Ngày 02.09.2008, như thường lệ, chúng tôi gặp gỡ các bạn bè thân quen, tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để kỉ niệm ngày Quốc khánh.Chiều hôm đó, sau bữa tiệc, tôi nhặt nhạnh xương xẩu và thức ăn thừa vào một cái nồi và đem cho lũ cẩu nhà chúng tôi. Con Lu già bao giờ cũng dành đĩa thức ăn đầu tiên, sau đó tới Lu con, cuối cùng mới là con Rich. Hai con Lu vừa ăn, vừa gằm ghè nhìn nhau như bảo: “Tránh xa tao ra, tao để yên cho mày ăn là tốt lắm rồi”. Con Rich vẫn lặng lẽ như mọi khi, vừa ăn, vừa lấm lét nhìn hai con kia, chỉ chực bỏ chạy nếu có tín hiệu bị uy hiếp. Bởi thế nên khi cho chúng ăn, tôi luôn luôn phải thường trực bên cạnh, chủ yếu là để cho con Rích được ăn đến miếng cuối cùng. Chiều hôm đó, Lu già bỏ dở miếng xương còn dính rất nhiều thịt, nó chẳng còn răng nữa để mà gặm, mặc dù, đôi mắt vẫn rất sáng nhìn miếng xương một cách thòm thèm. Nó từ từ đi ra phía cổng nhà, nằm xuống đó như chờ đợi điều gì . Lu con thấy vậy, ngay lập tức vồ cục xương, chạy thẳng ra vườn, chui vào một góc để đánh chén.Tôi thấy hơi lạ, gọi Lu già lại, vuốt ve nó và hỏi : “ Mày làm sao thế, tự nhiên hôm nay sao lại nhường xương cho Lu con”. Nó ngước mắt nhìn tôi như bảo : “ Bà cho tôi cục xương to, tôi biết ơn bà lắm, nhưng tôi già quá rồi, làm sao tôi ăn được”.Tự nhiên tôi linh cảm thấy một điều gì sắp xảy ra. Và đúng như thế, hai ngày hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị hành lí để đi VN, con trai tôi tìm thấy Lu già trong chuồng, thân thể đã lạnh cứng. Thì ra, nó cũng biết chúng tôi sắp đi xa, nó chết trước khi chúng tôi đi để được chúng tôi chôn cất. Lu già thông minh lắm và vô cùng kiên cường. Tuy gọi là được sống trong căn hộ từ nhỏ, nhưng hoàn cảnh của chúng tôi những năm tháng đó đâu có như bây giờ. Tôi suốt ngày bận công việc, hai đứa con lúc đó còn nhỏ, đi học về mà bảo được chúng mang Lu xuống đường cho đi chơi cũng rất hãn hữu.Ăn uống thì thất thường, có sao ăn vậy, nhiều hôm, bọn trẻ ăn hết thức ăn, Lu chẳng còn gì ngoài một mẩu bánh mỳ khô.Thế mà nó đã sống với chúng tôi gần 16 năm, với biết bao đổi thay, và bao thăng trầm của cuộc sống nó đã chứng kiến.
Tôi chôn Lu già ngay dưới gốc cây Oreckhi / tiếng Việt gọi là cây quả óc chó/. Tôi khóc và nhớ nó mất mấy ngày trời. Thế là từ nay, sân nhà tôi chẳng còn tiếng sủa hùng dũng của Lu già, chẳng còn những trận đánh nhau với Lu con đến rụng tả tơi lông lá. Lu con chẳng phải gầm ghè mỗi khi ăn, con Rích thì vẫn thế, lúc nào cũng sợ sệt Lu con, luôn nhanh chân bỏ chạy mỗi khi Lu con liếc nhìn nó.Nhưng thay vào đó, kể từ khi Lu già chết, con Rích được sở hữu cái chuồng to. Lu con chẳng thay đổi được thói quen từ khi Lu già còn sống ,chui mình cuộn tròn trong cái chuồng bé tý xíu và tự nhủ thầm: Thế này cũng tốt lắm rồi, còn hơn lang thang ngoài đường phố với đám chó mồ côi, không nơi nương tựa. Và nó vẫn không chừa được thói chạy rông, trốn nhà, rồi nhảy qua rào nhà hàng xóm để sang rào nhà mình một cách dũng mãnh như một con hổ con.
Trong những kỉ niệm về những năm tháng sống nơi đất khách quê người, chẳng thể nào chúng tôi quên được những kỉ niệm về những con chó nhà chúng tôi. Tôi yêu chúng, và chắc chắn chúng cũng cảm nhận được tình cảm của tôi, chỉ tiếc rằng chúng không nói được tiếng người để thể hiện tình cảm của chúng với chủ./.
Sofia, tháng 10.2008.