Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

 Ngữ văn là gì ? 

Theo định nghĩa mới nhất tìm được ,Ngữ văn là môn học được tích hợp từ ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn (trước đó ba phân môn này  ba môn độc lập, có SGK riêng) gồm hai phần ngữ và văn gắn bó với nhau, bởi "ngôn ngữ là chất liệu làm nên văn học và văn học chính  nghệ thuật của ngôn ngữ". / theo google/ 

Ngày còn bé đi học cấp 1-2, những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ chỉ có môn Văn, rồi trong đó, cô giáo dạy Tập làm văn, có thêm phần ngữ pháp. Thật đơn giản, sách rất ít mà học sinh không nói ngọng nhiều như bây giờ, chữ viết rất đẹp và trình bày bài vở rõ ràng, sạch sẽ, nhất là báo chí viết thì rất chuẩn, không sai chính tả, ngữ pháp nhiều như bây giờ. Càng văn minh, càng phát triển cao, người ta càng nghĩ ra nhiều môn học, tách ra nhập vào loạn xạ, in sách nhiều như quân Nguyên. Ngày xưa đi học chỉ có cái túi mỏng đeo vai, vài quyển vở, quyển sách mỏng, tha hồ tung tăng chạy nhẩy khi tan trường. Ngày nay, nhìn các cháu gò lưng đeo cặp, phụ huynh phải đến tận cổng đón con ôm giúp ba lô sách cho trẻ mà thấy tội nghiệp các cháu quá. Học không biết được bao nhiêu chữ vào đầu mà vất vả khổ sở thế kia, chưa nói đến chuyện mỗi bộ sách cả đống tiền, với các gia đình khó khăn về kinh tế thì còn là cả một gánh nặng. 

Nhớ năm 1967, cả nước sôi sục phong trào đánh Mỹ. Năm đó, lần đầu tiên tôi được nghe thấy từ "Ngữ văn". Cô giáo dạy văn cũng chẳng giải thích, nên đám trẻ con đi học cũng chỉ hiểu đó là từ mới chỉ môn Văn. Cùng với các phong trào gì gì đó, trường có khẩu hiệu " Một tháng Ngữ văn". Thế là học sinh chúng tôi / đang là lớp 7/ nô nức tập tành, có bạn đăng ký đọc thơ, có bạn tập diễn thoại một đoạn văn, rồi dàn dựng cả các tiểu phẩm theo sách giáo khoa như hình ảnh chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi...Vui lắm và rất sinh động. Cuối đợt, Nhà trường cử tôi đi thi môn Ngữ văn trên huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Liệu có ai nhớ ngày đó, nhớ cuộc thi ấy? Riêng tôi thì nhớ như in vì là đại diện của trường cấp 2 La khê, xã văn khê, cô giáo cử đi thi chắc vì cũng chẳng chọn được ai, chứ tôi thì giỏi giang gì đâu.

Sau môn thi chính là viết bài văn / quên đề bài rồi/, thì đến cuộc thi làm thơ. Đề ra là : Mô tả " Một tháng ngữ văn" ở trường em bằng 4 câu thơ, thời gian 10 phút. Ôi trời ơi, sợ toát mồ hôi hột. Từ thuở bé đến lúc đó chỉ biết đọc thơ, thuộc lòng các bài thơ trong sách và các bài thơ bà dạy, chứ có ai dạy làm thơ, bảo viết thơ gì đâu. Mà lại chỉ có 10 phút, trống vang lên là giám thị thu bài, lại còn phải viết những 4 câu không hơn không kém. 

Thế rồi tôi cũng nộp bài, và biết rằng hôm đó rất nhiều bạn nộp giấy trắng. Lúc nghỉ giải lao, tha thẩn một mình ở góc sân, chợt thấy nhóm các thày cô giáo ngồi ở mấy cái bàn cách đó không xa, chấm bài. Chợt một thày ngồi ngay trên bàn, vố đùi đánh đét rồi cười ha hả đọc bài thơ của tôi. Thoáng nghe mấy chữ, sợ quá, chạy thẳng vào hội trường ngồi, xấu hổ đỏ mặt. Các thày cô giáo cấp 2 ngày đó còn trẻ lắm, vui ơi là vui. Vậy mà, khi tuyên bố kết quả thi, tôi được gọi lên nhận giải thưởng. Ôi trời ơi, tưởng nghe nhầm, tôi ngồi im không động đậy. Mãi sau, thày Phúc, người thày đưa tôi đi thi, kéo tay tôi bảo, "họ gọi tên em đấy", tôi mới loẹt quẹt đôi dép lê mượn của mẹ đi cho oai / bình thường chỉ đi dép cao su / lên nhận phần thưởng. Về nhà, kể cho chị tôi, vốn dân giỏi văn, đang học lớp 8 Nguyễn Huệ -Hà đông nghe về bài thơ, chị tôi cũng cười ngất ngưởng, lại còn chế ra để diễu cợt tôi nữa. Nhưng có ai tin là , chỉ trong 10 phút, 4 câu thơ của tôi lột tả được khí thế hừng hực của cuộc thi Ngữ văn và cả hừng hực của cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc bấy giờ không? 

" Tối hôm nay trường em mở hội

Một tháng ngữ văn, vang dội chiến công

Bên trên , màu đỏ màu hồng

Bên dưới, nghìn nghịt người đông, chập chờn"

Chú thích

Bên trên / sân khấu/

Bên dưới / học sinh/😃😃😃

2020/ tháng 10



Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Ngày này năm xưa


Tháng 7 năm 1996

Mẹ con tôi chuẩn bị lên đường về VN, căn hộ đã bán, đồ đạc vừa cho vừa tặng gần hết, hành trang đóng gói trong 3 cái thùng carton và mấy cái túi xách tay đủ cho tôi và 2 đứa trẻ, 1 đứa 16 và một đứa 13 tuổi có thể mang theo người. vé máy bay đường hàng không Nga đã mua, và hy vọng các con tôi sẽ gặp bố chúng ở sân bay Moscva để cùng về Hà nội. Giấy chuyển trường từ Bulgaria đã nhận và đơn xin học cho chúng ở HN cũng đã được cô em gái đăng ký giúp, thậm chí cô ấy còn tìm các giáo viên để dạy thêm cho các con tôi trước khi vào nhập học ở VN.
Một cú điện thoại đã đảo lộn tất cả. Hai ngày trước khi bay, bố chúng gọi điện từ Moscva sang, bảo con trai rằng anh ta không về được, sẽ có người vào tận sân bay đón nó đưa vào Moscva , nó sẽ học ở đó, nghĩa là, việc về VN chỉ là của tôi và con gái.  Thằng bé vừa trả lời điện thoại vừa mếu máo : "Con không đi đâu cả, con chỉ ở Bul hoặc ở Việt nam thôi." Linh cả thấy điều bất ổn, sáng hôm sau tôi ra phòng vé xin trả lại, nộp tiền phạt và chạy đôn đáo khắp nơi tìm nhà thuê, tháo tung hành lý và ở lại Bul. Vậy là , lần thứ 2 nghĩ sẽ trở về quê hương, lại hụt.
Khoảng nửa tháng sau, mẹ con tôi đã kịp ổn định lại chỗ ở mới, một căn hộ cũ kỹ tồi tàn 2 buồng, ẩm mốc vì lâu không có người ở, bù lại là rất kịp thời khi căn hộ cũ bị chủ nhà mới đuổi ra ,và giá thuê rất rẻ mạt. Chủ nhân là 1 giáo viên tiểu học người Bul, cô ấy thấy tình cảnh 3 mẹ con nên thương hại, cho thuê chỉ với giá 25 $/ 1 tháng. Tôi trả cô ấy 6 tháng liền, rồi bắt tay tự quét vôi, sơn cửa, sắp xếp lại đồ đạc của chủ nhà tạm thời tươm tất, làm lại từ đầu trong một tâm trạng rất chán nản. Và đúng lúc đó, tôi nhận được giấy gọi của ĐSQ lên nhận thư từ VN.
Trời nắng như đổ lửa, cái nóng giữa mùa hè ở đây chẳng khác gì ở VN, ngoài trời trên dưới 40 độ, chỉ được cái không đổ mồ hôi bịn rịn. Vậy mà, khi cầm tập giấy nặng trịch trên tay, là hồ sơ , thư tín của các cấp, là quyết định ly hôn của Toà án Thành phố Hà nội, công văn của Bộ ngoại giao, bộ Tư pháp đề nghị ĐSQ bên Sofia dán tống đạt trước cửa SQ để truy tìm tôi là bị đơn trong vụ ly hôn, tôi vã mồ hôi hột và ngất xỉu ngay dưới chân cậu cán bộ Lãnh sự.
Thật trơ tráo và khốn nạn, kẻ tôi đã từng gọi là chồng đã bỏ rơi tôi và hai con nhỏ, một mình chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt xứ người, kẻ đã từng sang đây ăn ở tại nhà tôi, lại đâm đơn bỏ tôi ở Toà Hà nội từ tháng 11/ 1995, nói dối Toà án là không biết tôi và các con ở đâu, để rồi cái quyết định cho ly hôn ấy đi đường vòng gần 1 năm trời, đến tay tôi vào tháng 8 năm 1996. Sự thật là tôi đã vứt vào sọt rác cái  đơn xin ly hôn anh ta viết năm 1994, và nghĩ rằng anh ta đang nóng giận nên viết vậy thôi, rồi sẽ bình tâm lại và mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Tôi một mực nghĩ rằng không đời nào anh ta có thể làm được chuyện này, vì anh ta đã theo đuổi tôi 6 năm trời khi còn là sinh viên và đòi cưới bằng được, mặc kệ mọi đàm tiếu của bạn bè và sự ngăn cản của bố mẹ tôi cũng như sự chán ngán của tôi lúc bấy giờ, chỉ là 1 đứa trẻ chưa kịp lớn và chỉ biết sách vở và mộng mơ.
Tháng 8 năm đó thật kinh khủng , lần đầu tiên trong đời đối mặt với sự phản bội, một mình không thể chia sẻ với ai, vì ngày đó làm gì có Internet, Wifi, Fb… như ngày nay, rồi thức trắng mấy đêm để viết thư chống án cho kịp gửi về trong thời hạn. Vậy là lại đôn đáo đi về trường cũ của các con xin học trở lại, tự dằn vặt không biết kiếm sống bằng cách nào đây khi mọi vốn liếng đã gửi hết về VN để chuẩn bị xây sửa ngôi nhà ở HN.
Rồi cũng qua, rồi cũng qua, rồi cũng qua, tôi tự nhủ thầm. Và Trời Phật thương tôi, cho tôi gặp nhiều may mắn, gặp những cơ hội để làm lại từ đầu. Các con tôi lần lượt vào Đại học với các học bổng nhà nước, ra trường và đi làm, trở thành các công dân đàng hoàng mà tôi không hề phải lo lắng tốn kém chút nào. Gần 3 năm sau khi gửi thư chống án, rốt cục người ta cũng phải xử cho ly hôn, sau khi tôi lọ mọ về nước gặp từng kẻ đã hạ bút ký cái quyết định ly hôn đồng ý cho anh ta bỏ rơi tôi và các con anh ta để chất vấn một câu hỏi / thực ra là rất ngớ ngẩn/ : “Tại sao các ông các bà xử cho ly hôn mà tôi không hề được Toà gọi hoà giải”. Cha mẹ tôi còn sống ở HN, trong thời gian về nộp đơn ly hôn, anh ta còn đến gặp các cụ, các cụ còn cho mấy ngàn đô la sau khi bán ngôi nhà ở 111 Phố Huế, vậy mà cũng không hề biết việc anh ta bỏ rơi con gái và các cháu của mình. Tôi không biết gọi tên là gì nữa loại người mà bản chất vốn dĩ là nông dân, không được giáo dục đến nơi đến chốn cho dù cũng được học hành có bằng cấp.Chỉ buồn vì anh ta là bố sinh ra các con tôi, và tôi, vốn kém cỏi trong giao tiếp xã hội, đã không nghe lời khuyên bảo của ông bà bố mẹ để sinh ra nông nỗi này. 
/ Đã nhiều lần cầm bút muốn ghi chép lại quá khứ mà lần nào cũng buông bút vì thấy kẻ đó không xứng đáng được nhắc đến trong đời của tôi.../

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018


Tác phẩm Thần khúc
Thần khúc (tiếng ÝDivina Commedia  là một trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri(1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới,sau đó được đặt tên thánh là Divina bởi Giovanni Boccaccio, được coi là tập thơ quan trọng nhất của thời kỳ Trung Cổ và là tác phẩm văn học vĩ đại nhất bằng tiếng Ý.
Dante đã đóng vai trò chủ đạo trong việc kiến tạo nền văn học Ý, những miêu tả của ông về Địa ngục (Hell), Luyện ngục (Purgatory) và Thiên đàng (Heaven) đã mang tới nguồn cảm hứng cho sự định hình ở quy mô lớn hơn của nghệ thuật phương Tây.
Bài thơ được viết theo ngôi thứ nhất: tôi, kể lại cuộc du hành của Dante qua ba thế giới bên kia, diễn ra tại thời điểm Ba ngày lễ Phục sinh thiêng liêng mùa xuân năm 1300. Nhà thơ La Mã Virgil dẫn ông đi qua Hỏa Ngục và Luyện Ngục; trong khi nàng Beatrice, người phụ nữ mà Dante coi là lý tưởng, dẫn ông qua Thiên đường. Beatrice là người phụ nữ thành Florence, người mà ông biết đến từ thời thơ ấu, và mang lòng ái mộ, theo hình mẫu tình yêu thuần khiết thời thượng truyền thống, được tô điểm trong tác phẩm La Vita Nuova của ông.

Tại Hỏa ngục, mỗi tội nghiệt phải chịu sự trừng trị tương ứng thích đáng, ví người bói toán phải đi ngược, bằng đầu họ, khiến họ không thể nhìn thấy gì ở phía trước, như họ đã làm trong suốt cuộc đời mình.

Tầng một - Limbo (U Minh)

Ở đây có những người chưa được rửa tội và những người vô thần nhưng có đức hạnh, tức những người không phạm tội lỗi gì, nhưng không nhìn nhận Jesus là chúa của mình. Họ tuy không bị đọa đày, nhưng cũng không được lên Thiên đường, vì không được gần Chúa trời, không có hy vọng được cứu rỗi, 

 Những người Cơ hội, những người trong suốt cuộc đời mình không làm việc gì tốt, nhưng cũng không làm gì xấu.Lẫn vào với họ là những kẻ bị ruồng bỏ, là những thiên thần không tham gia vào Cuộc nổi loạn của các thiên thần. Những linh hồn này không ở trong, cũng không ở ngoài Địa ngục, họ phải ngụ tại bờ sông Acheron là con sông mà các linh hồn phải vượt qua trước khi tiến vào Địa ngục, chịu trừng phạt bằng việc phải đuổi theo một lá cờ, trong khi bản thân họ bị ong bắp cày đuổi theo đốt, cùng với giòi bọ và các loại côn trùng khác hút máu mủ, hình ảnh này tượng trưng cho sự châm đốt lương tâm và ghê tởm tội lỗi.
Các tầng địa ngục sâu hơn được kết cấu dựa theo ý niệm của Aristote về đức hạnh và sự đồi bại, nên có thể chia ra làm tội không kiềm chế dục vọng, bạo lực và lừa gạt (với nhiều nhà chú giải, được biểu hiện bằng hình ảnh báo, sư tử và sói cái. Tội không kiềm chế dục vọng - yếu đuối trong việc kiểm soát ham muốn và đòi hỏi tự nhiên - là tội nhẹ nhất.

