Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

THANH


Dễ thường bốn mươi năm đã trôi qua, vậy mà tôi vẫn khó quên câu chuyện về một cô gái Hà Nội, người sinh ra trong một thời khắc đang tồn tại sự ăn thua về ý thức hệ, về đấu tranh giai cấp và vì thế, không ít kẻ phải chết oan vì sự ích kỉ của thế nhân, chẳng hiếm tài năng bị vùi dập…Câu chuyện ấy có chút tế nhị, vì thế tôi viết trên tường nhà và không ghi tên thật của nhân vật, âu cùng là cái sự thường tình.
-----
Sinh ra trong một gia đình được ghi trong sơ yếu lý lịch là tư sản, Thanh lớn lên đúng vào thời kì đạn bom của miền Bắc, song là cô gái thông minh và hiền thục. Dám đăng kí thi vào khoa Toán của một trường đại học danh giá, nơi người ta luôn có thói quen chỉ tiếp nhận những thí sinh có lý lịch thuộc diện cơ bản, đa số là công nông binh hay là loại CCCC như cách nói bây giờ. Và Thanh đã trúng tuyển với điểm số cao vọt nên cô buộc phải được nhập học. Nữ sinh này ở nhà số 111 trên đường phố lớn của Thủ đô nên bè bạn vui đùa gọi Thanh bằng cái tên “Cánh cụp cánh xòe” khi họ hay nhắc đến máy bay F111 của Mỹ. Hồi ấy, con gái Hà Nội, lại thuộc diện tư sản, nhà có tiền, đi học lại có chiếc xe đạp nên không phải lúc nào cũng nhận được sự khen ngợi đồng cảm, dù nàng có học giỏi thế nào. Bạn bè quý mến Thanh, thày giáo khen cô gái học giỏi, nhưng chuyện đời thật sự không đơn giản.
Khi Thanh học đến năm thứ 3, cô được học chuyên đề về lý thuyết quy hoạch phi tuyến, một môn học khó và khá phức tạp. Cuối học kì, môn học ấy sẽ thi vấn đáp và ngay bên cạnh phòng thi, thày Kh là trưởng bộ môn kiêm bí thư chi bộ gọi thày giáo Lâm vào và nói nhỏ: 
-Anh Lâm hãy nghe đây, anh hãy vào hỏi thi cái Thanh và quay cho nó hết đường tự cao tự đại con nhà tư sản đấy.
Lâm là giáo viên trẻ, thông minh và nhiều tài lẻ. Theo phân công, anh vào bàn và bắt đầu “tra tấn” cô sinh viên có đôi mắt đen láy ngồi trước mặt. Đề ra trong phiếu bắt thăm của trò là lý thuyết đối ngẫu song thày Lâm đã lôi hết các chương khác ra để vặn cô gái, từ bảng cân đối liên ngành đến lý thuyết xác suất, bài toán vận tải, chu trình Euler…và anh luôn nhận được sự tự tin và chính xác trong câu trả lời của Thanh. Hơn 20 phút lục vấn ấy đã xong, thày Lâm vừa bước ra khỏi phòng thi (Lâm chỉ nhận có mỗi một trách nhiệm này) và đã gặp thày Kh đang chờ anh với câu hỏi gọn: 
- Thế nào rồi, nó tắc tị chứ?
- Tôi không thể làm khác, điểm 5 anh ạ.
Và Lâm trở gót ra khỏi phòng thi, để lại ánh mắt ngạc nhiên pha chút bất mãn của sếp. Câu chuyện chưa đến hồi kết, Lâm đinh ninh mình đã hành động đúng với lương tâm, thế nhưng tuần sau, tình cờ lên phòng giáo vụ có việc, Lâm ngã ngửa khi biết điểm thi hôm ấy của Thanh không phải ở mức cao nhât như mình phê, mà là điểm 3! 
Gần hai năm sau, với những nỗ lực lớn và kết quả không thể phủ nhận, Thanh ra trường và được phân công về công tác tại một vụ của Bộ Công nghiệp. Tại đây, cô gái gặp được một ông Vụ trưởng tài năng, biết người biết việc và chỉ sau hơn hai năm nữa, đích thân ông Vụ trưởng này đề xuất lên Bộ ý kiến gửi Thanh về làm nghiên cứu sinh tại chính nơi cô từng học 4 năm ở đó. Và thế là một lần nữa, dường như lịch sử muốn trêu ngươi con người: “Cánh cụp cánh xòe” không được chào đón mặn mà và tạo những điều kiện như mong muốn, lý do thì có lẽ vẫn là bổn cũ soạn lại, tất cả đã dồn nén lên cô gái, cũng với sự đổ vỡ của gia đình nhỏ để không lâu sau, Thanh xin nghỉ việc và tìm đến vùng đất mới để lập thân. 
Đất lành chim đậu, cô và con gái đến sinh sống ở xứ xở hoa hồng và sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, Thanh được nhà nước Bungarie trao bằng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, cô thường xuyên có giờ giảng ở mấy Đại học châu Âu và sở hữu một khu nhà vườn tuyệt đẹp ngay giữa lòng thủ đô Sophia hoa lệ. Thi thoảng khi có dịp về lại Việt Nam, Thanh vẫn không quên những kỉ niệm buồn vui cùng gương thân quen của các thày, bạn nơi quê nhà

Nguyễn Lưu, tháng 09/2017