Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Bà của chúng tôi / chuyện về một phần đời tôi/

Bà giúp việc gia đình chúng tôi là khởi nguồn cho mọi cảm hứng thơ mà lũ trẻ chúng tôi có được cho tới tận bây giờ. Một nửa thế kỉ qua đi, bây giờ chúng tôi mới có chút thời gian dành để nhớ tới bà,nhớ tới công lao bà nhọc nhằn với chúng tôi những năm tháng cũ.
Mẹ tôi vất vả, buôn thúng bán bưng thời Pháp thuộc, nào tản cư, rồi CM tháng Tám, rồi hòa bình lập lại. Vất vả thế mà mẹ sinh chúng tôi sòn sòn “ba năm đôi” như lối nói của các cụ.Mẹ tôi gặp bà ở một chợ người trên phố Hàng Đậu. Thời đó, những người ở quê lên Hà nội , muốn tìm việc làm chỉ tới đó ngồi xung quanh chợ Đồng xuân, Bắc qua, và ai muốn thuê mướn người thì tới đó tìm. Bố mẹ chúng tôi lúc đó đã thuộc loại khá giả , có cửa hàng buôn tơ lụa trên phố C.N nên rất cần người giúp việc. Bà đến với chúng tôi khi mẹ sinh tôi, bà đón tôi từ nhà thương phụ sản 14 Nguyễn Thái Học về., năm Hà nội giải phóng. Chúng tôi có bà từ đó.
Tôi chẳng còn nhớ gì nhiều về bà, những chi tiết về bà chủ yếu do cha mẹ tôi kể lại.Nhưng tôi biết , bà đẹp lắm. Dáng người thon nhỏ, da trắng, tóc dài. Bà quê Kinh Bắc, chạy tản cư, rồi bỏ nhà trốn lên Hà nội để tránh cuộc cải cách ruộng đất ở quê, bởi bà là vợ lẽ một ông chánh tổng.Thời đó, con gái biết đọc biết viết hiếm lắm, chưa kể lại xinh đẹp, lại biết làm thơ như bà. May mắn cho tôi, từ khi chào đời cho tới khi Miền Bắc bị bom Mỹ cày xới, được bà chăm nom, dạy dỗ, truyền lại cho tất cả những kiến thức , tâm hồn thơ văn, tình yêu với những gì rất Việt nam của bà.
Nhờ có bà mà mẹ tôi rảnh tay buôn bán làm ăn, và lại tiếp tục sòn sòn “ ba năm đôi” như trước. Bà đón lần lượt thêm 5 đứa em tôi nữa lúc chào đời. Bà đi chợ, giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn nhà cửa….với một sự cần mẫn, chịu đựng dẻo dai vô biên, một gia đình đông đúc với vài ba lần dọn nhà nơi này nơi khác vì những biến chuyển của xã hội.Tôi , đến tận bây giờ cũng vẫn không thể tưởng tượng được là bố mẹ tôi đã lao động kiếm sống như thế nào, đã vất vả tới mức nào với một đàn con như vậy. Và bà, người bà mà chúng tôi yêu quí hơn cả bà ruột của mình, đã đóng góp một công lao to lớn đến thế để tất cả chúng tôi trưởng thành, nên người và thành đạt trong cuộc đời đầy rẫy gian truân này .
Còn nhớ, những buổi chiều mùa hè năm ấy, sau bữa cơm chiều, chúng tôi vây quanh bà nghe kể chuyện. Những tích cổ như “ Tống Trân Cúc Hoa”, “ Phạm Tải Ngọc Hoa”, ‘Lục Vân Tiên”, “ Kim Vân Kiều truyện”….chúng tôi được biết và thậm chí thuộc rất nhiều là nhờ có bà. Bà yêu tôi nhất nhà vì tôi luôn nhớ rất nhanh những điều bà dạy, tôi thuộc lòng khi mới lên 3, lên 4 tuổi cả chương chuyện thơ , và mỗi lần bố mẹ tôi có khách, bà “ đạo diễn” các chương trình biểu diễn của chúng tôi cho khách xem.Bà dạy chúng tôi sắm vai các cô công chúa, bà nảy Kiều , bà ngâm thơ và dạy chúng tôi hò theo hát ứng. Bà là người Kinh Bắc mà. Trời ơi, nhớ lại mà thèm biết bao được sống những ngày thanh bình thuở ấy.
Bà làm thơ cho tôi, đứa được bà cưng nhất trong đám trẻ:

“Đi chợ bà mua bánh giò
Bà dành cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi khi cháu chạy chơi xa
Mẹ cháu đánh cháu thì bà lại bênh”

Bà “nảy” thơ Kiều của Nguyễn Du mô tả 6 chị em gái đầu lòng chúng tôi, rồi bà ngâm thơ:

“Đầu lòng sáu ả Tố Nga
Ngô Sáng là chị, em là Ngô Trinh
Thứ ba , Ngô Thục dáng hình
Thứ tư Liên choắt hét inh cả nhà
Thứ năm Tuyên khóc om la
Thứ sáu em út gọi là Ngô Oanh
Sáu chị bề gái đã đành
Sang năm đẻ nữa thì dành con trai
Con trai nối nghiệp lâu dài họ Ngô”


Và rồi chúng tôi hò theo: ‘Hò lơ, hó lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ, muôn năm hò lờ”

Từ đâu ra điệu hò dân gian quen thuộc trong kí ức tuổi thơ.? Từ bà già Nga, bảo mẫu của chúng tôi, bà của chúng tôi những năm tháng ấu thơ chạy đuổi nhau trên đường phố Thi Sách rợp bóng cây xạ hương , hàng me hàng sấu đường Hàn Thuyên, Ngô Quyền. Hà nội ngày tháng cũ, Hà nội của chúng tôi, bà già Nga của chúng tôi nay còn đâu.

Tôi ấm ức vì chị em đông quá, đến cuối năm học, bố đi họp phụ huynh cho chị cả, mẹ đi họp cho chị hai, còn tôi, mới học lớp 1 đã có 4 em, bà phải ở nhà trông bọn trẻ, chẳng có ai đi họp phụ huynh cho tôi.Một mình tôi đứng ở cổng trường chờ đợi, hi vọng hoặc bố, hoặc mẹ, hoặc bà sẽ đến. Rồi tiếng loa của thày hiệu trưởng vang lên, đọc tên tôi lên nhận phần thưởng học sinh giỏi đặc biệt Tôi sung sướng nhưng hỏang hốt, chạy về nhà tìm bố mẹ, tìm bà. Vừa về tới cửa, nhìn thấy bà đang ẵm em bé, tôi khóc òa không nói lên lời: “ Bà ơi, cháu được gọi lên nhận phần thưởng mà chẳng có ai lên cùng cháu”. Bà hiểu ngay sự tình, vội trao cậu em út lúc bấy giờ mới được vài tháng cho một bà cụ hàng xóm bên cạnh, khóac vội chiếc áo dài nâu sồng, vừa chạy vừa cài cúc áo cùng tôi đến trường . Bà đã cùng với tôi bước lên bục của thày Hiệu trưởng trường cấp 1 Lam sơn, góc phố T. S- Trần Xuân Sọan nhận tặng phẩm đặc biệt cho học sinh là tôi năm đó. Trong kí ức tôi không bao giờ phai mờ nụ cười rạng rỡ của bà khi cùng tôi bước xuống. Bà tự hào vì tôi là sản phẩm của sự chăm nom, dạy dỗ của bà, vì bà đã tới khi tôi cần có bà, bà đã an ủi cho trái tim non nớt của một đứa trẻ 6 tuổi có cảm giác bị bỏ rơi đúng vào lúc nó cần được yêu thương và tôn vinh vì thành tích học tập. Ôi tuổi thơ của tôi, tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm với người bà bảo mẫu yêu quí thật đáng tự hào.

Ngày Hà nội được tin đi sơ tán gấp, âm thanh của tiếng bom Mỹ đã gầm ghè quanh phố phường qua tiếng loa phóng thanh hàng ngày thôi thúc, chúng tôi phải chia tay với bà . Tôi nhớ, cả mấy chị em chạy theo bà, giằng gấu áo dài bằng vải nâu của bà khóc nức nở. Bà vừa đi như chạy vừa quệt nước mắt, cả 6, 7 chị em chạy từ Thi Sách đến bến tàu điện chợ Hôm, rồng rắn, mếu máo. Rồi bà lên tàu, chúng tôi chạy theo tàu/ trên vỉa hè/ , rồi vì mệt quá, mà tàu chạy nhanh không sao đuổi kịp nữa, chị em bảo nhau về, vừa đi vừa khóc ầm cả phố.
Hàng xóm xung quanh nhìn nhau ngơ ngác tưởng như trong nhà vừa có ai gặp tai nạn hoặc một điều gì khủng khiếp hơn thế. Đến khi vỡ lẽ là bà đã lên đường về quê , còn chúng tôi sẽ đi sơ tán một nơi khác, mọi người chép miệng thở dài: “Tại sao lại thế nhỉ, bà gì mà bỏ các cháu không đi sơ tán cùng, để chúng nó khóc than khổ sở thế này?” Họ chẳng hiểu được rằng , bà chẳng phải bà ruột của chúng tôi, bà cũng có một gia đình ở một nơi xa xăm nào đó, và bây giờ, khi cuộc chiến đã lan tỏa đến từng góc phố Hà nội, bà cũng phải về để làm bổn phận gia đình của mình. Từ ngày đó cho tới năm đi lấy chồng, tôi chẳng được gặp lại bà. / còn nữa /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét