Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Thành phố chết 2#/ tiếp theo/

Người nhiều nên nhà nhiều. Một trong các nhu cầu để sống, đó là nhu cầu ở. Nhà của thành phố này rất đa dạng, kết hợp đủ các kiểu cách, các hình dạng, là sự “ thăng hoa’ hay chắp vá của mọi triều đại và đủ các loại kiến thức tạp nham.Tôi nhìn thấy các tòa nhà cao 30-40 tầng, xen kẽ giữa các gian nhà tạm , mái lợp tấm tôn đen xỉn màu thời gian ngay giữa trung tâm thành phố. Các ngôi chùa linh thiêng từ vài trăm năm may mắn thoát khỏi các cuộc chiến cũng như các cuộc cải cách, cải tổ nằm xen đan giữa các cửa hàng cửa hiệu bán quần áo, giày dép, các quán ăn vỉa hè…Tôi nhìn thấy nhà cửa chen chúc, lô nhô nơi được gọi là phố cổ, rệu rã, nghiêng ngả bởi dòng người chen lấn xô đẩy phía dưới đường. Các ô cửa sổ của các ngôi nhà với rèm cửa chính là các mảnh áo quần bay phấp phới, được chủ nhân của chúng đem trưng ra để tận hưởng khí trời tạo nên một bức tranh rất “ cổ” , rất “thanh lịch” cùng với các mạng dây điện chạy xung quanh chúng như thể một con rồng khổng lồ, không đầu không đuôi, trườn qua các khung cửa sổ ấy. Sự ồn ào của phố phường được tạo bởi tiếng động cơ xe oto, xe máy, bởi tiếng người ,còn được cộng hưởng bởi tiếng còi rú rít của các loại phương tiện giao thông và tiếng máy cưa, máy đục, máy khoan dội lại từ những ngôi nhà đang được sửa chữa. Âm thanh rền vang như một bản giao hưởng khi nhà soạn nhac trong cơn hứng , đưa các nốt sang quãng cao nhất dùng cho kèn Saxofon với bè trầm của đàn Cello tung hứng. Nhưng khốn thay, bản giao hưởng này không có điểm đầu và điểm cuối. Nó rền rĩ, nó gào thét, nó quằn quại ngày qua đêm. Nó chính là điểm đặc trưng của cái thành phố này, một thành phố đang đi tới cõi chết, một thành phố với một lịch sử hào hùng có những tên gọi thật ý nghĩa xứng với tầm vóc của nó qua 10 thế kỉ .
Tôi nhìn thấy thần chết treo lơ lửng trên đầu các em học sinh, ngày ngày đi tới trường phải đi qua những con phố thấp trũng lầy lội, nơi có các cột đèn giăng mắc những khối dây điện khổng lồ như những con rồng bị bó vào những cái cột, muốn cất cánh bay mà chẳng có đường bay. Chỉ một trận mưa bão, thần chết sẽ tung hoành múa cây gậy,và thế là, các em có thể rơi xuống các hố cống, hoặc là sẽ bị điện hút chặt vào thân cột và sẽ chẳng bao giờ còn được cắp sách tới trường. Tôi nhìn thấy thần chết múa lượn trên không trung, ngắm nhìn lũ người dưới dương gian khua môi múa mép xây cao ốc, làm cầu to đường nhỏ nối các huyết mạch giao thông, và thần chết mỉm cười khi nhìn thấy đám đông hỗn loạn ấy chuyển động chen vai thích cánh , vượt ẩu gây tai nạn để tìm đến cõi chết trước cả khi thần cho phép. Thật tội nghiệp cho đám người kia, họ chẳng là gì trong tay ta, vậy mà họ dám cả gan coi thường ta đến thế.Rồi, tôi nhìn thấy thần chết vươn đôi cánh đen sì, ra lệnh cho các cô tiếp viên phải khéo léo đưa lũ người tham ăn tục uống, đầy những dục vọng kia đi vào cơn mây mưa của mọi khoái lạc hưởng thụ, để chúng mang trong người mầm mống của các căn bệnh thế kỉ,để thần có việc làm chứ không lại bị ông trời quở trách là sao lãng công vụ. Rồi tới các quí ông, quí bà tầng lớp trên, chẳng phải hít bụi đường, chẳng phải ăn rau ngâm hóa chất,chẳng phải nghe tiếng chan chát đục đẽo và tiếng chửi nhau hàng ngày của đám dân thường, vì họ đã có các bức tường thành của các ngôi nhà biệt thự cao sang ngăn cách. Thần chết cũng chẳng quản ngại gì mà không tới gõ cửa nhà họ.Thần biết cách làm cho họ thấy được nỗi đau của nhân loại, cho đám con cháu họ bơi trong những vũng nhầy nhụa của tiền bạc, để rồi cuối cùng chúng cũng rơi vào lưỡi hái của ngài thông qua các liều Heroin ngọt ngào. Tôi nhìn thấy ngài bay lượn, lẩn khuất giữa các đám mây hồng, mây trắng, vì ngay chính giữa các đám mây ấy là những lớp bụi khổng lồ bốc lên từ mặt đất, chứa đầy chất dioxin, chỉ ần một trận mưa nhỏ thôi, các giọt nước mang theo chất đó đi vào từng ngõ ngách trên mặt đất.Những giọt nước mưa trời cho đâu có ngọt ngào nữa,bởi chúng đã bị nhiễm độc bởi lũ người kia rồi lại quay trở về mặt đất theo luật nhân quả để gieo rắc sự rối loạn tế bào cơ thể, thì cho dù tiền bạc có chất thành núi cũng chẳng thể nào cứu vãn được. Ngày xưa, chỉ vì thấy đám dân ngày càng ngỗ ngược, đám cai trị ngày càng gian tham, lộng hành, chúa trời đã ra lệnh cho thần chết phóng các quả hỏa lôi xuống mặt đất, làm cho cháy rụi nhân gian, rồi cho nước dâng ngập khắp nơi để tẩy rửa đi những vết tích ô uế của loài người trước đó, cho các giống nòi mới khai thiên lập địa trở lại, hòng mong dạy dỗ cho đám người lúc nhúc dưới dương gian một bài học. Nhưng rồi, chẳng thể nào làm thay đổi được cái bản chất đen tối nhất của giống người, mà điển hình nhất là “người” của cái thành phố này, của cái đất nước này, Ngài lại giao phó cho thần chết cai quản và thi hành công vụ của mình một cách mẫn cán hơn. Lần này chúa Trời đâu cần phóng hỏa lôi, đâu cần tốn nước làm lên trận Đại hồng thủy, ngài chỉ cần cho thần chết lượn lờ trên các con phố, các mâm tiệc, thậm chí ngay cả trong từng ngôi nhà, từng biệt thự, dinh thự và công sở. Ngài mỉm cười khi thấy đám dân kia ăn chơi nhảy nhót thâu đêm suốt sáng nơi các vũ trường, mỉm cười khi thấy chúng hút hít các loại heroin sành điệu, mỉm cười khi thấy chúng tranh giành chiếc ghế trong nghị trường nhằm hốt của cải trên mặt đất cho đầy chiếc túi ba gang của mình, và tự nhủ thầm: Các người rơi vào bẫy của ta rồi, các người chỉ là những con thiêu thân, chiếc túi nặng quá sẽ rơi trước khi các người kịp tóm lấy nó, thật tội nghiệp cho giống người ở cái thành phố này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét