Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

LỄ HỘI MA QUỶ KUKERI Ở BULGARIA

LỄ HỘI MA QUỶ KUKERI

LÚC ĐÊM KHUYA

Những người yếu tim sẽ không cảm thấy dễ chịu chút nào khi bị các con “ma giả” này quấy rối vào buổi đêm…
Hàng năm, cứ tới ngày 31/10, hầu hết những người dân châu Âu và châu Mỹ đều chào đón lễ hội ma quỷ lớn nhất trong năm – lễ hội Halloween. Còn với những người dân Đông Âu, nhất là với người Bulgaria, họ cũng có một ngày lễ tương tự như vậy : đó là lễ hội Kukeri.
Kukeri là một nghi lễ cổ xưa, được tổ chức ngày 01 tháng 01 đầu năm mới, ra đời từ thời Trakia cổ đại, nhằm thể hiện sự tôn thờ với vị thần Dionysus – thần bảo hộ cho xứ sở, cũng là thần rượu nho, thần sinh sản và tái sinh trong thần thoại. Người ta quan niệm rằng, tiến hành nghi lễ này sẽ giúp xua đuổi tà ma và mang lại một năm an lành cho toàn thể mọi người.
Người xem sẽ thấy rợn người trước các bộ trang phục của những người tham gia. Đây cũng chính là điểm nổi bật, hấp dẫn của nghi thức ma quỷ này. Trong ngày diễn ra lễ hội, người Bulgaria mặc lên người những bộ quần áo bằng da thú, đeo những chiếc mặt nạ gỗ cực kì đáng sợ có thể cử động, quấn quanh người chiếc chuông nhỏ kêu lách cách.
Họ còn trang bị những vật dụng khác như kiếm, đao, lá húng quế cùng những tấm da dê, hóa thân mình thành các “con quỷ” dữ tợn, nhảy múa khắp đường phố. Các bộ trang phục đều có một đặc điểm chung là chiếc sừng trâu – biểu tượng thiêng liêng của thần Dionysus.
Theo truyền thống, hầu như chỉ có con trai tham gia vào lễ hội này nhưng giờ đây, ngay cả những cô gái cũng rất gan dạ, hòa mình cùng buổi lễ. Khi tham gia nghi lễ, họ không được phép tiết lộ danh tính của mình cho bất kì ai. Với họ, chiếc mặt nạ quỷ khổng lồ chính là nơi để ma quỷ bám vào và sau khi lễ hội kết thúc, nó sẽ bị vứt bỏ để tránh tà ma.
Lễ hội sẽ bắt đầu vào buổi đêm. Tất cả những người tham gia – gọi là Kukeri – đổ ra phố. Họ cùng nhau nhảy múa trên mọi nẻo đường quanh xóm làng và ghé thăm bất cứ nhà nào họ muốn. Họ đóng giả làm những con ma hay quỷ đi lại vào ban đêm với quan niệm : không được lang thang vào buổi sáng vì sợ “Mặt trời bắt được”. Với những người yếu tim, hẳn sẽ không thấy dễ chịu chút nào nếu bị các con “ma giả” này quấy rối lúc đêm khuya.
Sau phần nghi thức nhập lễ này, người ta bầu ra một Kukeri đứng đầu như là thủ lĩnh rồi cùng tập trung tại quảng trường lớn của thành phố. Tiêu chí lựa chọn Kukeri đứng đầu là bộ trang phục của anh ta ghê rợn và công phu nhất, gồm da sống của 7 loài vật – thứ đã cho anh ta thêm sức mạnh để lãnh đạo. Khác với những Kukeri khác, Kukeri đứng đầu được sơn một vạch đen ở mặt nạ và phải đội một cái mũ lớn hình “của quý” đàn ông lớn, thể hiện khả năng sinh sản dồi dào và khỏe mạnh. Người này sẽ có nhiệm vụ quan trọng khi trực tiếp được cử ra tiến hành một số nghi lễ theo như truyền thống xưa.
Trong suốt quá trình diễn ra nghi thức huyền bí, Kukeri đứng đầu có nhiệm vụ là người đại diện cầu lễ sinh sản, sức khỏe, may mắn cho cả làng. Sau lễ, ông đến thăm từng nhà, cọ sát người lên sàn nhà của mỗi gia đình, phát cho họ bánh mì và rượu vang như một cách để phân phát sức khỏe may mắn.
Tiếp đó, Kukeri đứng đầu mang một cái cày theo và khi bắt đầu kéo, ông sẽ phải chết… giả vờ. Những người phụ nữ lúc này tiến đến gần và gieo hạt giống xung quanh chỗ Kukeri đứng đầu “chết”. Và thật kì lạ, Kukeri đứng đầu sẽ sống dậy, nhảy múa và rung những chiếc chuông ở thắt lưng, hoàn tất sự tái sinh – một quyền năng đặc biệt của thần Dionysus.
Phần nghi thức của lễ hội đến đây là kết thúc: sau cả một ngày khoác lên mình những trang phục đặc biệt, Kukeri đứng đầu sẽ chôn 7 tấm da của 7 loài vật trên người ra 7 mảnh đất khác nhau trong làng, nhằm phát tán sự may mắn ra toàn bộ ngôi làng. Cái mũ đặc biệt của ông được trao lại cho một người đàn ông không có con trong làng.
Lúc này, các Kukeri vẫn với bộ trang phục đặc biệt, có phần đáng sợ của mình sẽ cùng tập trung ở quảng trường lớn, nhảy múa, hát những bài ca truyền thống cho tất cả mọi người, gồm cả khách du lịch xem. Họ chơi đùa, nhảy múa cùng nhau trong suốt một ngày, làm không khí trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Đây quả thật là một nghi lễ huyền bí và mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Người ta còn phát hiện ra tàn tích của lễ hội này tại một số quốc gia như Balan, Hungaria, Slovakia, Serbia, Romania, Tây Ban Nha và Ý.


Бабугери в село Брежани

Кукери в Разлог

Кукери от с.Горна Василица

8 nhận xét:

  1. Chúc mừng năm mới! Chúc bạn luôn luôn khỏe!
    Lần đầu tiên mình nghe đến lễ hội này đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi,mỗi dân tộc đều có những lễ hội rất đặc trưng Ngựa à. Họ cũng mê tín lắm, chẳng kém dân ta đâu.

      Xóa
  2. Chúc mừng năm mới em và và cả gia đình em nhé!
    Chúc em vui, khỏe và gia đình sớm xum họp nơi quê hương thứ hai của em nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị nhiều.Chúc cho chị em mình thêm tuổi nhưng không già thêm, mà thêm yêu đời, đóng góp thêm cho thế giới những điều tốt đẹp chị nhé.

      Xóa
  3. Lễ hội ma quỷ này thú vị nhỉ, bây giờ chị mới biết đấy em ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, dân tộc nào cũng có những tập tục hay lắm chị ạ. Mình phải sống với họ mới hiểu họ được chị nhỉ.

      Xóa
  4. Chúc mừng Năm mới NamCua
    Về đến nhà khỏe mạnh vui đùa
    Cây cỏ nở hoa đầy quả ngọt
    Gia đình hạnh phúc cả bốn mùa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em xin cám ơn anh NóiLiều
      Năm mới xuân sang thật vui nhiều
      Cháu nội có rồi, thêm cháu ngoại
      Cả nhà đầy ắp tình thương yêu.

      Xóa