Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

BÔN BA PHẬN GÁI MIỀN TÂY



Bà Tám Mai, người chuyên môi giới lấy chồng Đài, nay chuyển sang môi giới chồng Hàn cho biết : “Đa phần cũng là loại “sứt càng gãy gọng” cả thôi. Bên ấy ế vợ, gần hết đời mà chưa biết mùi đàn bà là gì, đành ôm mớ tiền qua đây tìm vợ. Vậy thôi !”.
Cù lao Tân Lập nằm trên dòng sông Hậu, thuộc huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm, trên cù lao này đã diễn ra bao chuyện dâu bể. Từ chuyện cây mía, con cá đến “nạn” lấy chồng ngoại đều đang có sự đổi thay chóng mặt.
Hồi trước, cù lao Tân Lập, cũng là xã Tân Lập nổi tiếng khắp vùng sông nước miền Tây với đặc sản mía đường. Mía trồng trên đất cù lao nằm giữa sông Hậu mênh mang phù sa thì khỏi phải chê.
Toàn xã có gần 200.000 ha đất canh tác thì một nửa là trồng mía. Dân trong vùng nhờ nghề trồng mía và chế biến đường thủ công có thu nhập rất cao. Mía đường Tân Lập chu du khắp vùng sông nước miền Tây. So với các vùng khác, Tân Lập thuộc hạng trù phú, ấm no. Con gái Tân Lập cũng nổi tiếng xinh đẹp vì sống trên cù lao, bốn bề là nước sông Hậu vỗ về quanh năm.
Đùng một cái, hàng loạt nhà máy đường công nghiệp ra đời. Ngay lập tức, hơn 500 lò đường, lò rượu cồn, lò đường kết tinh  thủ công của Tân Lập bị hạ knock out ngay trên quê hương mình. Các lò đường đóng cửa hàng loạt, nhiều chủ lò bị phá sản. 
Anh Phó Chủ tịch xã Tân Lập nhớ lại : “Còn hơn bị chiến tranh tàn phá, Tân Lập tiêu điều. Các lò đường nằm chỏng chơ, rách nát, buồn thê thảm như cảnh chợ chiều. Dân mất công ăn việc làm. Toàn cù lao đìu hiu như có tang vậy !”.
Rộ mốt lấy chồng Đài Loan
Ông Phương, một chủ lò đường ở ấp Phước Lộc, bị phá sản, nợ nần đầm đìa, là người đầu tiên “mở hàng” cho phong trào lấy chồng Đài Loan. Bị nợ vây đòi tối ngày, ông khăn gói lên thành phố tha phương lập nghiệp. Quen một người bạn ở thành phố, biết ông có con gái, người này mai mối cho một chàng rể Đài Loan. Chàng rể xứ Đài về tận nơi xem mắt, thấy con gái ông thì đứng chết trân một hồi, luôn mồm thốt lên “Hảo, hảo” ! Thế là một đám cưới với người Đài Loan diễn ra.
Ông Phương kể lại : “Lúc đó cũng thấy kỳ kỳ với bà con chòm xóm. Bà con dè bỉu tôi là “bán con” lấy tiền. Đám trai tráng trong làng ra đường gặp tôi thì nhìn lom lom, chọc quê tôi là “ba của nàng Kiều”. Mắc cỡ lắm, đi ra cứ cúi mặt xuống đường. Nhưng đang kẹt quá. Con gái tôi thương ba nợ nần, chấp thuận làm dâu xa xứ để tôi có số tiền trả nợ và có ít vốn làm ăn !”.
May cho cô gái Tân Lập đầu tiên làm dâu xứ người. Cô đã sống khá hạnh phúc. Mấy năm sau, cô gái út đủ tuổi, cô chị bên kia trở về mai mối em gái út cho một chàng Đài Loan khác. Cuộc sống nhà ông Phương đổi thay, được “lên đời” trở lại.
Vợ chồng ông được 2 cô con gái ở bên xứ Đài cho đi du lịch, mở mày mở mặt với thiên hạ. Thế là phong trào “lấy chồng Đài” nổ ra rầm rộ trên xã Cù lao Tân Lập.
Điểm chung nhất là các chàng rể xứ Đài phần nhiều có tuổi bằng hoặc hơn cha mẹ vợ ! Bà Hai Thuận có con lấy Đài Loan thú thật : “Lúc đầu thấy chướng lắm, nghĩ thương con gái mình đứt ruột. Dần dần mới quen. Chồng con gái tôi hơn tôi gần 1 con giáp, tôi chẳng dám gọi bằng con dù biết rằng có gọi, nó cũng không hiểu”.
Nhưng trường hợp này chưa bi đát bằng “chàng rể Đài” nhà bà Tư Lắm ở đầu xã. Chàng rể bị tật, hai chân teo như 2 ống tre khô, đầu cứ ngoẻo một bên, khóe miệng giật giật, nước miếng chảy ra phát gớm. Ngày đám cưới, cô dâu phải đỡ chồng đứng thẳng để chụp hình, quay phim. Bà mai mối miệng cứ oang oang dịch lại lời người nhà đàng trai : “Nó hơi bị tật một chút nhưng được cái là còn zin. Nó chung thủy lắm, không biết lăng nhăng !”.
Nghe ai cũng cười mà buồn cho cô dâu. Mẹ cô dâu than thở : “Biết vậy để làm đám trên Sài Gòn cho khuất mặt bà con xóm giềng !”.
Ông Phó Chủ tịch xã Tân Lập cho biết, toàn xã có tới 600 hộ làm sui gia với Đài Loan. Trong đó có gia đình có 5 cô con gái thì hết 4 cô làm dâu xứ Đài. Tuy nhiên, không phải cô gái Tân Lập nào đi làm dâu xứ Đài cũng được may mắn như con gái ông Phương.
Theo số liệu từ Sở Tư pháp Cần Thơ, 79% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Số còn lại do sở thích lấy chồng Hàn vì bị ảnh hưởng của phim ảnh, thời trang Hàn. Có cô lấy phải chồng quá nghèo, ôm con về gởi ngoại rồi lên thành phố tìm cơ hội “hiệp 2”, “hiệp 3”; có cô lấy mấy bận toàn gặp chàng rể chẳng ra gì, chán đời thành gái “bia ôm”; có cô lấy chồng Đài lâu lắm không thấy tin tức gì, nay mới biết đã… lìa đời vì chồng bạo hành…
Dù sao cũng phải thừa nhận một sự thật là nhờ những cô gái xinh đẹp của đất cù lao đi làm dâu xứ người mà miền quê nghèo có thêm những căn nhà khang trang, xinh xắn dọc đường làng
... Đến "ấp" Hàn Quốc” ở miền Tây
Khoảng 5 năm nay, phong trào lấy chồng Đài Loan bị giảm xuống vì cuộc đổ bộ của các chàng rể Hàn Quốc. Những bộ phim tình cảm Hàn Quốc, những kiểu thời trang tóc, quần áo Hàn Quốc đã dọn đường cho những ông rể Hàn về miền Tây tìm vợ. Các cô gái miền Tây lâu nay say đắm chàng Jang Dong Gun cứ mơ có ngày sẽ khoác tay một “chàng” như Jang Dong Gun nhanh chóng vỡ mộng. Bởi đa số các ông rể Hàn đi tìm vợ chẳng hơn gì rể Đài.
Bà Tám Mai, người chuyên môi giới lấy chồng Đài, nay chuyển sang môi giới chồng Hàn cho biết : “Đa phần cũng là loại “sứt càng gãy gọng” cả thôi. Bên ấy ế vợ, gần hết đời mà chưa biết mùi đàn bà là gì, đành ôm mớ tiền qua đây tìm vợ. Vậy thôi !”.
Tuy nhiên, so với đàn ông Đài Loan, đàn ông Hàn Quốc tiền bạc rủng rỉnh hơn ! Cho nên, nhiều chàng rể Hàn Quốc bên kia đã 2 thứ tóc trên đầu vẫn phải nương nhờ cha mẹ, hùng hồn về miền Tây tìm vợ !  Vì vậy mà ngoài cù lao Tân Lập, ở các xã Thuận Hưng, Kiên Trung (Thốt Nốt), Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh) lâu nay là “thị trường” cung cấp vợ cho đàn ông Đài Loan nay nhanh chóng chuyển qua cung cấp vợ cho đàn ông Hàn Quốc ! Ông Tùng, ở xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt gả con gái đầu lòng cho chàng rể Hàn lớn hơn ông 4 tuổi vào năm ngoái. Thấy có vẻ được, đầu năm nay thêm một cô con gái của ông tiếp bước chị, lên xe hoa làm dâu xứ Hàn. Trong xã này có nhiều ấp mang tên “ấp Hàn Quốc” bởi nhiều hộ có “sui gia” với bên Hàn Quốc.
Còn ông Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết : “Gần 10% hộ nghèo trong xã đã chọn cách lấy chồng Hàn Quốc. Thông thường, gả con xong, nhà gái được chừng 200 – 300 triệu đồng, một con số không nhỏ ở vùng nông thôn !”.
 
/ Theo 360o Văn nghệ/

16 nhận xét:

  1. Thời chúng tôi cấm lấy vợ, lấy chồng nngoại quốc, nên nhiều người yêu nhau thật lòng mà phải đau đớn cắt đứt. Sau khi con gái ông LD lấy chồng Tây mọi người mới được mở đường đi. Hồi đó người ta truyền nhau : Những ai lấy vợ, lấy chồng ngoại quốc phải góp tiền để ĐÚC tượng vàng cô gái mở đường. Chuyện thật 100% đấy NamCua ạ. Chào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em biết chuyện này chị à.Nhưng yêu nhau lấy nhau thì bị cấm đoán, còn "lấy chồng" như mấy cô này bây giờ thì chẳng bị sao cả, thời thế đổi thay tới 180 độ.Nghĩ cho cùng, tội nghiệp cái thân phận làm người xứ ta.

      Xóa
  2. Tội nghiệp cho Lê Vũ Anh...
    MÌNH nhớ trong bản cam kết : "Không được quân hệ yêu đương với cả bạn học, nhất là sinh viên nước ngoài".
    Hi...NÊN
    LÁ PHONG ĐỎ CỦA MÌNH BƠ VƠ...
    HÁHÁ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hạt giống đỏ chứ chị. Lá phong đỏ bơ vơ là chuyện thường tình, hạt giống đỏ bơ vơ mới là điều đáng nói.

      Xóa
  3. Lấy chồng Đài Loan, Hàn quốc qua môi giới cứ như là chơi sổ số ấy! Thật tội nghiệp cho các cô gái tới bước đường cùng rồi mà còn bị bạo hành hoặc vớ phải dân mạt hạng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là như chơi sổ số đấy chị Mai ạ. Nhiều cô gặp may, nhưng cũng nhiều cô bất hạnh lắm.

      Xóa
  4. Đọc xong cứ thở dài NC ah. Có hoàn cảnh lấy chồng giúp cha mẹ khó khăn, nhưng cũng ko ít người đua đòi theo phong trào. Những cô gái đó không lường trươc hậu quả sẽ xẩy ra.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người con gái đó thật đáng thương và cũng thật đáng trách phải không Ngựa? Mình không thể tưởng tượng nổi cái cảnh các cô gái cởi trần ra cho mấy thằng Tàu ngắm nghía, lựa chọn.

      Xóa
  5. Em đọc xong chỉ biết thở dài NC ạ - Em buồn cho phận gái con nhà nghèo ở xứ mình!
    Nếu cha mẹ họ không quá nghèo...có lẽ họ sẽ không phơi thân giữa chợ người để bán mình như thế.....
    Chào NC em về - chúc NC khỏe vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ , đúng đấy, chị cũng thấy buồn cho thân phận con gái nghèo xứ mình, nhưng vẫn cứ thấy giận, vì sao mà đến nông nỗi thế.

      Xóa
  6. THẤY MẠC NGÔN VIẾT TIỂU THUYẾT "ẾCH" VỀ THỜI ĐẠI " KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH Ở TQ, RẤT HAY, , CHỊ NGHĨ NẾU LÀ NHÀ VĂN, CHỊ SẼ VIẾT VỀ THỜI "LẤY CHỒNG NGOẠI " Ở VN EM Ạ. NHIỀU CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đúng thế, cười ra nước mắt chị ạ. Nhục nhã lắm chứ, em không thể lý giải được việc một đất nước 4000 năm văn hiến mà để đến nỗi đàn bà con gái bán mình rẻ rúng cho bọn " ngoại" kiểu này thì chỉ có ở Vn thôi.

      Xóa
  7. Ngày xưa các cụ đã dạy:
    Ta về ta tắm ao ta
    Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!
    Đúng đến tận bây giờ chị nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị nghĩ không phải lúc nào các cụ nói cũng đúng đâu, vì tục ngữ ca dao được đúc kết từ cuộc sống, mà cuộc sống xưa-nay khác xa nhau nhiều lắm.Hơn thế nữa, nhu cầu sống bây giờ cao hơn ngày xưa rất nhiều,con người tìm đến đời sống tốt đẹp hơn là chuyện dễ hiểu. Trường hợp các cô gái ở đây đáng thương, vì họ bị lừa, và đáng trách, vì họ thiếu kiến thức để tìm cho mình một lựa chọn đúng đắn.

      Xóa
    2. troi oi thay dau long lam sao do

      Xóa
  8. minh cung la gai mien tay minh lay chong han gan chuc nam roi nhung may man cho minh chong minh tat tot nhung cung buon lam cac ban oi song xa nha xa nguoi than co nhung luc buon va co don kg co nguoi tam su

    Trả lờiXóa