, Mơ đã thành nghề. Cô đi vuốt tai ăn công trong phạm vi mấy xã : Mương Mán, Hàm Thạnh… thảng hoặc có người còn kêu cô ra Hàm Kiệm, một xã ven quốc lộ 1A để làm nghề. Mơ kể, từ tháng 4 đến nay gần như đi làm suốt tháng, ít có ngày ở nhà vì người yêu cầu vuốt tai thanh long quá đông.
Tất cả đều bịt mặt, đội mũ mềm, vì vậy nếu họ không mở khăn ra thì suốt buổi vẫn không biết ai trong họ đẹp xấu thế nào. Vườn thanh long của ông Thiện rộng trên 1 ha. Vào việc, các cô dàn thành hàng ngang, mỗi người đảm nhiệm một bề chừng 5m với vài hàng trụ thanh long.
Mỗi người cứ theo khoảng cách đó tiến dần lên cho tới giới hạn cuối cùng của khu vườn. Trên cổ tay trái của từng cô, đều đeo một chiếc chai nhựa nhỏ màu xanh lá cây mà đầu nút chai được đục lỗ, để chỉ cần nghiêng nhẹ, nước bên trong đã chảy ra. Mơ giải thích : Đó là những chiếc chai đựng thuốc tăng trưởng do chủ vườn thanh long cung cấp. Ở tay phải còn lại, mỗi cô đều mang một chiếc găng tay vải sợi dày. Hầu như chiếc găng tay nào cũng lấm láp và ố bẩn.
“Bọn em mang găng tay là để chấm thuốc tăng trưởng. Thuốc sẽ dính vô vải thay vì dính vô da tay”- Mơ nói nhanh. Rồi để tôi chứng kiến tận mắt, Mơ bước tới một trụ thanh long đầy trái chín. Một tay cô nghiêng chiếc chai, một tay cô đặt ngón trỏ lên miệng chai để nước thuốc tăng trưởng chảy ra thấm vào vải. Sau đó, bằng những ngón còn lại của bàn tay phải, Mơ nâng từng trái thanh long lên, dùng đầu ngón tay trỏ vuốt nhẹ lên từng tai của trái.
Mỗi trụ thanh long có đến 15 – 20 trái. Các cô không ai bảo ai đều thoăn thoắt cúi, thoăn thoắt vuốt, thoăn thoắt di chuyển quanh từng trụ, tiến về phía trước, cũng như không ai nói với ai điều gì, ngay cả khi một hai cô vì bước gấp gáp, chạm người nhau.
9 Vuot tai 3Trò chuyện
Gần trưa, chiếc áo Mơ mặc trên người ướt đi một mảng trên phía lưng, và những cô khác cũng đã mệt sau cả mấy giờ liên tục di chuyển. Không hẹn, song các cô đều tập trung về một bụi cây có bóng mát gần đó, nghỉ giải lao. Mơ nói với tôi sau khi tháo khăn bịt mặt và cởi găng tay : “Anh thấy đó, vuốt tai tưởng là việc nhẹ nhàng, nhưng thật ra rất mệt. Trong khi vuốt phải tập trung, không để ngón tay có thuốc kích thích chạm vào bất cứ phần nào trên (da) trái vì như vậy vài ngày sau trái sẽ xuất hiện đốm. Vườn nào nhiều trái đốm thì giá bán rất thấp.
Đang lúc Mơ trò chuyện, người phụ nữ ngồi bên cạnh chêm vào : “Chủ vườn thanh long coi việc có nhiều hay ít trái bị đốm mà đánh giá tay nghề của thợ. Thợ giỏi thì không bao giờ thiếu việc”. Tôi hỏi Mơ : “Giữa nam và nữ, ai vuốt nhanh hơn ?”. “Đàn ông làm nhanh nhưng nhiều người bộp chộp, không cẩn thận. Phụ nữ chậm một chút nhưng vuốt cái nào ra cái đó… hè hè…”. Người phụ nữ bên cạnh Mơ chen vào nói rồi tủm tỉm cười.
Tai thanh long là phần nhô ra trên bề mặt da của từng trái. Mỗi trái có từ 15 – 22 tai. Khi trái còn xanh, người vuốt tai chỉ cần vuốt từ nửa trái trở lên. Nếu thanh long chín đỏ, phải vuốt gần như hết cả số tai trên trái.
Các cô không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cái việc vuốt tai thanh long, song khẳng định nghề vuốt tai có hơn chục năm trên đất Bình Thuận. Những người như Mơ được chủ vườn khoán 80.000 đồng cho một thiên (1.000) trái.
Một khu vườn rộng 1ha, sản lượng từ 8.000 – 10.000 trái, phải thuê từ 3 – 4 người vuốt/lần. Mỗi năm, thanh long thu hoạch từ 8 – 10 lần trái. Mỗi lứa trái khoảng hai tháng rưỡi, vì vậy nơi nào nhiều thanh long thì thợ vuốt tai gần như không hết việc.

Nghề vuốt tai kiêng người thấy nắng chóng mặt, thấy mưa sụt sùi. Chuộng người có tính kiên trì và lẹ mắt, đặc biệt thích hợp với nữ giới. Hiện nay, tại mỗi nơi trồng thanh long đều có đội ngũ vuốt tai chuyên nghiệp.

(theo Hoàng Hạc)

Lời bình: Liệu có nguy hiểm khi dùng thuốc kích thích tăng trưởng cho Thanh long như vậy hay không? Đã có ai chứng minh sự an toàn cho người lao động và an toàn của quả Thanh long sau khi được vuốt tai thế này?

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Chán rồi, về nhà thôi

Hè năm nay được con gái động viên tích cực, mình quyết định đi chu du thiên hạ. Mặc dù sợ đi máy bay lắm rồi, nhưng chẳng lẽ lái xe đi một mình hàng vài ngàn km, điều bất ổn lớn nhất là : Nếu chẳng may/ ai học được chữ ngờ/ xe hỏng dọc đường, mà lại là địa phận nước mà mình không biết tiếng / cho dù tiếng Anh trang bị đủ cho đi du lịch/ thì cũng đầy khó khăn bất trắc, vì hoặc sẽ phải nằm lại dọc đường, hoặc sẽ bị chém đẹp / móc túi lịch sự/của các thợ sửa xe địa phương. Thế là nó đặt vé cho mẹ, đi cùng mẹ một chặng, những chặng còn lại mẹ tự đi một mình. Cũng chẳng sao, vì ngay từ khi nó còn bé, mình đã dẫn hai anh em nó đi khắp châu Âu, mà rất liều, lái xe từ Paris về Sofia, cũng chỉ một mình cùng hai con nhỏ. Nhưng năm đó / 1996/, động lực trong người mình lớn lắm, vì chuẩn bị khăn gói về Việt nam, không quay lại Bulgaria nữa nên cố cho các con đi để các con biết thêm các nước, cuộc sống và con người, để rồi sau này không ân hận là đã bỏ lỡ cơ hội. Hơn nữa, ngày đó mình còn trẻ, khỏe, và quan trọng hơn, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền / he he/.
Những chuyến đi năm nay nhằm vào những nơi mà mình chưa đặt chân tới bao giờ, nhưng quả thật, chỉ sang tới ngày thứ 3 thì bắt đầu thấy chán. Nhớ khu vườn, nhớ hai con chó, nhớ con gà mái hiền lành, nhớ mái nhà mình đã bao công lao khó nhọc làm nên...Đi đâu cũng chỉ thấy người là người, tất nhiên là nhiều nhà đẹp, phố sạch, vườn hoa, nhà thờ, cửa hàng cửa hiệu, bạt ngàn là hàng hóa, đắt có rẻ có, chợ nông trường, chợ trời như ở HN...Ôi, chẳng đâu bằng nơi ta đã quen sinh sống, vì động lực trong con người ta bây giờ không phải là tiền bạc, cũng chẳng là thú vui khám phá, mà thực chất, chỉ để thỏa mãn sự tò mò, để có cái danh là ta cũng đã từng đặt chân đến nơi đó. Thôi, đủ rồi, chán rồi, về nhà thôi.



                                                 Bên bờ sông Thams, London, 21/06/2014

                                           


Nhà hát kịch đầu tiên của Shakerspeare


Nhà của Hội đồng châu Âu, Bruxeless, Bỉ- 18/07/2014


Chuẩn bị xuống tàu đi dọc kênh đào thủ đô của Hà lan ngày 20/07/2014









Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Tháng 7ngày 08 năm 2014

Nào
 Lại khoe hoa lá, cỏ cây thôi
 Đời còn chi mấy, hãy cố vui
Thấm thoắt xuân qua rồi hè tới
Thu sang, hoa, cỏ héo tơi bời.























Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Tháng sáu năm nay













                                                 



Mưa, mưa mãi, mưa hoài không ngớt
Mưa rũ lòng đem trút xuống trần gian
Tháng sáu sao trời lạnh,mưa miên man
Để hoa lá, cỏ cây như chìm xuống

Vào một ngày tháng sáu không mưa
Tôi chào đời, khi Thủ Đô mừng chiến thắng
Cờ hoa ngập đường, mẹ ôm tôi bé bỏng
Đứng trên hè phố Cửa Nam đón bộ đội về.

Sáu mươi lần tháng sáu đã qua đi
Mỗi một năm, mỗi lo âu,khắc khoải 
Tháng sáu năm nay, mưa ngâu, mưa mãi
Như nước mắt ngày xưa Chức nữ- Ngưu lang .

Tháng sáu năm nay, tháng sáu rất xanh
Dù Trời buồn, dù cách xa đôi lứa
Hoa vẫn nở tưng bừng lối ngõ
Tháng sáu của tôi, tháng sáu trong lành.

Tháng sáu năm nay, tháng sáu rất xanh
Mưa trải dài qua cả mùa hi vọng
Mùa của hoa,của tấm lòng độ lượng
Tháng sáu này em lại nhớ anh!

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Dã Tường vi



Dã tường vi theo tiếng Anh là cây Sweetbriar-Eglanteria, gốc hoa hồng/ Rosa canina/ tiếng Bulgarigọi là cây Shipka. Dã tường vi là một loài cây mọc hoang dã, phát triển rất nhanh vào mùa xuân, khi các loài cây cỏ hoa lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc tường vi trổ lá xanh rờn quanh các bờ dậu, nhú những chồi non xanh biếc, nở hoa hé nụ vào tháng 5-6, kết quả vào tháng 7,tháng 8 và mãi đến tận khi tuyết rơi đầu tháng 11, những quả tường vi cuối cùng mới chịu lìa cành, rơi xuống ủ trong tuyết để rồi sang xuân, tự nó làm một cuộc đời Tường vi mới.
Dã tường vi / Tường vi, Tầm xuân, / là tên gọi trong tiếng Hán - phiên âm ra tiếng Việt, đôi khi người ta gọi nhầm thành Tử vi / cây thân gỗ, hoa mọc thành chùm, không giống hoa Tường vi/.Khi nghe tới nó, ta cảm tưởng như đó là một loại hoa thơ mộng nhỏ bé, có thể đem về cắm trong bình, có thể đem tặng nhau những dịp lễ hội…Ngược lại, Dã tường vi chỉ là một loại cây mọc bên bờ rào, khỏe khoắn, dẻo dai chịu đựng nắng mưa, chẳng cần được chăm sóc, và tự mình sinh sôi phát triển. Bạn chỉ cần đem mấy hạt cây ủ xuống đất vào cuối mùa thu, sang xuân, dã tường vi trỗi dậy, và một năm sau, bạn đã có một khóm dã tường vi cao ngang người, năm sau nữa,dã tường vi đâm hoa kết trái. DãTường vi có thể cao tới 3 m, cành mọc vươn dài, đầy gai nhọn và cứng. Hoa dã tường vi nhỏ, trông tựa hoa hồng /nhưng không có nhiều tầng cánh hoa,/màu hồng phơn phớt trắng, mọc dày xen kẽ lá xanh. Sang thu, hoa rụng, đơm trái. Quả dã tường vi khi chín màu đỏ thẫm, có hạt cứng bên trong. Cây phát triển trong các điều kiện khác nhau, kể cả ở độ cao 2000m so với mặt biển, mọc khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu, Á sang tới châu Phi và Bắc Mỹ với nhiều loại khác nhau.
Dã tường vi được gọi là loại thảo dược đặc biệt, chứa rất nhiều Vitamin C, quả có mùi vị thơm dịu, một loại chất bổ quí giá mà không phải ngẫu nhiên, ở châu Âu người ta gọi nó là “ Nữ hoàng của các loại dược liệu”. Từ ngàn đời, người ta đã dùng quả dã tường vi để làm trà uống, làm thuốc chữa bệnh, thậm chí, ngay bây giờ, một số đặc tính của nó vẫn còn chưa được phát hiện hết trong y học. Dân gian dùng nó lúc ban đầu để chữa bệnh chó dại, sau đó, chữa các bệnh khác có hội chứng thiếu Vitamin. Trên thế giới, Dã tường vi được dùng theo những cách khác nhau như một loại thuốc chữa bệnh quí giá. Chẳng hạn, ở Trung quốc, quả dã tường vi dùng để chữa các bệnh đường ruột và chống giun sán. Ở Tibet, quả dã tường vi dùng để chữa bệnh Atherosclerosis, bệnh đau thận và suy nhược thần kinh, còn ở Nga, người ta dùng nó làm trà uống chữa các bệnh như loét dạ dày, ợ chua, bệnh viêm ruột kết và bệnh đau gan. Truyền thống của một số nước châu Âu là dùng quả dã tường vi như nguồn Vitamin rất lớn làm tăng chất miễn dịch cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt vào cuối mùa thu đầu mùa xuân.
Quả dã tường vi rất giàu vitamin C làm giảm quá trình oxy hóa các tế bào và tăng độ thấm của các mao mạch trong cơ thể, ngoài ra nó còn có các tác dụng khác. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng trong 100g quả dã tường vi chứa khoảng 2g vitamin C, nghĩa là khoảng gấp 30-40 lần số vitamin C trong 100g cà chua và gần 300 lần trong 100g táo.Điều đó có nghĩa là quả dã tường vi là một dạng quả “cạnh tranh” cơ bản với các loại quả chua khác.Ngoài ra, trong quả dã tường vi còn chứa tổ hợp các chất có trong thiên nhiên như Vitamin A/ 5-7mg%/ các chất chua không thay thế / Omega-3 và Omega-6/, các chất Antioksidant-flavonoid và Vitamin E, các chất làm cho tăng  đàn hồi và trẻ hóa làn da của con người, làm biến mất đi các biểu hiện của sự già nua / nếp nhăn hoặc các vết nhám trên da/. Các quả dã tường vi còn chứa Vitamin P, B1 / khoảng 430mg %/, B2 và K và chất Pectin / khoảng 11%/, dầu / khoảng 2%/, muối khoáng /3,2%/, nhiều nhất là Kali/ khoảng 512mg %/, Calxi /50mg%/, phootspho /54mg%/, Natri /47mg %/ m và chất Magie / 122mg%/. Các chất này làm tăng cường hệ thống Enzim và các quá trình tổng hợp các hoocmon , có tác dụng cầm máu và những ảnh hưởng có lợi cho việc trao đổi Cacbuahidro .Như vậy, các quả Dã tường vi chứa một hàm lượng khoáng chất rất cao so với các loại hoa quả khác.. Ngoài ra, do hàm lượng chất Pectin và Tanin cao , các quả này đã có hiệu quả rất lớn đối với các loại bệnh đường ruột và dạ dày, bệnh phế quản, tạo lớp bảo vệ cho các chất nhầy trong ruột.
Người ta dùng các sản phẩm của quả dã tường vi trong việc chữa các bệnh về thận như sỏi thận, bệnh đường tiết liệu, các bệnh về gan, làm giảm đường trong máu/ chữa bệnh tiểu đường/, đồng thời còn hay dùng chữa bệnh cảm cúm, ho….
Các sản phẩm từ quả Dã tường vi
Nước ngọt dưới dạng Xiro, đặc biệt dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như một dạng thực phẩm bổ xung
Mứt quả, thông thường chế biến cùng quả Miusli/ một dạng quả giống như quả táo nhỏ, chín về cuối mùa thu, rất ngọt và mềm/, dùng cho các bữa ăn điểm tâm
Các loại nước uống. Quả dã tường vi được cho vào cùng với đường và nước, để trong 5-6 ngày, tạo thành một loại nước uống có ga rất thơm và bổ với lượng calori và vitamin lớn. Ngoài ra, người ta thường sấy khô, xay nhỏ  làm trà uống dần.

By Namcua