Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Chuyện phố nhà binh /Trần Quốc Quân/ Warszawa, Xuân Canh Dần 1000 năm Thăng Long. (Bài đăng Báo Quê Việt số Tết Canh Dần 2010)

Nhà văn Chu Lai cũng đã viết về con phố của tôi với một truyện ngắn tiêu đề “Phố Nhà binh”. Để độc giả không bị nhầm lẫn và tránh việc kiện tụng lôi thôi vì vi phạm bản quyền nên khi viết bài báo này tôi phải thêm chữ “Chuyện” ở phía trước. Ông Chu Lai vốn không phải người phố tôi, nhưng ông làm ở tòa soạn báo Văn nghệ Quân đội nhà số 4 nên mặc nhiên ông có hộ khẩu tạm trú trên con phố này. Chu Lai không biết tên thật là gì. Từ khi biết đến tác phẩm của ông, tôi chỉ biết mỗi bút danh này. Dung nhan của Chu Lai rất bất thường. Tóc ông xoăn tít, da ông ngăm đen không giống người Việt mình. Chính vì thế mới có giai thoại về cái bút danh lạ lẫm này. Người ta đồn rằng, ngày xưa Tây rạch mặt về càn ở làng ông, mẹ ông luýnh quýnh chạy chậm, lại còn bị vấp ngã nữa. Huyền thoại người đàn bà trinh tiết giẫm phải vết chân thần bỗng dưng mang thai ra đời từ đấy. Nhờ câu chuyện nhảm nhí này mà mấy chục năm sau văn đàn Việt Nam mới có một nhà văn bút hiệu Chu “Lai” chuyên viết về đề tài chiến tranh. Trông dữ dằn vậy nhưng ông lại xuề xòa, hiền lành và tốt bụng nữa. Chu Lai hay lê la các quán cóc ở phố tôi để moi chuyện, tìm đề tài viết văn. Thế nên hầu như chuyện gì xảy ra ở con phố nhà binh này ông đều biết cả.
Rất tình cờ trong một lần ghé thăm anh bạn có quầy trong Trung tâm Thương mại EACC tôi vớ được cuốn tạp chí Sức Sống của cộng đồng người Việt ở Czech. Đúng như cái tên, tạp chí này đầy ắp sức sống nên sang được tận Ba Lan để phát hành cho cộng đồng người Việt ở đây. Lướt qua đến hơn nửa quyển tôi bị hút mắt vào một bài mang tít “Văn Nghệ”. Người viết là Lão Hâm. Cái bút danh ngồ ngộ khiến tôi tò mò. Không hiểu vì lý do gì mà Lão Hâm lại đặt cho mình cái bút danh như vậy. Cả bài viết chẳng có chỗ nào đáng được gọi là hâm, thế thì đích thị Lão này “dở người” thật rồi. Rất lạ, lâu lắm rồi tôi không được đắm chìm trong cảm xúc bâng khuâng như khi đọc bài “Văn nghệ” này. Thực ra lối viết đều đều trong bài báo không có gì đặc sắc. Chỉ có điều cái Lão tự nhận “dở người” kia lại viết về chính con phố nhà binh của tôi. Tôi bị lôi cuốn bởi những tư liệu sinh động trong dòng chảy ký ức này.
Nhiều lần tôi đã cố vắt óc đoán thử xem Lão Hâm là ai? sống ở số nhà nào? Nhưng chịu thôi! Có lẽ bởi một điều hết sức đơn giản - Lão Hâm và tôi khác thế hệ nên không biết nhau. Ơi Lão Hâm ơi! Lão đang ở phương trời nào vậy? Lão có đọc bài viết này của tôi không đấy? Lão có biết rằng, ở một góc trời Âu xa xôi vẫn có một đồng ngũ cùng “Quân khu” với Lão. Và hơn thế còn rất nhiều những câu chuyện về một thời đáng nhớ trên con phố ấy mà Lão chưa biết.
Lý Nam Đế là tên một con phố rất đặc biệt và cũng rất đỗi thân quen ở Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt nhất ở chỗ nó là Phố Nhà Binh. Chỉ với tám trăm mét chiều dài nối phố Phan Đình Phùng với phố Trần Phú, nó án ngữ cả bề mặt phía Đông của Thành cổ Hà Nội. Con phố nhỏ đó là nơi cư trú của hàng trăm gia đình cán bộ cao cấp Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Trên đó từng là nơi ở của gia đình một Tổng Bí thư, một Chủ tịch nước, hai Bộ Trưởng Quốc Phòng, Ba Đại Tướng…
Phố của tôi và Lão Hâm ngày xưa đẹp lắm. Vì trước ngày tiếp quản Thủ Đô nó vốn là phố của sỹ quan Pháp và Nhật nên toàn nhà tầng và biệt thự xây theo kiểu Tây xen lẫn kiến trúc cổ phương Đông. Tôi biết đến xí bệt lần đầu tiên trong đời cũng chính ở nơi này. Sân vườn khu nhà tôi khi đó trải đầy đá cuội trắng; những bồn hoa đủ màu khoe sắc; những cây liễu, trúc đào, phi lao xanh mướt rủ bóng. Vậy mà chỉ sau mấy năm đi sơ tán, khi chúng tôi trở về thì khu vườn hoa ngạt ngào hương sắc ấy đã biến thành vườn chuối đầy ốc sên, đầy sâu róm chen chúc bên những dãy chuồng gà, chuồng vịt và cả những con lợn chạy rông.
Nói đến sấu Hà Nội là phải nói đến sấu phố Lý Nam Đế. Hai hàng sấu đại thụ trải dài từ đầu phố đến cuối phố phủ kín bóng mát những trưa hè nóng nực. Những giọt nắng chói chang khó khăn lắm mới chui qua được những kẽ lá sấu để in bóng, nhảy nhót trên mặt đường. Quả sấu và tiếng ve sầu là đặc sản rất đỗi thân quen của lũ trẻ chúng tôi. Có đêm hè rất muộn, má tôi mới phát hiện trên giường ngủ của tôi trống trơn. Bà lo lắng thúc ba đi tìm bắt tôi về. Chẳng cần nghĩ lâu, ba cũng biết tôi đang ở đâu. Cây đèn pin trong tay, ông đi rọi từng gốc cây sấu. Đến gần cuối phố ông nhìn thấy đôi dép cao su của tôi dưới một gốc cây. Ngửa mặt nhìn lên, ông quét đèn pin chính giữa mặt tôi. Đang đu bám trên một cành cách gốc chừng 10 mét, người tôi run lên. Nhưng ông nói rất dịu dàng: - Đừng sợ, bình tĩnh, xuống đi con. Tôi len lén như một tên tội phạm biết lỗi bị áp giải về tận giường. Chui vội vào màn, tôi tháo 2 hộp diêm lấy ra từng con ấu trùng ve chưa lột xác. Sáng hôm sau tôi đã có một đàn ve sầu trưởng thành bò chậm rãi trên thành màn. Buồn một nỗi những con ve lột xác trong màn lại không biết kêu, mặc dù đồng loại của chúng phát triển tự nhiên trên những cành cây sấu lại hát inh ỏi. Mùa hè rực rỡ nắng trên phố tôi nếu không có những khúc du ca của các chú ve sầu sẽ tẻ nhạt biết chừng nào. Tiếng ve sầu râm ran mỗi độ hè về là âm thanh đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi, nó luôn gợi nhớ tới những kỷ niệm không thể nào quên của một quãng đời.
Những tư liệu trong bài “Văn nghệ” khiến tôi đoán Lão “Dở Người” học Trường Nguyễn Văn Trỗi cùng lứa với anh tôi. Khóa 2 khóa 3 gì đó. Lão Hâm có nhắc đến Đức “hát” tức Đại tá Dương Minh Đức nguyên Phó Giám đốc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Gia đình tôi với gia đình Đức “hát” gắn bó mật thiết với nhau. Mật thiết bởi lẽ cả ba má tôi và ba má Đức “hát” đều là dân Miền Nam tập kết. Khi thành lập Đoàn Điện ảnh Quân đội, ba tôi làm chính ủy còn ba Đức “hát” là chú Dương Minh Đẩu làm giám đốc. Đức “hát” và anh tôi cùng học Trường Trỗi. Sau này anh tôi theo học Đại học Quân y còn Đức “hát” học Đại học Kỹ thuật Quân sự. Vì có chút năng khiếu hát, bỗng dưng Đức “hát” lên cơn thích…hát nên chuyển về Văn công Tổng cục Chính trị để làm…ca sĩ.
Nhà số 4 là một tòa nhà mái cong xây theo kiểu kiến trúc Nhật. Đó chính là trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn, nhà thơ trong và ngoài quân đội không ai không biết nơi này. Những Hồ Phương trồng “Cỏ non”, Hữu Mai bay trên “Vùng Trời”, Nguyễn Khải cày “Mùa lạc”, Nguyễn Minh Châu in “Dấu chân người lính”, những nhà thơ quân đội Vũ Cao với “Núi đôi”, Xuân Sách với ”Chân dung nhà văn”, Trần Đăng Khoa với “Thư tình người lính biển”…một thời vẫn chui ra chui vào nơi này. Mấy năm đi sơ tán tránh bom Mỹ, tôi ở trại trẻ cùng với lũ con cái các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ quân đội. Ngay sau khi ký hiệp đinh Paris tôi về học lứa đầu tiên của Trường cấp 3 Phan Đình Phùng. Ngôi trường rất đẹp này vốn là Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương thời thuộc Pháp. Ba tôi tham gia lớp quân chính đầu tiên trước khi theo đoàn quân nam tiến chống Pháp cũng học tại ngôi trường này năm 1946. Một hôm sau giờ tan học về, đang tung tẩy trên vỉa hè tôi bị Tuấn NAT chặn lại. Mặt nó hớt hải đầy vẻ nghiêm trọng: - Thằng Huỳnh chết đuối rồi, mày biết chưa? Nó đi bơi ở Sông Hồng chui xuống bè nứa không ngoi lên được. Tôi nghe người bỗng lặng đi, một giọt nước mắt ầng ậng giấu trong khóe mắt. Thương nó quá! Lúc học cấp 1 ở nơi sơ tán, tôi với nó ngồi cùng một bàn. Bà nội nó chắc chết theo nó mất, vì bà quý và chiều nó lắm. Chúng tôi vẫn thường nghêu ngoao hát trêu nó là “công tử bột công chúa Huỳnh Hoa”. Thằng Huỳnh cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai là con đầu của nhà văn Nguyễn Khải. Gia đình nó sống trong khu tập thể quân đội ở bãi Phúc Xá ngoài đê Sông Hồng.
Số nhà 13 là biệt thự của ông Lý Ban nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Ông này vốn người gốc Hoa. Ngay sau vụ nạn kiều 1978 và trước chiến tranh biên giới phía Bắc không ai biết ông đi đâu. Có người nói ông theo chân Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc rồi chết ở đó. Ngôi nhà đó sau này trở thành trụ sở của Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Viettrans.
Trước khi Mỹ ném bom Miền Bắc có một lần ba cho phép tôi được vào phòng làm việc của ông ở khu nhà số 17. Tôi vẫn nhớ như in dãy nhà một tầng bên trong rất đẹp bên khu vườn hoa trước mặt. Nhưng đó cũng là lần duy nhất tôi được bước chân vào trụ sở Điện ảnh Quân đội vì sau đó ít tháng nơi này đã biến thành “Hilton hotel” trại giam phi công Mỹ, một địa danh rất nổi tiếng thời chiến tranh.
Ở góc phố Lý Nam Đế với phố Lê Văn Linh là số nhà 19. Trong số nhà này có hai ông đeo quân hàm đại tá từ lúc được phong cho đến khi về hưu. Đó là đại tá Lâm Kèn nguyên tư lệnh Pháo Binh và đại tá Mạc Ninh thông gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày bé mỗi lần đi học trường Thanh Quan qua đấy, tôi thường nghển cổ ngó vào nhà ông Mạc Ninh để được chiêm ngưỡng dung nhan hai chị em mà chúng tôi vẫn gọi đùa là hai giai nhân họ nhà Mạc. Mạc Hương hơn tôi 1 tuổi còn Mạc Hường sau này học trường Đại học Kinh tế Quốc dân dưới tôi 2 khóa và là con dâu của vị đại tướng huyền thoại.
Số nhà 16A nơi có lớp học thời mẫu giáo của tôi. Cho đến tận bây giờ khi sắp trở thành ông ngoại tôi vẫn còn kết thân với một ông bạn từ thời hai thằng thụi chí chết vào mặt nhau để giành một cái bô. Hơn hai mươi năm sau chính nó lại làm phù rể cho tôi. Bây giờ thằng bạn đó Tuấn NAT sống trong căn nhà tự xây tại khu nhà số 8 cùng phố. Tuấn NAT là họa sỹ của Đài truyền hình TƯ. Vợ hắn là Biên tập viên Phạm Hồng Tuyến con gái nhạc sỹ Phạm Tuyên. Trong khu tập thể 16A có gia đình Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ba người con của ông đi sơ tán cùng trại trẻ với tôi. Những năm sau thời “nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng” thỉnh thoảng tôi lại thấy bài của ông đăng trên báo Tiền Phong. Các bài viết này thường liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông vốn là đồng hao với vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội NDVN. Vợ ông và vợ Võ Nguyên Giáp là hai chị em ruột, con gái của nhà văn, nhà cách mạng Đặng Thai Mai.
Quãng năm 1986 ngay sau thời kỳ đen tối của “giá, lương, tiền” hàng rào khu nhà 16A bỗng dưng biến mất. Thay vào đó là một dãy cửa hàng mặt phố. Tôi coi nó như biểu tượng kết thúc cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Diêm dúa nhất, nổi bật nhất trong số cửa hàng đó là tiệm cho thuê áo váy cưới của nghệ sỹ diễn viên điện ảnh Mai Châu.
Số nhà 37 tọa lạc chính giữa phố là nơi gia đình tôi sinh sống gần nửa thế kỷ. Đó là khu tập thể với hai dãy nhà 2 tầng có 31 hộ gia đình cư trú. Khi chuyển đến đây tôi mới 5 tuổi. Lúc đó gia đình hai vị thiếu tướng đã ở đấy rồi. Một ông là Lê Thiết Hùng vị tướng đầu tiên của Quân đội NDVN còn ông kia là Thái Dũng “cụt” rất nổi tiếng trong chiến dịch Cao – Bắc – Lạng thời đánh Pháp. Sau này khu tôi còn hai ông leo lên được quân hàm thượng tướng là Nguyễn Minh Châu nguyên tư lệnh quân khu 7 và Nguyễn Nam Khánh nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thái Mai trong thương hiệu thực phẩm Mai Thái khá nổi tiếng ở Ba Lan là người cùng khu tập thể với tôi. Ngày bé, Thái là vị “thủ lĩnh” của tụi trẻ chúng tôi. Nhà Thái có bốn anh em trai. Chỉ riêng Thái có dáng người chắc đậm, mình gấu, đầu hổ. Ngay từ lúc nhỏ Thái đã có sức khỏe khác thường, bạn cùng lứa không ai đánh lại. Bố của Thái ngày xưa nguyên là cục trưởng Cục Tuyên huấn, tức là ông trùm “tâm lý chiến” của Quân đội NDVN. Đến khi nổ ra chiến tranh biên giới với Tàu năm 1979, ông được điều lên Quân khu Một đảm nhiệm chức vụ phó chính ủy.
Thưở chúng tôi tập tọng làm người lớn chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Vì là thời chiến nên cán bộ cao cấp quân đội còn được trọng vọng lắm. Lũ trẻ biết rõ điều đó nên ra sức tận dụng oai bố để công thần, để cậy quyền cậy thế. Chúng núp bóng các vị phụ huynh làm nhiều chuyện bậy. Thế hệ thanh niên thời Lão Hâm lấy những cuốn sách như “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Bất khuất”… làm gối kê đầu nên vẫn còn say sưa phấn đấu vì lý tưởng. Đến thời hậu chiến, lứa thanh niên chúng tôi bắt đầu bị lây nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm nhưng một bộ phận trong số đó ham chơi hơn ham học. Những thói yêng hùng công khai phá phách hay tiểu nhân ném đá dấu tay đều có ở tụi trẻ “con quan”. Mỗi khi mấy ông nghịch tử phạm tội bị bắt giam, chỉ cần một vị phụ huynh đeo quân hàm, mặc quân phục, trên ngực long lanh đủ loại huân chương ra đồn công an bảo lãnh là chúng lại được trả tự do về nhà để thả sức tiếp tục làm đầu gấu. Băng đảng đầu tiên ở Hà Nội dám dùng vũ khí nóng phạm tội và chống lại sự truy kích của công an có lẽ khởi đầu xuất phát chính từ phố nhà binh này mà ra.
Tuổi dậy thì năng lượng dư thừa, mặt phừng phừng lúc nóng lúc lạnh, người bức bách không có cách nào phát tiết; chiều cao cơ thể tăng nhanh hơn việc hình thành nhân cách; lại không được phụ huynh, nhà trường và xã hội để tâm giáo dục đầy đủ - lũ trẻ đó không hư mới lạ. Cả một thời tuổi trẻ chúng tôi không có gì để nghe, để xem, để chơi và nhất là không có chỗ để…xả. Năm 1970 Đài truyền hình mới chập chững phát thử những chương trình thí điểm đầu tiên. Sách thì ít ỏi đến mức đọc tên ai cũng biết. Phim ảnh cũng vậy, quanh đi quẩn lại chỉ có vài diễn viên hầu như mọi người đều thuộc mặt. Báo chí toen hoẻn mấy tờ lại toàn những bài xã luận, bình luận, gương người tốt việc tốt; đọc đến nhàm chán. Nhiều bận ngồi xem hết các chương mục, đọc đến tận giá bán, tận số lượng phát hành mà vẫn chưa xong một lần vệ sinh. Không có gì để xả, lũ trẻ lếu láo rủ nhau rình xem “video clip” người lớn làm chuyện “make love”. Mỗi một lỗ khóa mà tới gần chục đứa cả trai cả gái chen chúc tranh nhau dòm. Có lần một đứa trèo lên lưng đám bạn cố len tới lỗ khóa đến nỗi bất cẩn lao đầu vào cửa đánh rầm. Đôi vợ chồng tội nghiệp bên trong mới giật mình mặc vội quần áo lao ra. Lũ trẻ chạy toán loạn mỗi đứa một hướng.
Dãy nhà 10 gian mặt phố có một bà nguyên là bí thư đảng ủy, kiêm giám đốc một bệnh viện lớn ở Thủ Đô. Chồng bà một đại tá cao ráo, đẹp lão và hiền lành vẫn không làm tròn chức trách “tề gia” để giữ nổi chân bà. Vào một ngày đẹp trời bỗng dưng bà nổi hứng tình vứt lại tất cả các chức vụ đang gánh vác và từ bỏ luôn cả cái lý tưởng “cao đẹp” của một đảng viên cộng sản mà bà vẫn răn dạy các đồng chí của bà để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Nghe nói bà đắm say một viên thiếu tá hải quân kém bà gần chục tuổi.
Nhà số 91 vốn là một biệt thự to xây thời Pháp. Tầng trên người ta phân cho gia đình một vị thứ trưởng, bên dưới chia đôi cho gia đình hai ông tướng. Không biết phong thủy nhà đó ra sao mà bên trong phất như diều gặp gió, bên ngoài lại lụn bại…như diều đứt dây. Nửa phía trong ngôi nhà là nơi ở của gia đình thằng bạn cực thân học cùng lớp với tôi hồi phổ thông. Ông cụ nhà nó từ khi chúng tôi biết nhau mới đeo quân hàm đại tá. Vậy mà gần hai mươi năm sau ông từng bước vững chắc leo lên tột đỉnh quyền lực quốc gia. Nửa phía bên ngoài là nhà ở của một ông cục trưởng một cuc thế lực nhất Bộ Quốc Phòng. Từ ngày ông được phong hàm thiếu tướng, nhà ông xảy ra biết bao nhiêu chuyện thương tâm. Trước tiên, ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Thứ đến, anh con trai cả làm bác sỹ quân y can tội cầm đầu một vụ cưỡng bức tập thể bạn đồng nghiệp phải chịu án 9 năm tù giam. Sau nữa, đến lượt cô con gái rượu duy nhất bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Cuối cùng, cậu út đang học Đại học Kỹ thuật quân sự bị kỷ luật đuổi khỏi trường. Rõ là bất công trong khi một bên thì “phúc vạn trùng lai”, bên kia lại “họa vô đơn chí”.
