Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Mùa thu không trở lại.

 Đọc lại để nhớ những ngày buồn vui đầy kỉ niệm, chẳng biết nên đi đâu, về đâu những năm 90 thế kỉ 20. Thoáng vậy mà đã 20 năm qua rồi, cuộc đời thật như " vó câu qua cửa sổ".



Có một lần bên anh ,em nói khẽ:
" Anh tin không, em đi chỉ 1 tuần
Anh đừng giận và đừng buồn anh nhé
Em đi rồi còn ai nữa mà mong"

Em đi rồi, có trở lại nữa không?
Mùa thu tiễn em qua miền sơ vắng
Mỏng manh quá lời yêu không đủ ấm
Những đam mê ngày ấy ngỡ qua rồi

Nỗi khổ này tôi biết có mình tôi
Em như rượu, em làm tôi cháy mất
Lời yêu ấy tôi tin là có thật
Em một mình đốt hết cả mùa thu

Ở bên em thành phố có sương mù
Nơi xa vắng em buồn như cỏ dại
Em đi rồi, mùa thu không trở lại
Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh

Về đi em, về đi sống bên anh
Mùa thu mãi mãi còn trong kí ức
Ta bên nhau ngàn đời là có thật
Em ra đi ngần ấy đủ rồi.

Ly rượu buồn tôi uống với mình tôi
Trong quán vắng " Cafe de Paris"
Tiếng nhạc buồn cùng tim tôi thổn thức
Em ở đâu? Mùa thu mãi xa vời./.

Namcua & K.B.T,  1995 Sofia Bulgaria

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Cảm thu

Thu vàng nhưng Cúc không vàng
Hương thu hương Cúc dịu dàng ngất ngây
Ngày mai tuyết trắng,gió bay
Tàn thu,tàn Cúc,còn đây ....một mình.






Một sớm thu buồn,sương khói bay
Mờ trông vườn rộng lá rơi đầy
Chim bay về tổ tìm hơi ấm
Chỉ một mình ta ở lại đây








Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

CHUYỆN TÌNH RÙA HẠC CHỐN THIỀN MÔN

Lá sen “cõng người”, chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó  giải thích, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã.
Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết. 
Một lần phạm giới tu hành, Hạc đã bị sư chủ cho “hoàn tục”. Hạc bay đi, Rùa buồn ủ rũ, Rùa đã mất sau ba ngày tuyệt thực. Tình bạn vỏn vẹn 3 năm giữa Hạc và Rùa vẫn được người đời truyền tai nhau khi bước chân vào chùa Phước Kiển Tự (Hòa Tân – Châu Thành – Đồng Tháp).
Chim hac
Ngôi chùa ngoài câu chuyện bi thương giữa hai linh vật, thì còn nổi tiếng vì độc hữu loài sen vua “cõng người” chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu trên đất Việt.
Sen “cõng người” trong Phước Kiển Tự
Từ nhiều năm nay, ngôi chùa nhỏ nằm trên vùng Nha Mân, được biết đến là cái nôi sản sinh con gái đẹp nổi tiếng phương Nam luôn tấp nập khách thập phương. Họ đến để tận mắt ngắm loài hoa sen khổng lồ có một không hai trên đất Việt Nam. Và, để trải nghiệm cảm giác ngồi trên lá sen dập dềnh trên mặt nước, tha hồ ngắm đất trời, cây cỏ và những loài cá hiền hòa dưới lòng hồ.
Vì sao lá sen có khả năng chịu đựng trọng lượng của một con người ? Vì sao lá sen khổng lồ ấy lại chỉ mọc trong ao một ngôi chùa nhỏ tận vùng Đồng Tháp ? Câu hỏi đó, hiện nay đang là đề tài nghiên cứu hấp dẫn và hóc búa của giới khoa học trong và ngoài nước.
4 Chua phuoc kieng 1Từ chợ Nha Mân, chúng tôi dễ dàng hỏi thăm về nơi đang giữ huyền tích lá sen khổng lồ, người dân vui cười chỉ dẫn tường tận và sẵn sàng xác nhận rằng, lá sen “cõng người” là sự thật. Hầu hết bà con ở quanh vùng đều ít nhiều được đứng hay ngồi chễm chệ trên là sen.
Chủ nhân của ngôi chùa nhiều dị biệt ấy, sư thầy trụ trì đời thứ 4 Thích Huệ Từ (75 tuổi) là người am tường sự việc nhất. Đã nhiều năm nay, ông không còn lạ lẫm gì với những câu hỏi và sự ngạc nhiên của bàn dân thiên hạ đồn đoán về loài sen khổng lồ trong ao chùa. Theo sư thầy, thì đó chỉ là sự ngẫu nhiên, một đột biến dị thể của loài sen.
Đó là một buổi sáng trong lành ngày 8/1/1992 (âm lịch), như bao buổi sáng khác ở làng quê Đồng Tháp. Sư thầy xắn tay áo xuống hồ nhổ ngó sen ra chợ bán như thường lệ, ra tới giữa hồ, sư thầy phát hiện một bông sen nở to khác thường, lại có gai bao bọc xung quanh. Hoa sen mang màu đỏ thắm phía ngoài, trong lại có màu trắng tuyết, nhiều gai. Sư thầy lặng lẽ quan sát, thì phát hiện ra đây không phải là bông hoa bình thường, vì hoa đổi màu liên tục theo thời gian trong ngày.
Buổi sáng, sen nở màu trắng ngà, đến tầm 9 giờ thì chuyển màu hồng rồi cúp lại. 3 giờ chiều sen nở ra màu đỏ thắm rồi chuyển dần sang màu tím, khi hoàng hôn vừa khuất núi, sen chuyển hẳn sang màu hồng và cúp lại. Vòng đời của sen tồn tại trong vòng ba ngày, ngắn hơn sen bình thường.
Vậy mới có câu chuyện, có hai người khách vào chùa ngắm sen. Một ông ngắm buổi sáng thấy hoa màu trắng, ông ngắm buổi chiều thấy hoa màu hồng. Hai ông này về kể lại cho bà con thì mỗi người một kiểu, họ cự cãi nhau, tranh luận rất gay gắt. Họ kéo đến hỏi sư thầy cho rõ ngọn ngành và phân đúng sai. Sư Thích Huệ Từ mỉm cười : “Cả hai ông đều đúng, sen trong chùa thay đổi màu theo thời gian trong ngày”. Từ đó, tin đồn về loài sen lạ nhanh chóng lan đi, phật tử và khách thập phương tìm về chùa ngày một đông.
Ngoài hoa sen lạ, thì cùng thời điểm đó, lá sen bắt đầu phát triển và to ngoài sức tưởng tượng. Lá sen hình giống một cái nia, bề rộng chừng 2m cứ xếp lớp mọc kín bưng ao sen, bề mặt lá sen nhẵn nhụi chia thành những ô vuông nhỏ, phía dưới có nhiều gai. Đặc biệt vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 tháng 10 (âm lịch), sen no nước nên phát triển rất nhanh và mạnh. Lá sen có thể tới 3m. Người dân thường gọi là sen vua hay sen nong nia.
4 Chua phuoc kieng 3Ngày đó, trong chùa có nuôi một chú Hạc rất thông minh và có thể hiểu được tiếng người. Sư Thích Huệ Từ liền bảo chú Hạc bay xuống lá sen đứng. Lúc đầu, Hạc đứng lên do tiếp xúc với móng chân sắc nhọn làm lá bị rách, nước thấm vào, xong sư thầy lấy chiếc mâm đặt lên trên bề mặt của lá sen, Hạc đứng lên thì không rách lá nữa. Thấy lạ, sư thầy đứng thử lên và thật ngạc nhiên, lá sen trụ vững ở sức nặng có trọng lượng hơn 50kg. Người dân ùn ùn kéo đến, đua nhau kiểm nghiệm sự thật là sen “cõng người”, tất cả đều sửng sốt khi đứng trên lá sen khổng lồ.
Thầy Huệ Từ giải thích : “Tất cả mọi người khi đến chùa thì việc đầu tiên là họ phải ngồi trên lá sen cho bằng được. Bạn có thể ngồi, có thể đứng tùy thích mà không hề có cảm giác chao đảo hay bồng bềnh. Lá sen giữ vững thăng bằng, chắc chắn như bức bê tông vậy. Theo tôi ở đây không có gì huyền bí cả. Là do lá sen rất to, tự thân nó đã tạo cân bằng và giữ lực khi tiếp xúc với mặt nước. Nó giống một chiếc thuyền độc mộc vậy. Người nào có trọng lượng trên 60kg thì lá cũng chỉ dập dềnh một lúc thôi, không sao cả”.
Loài sen lạ không mọc bất cứ đâu ngoài Phước Kiển Tự
Hòa thượng Thích Huệ Từ cho biết : “Đây là loài sen có nguồn gốc từ Amazon, vùng Nam Mỹ. Sự xuất hiện của nó tại chùa Phước Kiển Tự cho đến thời điểm này, vẫn chưa ai biết”. Phước Kiển Tự được xây dựng vào năm 1847 thời vua Thiệu Trị thuộc dòng họ Đoàn. Trải qua bao biến cố thăng trầm, từ ngày thầy Huệ Từ theo chú vào tu ở chùa vẫn chưa có gì đổi khác.
Ngày đầu, thầy trồng sen Bá Biển (sen trăm cánh), trải qua binh biến, chiến tranh, lũ lụt, sen Bá Biển tuyệt chủng. Với niềm yêu thích loài sen, hễ đi đâu thấy có hoa sen, hoa súng lạ là ông lại xin về trồng trong ao chùa. Có thời điểm, trong ao quy tụ hàng trăm loài sen, súng. Chúng đua nhau nở hoa các loại, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, rực rỡ đủ mùi hương sắc. Năm 16 tuổi, khi người chú của ông viên tịch, thì ông chính thức làm chủ trì Phước Kiển Tự cho đến bây giờ.
4 Chua phuoc kieng 2Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc, Phước Kiển Tự cũng chịu chung số phận với đồng bào Nam bộ, ao sen trăm hoa đua nở bị hai quả B52 xới tung, cánh sen tan tác, rũ rượi khét lẹt mùi thuốc súng. Ao sen thay bằng hố bom sâu hoắm, tù đọng nước đen như mực. Sau năm 1975, thầy Huệ Từ tìm về, xây dựng lại chùa cũ và sửa sang lại hố bom trồng các loại sen, súng.
Cuộc đời tu hành của thầy Huệ Từ chưa bao giờ ông thấy loài sen kỳ lạ như vậy. Bản thân ông không hề biết xuất xứ của loài sen ấy, ông cố công tìm hiểu thì cũng chỉ biết nguồn gốc của loài sen này có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đứng bên hồ sen, thầy trải lòng: “Có cả khách nước ngoài tìm về đây, họ cứ trầm trồ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cũng có một vài đoàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật đến đây lấy mẫu nước, mẫu sen về nghiên cứu nhưng chưa thấy kết luận gì cả.
Sen lạ trong Phước Kiển Tự vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, nhưng lạ thay loài sen này chỉ sống được ở ao của chùa. Nhiều người đến xin giống về trồng nhưng đều thất bại, sen không sống nổi ở bất cứ nơi ào, vùng nào”.
Mối lương duyên định mệnh của Rùa và Hạc giữa ao sen
Xung quanh câu chuyện về loài sen khổng lồ, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau về tình bạn giữa Rùa và Hạc trong Phước Kiển Tự. Đây không phải câu chuyện cổ tích, mà đây là câu chuyện có thật mới xảy ra trong chùa, giữa ao sen.
4 Chua phuoc kieng 4

Hạc và Rùa là hai con vật được thầy Thích Huệ Từ mang về nuôi trong chùa nhiều năm trời. Trong đó, Rùa đến trước và sống lâu năm hơn Hạc. Rùa theo chủ nhân của nó từ thời chiến tranh, một thời gian chạy loạn, thầy Thiện Từ bị thất lạc mất chú rùa. Sau khi trở về, thầy cất công đi tìm nhưng mãi không thấy.
Một hôm, thầy đến nhà người dân có việc, bỗng thầy nghe tiếng dây xích cạ vào nhau loảng xoảng, thầy nhìn xuống thì hóa ra chú Rùa ngày nọ của mình. Người chủ yêu cầu thầy chuộc lại Rùa với giá 1.500 đồng. Thời trước, đó là số tiền không nhỏ. Rùa sống hiền hòa bên ngôi chùa nhỏ cùng người thầy ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Người dân gọi Rùa là “ông Quy”.
Năm 1999, khi đang ra chợ, thầy Huệ Từ thấy con Hạc bị người thợ săn trói thắt cổ đem rao bán. Nhìn thương quá, thầy bỏ tiền mua chú Hạc rồi cởi trói và phóng thích Hạc về rừng. Nhưng Hạc không bay, nó lủi thủi theo chân thầy về tận chùa. Vậy là từ đó, thầy Huệ Từ có hai con vật làm bạn là Rùa và Hạc.
4 Chua phuoc kieng 5

Từ ngày có Hạc, Rùa nhanh nhẹn hẳn lên, hễ thầy đi đâu, làm gì đều có hai con vật theo cùng. Hơn 3 năm ngày Hạc về chùa, thì nó phạm giới cấm của nhà Phật. Buổi sáng hôm đó, Hạc đứng hít khí trời trên lá sen, bỗng nó thấy con cá liền thò mỏ xuống rỉa và nuốt sống chú cá. Sư thầy trông thấy cảnh Hạc phạm giới, ông lặng lẽ quay vào đọc hết bài kinh. Rồi ông “nói” với Hạc hãy bay đi. Ở đây, không chấp nhận việc làm đó của Hạc. Hạc bay vòng vo mấy lượt quanh chùa, nó đậu trên ngọn cây bồ đề kêu lên thảm thiết một hồi mới cất cánh bay về hướng Nam.
Rùa ngay sau đó không còn hăng hái đi theo sư thầy ra vườn, hay tụng kinh hàng giờ nữa. Nó nằm thu mình trong một góc, không ăn không uống ba ngày thì chết. Sư thầy Huệ Từ cảm thương Rùa và Hạc, lập bàn thờ chúng ngay trong chùa và ngày ngày tụng kinh cho chúng siêu thoát. Trên tấm bia khắc tưởng niệm Rùa, Hạc, thầy Huệ Từ khắc “1948 – 29/7/2002”.

Huỳnh Văn Yên chuyển tiếp

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014


Rùa trong biểu tượng văn hóa
 
Rùa được xem là con vật thiêng liêng mang lại nhiều điềm lành và tài lộc. Rùa còn là biểu tượng của sự trường thọ. Mọi người đều được hưởng lợi ích từ sự hiện hữu của rùa. Ngoài ra, rùa còn là vật bảo vệ ở hướng Bắc, là hướng chủ đề tài lộc của bạn.
Văn hoá Phương Đông
Rùa có chức năng chống đỡ, đảm bảo sự ổn định của thế gian,nó được gắn với vị thần cao nhất. ỞTây Tạng cũng như ở Ấn Độ, con rùa là vũ trụ hoá thân, lúc thì của Bồ tát, lúc thì của thần Vishnu, vị thần dưới hình dạng này có một khuôn mặt xanh, là dấu hiệu của sự tái sinh hoạc sinh sản, khi thần từ nguồn nước khởi nguyên nhô mình lên, cõng Trái Đất trên lưng. Việc gắn nước khởi nguyên với sự tái sinh thuộc hệ biểu tượng đêm, Mặt Trăng. Ở Trung Quốc, rùa cũng là biểu tượng của Phương Bắcmùa Đông, mà người ta gắn với các tuần trăng.
Các tác giả cổ điển Trung Hoa nhấn mạnh vai trò tạo ổn định của con rùa: Nữ Oa đã cắt bốn chân con rùa để thiết lập bốn cực của thế giới. Trong các mộ phần của các hoàng đế, mỗi cây cột đều đặt trên một con rùa. Theo một số truyền thuyết, chính một con rùa đã chống đỡ một trụ trời, bị Kung Kung, vị chúa tể của các thần khổng lồ phá đổ. Liệt Tử nói rằng các đảo tiên chỉ được đứng vững khi được rùa cõng trên lưng. Ở Ấn Độ, rùa là một giá đỡ ngai thần; đặt biệt nó là Kurma-avatara, giá đỡ của núi Mandara, giữ cho ngọn núi này vững chãi khi Deva và Asura tiến hành đánh biển sữa để làm ra Amrita. Người ta bảo đến nay Kurma vẫn tiếp tục chống đỡ tiểu châu lục Ấn Độ. Các sách thánh Brahmana gắn nó với chính công cuộc sáng thế. Giống như ở Trung Quốc, nó cũng được gắn với nước khởi nguyên: nó nâng đỡ con rắn thần ananta cũng như các nguồn nước của thế gian vừa sinh ra.
Trong các huyền thoại Mông Cổ, rùa vàng chống đỡ ngọn núi trung tâm vũ trụ. Người Kamouk tin rằng khi khí nóng mặt trời nung khô và thiêu cháy mọi vật, con rùa cõng thế giới sẽ cảm thấy hệ quả của sức nóng, sẽ lo lắng, lật mình lại và do vậy mà gây nên cuộc tận thế.
Văn hoá Việt Nam
Con rùa mang biểu tượng thần thánh, linh thiên lần đầu tiên xuất hiện trong truyền thuyết dưới thời dựng nước Âu Lạc của An Dương Vương - Thục Phán. Theo truyền thuyết, dưới thời An Dương Vương dựng nước, Rùa thần Kim Quy đã xuất hiện hai lần để giúp nhà vua. Lần đầu tiên ngài xuất hiện để giúp An Dương Vương xây thành công thành Cổ Loa và cho nhà vua một cái móng thần của mình để làm ra nỏ thần, nỏ thần có thể bắn ra hàng trăm ngàn mũi tên,bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của giặc phương Bắc. Lần thứ hai thần Kim Qui xuất hiện chỉ ra kẻ bán đất nước là Mỵ Châu và đưa An Dương vương về biển.Con rùa hiện thân như là một thần linh (một con vật có thật) hộ mạng và bảo trợ cho người Việt và các vùng đất họ sinh sống. Dường như theo quan niệm của người Việt thời xưa, thần Kim Quy là một cận thần của Cha Lạc Long Quân, có nhiệm vụ nhận lệnh từ người để giúp đỡ con cháu Việt tộc.
Đặc tính của Rùa
Thủy chung
Để đưa ra được kết luận rằng rùa biển đồi mồi rất “chung thủy”, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra ADN của các chú rùa con tại hòn đảo Cousine, Seychelles để xem có bao nhiêu rùa đực tham gia vào quá trình thụ tinh trứng rùa trong mùa sinh sản.
Kết quả thật bất ngờ: hầu hết số trứng nở ra là do một chú rùa đực thụ tinh và các chú rùa đực chỉ thụ tinh cho một con rùa cái trong kỳ sinh nở 75 ngày. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng loài rùa này sống theo chế độ 1 vợ-1 chồng. Đây là hiện tượng hiếm ở hầu hết các loài vật”- TIến sỹ David Richarson, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Tìm về quê hương

Rùa biển là loài bò sát, sống lâu năm. Trong vòng đời phát triển của mình, rùa biển trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, bắt đầu từ những bãi cát ven biển, lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển ven bờ rồi trôi dạt ra tít ngoài đại dương. Đến mùa sinh sản, chúng trở lại vùng rạn san hô để kết đôi và trở về đúng nơi nó đã sinh ra để làm tổ và đẻ trứng.

Đến tuổi trưởng thành, rùa sẽ trở về đúng nơi nó được sinh ra để thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Chưa có nhà khoa học nào đưa ra được đáp án đáng thuyết phục cho câu hỏi: Tại sao rùa có thể nhớ chính xác nơi chúng đã chào đời.
Tôi và Rùa
Tôi cầm tinh con Ngựa,luôn nhanh nhẹn, xông xáo, chịu đựng mọi gian nan mà không kêu ca phàn nàn.Rồi một năm nào đó, thấy mình rã rời từ trong tâm can, cảm nhận cuộc sống cứ dần trôi mà cái đích còn xa quá, tự nghĩ, phải chăng đã tới lúc phải sống chậm lại.Bỗng một hôm, anh bạn người Bul ngẫu nhiên tìm thấy 1 chú rùa cô đơn trên đường mòn vùng núi giáp biên giới Hy lạp, đã đem tặng tôi làm kỉ niệm /vì biết tôi yêu súc vật/. Thế là, tôi đã thực sự có may mắn trong nhà, một tấm gương để tôi nhìn lại mình và mọi sự đời. Trầm tĩnh, đôi khi gặp chướng ngại vật trên đường, nó chật vật trèo qua rồi lại thanh thản bước, không ngừng nghỉ, không gây ồn aò,rất lặng lẽ. Không biết nó ăn gì để sống, mùa hè nó cô đơn trong khu vườn, cỏ hoa tràn ngập, nó mặc kệ, cứ mải miết chuyển động, xéo nát đám rau Dấp cá tôi nâng niu, đám cỏ Bồ công anh rạng rỡ hoa vàng.Hình như chỉ một đôi lần, tôi thấy nó ngậm một bông hoa cỏ, sau đó, lại lặng lẽ bước đi. Ai đó đã viết rằng, Rùa chờ rất lâu để có cơ hội chộp con mồi như muỗi, côn trùng...trong yên lặng, nhưng khi cơ hội đã đến, nó đớp mồi còn nhanh hơn Rắn rất nhiều lần. Và ngẫu nhiên thấy cuốn “ Trí tuệ loài Rùa” của Donna De Nomme, mới biết rằng ta còn phải học nhiều đến thế nào để mới dám sánh mình với chú Rùa nhỏ bé kia.Nhưng có một điểm tôi thấy mình giống với Rùa: Đó là chỉ muốn có một mình, lặng lẽ bước trên đường, vượt qua tất cả gian khổ trong cô đơn. Chắc kiếp trước tôi là con Rùa?