Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Những giai thoại về Lý Long Thân / tiếp theo bài trước/

Giai thoại là những câu chuyện có liên quan đến con người thật, đuợc truyền miệng trong dân gian nhưng không có tài liệu xác nhận là thật hay giả, đúng hay sai.
A/- Lý Long Thân với cơn sốt chim cút : Những năm 1970, Sài Gòn rầm rộ dấy lên phong trào nuôi chim cút, lấy trứng và bán thịt cho các nhà hàng, tiệm ăn. Dư luận cho rằng tỷ phú người Hoa Lý Long Thân là người đã tạo ra cơn sốt chim cút làm cho rất nhiều người phải tán gia bại sản, trái lại Lý Long Thân thu vào một số tiền kết xù trong một thời gian ngắn.
Chim cút được nuôi ít nhất là từng cặp, trống, mái. Hai tháng sau khi nở, cút mái đẻ từ 10 đến 12 trứng mỗi đợt. Sau khi không còn đẻ nữa thì được bán làm thịt.
9 Ly long than 1
Cơn sốt chim cút là gíá bán tăng lên một cách kinh khủng từng ngày, từng giờ một, cùng với tin đồn dồn dập “cút đẻ ra vàng”. Quảng cáo trên báo, người cần mua một cặp cút giá 5,000 đồng, người cần bán 3 cặp chim cút với giá 8,000$ một cặp. Thế rồi giá bán, giá mua được phổ biến tăng lên đến điểm đỉnh lá 15,000$ một cặp. Nhiều tay chơi bạo muốn làm giàu nhanh chóng, bán xe, vay nợ, mang hết tài sản ra mua chim cút để hốt bạc, nhưng bỗng dưng không còn ai mua cút nữa, thế là tán gia bại sản, cút đem rô ti nhậu chơi.
- Thủ đoạn của gian thương : Trước hết, nắm được số lượng chim cút của phong trào mới bắt đầu, tỷ phú tung tiền ra cho đám thuộc hạ là hệ thống chân rết thu gom một số lượng lớn với giá rẻ để tích trữ, chờ khi giá lên cao tung ra bán để hốt bạc.
Đồng thời phát động những tin đồn “cút đẻ ra vàng” ra khắp nơi. Các mục quảng cáo trên báo liên tục đưa tin tăng giá, tăng đến cao điểm là 15,000 một cặp cút đang đẻ. Người đăng báo muốn mua và muốn bán thật ra cũng chỉ là người trong đám chân rết của đại gia mà thôi. Nhiều người thật sự đã thu lời do bán một vài ba cặp cút, nhưng sau đó lại bỏ thêm tiền mua vào để kiếm lời nhiều hơn nữa.
Tóm lại, cơn sốt chim cút chỉ là việc đầu cơ tích trữ, tạo khan hiếm giả tạo để nâng giá, và cuối tung tung số lượng tích trữ ra bán giá cao để thu lợi. Gian thương hốt bạc, những người muốn làm giàu nhanh chóng mà không có kinh nghiệm thương trường lãnh đủ. Trắng tay.