Tôi từ nhỏ đã đào hoa nên hay vướng số “gần gũi” các đệ nhất giai nhân phố nhà binh. “Gần gũi” nhưng vì bụt chùa nhà không thiêng nên thế mới khổ. Hồi lớp 6 tôi được xếp ngồi cạnh cô bạn tên Hoa con gái rượu một vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí thời mới thành lập. Hoa lúc nhỏ chưa thật đẹp nhưng càng lớn Hoa càng rực rỡ. Tên vận đúng vào người. Đến tuổi dậy thì, Hoa đẹp hơn cả những đóa hoa đẹp nhất. “Nhất dáng, nhì da, thứ ba đến nét”. Hoa có đủ cả ba thứ ấy. Sau này Hoa tốt nghiệp Học viện Tài chính rồi chuyển vào Sài Gòn cùng ba má. Ông Phó Tổng cục trưởng bố Hoa có một chuyện nực cười. Đến bây giờ mọi người vẫn không hiểu thực hư ngọn nguồn chuyện này thế nào. Một đồng nghiệp với ông vì đố kỵ ganh ghét nên tung tin rằng ông mắc tội hủ hóa. Kẻ nặc danh này vừa muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình ông cho bõ tức, vừa thèm thuồng cái ghế ông đang ngồi. Thời đó theo điều lệ đảng và “đạo đức Hồ Chí Minh” hủ hóa là một trọng tội. Bà vợ ông nghe chuyện mới đề nghị gặp Ban lãnh đạo Tổng cục Dầu khí. Trong cuộc họp đó bà tiết lộ thông tin cực kỳ bí mật trong đời sống phòng the của vợ chồng bà. Bà nói: “Ông nhà tôi liệt dương hơn chục năm nay làm sao có thể mắc tội quan hệ bất chính được”. Mọi người nghe vậy té ngửa và nhất trí biểu quyết xóa án cho ông. Nhiều người tin đó là chuyện thật, nhưng một số cho rằng bà nhà quá cao thủ, dùng tuyệt chiêu để bảo vệ sự nghiệp và uy tín cho chồng.
Năm lớp 7 tôi lại được xếp ngồi cạnh cô bạn hàng xóm sát vách nhà tôi. Người này có cô em gái liền tuổi. Họ không những đẹp người mà còn học rất giỏi. Tôi đùa gọi họ là hai chị em nhà Kiều. Ngày bé chúng tôi cứ vô tư sang nhà nhau chơi, ăn uống rồi lăn ra sàn đá hoa, gác chân lên người nhau…ngủ trưa. Tất nhiên những việc hết sức “hồn nhiên” này chỉ kéo dài đến năm chúng tôi lên 12, 13 tuổi. Lớn thêm chút nữa nhìn trộm nhau đã biết mắc cỡ, mặt đỏ như gấc.
Bí thư chi đoàn lớp tôi những năm cấp 3 nhà ở giữa phố. Cuộc đời của cô bạn này đầy những bi kịch cho đến khi tôi rời Việt Nam để đi du học. Sau đó không bao giờ tôi được gặp hay được nghe kể về cô bạn này nữa. Thời trai trẻ tôi chưa từng được mục kích sở thị một nguyên mẫu nào say sưa phấn đấu vì lý tưởng đến như vậy. Nếu được sống lại Pavel Coocsagin đã có đề tài để viết tiếp “Thép đã tôi thế đấy” phần 2. Ông sẽ lấy bối cảnh nhân vật trung kiên - một phụ nữ trí thức Việt Nam cứng như “Thép đã tôi”. Chân dung cô bạn Bí thư của tôi thật kì dị. Suốt quãng thời gian học với nhau những năm cấp 3, tôi chỉ biết đến thời trang “nhất bộ” mà cô bạn “diện” quanh năm là quần lụa đen, áo bộ đội và dép cao su. Năng lực trí tuệ cộng với bản lĩnh sống và ý chí phấn đấu tạo nên bầu nhiệt huyết rừng rực cháy trong con người bí thư chi đoàn lớp tôi. Rất thật lòng tôi không bao giờ hoài nghi về sự trong sáng và tính chân thực của cô bạn. Có lần cô bạn “bí thư” tâm sự với tôi rằng, hoài bão lớn nhất của bạn ấy là được cống hiến hết mình cho nhân dân, cho xã hội. Nhưng mong muốn cao đẹp hết sức giản dị ấy đã trở nên xa xỉ và không bao giờ được thực hiện bởi sự hoang đường của một chủ thuyết. Ước mơ ban đầu của cô bạn tôi là được khoác áo blue trắng của người thầy thuốc trị bệnh cứu người. Đến khi thi đỗ đại học đạt điểm cao được cử đi du học nước ngoài cô bạn tôi lại chọn học ngành nông nghiệp tận Tasken (Uzơbekistan) với mong muốn trở thành kỹ sư nông nghiệp góp phần tạo ra thật nhiều sản phẩm phục vụ cho mục đích “chỉ dạy của Bác Hồ” là lo cho mọi người dân có cơm no áo ấm, được học hành. Sau khi tốt nghiệp loại ưu cô bạn “bí thư” hăm hở về nước và nhiều lần khước từ những lời mời hấp dẫn về làm việc ở Viện nọ, Bộ kia. “Con người mới XHCN” đó đã xung phong vào tận tỉnh nghèo Ninh Thuận để tình nguyện công tác tại một nông trường trồng bông. Sau hai năm lăn lộn phấn đấu bí thư chi đoàn lớp tôi vinh dự được đứng trong “đội ngũ tiên phong” của “giai cấp tiên phong” của “dân tộc tiên phong” của nhân loại. Cũng trong thời gian đó cô bạn “bí thư” có cơ hội nhận thức được nhiều bài học chân lý từ thực tiễn cuộc sống. Lý tưởng cao đẹp sụp đổ như lâu đài xây trên cát. Từ nỗi thất vọng tràn trề, bí thư chi đoàn lớp tôi nghĩ ra được một độc chiêu. Cô bạn dùng khổ nhục kế xin lãnh đạo cho đi học tiếp với nguyện vọng nâng cao kiến thức nhằm phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Kết quả thật mỹ mãn, cô bạn “bí thư” được trở lại Tasken để làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sỹ nông nghiệp. Đây là cơ hội tuyệt vời để cựu Bí thư chi đoàn trung kiên tuột xích trốn sang Thụy Điển tìm đến “chân trời mới” thực hiện trọn vẹn mơ ước được cống hiến nhiều nhất, tốt nhất cho đời. Từ sâu thẳm tâm hồn tôi rất quý trọng người bạn gái này. Cựu bí thư chi đoàn lớp tôi tên thật là Đoàn Thị Bình Minh. Không biết cô bạn ấy hiện đang lưu lạc tận chân trời nào. Có ai biết về Bình Minh cựu bí thư chi đoàn lớp tôi không? Nếu biết, mọi thông tin xin gửi về … Ban biên tập Đài truyền hình VTV4, chuyên mục Gặp gỡ khán giả. Tôi cám ơn rất nhiều và xin hậu tạ thỏa đáng.
Hơn hai mươi năm kể từ khi tôi đi nghiên cứu sinh tại Ba Lan, phố nhà binh bây giờ đã lột xác để thành một con phố xa lạ. Đâu rồi hàng phố cũ với nét cổ xưa, thơ mộng? có lẽ nó chỉ còn đọng lại trên những thân sấu già cổ thụ. Phố nhà binh bây giờ trở nên cũ kỹ, xô bồ, đua chen. Bao nhiêu căn nhà hình hộp diêm, hình quan tài sâu hun hút đua nhau trổ ra ngoài mặt phố. Vỉa hè biến dạng không dành cho khách bộ hành. Những người đi xa trở về ít ai còn nhận ra con phố cũ của mình. Câu nói cửa miệng “phố tôi ngày xưa đẹp lắm” chỉ còn trong hoài niệm của những người một thời chôn dấu ký ức tuổi thơ như tôi và Lão Hâm.

2 nhận xét:

  1. Hay !
    Cảm ơn người trong cuộc sống miền Bắc- thiên đường XHCN tươi đẹp .

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay quá tác giả ơi! Trong đó có cả gia đình ông bà em đấy! Bà em tên là T, Bí thư Đảng ủy BV BM...Chúng em thương ông lắm, ông hiền lành, đức độ.. Bây giờ cả 2 ông bà đã là người thiên cổ, ngôi nhà đó chú Việt là con trai của ông đang sống cùng gia đình..

    Trả lờiXóa