Tầng hai - Lust (Nhục Dục)


Tầng thứ hai của Địa Ngục, đây là ngục phạt thứ nhất của Địa Ngục. Nơi đây giam giữ những linh hồn khi còn sống đã bị chi phối bởi dục vọng làm ảnh hưởng đến tính minh mẫn của lý trí. Họ là "những kẻ đã phạm tội xác thịt" và họ là những kẻ đầu tiên bị trừng phạt trong Địa Ngục. Hình phạt của họ, theo như Dante miêu tả, là luôn phải bị thổi cuốn bay đi liên tục bởi những cơn cuồng phong vĩnh hằng, chúng tượng trưng cho sự ham muốn mất kiểm soát đã lôi kéo họ rời khỏi con đường ngay thẳng. 

Tầng ba - Gluttony (Phàm Ăn)[


Chó ngao ba đầu Cerberus canh giữ những kẻ phàm ăn tục uống, buộc họ phải nằm trên một đống bùn ghê tởm tạo bởi những trận mưa lạnh buốt, tuyết đen bẩn thỉu và mưa đá. Đây là biểu tượng của những thứ rác rưởi mà những kẻ phàm ăn tục uống tạo ra khi họ còn sống, làm nô lệ cho thức ăn và cái dạ dày của mình

Tầng bốn - Greed (Tham Lam)


Những người mà quan điểm của họ khi còn sống lệch lạc so với chuẩn mực cho phép, chỉ hướng về tiền tài và vật chất sẽ bị trừng phạt ở đây. Họ bao gồm 2 nhóm người: những người tham lam và hà tiện thích tích trữ tài sản và những người tiêu xài tài sản một cách hoang phí.

Tầng năm - Wrath (Thịnh Nộ)

Là những phạm nhân được cho là "hoàn toàn có đầy đủ ý thức và chủ ý phạm tội". Các bức tường của thành phố được canh gác bởi các thiên thần sa ngã,Trong làn nước lầy lội như đầm lầy của con sông Styx, những linh hồn giận dữ đánh nhau trên mặt nước, những kẻ rầu rĩ và uể oải phải nằm xuống dưới dòng nước đen, nơi mà họ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc
 
Tầng sáu (Dị Giáo)
  Đây là nơi trừng phạt những người lan truyền và tin theo dị giáo, ví dụ như niềm tin "Linh hồn sẽ chết cùng với thể xác" của những người tin theo thuyết Epicurus. Họ sẽ bị chôn trong những nấm mồ cháy rực lửa. 


Tầng bảy (Bạo Lực)
Tầng thứ bảy Địa Ngục giam giữ những kẻ bạo lực, lối vào của nó được canh giữ bởi nhân ngưu Minotaur và nó được chia thành 3 vòng: - Vòng ngoài cùng: Giam giữ những người đã cưỡng bức người khác và tài sản. Họ sẽ phải bị nhúng chìm vào Phlegethon, 1 dòng sông của máu đun sôi và lửa, đến 1 độ sâu tương ứng với tội của họ. Ở trên bờ sông có những con nhân mã, do Chiron và Pholus chỉ huy, liên tục tuần tra ven sông và bắn tên vào những ai cố ngoi lên cao hơn mức nước quy định.Những cư dân còn lại của nơi này đó là những người hoang phí của cải, những người đã tự tàn phá nguồn nuôi sự sống thế gian của họ. Họ vĩnh viễn phải bị săn đuổi và đánh đập bởi những con chó hung tợn. - Vòng trong cùng: Là nơi giam giữ những người đã lăng mạ Thiên Chúa và những ai đã đi trái tự nhiên (người đồng tính, và như đã giải thích ở trên, người cho vay nặng lãi). Tất cả đều bị giam trong 1 sa mạc đầy cát nóng rực cháy với mưa lửa đổ tù trời xuống. Kẻ lăng mạ phải nằm, kẻ cho vay nặng lãi phải ngồi và những người đồng tính phải lang thang trên cát thành các nhóm.

Tầng tám (Gian Trá)

Tầng thứ tám và thứ chín của Địa Ngục trừng phạt những tội liên quan đến sự giả dối và phản bội có ý thức, và chỉ có thể tiếp cận được bằng cách trượt xuống 1 vách đá rộng từ trên lưng của Geryon, 1 quái vật có cánh thường được mô tả là có 3 đầu, 1 của người, 1 của thú và 1 của bò sát. Những người giả dối - những ai hoàn toàn có nhận thức về điều ác và cố ý phạm tội - đều được giam trong 1 nhà ngục có tên là Malebolge,

Tầng chín (Phản Bội)

Những kẻ phản bội được phân biệt với giả dối thông thường bằng việc hành động của họ có liên quan đến phản bội 1 mối quan hệ đặc biệt nào đó. Ở đây tồn tại 4 khu vực tương ứng với mức độ nghiêm trọng của phản bội. Ngược với hình ảnh rực lửa của Địa Ngục thì những kẻ phản bội sẽ bị đóng băng dưới 1 chiếc hồ băng giá có tên là Cocytus, với mỗi nhóm sẽ bị đóng băng xuống 1 độ sâu nhất định. 


Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Thuc Ngo
7 giờ
NHO
Có một cụ già, lưng đã còng, mắt lèm nhèm, nhưng sáng nào cũng vậy, từ 5 h sáng, cụ đã chống gậy ra vườn nho, ngửng cao đầu nhìn những chùm nho đẫy quả, xanh mướt, rồi chuyển sang màu vàng ươm, cho đến khi từng đàn ong bò vẽ kéo đến vì mùi thơm ngọt từ các quả nho bay khắp nơi, quyến rũ. Giàn nho này cụ gây dựng nên từ khi còn là một chàng trai, cụ trồng từ những cành nho chiết ra bên hàng xóm, trải qua năm tháng, với đôi tay và tình yêu khu vườn, chúng tươi tốt nhất vùng. Hàng năm, những thùng, chai rượu vang sóng sánh được chắt lọc từ từng quả nho, được cụ nâng niu như báu vật. Con cháu cụ ăn nho, uống rượu vô tư, chẳng phải đắn đo suy nghĩ, thậm chí, chúng đãi bạn bè hàng sọt nho, hàng can rượu, mà không biết rằng, biết bao công sức chăm sóc hàng ngày của ông cụ để có những thứ rất đỗi tầm thường có thể được mua ở khắp các chợ, các siêu thị ấy.
Một ngày kia, khi đã không còn sức để cuốc các gốc nho, dọn cỏ, bón phân vào mùa thu, cắt cành và phun thuốc sâu vào mùa xuân, ông cụ chỉ còn trông chờ vào sự may mắn của bàn tay thiên nhiên. Con cháu vẫn thản nhiên, vẫn ăn nho, uống rượu, tuy chúng thấy nho không còn nhiều và ngọt như ngày nào, rượu vang, rượu Rakia không dồi dào như trước vì chúng quá bận rộn, chẳng có sức mà quan tâm, cho rằng việc chăm sóc vườn nho là chuyện của ông chúng. Ông cụ vẫn miệt mài cúi tấm lưng còng để nhặt các quả nho quí giá bị rơi xuống đất do bầy ong ăn còn sót lại để cho vào thùng ủ rượu.
Một ngày kia, thằng cháu trai mời bạn bè đến uống rượu mừng sinh nhật. Nó hỏi ông , rượu nhà mình ở đâu. Ông cụ mang ra một chai rượu vang và một chai Rakia, thằng cháu hồ hởi rót rượu đãi bạn, quên cả rót cho ông nó 1 ly ( vì nó còn bận với bạn bè ). Chúng ăn và uống vui vẻ, khen rượu ngon hơn bất kỳ loại rượu nào mua ở siêu thị. Ông cụ ngồi từ xa cũng cảm thấy vui và hài lòng. Xong tiệc, thằng cháu cầm những chiếc ly bạn bè nó vừa uống, hất toẹt tất cả số rượu còn lại xuống đất. Ông cụ không nói gì, chỉ nghĩ, liệu nó có biết bao nhiêu quả nho mới làm được thành một ly rượu kia.
Ít lâu sau ông cụ mất, giàn nho không ai chăm sóc, khô héo dần và tàn đi. Thằng cháu cho cưa các gốc nho vì chả còn gì để thu hoạch, chỉ có rơi rớt các lá úa tàn. Ngôi nhà ông cụ để lại cùng khu vườn bị bán cho chủ khác.
Đơn giản, nó không có tình yêu với những gì ông nó để lại. Và đơn giản hơn nữa, nó là kỹ sư Informatic, rất bận,rất bận và rất bận, đi mua nho ở ngoài chợ, rượu ở siêu thị, nhanh hơn rất nhiều.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Tôi có người Thày như thế 

/ đoạn kết /


Năm 1996, ở Bulgaria về, tôi đến thăm thày lần thứ 2.Lần này, một người bạn học cùng cấp 3 Nguyễn Huệ đã đưa tôi đi bằng xe ô tô cơ quan khi anh đi công tác vùng đó. Anh bạn đã thả tôi xuống đầu làng,đi công việc và quay lại đón tôi buổi chiều hôm đó. Chỉ có thày ở nhà, các con đi vắng, vợ đi chùa, thày đã kể cho tôi nghe toàn bộ phần đời sau khi giải ngũ.Thày nói một câu tôi không thể nào quên: “Tôi đã từng là 1 người lương thiện, bây giờ càng phải sống cho lương thiện hơn vì các con. Còn em ,hãy cố lên, tin rằng mọi điều tốt lành sẽ đến với em, mong em hãy vững vàng”. Tôi vẫn thế, chỉ biết lắng nghe và nghẹn ngào, chẳng nói được gì cho dù thâm tâm đã tự nhủ rằng sẽ dũng cảm để nói hết mọi cảm nghĩ của mình. Đứng trước thày, tôi vẫn chỉ là một cô học sinh bé nhỏ ngày nào, cho dù tôi đã có chút thành đạt trong cuộc đời, cho dù các con tôi đã lớn, tóc tôi đã điểm bạc, các nếp chân chim đã hiện trên khóe mắt.

Tôi sẽ dừng lại ở đây, hẹn với mình một ngày nào đó sẽ viết tiếp. Từ ngày đó tới hôm nay, tôi vẫn giữ liên lạc với thày thông qua con gái thày đang làm việc và sinh sống ở Hà nội. Mỗi lần về Việt nam, tự nhủ sẽ lại đến thăm thày,nhưng hình như số phận đã ngăn cản tôi lại. Không, nhất định lần này tôi sẽ về thăm thày, cầu mong thày còn sống và khỏe mạnh. Và nhất định lần này tôi sẽ nói hết những điều sâu kín trong cõi lòng.

Tháng 10/2006.



Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Tôi có người Thày như thế / phần 2/

Có người bạn vừa đọc xong phần một, hỏi tôi: “Tại sao ngày đó, năm 1976, biết tin thày còn sống trở về ,ngay tại Hưng yên mà không tìm đến thăm thày ngay, mà phải đợi mãi đến năm 1986?”. Mười năm trôi qua, trái tim mách bảo ngày đó sẽ đến, nhưng số phận đã không cho tôi được điều hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Trước đó tôi nghe mong manh những tin đồn, khi thì bảo thày đã hy sinh, khi thì nghe tin mất tích.Bởi thế, khi cô Đắc nói là thày đã trở về, tôi mừng vui khôn xiết nhưng cũng rối bời trong dạ.
Tại sao số phận lại khắc nghiệt đến thế với người thày của tôi? Hàng trăm ngàn câu hỏi đặt ra khi một ai đó thoát chết trong gang tấc để trở về cuộc sống, khi tất cả những người xung quanh chết hết? Tại sao người đó không có quyền được sống, tại sao phải chết tập thể nhiều như vậy để được người đời vinh danh? Thày của tôi may mắn thoát chết trở về sau chiến tranh, nhưng thày đã không may mắn được sống như những con người bình thường khác .Thực tế đã cho tôi thấy cuộc đời đầy dối trá này đã vùi dập biết bao nhiêu người lương thiện, biết bao trái tim nhân hậu, đã làm thui chột bao nhiêu ý chí và tài năng. Thày của tôi nằm trong số người đó.
Mùa hè năm 1987, sau gần 1 năm liên lạc vài tháng mới nhận được 1 thư vì đường từ Hưng Yên - Hà nội...xa quá, bưu điện giữ hay ai giữ để kiểm tra? Lá thư sau nói rằng đã không nhận được thư trước??? Trước ngày lên đường đi học NCS, tôi gắng vượt qua mọi nhọc nhằn để tìm đến thày giáo của tôi, nghĩa là, đúng 20 năm sau cái ngày đi thi học sinh giỏi trên huyện Hoài Đức ấy. Tại sao lại “ nhọc nhằn”. Đúng thế, rất nhiều đấu tranh trong tư tưởng, rất nhiều các cuộc bàn luận với chồng, với cả bố mẹ và chị em, vì cả gia đình tôi, từ bố mẹ đến tất cả chúng tôi, đều yêu quí và kính trọng thày. Các cụ và chị em tôi động viên tôi, còn chồng tôi thì hậm hực, khó chịu. Rốt cục thì anh cũng đồng ý đưa tôi đi bằng chiếc Honda cũ kĩ ngày đó lên đường về quê thày.
Ngày hôm đó nắng như đổ lửa, gửi 2 con nhỏ nơi ông bà ngoại, chúng tôi khởi hành từ sáng sớm nhưng mãi đến trưa mới tìm được đến làng của thày.Những con đường bụi mù, nóng như rang, ngày đó chẳng có kính râm, chẳng có áo chống nắng, khẩu trang chống bụi như bây giờ, và cũng chẳng biết đường đi/ lấy đâu ra GPS như bây giờ, thậm chí điện thoại cũng không có để báo trước cho thày và gia đình biết/. Ngay tại đầu làng có một chợ nhỏ, tôi xuống xe hỏi thăm, được 1 bác bán rau chỉ rất cặn kẽ. Khi chúng tôi vào đến xóm, một cậu bé chạc chừng 8-9 tuổi, đen nhẻm, cởi trần, chạy ra và reo lên “ Cô Thục”. Ôi trời, trái tim tôi đứng lại, nhìn cậu bé không chớp mắt, và hiểu ngay ra đấy là cậu con trai đầu lòng của thày giáo tôi. Rồi cậu bé dẫn tôi vào nhà, một ngôi nhà tranh vách đất ba gian, cột chống tuềnh toàng, cửa che bằng những tấm liếp,một bên kê giường có một chiếc màn bộ đội cũ kĩ mắc lửng lơ và 1 bức ảnh thày giáo tôi trong quân phục bộ đội treo trên cây cột.Chỉ một thoáng, tôi đã hiểu hết cuộc sống hiện tại của thày tôi ra sao,đột nhiên tôi bật khóc./ lúc đó chồng tôi đang tìm chỗ dựng xe, đang ngắm mảnh vườn trồng rau cằn cỗi của gia đình thày/.Một loáng sau, gian nhà chật ních,mọi người tự giới thiệu, đây là bà dì, đây là chú em, đây là cô em...nghe tin tôi về thăm, cả họ đã đến. Mãi sau cậu bé mới dẫn mẹ về, vợ thày, một người đàn bà nông dân nhỏ nhắn xinh xắn chạc tuổi tôi,nhưng không thấy thày giáo tôi đâu. Hơi chột dạ, tôi cố kìm nước mắt để hỏi, vỡ lẽ ra rằng thày vừa đi Hà nội sáng sớm nay thăm người chị đang ốm nặng, chiều tối mới về. Cả năm trời thư từ qua lại, họ hàng cô bác vợ con thày đều đã quen biết tôi, đều được nghe thày kể về tôi nên đã vui mừng đón tôi như một người thân trong gia đình.
Chỉ một loáng, các bà, các cô bác đã bày ra một mâm cơm thịnh soạn rất hiếm hoi có được trong một gia đình nông dân thời đó.Chắc mỗi người bưng sang một thứ trong bếp nhà mình, bởi mâm cơm được dọn ra nhanh chóng bất ngờ và đầy đủ, có cả cá chép rán và thịt gà là hai thứ xa xỉ nhất thời bấy giờ. Tôi ăn qua loa để gia đình không buồn, chứ bụng dạ nào mà ăn, cứ hỏi mãi địa chỉ người chị của thày ở Hà nội, chẳng ai nhớ số nhà, chỉ biết tên phố Nguyễn Hữu Huân, con phố 1 chiều dài dằng dặc. Hôm đó, nắng như đổ lửa, sau khi đã gửi tặng lại số quà mang theo / toàn bộ tiêu chuẩn cho 1 nghiên cứu sinh chuẩn bị đi nước ngoài ngày đó gồm 2 tấm vải may quần âu và áo sơ mi, một áo khoác may sẵn và mấy thứ chúng tôi mua thêm dọc đường/ chúng tôi lên đường trở về .Cảm giác trống rỗng và đau xót trong tôi ngày càng tăng bao nhiêu thì anh chồng của tôi lại càng tức giận bấy nhiêu. Tôi đã nài nỉ anh dắt xe đi dọc phố, hỏi từng nhà tên chị của Thày, không ai biết, rồi lại ra bến Nứa, ngóng từng chuyến xe đò đi Hưng yên mà chẳng thấy bóng dáng thày đâu. Tôi đã khóc rất nhiều, buồn cho số phận người thày của mình mỗi khi nhớ lại câu nói của vợ thày khi chỉ chiếc chõng cạnh bờ sông phía sau nhà, bảo rằng: “Ông ấy ngủ ở đó hàng đêm để trông cái vó lưới đánh cá cải thiện thêm, chứ lương giáo viên cấp hai chẳng được bao nhiêu cô ạ.”
Một tuần sau, chỉ còn 2 ngày nữa tôi lên đường, bất ngờ có tiếng gõ cửa, và người thày của tôi xuất hiện. Thày đã tìm đến nhà bố mẹ tôi, khi đó còn ở 111 Phố Huế, rồi bố mẹ tôi chỉ đường cho thày tìm đến chỗ chúng tôi. Người thày trắng trẻo đẹp trai năm xưa bây giờ gày đen, tóc đã điểm bạc dù lúc đó chắc chưa đến 50 tuổi. Thày mang theo gạo nếp, đậu xanh,bánh nếp, bánh tẻ, bảo rằng cả đêm qua họ hàng kéo đến làm giúp để sáng nay thày đi Hà nội sớm. Tôi cảm động không nói được gì, còn chồng tôi ngồi tiếp nước thày, chúng tôi giữ thày ở lại ăn cơm, thày nhất định từ chối, tôi ân hận mãi đến tận bây giờ là đã không mời thày một bữa cơm đàng hoàng như chúng tôi đã được tiếp đón hôm trước ở quê thày. Một phần vì lúng túng, bất ngờ, một phần vì chồng tôi kèm sát từ đầu đến cuối, thậm chí tranh phần đi tiễn thày ra đầu ngõ. Nỗi cay đắng trào lên khi anh ấy trở vào và nói: “ Thế nào, thần tượng của cô sụp đổ rồi chứ?”

Lúc đó, nếu không phải là vì sắp lên đường đi xa, chắc chắn tôi đã hét vào mặt anh ta, rằng anh không là một ai khi đứng cạnh thày tôi, rằng nếu không vì tưởng tượng ra thày trong hình dáng của anh thì anh sẽ chẳng bao giờ bước được vào cuộc đời tôi.Mãi đến bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được câu nói và nét mặt hả hê của anh ta ngày đó, khi thấy thày của tôi nghèo khổ, đen gày, ốm yếu và quê mùa hơn anh ta nghĩ.Nhưng lúc đó, tôi đã im lặng, ngừng bặt và chỉ nhìn anh trân trối. Anh ta đã đánh mất tôi thật sự từ ngày đó./ còn nữa /.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

THANH


Dễ thường bốn mươi năm đã trôi qua, vậy mà tôi vẫn khó quên câu chuyện về một cô gái Hà Nội, người sinh ra trong một thời khắc đang tồn tại sự ăn thua về ý thức hệ, về đấu tranh giai cấp và vì thế, không ít kẻ phải chết oan vì sự ích kỉ của thế nhân, chẳng hiếm tài năng bị vùi dập…Câu chuyện ấy có chút tế nhị, vì thế tôi viết trên tường nhà và không ghi tên thật của nhân vật, âu cùng là cái sự thường tình.
-----
Sinh ra trong một gia đình được ghi trong sơ yếu lý lịch là tư sản, Thanh lớn lên đúng vào thời kì đạn bom của miền Bắc, song là cô gái thông minh và hiền thục. Dám đăng kí thi vào khoa Toán của một trường đại học danh giá, nơi người ta luôn có thói quen chỉ tiếp nhận những thí sinh có lý lịch thuộc diện cơ bản, đa số là công nông binh hay là loại CCCC như cách nói bây giờ. Và Thanh đã trúng tuyển với điểm số cao vọt nên cô buộc phải được nhập học. Nữ sinh này ở nhà số 111 trên đường phố lớn của Thủ đô nên bè bạn vui đùa gọi Thanh bằng cái tên “Cánh cụp cánh xòe” khi họ hay nhắc đến máy bay F111 của Mỹ. Hồi ấy, con gái Hà Nội, lại thuộc diện tư sản, nhà có tiền, đi học lại có chiếc xe đạp nên không phải lúc nào cũng nhận được sự khen ngợi đồng cảm, dù nàng có học giỏi thế nào. Bạn bè quý mến Thanh, thày giáo khen cô gái học giỏi, nhưng chuyện đời thật sự không đơn giản.
Khi Thanh học đến năm thứ 3, cô được học chuyên đề về lý thuyết quy hoạch phi tuyến, một môn học khó và khá phức tạp. Cuối học kì, môn học ấy sẽ thi vấn đáp và ngay bên cạnh phòng thi, thày Kh là trưởng bộ môn kiêm bí thư chi bộ gọi thày giáo Lâm vào và nói nhỏ: 
-Anh Lâm hãy nghe đây, anh hãy vào hỏi thi cái Thanh và quay cho nó hết đường tự cao tự đại con nhà tư sản đấy.
Lâm là giáo viên trẻ, thông minh và nhiều tài lẻ. Theo phân công, anh vào bàn và bắt đầu “tra tấn” cô sinh viên có đôi mắt đen láy ngồi trước mặt. Đề ra trong phiếu bắt thăm của trò là lý thuyết đối ngẫu song thày Lâm đã lôi hết các chương khác ra để vặn cô gái, từ bảng cân đối liên ngành đến lý thuyết xác suất, bài toán vận tải, chu trình Euler…và anh luôn nhận được sự tự tin và chính xác trong câu trả lời của Thanh. Hơn 20 phút lục vấn ấy đã xong, thày Lâm vừa bước ra khỏi phòng thi (Lâm chỉ nhận có mỗi một trách nhiệm này) và đã gặp thày Kh đang chờ anh với câu hỏi gọn: 
- Thế nào rồi, nó tắc tị chứ?
- Tôi không thể làm khác, điểm 5 anh ạ.
Và Lâm trở gót ra khỏi phòng thi, để lại ánh mắt ngạc nhiên pha chút bất mãn của sếp. Câu chuyện chưa đến hồi kết, Lâm đinh ninh mình đã hành động đúng với lương tâm, thế nhưng tuần sau, tình cờ lên phòng giáo vụ có việc, Lâm ngã ngửa khi biết điểm thi hôm ấy của Thanh không phải ở mức cao nhât như mình phê, mà là điểm 3! 
Gần hai năm sau, với những nỗ lực lớn và kết quả không thể phủ nhận, Thanh ra trường và được phân công về công tác tại một vụ của Bộ Công nghiệp. Tại đây, cô gái gặp được một ông Vụ trưởng tài năng, biết người biết việc và chỉ sau hơn hai năm nữa, đích thân ông Vụ trưởng này đề xuất lên Bộ ý kiến gửi Thanh về làm nghiên cứu sinh tại chính nơi cô từng học 4 năm ở đó. Và thế là một lần nữa, dường như lịch sử muốn trêu ngươi con người: “Cánh cụp cánh xòe” không được chào đón mặn mà và tạo những điều kiện như mong muốn, lý do thì có lẽ vẫn là bổn cũ soạn lại, tất cả đã dồn nén lên cô gái, cũng với sự đổ vỡ của gia đình nhỏ để không lâu sau, Thanh xin nghỉ việc và tìm đến vùng đất mới để lập thân. 
Đất lành chim đậu, cô và con gái đến sinh sống ở xứ xở hoa hồng và sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, Thanh được nhà nước Bungarie trao bằng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, cô thường xuyên có giờ giảng ở mấy Đại học châu Âu và sở hữu một khu nhà vườn tuyệt đẹp ngay giữa lòng thủ đô Sophia hoa lệ. Thi thoảng khi có dịp về lại Việt Nam, Thanh vẫn không quên những kỉ niệm buồn vui cùng gương thân quen của các thày, bạn nơi quê nhà

Nguyễn Lưu, tháng 09/2017