B/- Lý Long Thân với vụ tàu chở giấy Viễn Đông : Vụ cơn sốt chim cút do tăng giá để hốt bạc, vụ tàu giấy Viễn Đông do hạ giá để hốt bạc.
Ngày 12/5/1974, văn phòng công ty Đại Nam của Lý Long Thân nhận được điện tín của một nhân viên thuộc hạ ở ngoại quốc báo tin, lúc 6 giờ sáng cùng ngày tàu Viễn Đông đã rời cảng Stockhohm (Thụy Điển) chở về Sài Gòn cho công ty X 6,000 tấn giấy, gồm 4,000 tấn giấy vở học sinh và 2,000 tấn giấy in báo. Đồng thời bức điện cũng cho biết giá giấy trên thị trường quốc tế.
Đọc xong bản tin, Lý Long Thân tính nhẩm ngay ra số tiền lời có thể thu được, mặc dù tàu giấy đó không phải của anh ta, mà cũng không phải giấy là ngành nghề kinh doanh của họ Lý.
- Kế hoạch hạ giá : Lập tức, Lý hạ lịnh cho các cửa hàng trong hệ thống chân rết của anh ta, hạ giá giấy 10%, riêng khu vực Sài Gòn hạ 20%, rồi 30%, đồng thời đăng quảng cáo rầm rộ là có 2 tàu chở giấy sẽ cập bến Sài Gòn với giấy tốt, giá rẻ.
Tin tức quá ồn ào. Giá giấy hạ xuống đột ngột khiến các nhà in, các tờ báo, các nhà kinh doanh giấy đều e ngại, không dám tích trữ giấy, cũng không dám mua vào vì sợ tiêu thụ không được. Đích thân ông chủ công ty X đi chào hàng, nhưng đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu mà thôi.
Độc hơn nữa, khi tàu gần cập bến, Lý lại cho người mang giấy trắng ra phát không cho những người người bán quà bánh, bán rong trong khu vực cảng, mỗi người vài tập giấy trắng tinh.
Tàu Viễn Đông cập bến, ông chủ công ty X ra đón, thấy giấy trắng gói hàng trắng xoá nằm vung vãi trên mặt đất, bèn hỏi và được trả lời : “Giấy rẻ như cho không, không gói quà thì để làm gì ?”
Tàu Viễn Đông nằm suốt mấy ngày mà chưa có người mua đến chở hàng. Bãi trường mùa hè lại đến, học sinh nghỉ hè nên chưa vội mua sắm tập vở. Các cơ sở bán lẻ giấy cũng chờ đợi giá cả nên không thu vào.
Đúng lúc đó, người của công ty Đại Nam đặt vấn đề mua trọn số giấy trên tàu với giá hạ 50%. Bị lỗ nặng, nhưng không bán không xong, lại phải chịu lỗ thêm về cước phí vận chuyễn. Vậy là, 6,000 tấn giấy vào kho của Lý Long Thân. Sau đó, một số báo “khám phá” ra rằng, tàu chở giấy về Sài Gòn chỉ là “tin vịt”, bố láo, khiến cho giấy lại lên giá và Lý Long Thân lại hốt bạc.
Trước đó, giới thương gia ít có người biết dùng gián điệp kinh tế, báo chí, và phao tin đồn thất thiệt trong việc cạnh tranh trên thương trường.
C/-  Dùng tiền mua quyền lực để kinh doanh
- Tổ chức “Nhất dạ đế vương” chiêu đãi Bảy Viễn : Khi đã giàu có, Lý Long Thân rải tiền ra để mua chuộc, kết giao với những nhân vật có quyền thế trong giới kinh doanh, những nhân vật có tên tuổi trong những bang hội người Hoa. Họ Lý cũng dần dà quen lớn với những tai to mặt lớn trong chính quyền và quân đội, trong đó có Thiếu tướng Lê Văn Viễn, tự là Bảy Viễn, biệt danh con cọp Rừng Sác, cùng hai quân sư tin cậy là Lại Hữu Tài và Lại Hữu Sang.

9 Bay Vien 1

Cuối năm 1954, Lý bỏ ra 4 triệu đồng để tổ chức một đêm “Nhất dạ đế vương” mua vui cho Bảy Viễn và một số chức quyền khác. Tại nhà hàng Đại La Thiên, Lý độc quyền bao một vũ nữ nổi tiếng là hoa hậu Phúc Kiến tên Lý Bing Bing. Biết Bảy Viễn ham của lạ và ham vui nên Lý đã ép Lý Bing Bing phục vụ cho Bảy Viễn.
Sáng hôm sau, trước mặt Bảy Viễn và mọi người, Lý Long Thân đã ký check cho vũ nữ hoa hậu một số tiền mà ai ai cũng ngạc nhiên, 50,000$. Với đòn độc nầy, Lý đã thu phục được thủ lãnh Bình Xuyên, thế là những công cuộc kinh doanh bắt đầu thực hiện.
- Thành lập hảng xe đò Nghĩa Hiệp và hệ thống khách sạn ở Vủng Tàu : Khi Bảy Viễn được người Pháp giao cho nhiệm vụ mở đường và giữ an ninh con đường 15 Sài Gòn – Vủng Tàu, Lý Long Thân bỏ ra 500 lượng vàng thành lập hảng xe đò Nghĩa Hiệp, độc quyền vận tải Sài Gòn – Vủng Tàu. Bảy Viễn không bỏ tiền nhưng đứng tên phần hùn và chia tiền lời 50%. Sau đó, Lý vay vốn của ngân hàng Việt Nam Thương Tín để mở một hệ thống nhà hàng khách sạn ở thành phố biển Vủng Tàu. Bảy Viễn cũng đứng tên chia tiền lời.
Lý Long Thân biết nắm lấy thời cơ và thu phục quyền lực để kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.
- Hợp tác với Bảy Viễn mua bán á phiện : Lý Long Thân khởi xướng việc mua bán á phiện, đó là một tổ chức gồm những người đứng tên trong bóng tối là Lý Long Thân, Bảy Viễn, trung tá tình báo Pháp (Phòng Nhì) Antonio Savani, chủ khách sạn Continental Palace là Mathew Franchini. 9 Ly long than 2

Khách sạn Continental thuộc 4 sao, tại số 132-134 đường Tự Do, ngang bên hông Hạ Viện. Được xây dựng năm 1878, cao 4 tầng, có 86 phòng. Phòng họp chứa đến 800 người.
Những người lộ diện thực hiện là Trần Phước, Franchini và Mã Tuyên cùng một số đàn em. Trung tá Savani là người móc nối Bảy Viễn bỏ Việt Minh về với chính phủ Quốc Gia của vua Bảo Đại, nên sự liên lạc giữa hai người rất mật thiết.
Trần Phước là tay kinh tài của Bảy Viễn. Trước kia Bảy Viễn làm tài xế cho ông chủ người Hoa giàu có là Trần Phước. Khi Bảy Viễn lên Thiếu tướng và có quyền hành lớn của ngành công an, cảnh sát và quân đội Bình Xuyên, Bảy Viễn đem Trần Phước về nắm nguồn tiền của mình. Lý Long Thân đến với Bảy Viễn qua tay Trần Phước.
Số là năm 1951, tình báo Pháp thành lập một đội quân bí mật mang tên “Lực lượng biệt kích không vận phối hợp” thuộc cơ quan Tình báo Đối ngoại và Phản gián. Nhiệm vụ không vận tiếp tế và huấn luyện những đơn vị biệt kích tại những khu tự trị của người thiểu số Thái, Mèo, HMông ở phía Tây Bắc Bắc Việt và phía Đông Bắc nước Lào. 9 Ly long than 3

Những toán quân nầy quấy rối các mật khu của Việt Minh ở Việt Bắc và của Lào ở Sầm Nứa.
Khi trở về, những phi cơ vận tải chở theo á phiện. Đến phi trường Tân Sơn Nhất, á phiện được các xe vũ trang của cảnh sát, hộ tống về nhà kho của Bảy Viễn ở số 43 đường Lacaze (Nguyễn Biểu, Q.5).
Từ đó, Lý Long Thân chỉ đạo phân phối thuốc phiện đến gần 2,500 tiệm hút và nhà hàng ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận.
Số lớn á phiện còn lại thì Franchini chuyển về hải cảng Marseille (Pháp) để cho nhóm Mafia Atoine Gurini chế biến thành heroine cung cấp cho thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Về việc phân phối đến các tiệm hút thì Lý Long Thân điều khiển trong bóng tối và người thi hành là Mã Tuyên, cho nên họ Lý nầy không để lại dấu vết nào cả.
6 Bay Vien 2

Dư luận cho rằng Bảo Đại biết được vụ làm ăn nầy nhưng lờ đi cho nên những yêu cầu về tiền bạc của nhà vua được đáp ứng không một chút mặc cả nào. Dư luận còn đồn rằng, một lần cao hứng, nhà vua đòi nửa triệu đô la trong vòng 72 giờ để cung cấp cho cô bồ nhí người Tàu lai Tây tên Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong) đã có một đứa con gái với Bảo Đại, tên là Nguyễn Phúc Phương Ân.
Không có sẵn tiền đô la, Lý Long Thân và Bảy Viễn tung đàn em đi lùng vét mua đô la với giá cao, khiến cho Sài Gòn hết sạch tiền Mỹ. Lúc đó, Bảy Viễn nắm nguồn tiền từ hai sòng bài Kim Chung và Đại Thế Giới, khu mãi dâm Xóm Bình Khang, hảng xe đò và hệ thống nhà hàng khách sạn Vủng Tàu, mua bán á phiện… nên có đủ khả năng đáp ứng một số tiền khổng lồ như thế.
Tốc độ làm giàu của Lý Long Thân trong giai đoạn nầy nhanh đến chóng mặt, nhưng đã khôn khéo không để lại dấu vết của những cuộc làm ăn phi pháp. Tiền bạc quá nhiều, nên Lý Long Thân cũng có mưu kế chuyển tài sản ra ngoại quốc thông qua những công ty xuất nhập cảng của người Hoa trong Chợ Lớn, lợi dụng ngay cả viên phó tổng lãnh sự tên Hồng Cảnh Tùng của Đài Loan tại Sài Gòn.
D/- Lý Long Thân bán đứng Mã Tuyên : Những năm 1960, Mã Tuyên làm trưởng mười bang người Hoa trong Chợ Lớn, trong đó có những băng nhóm xã hội đen như nhóm Tam Hoàng do Hoàng Long làm thủ lãnh, băng nhóm của Tín Mã Nàm đã từng gây kinh hồn khiếp vía trong cộng đồng Hoa kiều nầy.
Quyền thế Mã Tuyên rất lớn và được anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm tin cậy, đã từ Dinh Gia Long vào lánh nạn trong nhà Mã Tuyên đêm 1/11/1963.
Sau khi Đệ nhất Cộng hoà bị sụp đổ, Mã Tuyên bị cho là làm kinh tài cho gia đình Tổng thống Diệm, nên phải trốn chui trốn nhủi trước sự truy lùng của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.

9 Ly long than 4

Đến ngày 6/11/1963, Mã Tuyên trốn được vào nhà của Lý Long Thân. Mã Tuyên đã từng hợp tác với họ Lý trong việc mua bán á phiện, từng làm thủ lãnh 10 bang hội, nhưng nay đã hết thời nên họ Lý không dám bảo bọc sợ mang họa vào thân. Lý dùng lời lẻ ngọt ngào khuyên và đề nghị giúp Mã Tuyên trốn ngay tức khắc sang Nam Vang.
Đến 8 giờ tối hôm đó, khi Mã Tuyên ra khỏi nhà khoảng 300 mét thì bị cảnh sát chờ sẵn bắt đi.
Để tránh tiếng phản bạn và tránh những ánh mắt nghi ngờ trong giới người Hoa, nên ngày 26/11/1963 Lý Long Thân gởi đơn đến Đô trưởng Sài Gòn xin bảo lãnh cho Mã Tuyên được ra bịnh viện Grall chữa bịnh. Không ai biết cuộc vận động thế nào, nhưng đơn xin được chấp thuận. Tại bịnh viện Grall, cuộc thăm viếng giữa Mã Tuyên với Lý Long Thân chỉ kéo dài trong vòng vài ba phút vì Mã Tuyên nhất định không muốn thấy mặt Lý Long Thân. Thế là Mã Tuyên ra toà lãnh 3 năm tù. Tài sản bị tịch thu bán đấu giá, những đồng hương người Hoa mua lại và trao trả lại cho gia đình ông. Sau 1975, Mã Tuyên bị tù cải tạo 4 năm. Năm 1983 sang định cư ở Đài Bắc (Đài Loan). Tháng 2 năm 1992, Mã Tuyên cùng một phần gia đình trở về sống ở Sài Gòn và qua đời vào tháng 9 năm 1994, đuợc chôn tại nhị tỳ người Hoa.
E/- Cách dùng người của Lý Long Thân : Khác với truyền thống kinh doanh của người Hoa là đưa con cháu hoặc thân nhân vào giữ những vị trí then chốt trong bộ máy làm ăn, Lý Long Thân không làm như vậy. Ông thường nói “Kẻ nào biết rõ về ta, kẻ ấy thắng ta một nửa”. Do đó, họ Lý chủ trương tuyển dụng những tay chân thân tín ở ngoài dòng họ, nhất là chiêu mộ những người xuất sắc, 

9 Ly long than 5

có thực tài, có uy thế và khả năng làm được việc lớn, đã từng quen biết qua những vụ làm ăn.
Một trong những người đó là Châu Trần Tọa, đồng hương Phúc Kiến, là một thành viên của Quốc Dân Đảng thuộc loại gộc ở Đài Loan. Trần Tọa được chính quyền Việt Nam cho phép hoạt động trong chi bộ Quốc Dân Đảng của Trần Y Linh, bí thư của Đại sứ quán Trung hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở Sài Gòn. Tọa đã có 4 lần qua Đài Loan mừng thọ của Tưởng Giới Thạch với tư cách khách mời.
Sau khi Mã Tuyên bị tù, Lý Long Thân bỏ tiền ra và vận động quyên góp 13 triệu đồng để bảo lãnh Châu Trần Tọa trám vào chức vụ “mại bản” (Compradore) tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín mà Mã Tuyên đã giữ trước đó.
Ở mỗi công ty, nhà máy, cửa hàng, các ban bệ… Lý Long Thân đều đặt thêm tai mắt thân tín để giám sát mọi viêc. Lý không cho con cái tham gia công việc mà gởi hai con là Lee Poon Leung và Lee Sok Wah đến Đại học Kowloon (Đài Loan). Thời thế thay đổi, tay trắng khó làm nên sự nghiệp.

Một trong những lý do không cho con cái tham gia công việc làm ăn, là đến khi cần thiết thì không e ngại bán đứng người đã hết lòng chung lưng đâu cật gầy dựng sản nghiệp cho mình. Mã Tuyên là một ví dụ./.
theo Trúc Giang – Minnesota ngày 13/6/2013

11 nhận xét:

  1. Đúng là cách làm giầu tàn bạo ,mánh khóe chà đạp lên người khác của CNTB

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày nay cũng nhiều kẻ thực thi các mánh khóe làm ăn kiểu Lý long Thân đấy chị ạ, có điều, chưa ai đưa họ lên mặt báo thôi.

      Xóa
  2. Nói chung là mình không có gan nên nghèo.
    Không có chí nên là PHÓ THƯỜNG DÂN, NC à?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm "nhà thơ" chứ chị, còn em thì về " làm vườn" thôi. haha

      Xóa
  3. Thật là giảo hoạt em nhỉ, không biết cuối cùng ông ta có sướng không?
    Đúng là thâm tàu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kinh khủng chị ạ, người Tàu họ như thế trên khắp thế giới, em đã xem rất nhiều phim về cách làm giàu của họ bên Mỹ và châu Âu.Nhưng người như ông này thì cũng thuộc diện hiếm, và ngay hiện tại VN mình cũng có đấy chị.

      Xóa
  4. Cuối tuần sang thăm chị, chúc chị vui vẻ.
    Từ xưa đã có câu thâm như nho mà chị!kebano(kệ bà nó) đi chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc để biết thêm, cũng như ta xem bộ phim " Bố già" ý mà HL ơi.

      Xóa
  5. Ngay hiện giờ dân mình nhiều người cũng khốn đốn vì bọn tàu đấy em ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Vâng, dân mình thường cả tin, không lường được hết mưu mô bài bản của bọn chúng chị nhỉ.

    Trả lờiXóa