Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

 Ngữ văn là gì ? 

Theo định nghĩa mới nhất tìm được ,Ngữ văn là môn học được tích hợp từ ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn (trước đó ba phân môn này  ba môn độc lập, có SGK riêng) gồm hai phần ngữ và văn gắn bó với nhau, bởi "ngôn ngữ là chất liệu làm nên văn học và văn học chính  nghệ thuật của ngôn ngữ". / theo google/ 

Ngày còn bé đi học cấp 1-2, những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ chỉ có môn Văn, rồi trong đó, cô giáo dạy Tập làm văn, có thêm phần ngữ pháp. Thật đơn giản, sách rất ít mà học sinh không nói ngọng nhiều như bây giờ, chữ viết rất đẹp và trình bày bài vở rõ ràng, sạch sẽ, nhất là báo chí viết thì rất chuẩn, không sai chính tả, ngữ pháp nhiều như bây giờ. Càng văn minh, càng phát triển cao, người ta càng nghĩ ra nhiều môn học, tách ra nhập vào loạn xạ, in sách nhiều như quân Nguyên. Ngày xưa đi học chỉ có cái túi mỏng đeo vai, vài quyển vở, quyển sách mỏng, tha hồ tung tăng chạy nhẩy khi tan trường. Ngày nay, nhìn các cháu gò lưng đeo cặp, phụ huynh phải đến tận cổng đón con ôm giúp ba lô sách cho trẻ mà thấy tội nghiệp các cháu quá. Học không biết được bao nhiêu chữ vào đầu mà vất vả khổ sở thế kia, chưa nói đến chuyện mỗi bộ sách cả đống tiền, với các gia đình khó khăn về kinh tế thì còn là cả một gánh nặng. 

Nhớ năm 1967, cả nước sôi sục phong trào đánh Mỹ. Năm đó, lần đầu tiên tôi được nghe thấy từ "Ngữ văn". Cô giáo dạy văn cũng chẳng giải thích, nên đám trẻ con đi học cũng chỉ hiểu đó là từ mới chỉ môn Văn. Cùng với các phong trào gì gì đó, trường có khẩu hiệu " Một tháng Ngữ văn". Thế là học sinh chúng tôi / đang là lớp 7/ nô nức tập tành, có bạn đăng ký đọc thơ, có bạn tập diễn thoại một đoạn văn, rồi dàn dựng cả các tiểu phẩm theo sách giáo khoa như hình ảnh chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi...Vui lắm và rất sinh động. Cuối đợt, Nhà trường cử tôi đi thi môn Ngữ văn trên huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Liệu có ai nhớ ngày đó, nhớ cuộc thi ấy? Riêng tôi thì nhớ như in vì là đại diện của trường cấp 2 La khê, xã văn khê, cô giáo cử đi thi chắc vì cũng chẳng chọn được ai, chứ tôi thì giỏi giang gì đâu.

Sau môn thi chính là viết bài văn / quên đề bài rồi/, thì đến cuộc thi làm thơ. Đề ra là : Mô tả " Một tháng ngữ văn" ở trường em bằng 4 câu thơ, thời gian 10 phút. Ôi trời ơi, sợ toát mồ hôi hột. Từ thuở bé đến lúc đó chỉ biết đọc thơ, thuộc lòng các bài thơ trong sách và các bài thơ bà dạy, chứ có ai dạy làm thơ, bảo viết thơ gì đâu. Mà lại chỉ có 10 phút, trống vang lên là giám thị thu bài, lại còn phải viết những 4 câu không hơn không kém. 

Thế rồi tôi cũng nộp bài, và biết rằng hôm đó rất nhiều bạn nộp giấy trắng. Lúc nghỉ giải lao, tha thẩn một mình ở góc sân, chợt thấy nhóm các thày cô giáo ngồi ở mấy cái bàn cách đó không xa, chấm bài. Chợt một thày ngồi ngay trên bàn, vố đùi đánh đét rồi cười ha hả đọc bài thơ của tôi. Thoáng nghe mấy chữ, sợ quá, chạy thẳng vào hội trường ngồi, xấu hổ đỏ mặt. Các thày cô giáo cấp 2 ngày đó còn trẻ lắm, vui ơi là vui. Vậy mà, khi tuyên bố kết quả thi, tôi được gọi lên nhận giải thưởng. Ôi trời ơi, tưởng nghe nhầm, tôi ngồi im không động đậy. Mãi sau, thày Phúc, người thày đưa tôi đi thi, kéo tay tôi bảo, "họ gọi tên em đấy", tôi mới loẹt quẹt đôi dép lê mượn của mẹ đi cho oai / bình thường chỉ đi dép cao su / lên nhận phần thưởng. Về nhà, kể cho chị tôi, vốn dân giỏi văn, đang học lớp 8 Nguyễn Huệ -Hà đông nghe về bài thơ, chị tôi cũng cười ngất ngưởng, lại còn chế ra để diễu cợt tôi nữa. Nhưng có ai tin là , chỉ trong 10 phút, 4 câu thơ của tôi lột tả được khí thế hừng hực của cuộc thi Ngữ văn và cả hừng hực của cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc bấy giờ không? 

" Tối hôm nay trường em mở hội

Một tháng ngữ văn, vang dội chiến công

Bên trên , màu đỏ màu hồng

Bên dưới, nghìn nghịt người đông, chập chờn"

Chú thích

Bên trên / sân khấu/

Bên dưới / học sinh/😃😃😃

2020/ tháng 10