Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Những con chó nhà chúng tôi

 Chẳng hiểu tại sao tôi lại nghĩ như vậy, rõ ràng là con chó nhà tôi có đôi mắt của con người. Tôi nói ở đây là nói đến đôi mắt của những người hiền, người tử tế, chứ không phải là đôi mắt của những kẻ độc ác, dã man. Thật đấy, con Rich nhà tôi có đôi mắt của con người.
Cách đây gần 1 năm, chẳng biết đứa trẻ nào đã ném qua hàng rào, vào sân nhà tôi một con chó lông vàng ươm, bé tí tẹo. Tôi đoán là một đứa trẻ, vì chắc đây là một con chó dư thừa trong một đàn chó đông đúc nào đó, chủ nhân  của nó đã không đủ sức cưu mang nên đã vứt nó ra đường. Rồi, chỉ có bọn trẻ con, đầy tình nhân ái, thương xót, sợ nó bị xe cán chết nên đã nhặt nó ném vào vườn nhà tôi.Có lẽ bọn trẻ con cũng nghĩ rằng tôi hay mủi lòng, thương quí súc vật như bọn nó chăng?
Khi nhìn thấy nó, một sinh linh bé bỏng, run rẩy vì sợ hãi, đói khát, đột  nhiên tôi nghĩ tới một đứa trẻ con mồ côi. Và thế là tôi mang nó vào nhà, đặt tên cho nó là Rich, hoàn toàn ngẫu nhiên, bột phát, cũng như sự xuất hiện của nó trong ngôi nhà rộng mênh mông này.
   Phải nói trước với các bạn là : nhà chúng tôi đang nuôi 2 con chó Becgie, chẳng được thuần chủng lắm, bởi vì, chúng cũng xuất hiện ở nhà tôi hoàn toàn không trong sự sắp đặt, mong muốn. Con Lu già và con Lu trẻ. Lu già năm nay đã bước sang tuổi 16, nghĩa là, nếu theo cách tính của những người nuôi chó chuyên nghiệp, nó có tuổi tương đương với con người khoảng 100 tuổi. Đúng là một “ ông cụ” thực sự, vì khi ngủ, nó cũng khò khè trong mũi, trong họng. Mắt nó bắt đầu có những rỉ ngoèn, mặc dù vẫn sáng, nhưng đôi khi nó không nhìn thấy , mà chỉ hoàn toàn nhận thức bằng mũi và cảm tính. Lu già xuất hiện ở nhà tôi do một anh bạn người Tàu, chót mua nó về, rồi không chăm được, đem gán cho tôi, van vỉ tôi nhận nó về nuôi. Khi đó, các con tôi còn nhỏ, chúng rất yêu súc vật, nhất định nằn nì tôi nhận lời anh người Tàu, mua con Lu với giá rẻ mạt/ chỉ là hình thức mua /, chủ yếu giúp anh bạn trông nom con vật đáng thương. Vậy mà, năm tháng qua đi, Lu già đã trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi lúc nào không hay.Nó đã chứng kiến cảnh dọn nhà của chúng tôi từ căn hộ này sang căn hộ khác, nó đi theo chúng tôi khắp mọi nơi. Nó rất biết thân biết phận, chẳng đòi hỏi, chẳng chê bai bất cứ cái gì chúng tôi quẳng cho nó, từ một cục xương rắn đanh cho đến một đĩa rau sào đã thiu, hay một ít cơm thừa. Nó cần mẫn gặm xương, đôi lúc còn ngẩng đầu nhìn tôi như tỏ vẻ biết ơn. Lu già lắm rồi, nó đã chứng kiến những đứa trẻ nhà chúng tôi trưởng thành. Con gái tôi đã đi lấy chồng, cho dù chồng nó ra vẻ con nhà trưởng giả, đi ăn nhà hàng không cho vợ mang thức ăn thừa về, nó vẫn dấu chồng, mang về cho Lu từ những mẩu xương, lát bánh mì…
Rồi bỗng dưng, sân nhà tôi xuất hiện một con chó đen, giống Becgie chắc từ thời ông bà nó.Tôi cũng gọi nó là Lu, một cái tên thân thuộc, mang cả một lịch sử trong gia đình chúng tôi. Con Lu con này dũng mãnh, nhanh như con sóc, mắt tinh như mắt cáo, mũi đánh hơi kể cả mùi xe oto của tôi từ xa hàng trăm mét. Lu con xuất hiện vào lúc chúng tôi đang xây ngôi nhà mới, khắp nơi là nguyên vật liệu, gạch ngói vôi vữa. Đám thợ xây vầy vò nó lúc nghỉ giải lao, cấu véo nó, cho nó ăn, nhưng trước đó, cố tình hành hạ, gây cho nó sự thèm khát tột đỉnh , rồi mới ném cho nó một mẩu bánh hay khúc xương. Những ngày đầu khi nó mới xuất hiện, tôi ngán ngẩm nghĩ bụng: Chắc số nhà mình chẳng được nuôi chó đẹp/ vì dự đinh sau khi làm nhà xong, tôi sẽ mua một con chó nòi chính cống, vừa để trông nhà, vừa là chó cảnh/. Nhưng, ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã có thiện cảm với nó, một con chó lông đen tuyền, có những đốm trắng trên đỉnh đầu, dưới ức và cả 4 chân . Đôi mắt nó màu vàng, nhỏ và sắc, nhanh như mắt cáo. Nó còn nhỏ, nhưng đã tỏ ra có bản lĩnh phi thường. Nó chấp nhận sự hành hạ của đám công nhân xây dựng để được ăn no, nó chạy khắp sân tìm chuột, có những hôm, sáng ra đến công trường, tôi thấy nó đi khập khiễng. Cả một bên đùi bị xẻ dọc, máu chảy khắp nơi mà nó vẫn không chịu nằm yên một chỗ.Tôi hỏi đám thợ xây, tức giận nghĩ rằng họ đã cố tình hại con chó, xong họ lắc đầu , nói rằng khi họ tới làm việc, nó đã như vậy rồi. Cả tuần lễ tôi buồn vì thương nó, mà nó vẫn lăng xăng, như cố chứng minh rằng đó là chuyện nhỏ, vết thương sẽ lành thôi mà. Thật kì lạ, sang đến ngày thứ 3 , tôi cố tình bắt nó đứng tại chỗ để xem vết thương ra sao, tìm mãi mà chẳng thấy đâu cả.Đám lông dày mượt như tơ , cùng với năng lực phi thường và sức khỏe của tuổi “ thanh niên” đang lớn của nó đã làm cho vết thương biến đi đằng nào. Lu con là một bản mẫu hoàn toàn tương phản với Lu nhớn. Chúng cách nhau mấy thế hệ cơ mà, hơn nữa, Lu nhớn được lớn lên trong môi trường sạch sẽ quá, cả cuộc đời ở căn hộ khép kín, thi thoảng được con tôi dắt đi chơi với một sợi dây xích cổ. Còn Lu con, chắc cũng bị bố mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ, nó phải bươn trải sớm quá để kiếm miếng ăn, nó chịu dầm mưa, dãi nắng, chẳng có cả đến một cái chuồng có mái che. Lu nhớn luôn luôn sợ hãi, và nó yêu quí sự bình yên, tĩnh lặng. Nó có thể cả ngày không đi tè, chờ cho đến khi một trong chúng tôi đi làm về, lúc đó nó mới rên rỉ như bảo: “ Ôi, sao tôi khổ thế này, chẳng ai để ý tới tôi.”Có những hôm, cả nhà về muộn, nó phải nhịn từ sáng tới nửa đêm để được đi ra ngoài. Thật khủng khiếp quá, nó chịu đựng mới giỏi làm sao.Và nó rất biết điều,  hôm nào chẳng may đái dầm hoặc ị đùn, nó tìm bằng được một chiếc khăn, mảnh giẻ nào đó đậy lên, và , ánh mắt luôn luôn sợ sệt, lấm lét vì biết mình có lỗi.
Rich xuất hiện khi ngôi nhà mới sắp hoàn thành. Chẳng còn nhiều bê tông, cát sỏi, sắt thép. Nhưng, sự xuất hiện của nó làm cho Lu con tức giận. Một con vật bé tí xíu , yếu đuối đã chiếm đi của nó sự quan tâm hàng ngày của các công nhân xây dựng. Và tôi, thay bằng sáng sớm, gọi Lu Lu, tôi chỉ cần gọi: “Richi” thế là, Lu con xuất hiện đầu tiên, sau đó mới là con vàng nhãi nhép. Đĩa thức ăn trên tay tôi bao giờ cũng đã được chia làm 2, Rich được it hơn nhưng bao giờ cũng ngon hơn, sạch hơn. Nhung Lu con ăn như một con hổ, chỉ trong nháy mắt, đĩa của nó đã sạch trơn. Rồi nó gầm gừ, tức giận, vì nó biết rằng, giá như không có cái giẻ rách màu vàng kia, toàn bộ khẩu phần ăn sẽ là của nó.Chỉ cần tôi quay lưng đi, lập tức đĩa thức ăn của Rích sẽ được nó thanh toán trong tích tắc.Rich ăn nhỏ nhẹ như con gái, mắt luôn luôn nhìn xuống. Ôi, đôi mắt của nó mới đẹp làm sao.
Đúng rồi, Rich có đôi mắt của con người. Hai lòng đen của nó tròn như 2 quả bi ve, hàng lông mi dài, dày, che rợp đôi mắt. Lúc nó nhìn tôi, muốn được vuốt ve, trông nó mới tội nghiệp làm sao.Nó hèn lắm, chỉ cần Lu con đến gần, nó bỏ chạy lập tức, tìm một nơi nào đó để trú ẩn.Có lần, tôi dấu trong tay  một khúc xương không cho Lu con biết. Rồi tôi gọi con Rich. Rich đứng từ đằng xa nhìn tôi, nó biết tôi gọi nó, mà vì Lu con đang đứng gần tôi, Rich giả vờ như không nghe thấy gì.Gọi mãi nó chẳng đến, tôi bèn quẳng cho Lu con. Anh chàng vồ lấy khúc xương, nhưng vẫn không chạy đi chỗ khác, mà cứ đứng nhìn tôi, ý như canh chừng không cho tôi ném cho Rich ăn miếng khác. Lu con đáo để quá, trong khi Rich thì quá hiền lành, thậm chí đần độn. Chẳng phải vì Lu con lớn hơn Rích đâu. Tính cách của bọn chúng khác nhau từ ngày chúng mới được sinh ra, và bây giờ lớn rồi, chúng cũng chẳng thay đổi được nữa.
Sau  khi Rich xuất hiện chừng 5 tháng, tôi mang con Lu già từ căn hộ ra nhà mới với cái sân rộng mênh mông cả ngàn met vuông. Thế là, cuộc chiến tranh giữa những con chó bắt đầu.
Lu già thích sự yên tĩnh, còn Lu con thì ồn ào. Mỗi khi có tiếng xe ngựa của đám người Digan chạy qua phố, Lu con chạy ào ra như cơn lốc, và sủa nhặng xị, biểu hiện sự khinh miệt lũ người bẩn thỉu, chuyên môn đi bới rác, mắt la mày lét, chỉ rình người ta sơ hở ra là cuỗm liền tay không thương tiếc bất cứ vật gì. Lu già chỉ đứng trong sân, nhìn qua hàng rào, khịt mũi vì cái mùi người, ngựa của Diagan, chẳng giống chút nào với những mùi nó quen biết trong suốt 15 năm cuộc đời trong căn hộ cũ. Còn Rích, lúc đầu chẳng tỏ thái độ gì, nhưng một thời gian sau, được thằng anh là Lu con huấn luyện, nó cũng bắt đầu tỏ vẻ rằng mình cũng có “quan điểm “ riêng. Nó chạy lăng xăng xung quanh Lu con, tiền hô hậu ủng, sủa theo Lu con, nhưng tiếng sủa mới yếu ớt làm sao, nghe như tiếng rên của một người ốm nhiều hơn. Tôi thấy vừa buồn cười, vừa tức giận con Rích.Nó làm tôi thấy thương hại, và hình như nó biết điều đó.
Một cái sân với 3 con chó đực, đó là điều người ta kiêng kị, tôi cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng tôi chẳng quan tâm tới những gì mà hàng xóm của tôi đàm tiếu. Tôi nuôi chúng vì tôi thấy thương chúng, có thế thôi.Hàng tuần, tôi mua xương về ninh,nước thì nấu cháo ngô cho chúng, còn xương thì là món điểm tâm buổi sáng. Con trai tôi cằn nhằn là mất công, tốn của với lũ chó chẳng có gốc rễ < những con chó được lai tạo tự nhiên, không thuần chủng ở đây bị khinh miệt, bị gọi là chó hoang>, hàng xóm thì ganh gét, khó chịu khi thấy tôi bưng các chậu thức ăn ngon lành cho chúng. Biết làm sao được khi cái nhận thức của tôi về nhân loại đã dành phần thắng trong tôi: Một khi chúng đã là của mình, bất kể xấu hay đẹp, mình cũng phải nâng niu chăm sóc nó, trách nhiệm và bổn phận của tôi là cho chúng được ăn no, và , hi vọng, chúng sẽ biết điều, trông nom nhà cửa cho tôi như những con chó bình thường khác.
Ấy thế mà sự đời đâu có như mình mong muốn.
Chúng đánh nhau dữ dội, nhất là 2 con,Lu già và Lu con. Mỗi khi bưng các  chậu thức ăn ra, tôi luôn phải cầm theo một cái gậy thật to để ngăn chặn cuộc chiến đấu giữa chúng. Lu già không chịu nổi ánh mắt trìu mến của tôi nhìn Lu con, bởi tôi yêu sự dũng mãnh của nó. Mỗi lần nó bắt gặp tôi âu yếm vuốt ve Lu con, nó xông thẳng vào, giằng xé Lu con, nhe bộ răng trắng nhởn đã bị khuyết mất mấy cái vì tuổi già , ánh mắt đầy sự hằn học, căm thù kẻ đã cướp đi của nó tình cảm mà đáng lẽ chỉ mình nó được hưởng. Điều lạ là nó chẳng hề ghen tuông với Rich, có lẽ, trong mắt nó, Rich tội nghiệp, lúc nào cũng sợ sệt, chẳng có gì đáng để nó phải quan tâm. Hơn nữa, Rich luôn biết điều, chỉ cần thấy bóng Lu già tới, nó nhanh chân bỏ chạy,đứng từ xa nhìn tôi, thèm thuồng được vuốt ve nhưng sẵn sàng “ nhường” , không hề tranh chấp. Vì thế, hầu như chưa bao giờ nó bị Lu già cho ăn đòn. Còn Lu con, nó không chịu nhượng bộ. Nó là một thanh niên cường tráng, tiếng sủa của nó âm vang nhất xóm, nó xua đuổi lũ người Digan, dọa dẫm những kẻ nào dám lân la ở cửa nhà tôi.Nó tự nhận cho mình vai trò chủ nhân, lẽ nào nó chịu nhường nhịn bất cứ cái gì cho bất cứ kẻ nào khác. Không biêt bao lần nó cắn cấu, giằng xé với Lu già, máu me trào ra ở khóe miệng nó, còn Lu già, lông tóc bay khắp nơi, cổ và đùi đầy vết sẹo do những cuộc chiến đấu này mang lại nhưng không bao giờ chịu thua trước. Tôi đến khổ vì chúng nó, nhiều lúc tự nhủ: Kệ chúng mày, đánh nhau mãi rồi cũng có ngày phải hòa bình nhượng bộ. Thế nhưng, thật oái ăm, không một ngày nào chúng nó không đánh nhau, chẳng phải chỉ vì tranh dành tình cảm của tôi hay tranh giành chậu thức ăn để được ăn trước/ mặc dù mỗi đứa mỗi chậu, chỉ có nhanh hay chậm không tới 5 giây đồng hồ/. Chúng đánh nhau vì mối thù hận thâm căn cố đế bên trong chúng. Lu già không thể bỏ được thói quen hàng ngày được chăm sóc cẩn thận, nay bị sống trong khu nhà có sân rộng mênh mông, chỉ có 2 cái chuồng cho 3 đứa, mặc dù  nó đã dành cái chuồng to nhất cho mình. Còn Lu con , đau khổ, tức giận vì mất chỗ ngủ hàng ngày ở cái chuồng to, phải rúc vào cái chuồng nhỏ, lại bị thằng Rich lúc nào cũng lằn nhằn bên cạnh, rên rỉ, mếu máo. Nhiều lúc, nó nổi cơn điên vô cớ, không đánh nhau được với Lu già, nó xông vào con Rích, nhấc bổng Rích lên và ném một quãng xa, cứ như muốn bảo: “Mày cút đi cho tao yên, tao đang điên đây”.


