Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Thành phố chết 1#

Tôi đến một thành phố, nơi có cái tên rất hay hoặc ít ra cũng rất thơ mộng:” Thành phố trong sông”. Thành phố rất đông người, rất ồn ào, rất nhiều màu sắc, và cũng có thể nói, rất sống động. Người ta đi , hay nói đúng hơn, người ta chạy đua nhau trên đường bằng tất cả mọi phương tiện của các nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới. Họ chen vai , thích cánh, họ chèn vào nhau, lấn lên nhau để vượt cho kịp giờ làm việc hay kịp một đèn hiệu màu xanh? Họ vội vã, ai cũng vội vã, họ đang vội vã sống hay đang vội vã chết? Tôi tự hỏi và giật mình kinh hãi nhận ra, đây chính là thành phố chết.
Mọi người chen nhau đi đến chỗ chết, cho dù nhìn vẻ ngoài ta cứ nhầm tưởng họ đang sống, đang phát triển.Họ chết dần dần, chết từ từ. Họ biết cả những điều tôi đang viết đây, nhưng họ cứ dấn thân vào và tự nhủ thầm: Sống trên đời là sống tạm, chết mới là vĩnh cửu, vĩnh hằng.Hàng ngày, sau một giấc ngủ nặng nề vì xung quanh họ toàn là khí độc, khí thải, khí lưu từ ngàn năm để lại, họ chạy vội đến một công viên gần nhà nhất, kẻ nào cũng nghĩ rằng chỉ có cách đó họ mới giải tỏa luồng khí đó trong cái cơ thể rệu rã của mình, để cố gắng hít vào luồng khí trời không mất tiền mua mà đầy những chất quí giá không có gì thay thế. Than ôi, ngay cả cái công viên xanh tươi này cũng chỉ giúp cho họ lượm lặt được chút ít bổng lộc của trời đất, vì nó đông quá, người chen vai người, đi, chạy rầm rập, tranh nhau hít, tranh nhau thở, kẻ này thở ra, kẻ kia hít vào, mà ai cũng nhầm tưởng là mình hít được nhiều hơn người khác. Rồi họ vội vã về nhà, vội vã khoác lên người những bộ quần áo được làm bằng các loại hóa chất tổng hợp, vội vã ăn bữa sáng với những món ăn đầy hấp dẫn, thơm ngon, bắt mắt bởi những màu sắc cũng như mùi vị. Họ cũng biết rất rõ rằng món thịt lợn kia từ con lợn được nuôi bằng thức ăn tổng hợp, thuốc tăng trọng, món rau kia được phun thuốc trừ sâu quá nồng độ cho phép, trái cây kia được ngâm thuốc bảo quản để xanh tươi, nhưng họ vẫn ra sức nhét chúng vào cái bụng vốn luôn luôn trống rỗng và cái mồm luôn luôn thèm khát của mình. Được biết rằng thành phố này đang nở rộ phong trào ăn cá để tránh sự đe dọa của bệnh mỡ máu, bệnh thừa Colesterol, bệnh tiểu đường… Thế là các hàng ăn hải sản mọc lên như nấm ở những con đường đẹp nhất nước, đắt nhất hành tinh.
Lộng lẫy, rất lộng lẫy là đằng khác. Đấy là các cửa hàng ăn Hải sản. Ngay từ ngoài cửa, các nhân viên cửa hàng đã đón chào ta một cách trịnh trọng. Các bàn ăn được kê nơi thoáng mát, có các ngọn gió được thổi vào từ các quạt đứng như cố tình lùa cho ta chút gió của biển khơi. Những thực đơn đầy ắp các từ ngữ khêu gợi như ốc len xào dừa, cua rang me, tôm hấp bia, các loại mực sào ròn, mực nướng, mực chiên, cá bỏ lò, cá hấp riềng xả, lẩu cá, lẩu tôm cua...
Các cô phục vụ đều mặc váy ngắn màu xanh nước biển, nhìn thấy mát như ta đang dạo chơi trên bãi cát của bờ biển Nha trang,miệng cười tươi nhằm đưa các thượng đế vào chỗ chết. Ai cũng biết các loại cá đều được ủ phân Ure từ khi vừa kéo lưới lên thuyền, và để được đưa tới các nhà hàng này, chúng phải đi qua rất nhiều công đoạn phân loại, bởi vậy nên chẳng có cách nào làm cho chúng giữ được vẻ tươi mới ngoài cách đó. Riêng các loại mực: mực ống, mực lá, mực cả con, mực một nắng hai sương… đều đã được ngâm tẩy bằng thuốc tẩy quần áo cho trắng bong cũng như quần áo bác sỹ. Khỉ thật, tại sao tôi lại đi mô tả cách làm hàng của cái thành phố này nhỉ, có gì là lạ đâu khi người ta chạy theo lợi nhuận để làm giàu? Và có gì lạ đâu nếu túi của các khách hàng được mệnh danh là thượng đế đều đầy ắp. Hơn nữa, thân phận của họ / hiểu chữ thân phận ở đây như khi gọi các nhà ngoại giao khi họ ngồi trên các xe biến đỏ ngoại giao đi buôn hàng cấm qua các cửa khẩu/ phải được tôn vinh, họ không thể đặt chân vào các quán cóc bên lề chợ như các bà nội trợ ngày xưa, tạt vào làm bát bún ốc hay bát bún cua trước khi xách làn về nhà. Họ lại càng không giống mấy ông xe ôm, chiều về vào quán bia hơi làm vài nghìn đồng mực nướng thơm sực chấm tương ớt. Bởi vậy nên các cô tiếp viên chân ướt chân ráo từ quê lên với chút nhan sắc trời cho mới có cơ hội đổi đời chứ. Các cô đon đả, miệng cười tay bật nắp chai bia Heileken hay Tiger, hoặc mấy chai Vang trắng được dán mác nhập ngoại, thực chất chẳng hiểu là thứ nước gì bên trong. Rồi các thượng đế lặn ngụp trong cái bể hải sản và rượu bia ấy cho đến chiều muộn, đầu óc lơ mơ, chân tay đờ đẫn, sau khi vành môi của các ngài đã được bôi trơn bới các món ăn sành điệu. Các ngài chẳng thèm quan tâm xem nguồn hải sản các ngài sơi có nồng độ fomandehit bao nhiêu, bởi các ngài biết rằng trước sau rồi cũng gặp nhau nơi chín suối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét