Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

 Ngữ văn là gì ? 

Theo định nghĩa mới nhất tìm được ,Ngữ văn là môn học được tích hợp từ ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn (trước đó ba phân môn này  ba môn độc lập, có SGK riêng) gồm hai phần ngữ và văn gắn bó với nhau, bởi "ngôn ngữ là chất liệu làm nên văn học và văn học chính  nghệ thuật của ngôn ngữ". / theo google/ 

Ngày còn bé đi học cấp 1-2, những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ chỉ có môn Văn, rồi trong đó, cô giáo dạy Tập làm văn, có thêm phần ngữ pháp. Thật đơn giản, sách rất ít mà học sinh không nói ngọng nhiều như bây giờ, chữ viết rất đẹp và trình bày bài vở rõ ràng, sạch sẽ, nhất là báo chí viết thì rất chuẩn, không sai chính tả, ngữ pháp nhiều như bây giờ. Càng văn minh, càng phát triển cao, người ta càng nghĩ ra nhiều môn học, tách ra nhập vào loạn xạ, in sách nhiều như quân Nguyên. Ngày xưa đi học chỉ có cái túi mỏng đeo vai, vài quyển vở, quyển sách mỏng, tha hồ tung tăng chạy nhẩy khi tan trường. Ngày nay, nhìn các cháu gò lưng đeo cặp, phụ huynh phải đến tận cổng đón con ôm giúp ba lô sách cho trẻ mà thấy tội nghiệp các cháu quá. Học không biết được bao nhiêu chữ vào đầu mà vất vả khổ sở thế kia, chưa nói đến chuyện mỗi bộ sách cả đống tiền, với các gia đình khó khăn về kinh tế thì còn là cả một gánh nặng. 

Nhớ năm 1967, cả nước sôi sục phong trào đánh Mỹ. Năm đó, lần đầu tiên tôi được nghe thấy từ "Ngữ văn". Cô giáo dạy văn cũng chẳng giải thích, nên đám trẻ con đi học cũng chỉ hiểu đó là từ mới chỉ môn Văn. Cùng với các phong trào gì gì đó, trường có khẩu hiệu " Một tháng Ngữ văn". Thế là học sinh chúng tôi / đang là lớp 7/ nô nức tập tành, có bạn đăng ký đọc thơ, có bạn tập diễn thoại một đoạn văn, rồi dàn dựng cả các tiểu phẩm theo sách giáo khoa như hình ảnh chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi...Vui lắm và rất sinh động. Cuối đợt, Nhà trường cử tôi đi thi môn Ngữ văn trên huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Liệu có ai nhớ ngày đó, nhớ cuộc thi ấy? Riêng tôi thì nhớ như in vì là đại diện của trường cấp 2 La khê, xã văn khê, cô giáo cử đi thi chắc vì cũng chẳng chọn được ai, chứ tôi thì giỏi giang gì đâu.

Sau môn thi chính là viết bài văn / quên đề bài rồi/, thì đến cuộc thi làm thơ. Đề ra là : Mô tả " Một tháng ngữ văn" ở trường em bằng 4 câu thơ, thời gian 10 phút. Ôi trời ơi, sợ toát mồ hôi hột. Từ thuở bé đến lúc đó chỉ biết đọc thơ, thuộc lòng các bài thơ trong sách và các bài thơ bà dạy, chứ có ai dạy làm thơ, bảo viết thơ gì đâu. Mà lại chỉ có 10 phút, trống vang lên là giám thị thu bài, lại còn phải viết những 4 câu không hơn không kém. 

Thế rồi tôi cũng nộp bài, và biết rằng hôm đó rất nhiều bạn nộp giấy trắng. Lúc nghỉ giải lao, tha thẩn một mình ở góc sân, chợt thấy nhóm các thày cô giáo ngồi ở mấy cái bàn cách đó không xa, chấm bài. Chợt một thày ngồi ngay trên bàn, vố đùi đánh đét rồi cười ha hả đọc bài thơ của tôi. Thoáng nghe mấy chữ, sợ quá, chạy thẳng vào hội trường ngồi, xấu hổ đỏ mặt. Các thày cô giáo cấp 2 ngày đó còn trẻ lắm, vui ơi là vui. Vậy mà, khi tuyên bố kết quả thi, tôi được gọi lên nhận giải thưởng. Ôi trời ơi, tưởng nghe nhầm, tôi ngồi im không động đậy. Mãi sau, thày Phúc, người thày đưa tôi đi thi, kéo tay tôi bảo, "họ gọi tên em đấy", tôi mới loẹt quẹt đôi dép lê mượn của mẹ đi cho oai / bình thường chỉ đi dép cao su / lên nhận phần thưởng. Về nhà, kể cho chị tôi, vốn dân giỏi văn, đang học lớp 8 Nguyễn Huệ -Hà đông nghe về bài thơ, chị tôi cũng cười ngất ngưởng, lại còn chế ra để diễu cợt tôi nữa. Nhưng có ai tin là , chỉ trong 10 phút, 4 câu thơ của tôi lột tả được khí thế hừng hực của cuộc thi Ngữ văn và cả hừng hực của cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc bấy giờ không? 

" Tối hôm nay trường em mở hội

Một tháng ngữ văn, vang dội chiến công

Bên trên , màu đỏ màu hồng

Bên dưới, nghìn nghịt người đông, chập chờn"

Chú thích

Bên trên / sân khấu/

Bên dưới / học sinh/😃😃😃

2020/ tháng 10



Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Ngày này năm xưa


Tháng 7 năm 1996

Mẹ con tôi chuẩn bị lên đường về VN, căn hộ đã bán, đồ đạc vừa cho vừa tặng gần hết, hành trang đóng gói trong 3 cái thùng carton và mấy cái túi xách tay đủ cho tôi và 2 đứa trẻ, 1 đứa 16 và một đứa 13 tuổi có thể mang theo người. vé máy bay đường hàng không Nga đã mua, và hy vọng các con tôi sẽ gặp bố chúng ở sân bay Moscva để cùng về Hà nội. Giấy chuyển trường từ Bulgaria đã nhận và đơn xin học cho chúng ở HN cũng đã được cô em gái đăng ký giúp, thậm chí cô ấy còn tìm các giáo viên để dạy thêm cho các con tôi trước khi vào nhập học ở VN.
Một cú điện thoại đã đảo lộn tất cả. Hai ngày trước khi bay, bố chúng gọi điện từ Moscva sang, bảo con trai rằng anh ta không về được, sẽ có người vào tận sân bay đón nó đưa vào Moscva , nó sẽ học ở đó, nghĩa là, việc về VN chỉ là của tôi và con gái.  Thằng bé vừa trả lời điện thoại vừa mếu máo : "Con không đi đâu cả, con chỉ ở Bul hoặc ở Việt nam thôi." Linh cả thấy điều bất ổn, sáng hôm sau tôi ra phòng vé xin trả lại, nộp tiền phạt và chạy đôn đáo khắp nơi tìm nhà thuê, tháo tung hành lý và ở lại Bul. Vậy là , lần thứ 2 nghĩ sẽ trở về quê hương, lại hụt.
Khoảng nửa tháng sau, mẹ con tôi đã kịp ổn định lại chỗ ở mới, một căn hộ cũ kỹ tồi tàn 2 buồng, ẩm mốc vì lâu không có người ở, bù lại là rất kịp thời khi căn hộ cũ bị chủ nhà mới đuổi ra ,và giá thuê rất rẻ mạt. Chủ nhân là 1 giáo viên tiểu học người Bul, cô ấy thấy tình cảnh 3 mẹ con nên thương hại, cho thuê chỉ với giá 25 $/ 1 tháng. Tôi trả cô ấy 6 tháng liền, rồi bắt tay tự quét vôi, sơn cửa, sắp xếp lại đồ đạc của chủ nhà tạm thời tươm tất, làm lại từ đầu trong một tâm trạng rất chán nản. Và đúng lúc đó, tôi nhận được giấy gọi của ĐSQ lên nhận thư từ VN.
Trời nắng như đổ lửa, cái nóng giữa mùa hè ở đây chẳng khác gì ở VN, ngoài trời trên dưới 40 độ, chỉ được cái không đổ mồ hôi bịn rịn. Vậy mà, khi cầm tập giấy nặng trịch trên tay, là hồ sơ , thư tín của các cấp, là quyết định ly hôn của Toà án Thành phố Hà nội, công văn của Bộ ngoại giao, bộ Tư pháp đề nghị ĐSQ bên Sofia dán tống đạt trước cửa SQ để truy tìm tôi là bị đơn trong vụ ly hôn, tôi vã mồ hôi hột và ngất xỉu ngay dưới chân cậu cán bộ Lãnh sự.
Thật trơ tráo và khốn nạn, kẻ tôi đã từng gọi là chồng đã bỏ rơi tôi và hai con nhỏ, một mình chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt xứ người, kẻ đã từng sang đây ăn ở tại nhà tôi, lại đâm đơn bỏ tôi ở Toà Hà nội từ tháng 11/ 1995, nói dối Toà án là không biết tôi và các con ở đâu, để rồi cái quyết định cho ly hôn ấy đi đường vòng gần 1 năm trời, đến tay tôi vào tháng 8 năm 1996. Sự thật là tôi đã vứt vào sọt rác cái  đơn xin ly hôn anh ta viết năm 1994, và nghĩ rằng anh ta đang nóng giận nên viết vậy thôi, rồi sẽ bình tâm lại và mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Tôi một mực nghĩ rằng không đời nào anh ta có thể làm được chuyện này, vì anh ta đã theo đuổi tôi 6 năm trời khi còn là sinh viên và đòi cưới bằng được, mặc kệ mọi đàm tiếu của bạn bè và sự ngăn cản của bố mẹ tôi cũng như sự chán ngán của tôi lúc bấy giờ, chỉ là 1 đứa trẻ chưa kịp lớn và chỉ biết sách vở và mộng mơ.
Tháng 8 năm đó thật kinh khủng , lần đầu tiên trong đời đối mặt với sự phản bội, một mình không thể chia sẻ với ai, vì ngày đó làm gì có Internet, Wifi, Fb… như ngày nay, rồi thức trắng mấy đêm để viết thư chống án cho kịp gửi về trong thời hạn. Vậy là lại đôn đáo đi về trường cũ của các con xin học trở lại, tự dằn vặt không biết kiếm sống bằng cách nào đây khi mọi vốn liếng đã gửi hết về VN để chuẩn bị xây sửa ngôi nhà ở HN.
Rồi cũng qua, rồi cũng qua, rồi cũng qua, tôi tự nhủ thầm. Và Trời Phật thương tôi, cho tôi gặp nhiều may mắn, gặp những cơ hội để làm lại từ đầu. Các con tôi lần lượt vào Đại học với các học bổng nhà nước, ra trường và đi làm, trở thành các công dân đàng hoàng mà tôi không hề phải lo lắng tốn kém chút nào. Gần 3 năm sau khi gửi thư chống án, rốt cục người ta cũng phải xử cho ly hôn, sau khi tôi lọ mọ về nước gặp từng kẻ đã hạ bút ký cái quyết định ly hôn đồng ý cho anh ta bỏ rơi tôi và các con anh ta để chất vấn một câu hỏi / thực ra là rất ngớ ngẩn/ : “Tại sao các ông các bà xử cho ly hôn mà tôi không hề được Toà gọi hoà giải”. Cha mẹ tôi còn sống ở HN, trong thời gian về nộp đơn ly hôn, anh ta còn đến gặp các cụ, các cụ còn cho mấy ngàn đô la sau khi bán ngôi nhà ở 111 Phố Huế, vậy mà cũng không hề biết việc anh ta bỏ rơi con gái và các cháu của mình. Tôi không biết gọi tên là gì nữa loại người mà bản chất vốn dĩ là nông dân, không được giáo dục đến nơi đến chốn cho dù cũng được học hành có bằng cấp.Chỉ buồn vì anh ta là bố sinh ra các con tôi, và tôi, vốn kém cỏi trong giao tiếp xã hội, đã không nghe lời khuyên bảo của ông bà bố mẹ để sinh ra nông nỗi này. 
/ Đã nhiều lần cầm bút muốn ghi chép lại quá khứ mà lần nào cũng buông bút vì thấy kẻ đó không xứng đáng được nhắc đến trong đời của tôi.../