14 nhận xét:

  1. Thật là tuyệt vời khi đọc nhưng dòng kể này chị ạ. Cứ như thể đang đọc "Con chó Bấc " của Jắc Lơn -đơn ấy.
    Em chợt nghĩ cái gì thật và tự nhiên cũng đẹp và hay, chị ạ
    Nếu trong tuyển tập tản văn chị có xuất bản thì truyện này phải được lựa chọn đầu tiên chị nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chào Hồng loan, lâu quá mới gặp em. Chuyện này chị viết từ năm 2008, khi còn bên Yahoo 360 plus, mang soạn lại chuyện cũ đọc cho đỡ buồn.

      Xóa
    2. Chị ơi bên FB chị lấy nick gì vậy? Em bị lạc mất chị bên đó rồi, còn em vẫn là "Loan Nguyễn" nha chị

      Xóa
    3. Của chị là: https://www.facebook.com/thuc.ngo.5055

      Xóa
    4. Chị tìm em ở đây nhé:
      https://www.facebook.com/loan.nguyen.399488

      Xóa
  2. NHững con vật được nuôi trong nhà lâu dần trở thành thành viên trong gia đình. Chị thấy em yêu thiên nhiên hoa cỏ và cả súc vật nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, em đã khóc rất nhiều khi con Lu già ra đi chị ạ. Em sẽ post tiếp phần 2.

      Xóa
  3. Mình rất cảm động với bài viết. Song quả thật, mình không sao quen được, Thục à

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, nhiều khi mọi điều tới như là số phận sắp đặt trước, muốn chối bỏ mà không được đấy.

      Xóa
  4. Thục ơi, em biết kg, khi đọc bài này của em chị đã khóc thật sự vì thương, vì thông cảm, vì cảm thấy đó là số phân của 1 con người, của một ai đó kg cụ thể. Chị đã từng nuôi chó, nhất là trong căn hộ khoảng 40 m2 của chị có lúc lên tới 10 con vừa lớn, vừa nhỏ. Mấy chục năm chị nuôi chó, mèo và con chó, con mèo cuối cùng từ biệt chị ra đi sau 16 năm sống với chi, bây giờ chị vẫn nhớ nguyên lúc chúng từ biệt chị tha thiết như thế nào.Chị đã vì chúng mà ốm liệt 3 năm, vậy nên bây giờ chị thề kg nuôi nữa. Em có cảm giác 3 con chó nhà em là số phận của 3 con người nào đó kg ? Toàn đến với em trong từng hoàn cảnh khác nhau, ngẫu nhiên. Chị cũng đã từng nuôi 2 con chó hoang, chị hiểu chúng nó lắm, chúng cũng được chị nuông chiều và có khi còn chăm sóc hơn những con khác.Còn vết thương của chó mau khỏi là các cụ nói : chó lành da, gà lành xương ' Con Vika của nhà chị vị mổ đẻ, chỉ sau 2 ngày vết mổ đã lành, vì chị thấy nó liếm chỗ mổ cả ngày và sau 2 ngày vết mổ đã lành, mất cả sẹo. Thật ngạc nhiên. Viết hơi dài, vì tâm trạng chị hôm nay không bình thường lại đọc bài của em cũng KHÔNG BÌNH THƯỜNG, nên thế, em thông cảm nhé. Chào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em rất vui khi thấy chị chia sẻ với em những tâm tư về loài vật. Em rât yêu súc vật và chưa bao giờ có cảm giác sợ chúng / ngoài đỉa/. Bây giờ xem những clip trên mạng, thấy các người đập chó ngoài đường, em ghê sợ và căm giận chẳng khác nào thấy bọn giết người.

      Xóa