Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nhật kí một đêm giao thừa

 Mỗi lần Tết đến, những kỉ niệm cũ lại tràn về, đôi khi làm trái tim tôi nghẹt thở. Mùa xuân  đến trong mỗi nhà, mùa xuân không chê một ai, cho dù có những năm, xem kẽ trong tiếng pháo giao thừa là tiếng gió mùa đông bắc. Tết cho những gia đình đông con, phải lo làm sao có nồi bánh trưng, cân giò mỡ, nồi măng , nồi thịt nấu đông, vì cả năm làm ăn vất vả, cha mẹ chẳng nỡ lòng nhìn các con thòm thèm chia nhau mấy củ lạc rang chan nước rau muống luộc, hay hàng chục cặp mắt hau háu nhìn theo lưỡi dao của bố cắt khoanh trứng rán, theo rõi xem đứa nào được bố chia cho miếng to hơn, mặc dù khi cắt , bố luôn chăm chú để chúng bằng nhau, cho dù có chỗ dày chỗ mỏng.Tết, chắc chắn bếp nhà chúng tôi có đầy đủ những thứ kể trên, không những thế, mẹ luôn cho tôi được hưởng cái phần vinh dự nhất nhà, là được sử dụng cân đường / được mua theo tem phiếu, mỗi người 1 lạng cho dịp Tết/ để làm mứt. Tôi học làm mứt từ nhỏ, học theo mẹ, theo bác, nhưng chẳng bao giờ làm được hộp mứt cho ra hồn, bởi lúc thì ít đường , chẳng ra mứt, chẳng ra bí xào, lúc thì gừng không ngâm phèn , đen thui như ô mai, hỏng cả cân đường quí giá mẹ tôi dành dụm. Thế nhưng, vì là Tết, mẹ chẳng lỡ nặng lời với đứa con hiếu thảo, suốt 3 ngày Tết chỉ quanh quẩn ở nhà,kể cả những năm đang tuổi yêu đương. Mẹ đâu có biết , tôi cũng thèm được ra đường đi chơi giao thừa như các bạn, thèm được khoe áo mới, thèm được ánh mắt vuốt ve của các bạn con trai . Tuổi thơ qua đi trong chiến tranh nơi sơ tán đã làm cho tôi biết quí trọng nâng niu những giá trị lao động của con người, biết thông cảm và hi sinh để người khác vui, nhất là trong những ngày Tết. Tôi luôn xung phong ở nhà trông nhà cho các chị em đi chơi với bạn bè, để bố mẹ đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm. Tôi cặm cụi cho tới Giao thừa dưới bếp, trông nồi bánh trưng cho khỏi bị tắt lửa, làm mứt, lau chùi, quét dọn, bày biện nhà cửa. Dần dần, điều đó đã trở thành thói quen.Những năm sau này, và cho tới bây giờ, tôi vẫn thế, cặm cụi một mình ở nhà trong những ngày  Tết. Đôi khi tự hỏi: để làm gì và để cho ai, và cũng tự trả lời: cho ta, vì điều đó làm ta hạnh phúc.
Tôi nhớ, Tết năm ấy, lần đầu tiên đi về quê chồng. Ngay từ ngày 27-28 tết, chồng tôi đã gói ghém những gì được mua tiêu chuẩn ở cơ quan để nhờ người mang về quê biếu bố mẹ, để kịp chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa. Còn chúng tôi, vì chưa có con nhỏ, nên cố nán lại ở Hà nội, cũng dọn dẹp bày biện nhà cửa, nhưng chẳng có gì ngoài  sơ sài vài món hoa quả, một chút mứt tự làm, rồi 4 giờ sáng ngày 30 Tết đưa nhau ra bến xe Thống nhất / Cạnh Công viên Lenin bây giờ/, để chờ mua vé xe lên đường đi về quê. Năm đó may mắn lên được xe đi Thái bình, khoảng trưa chúng tôi về tới thị xã, sau đó, nhảy xe “Vít” thay bằng xe buýt, đi về phố huyện. Chiều hôm đó, rét mướt, mưa phùn, hai vợ chồng trẻ co ro trong một quán nước liêu xiêu ven đường, đã trống rỗng vì chắc chủ quán đã nghỉ ở nhà chuẩn bị đón Tết, chờ các em chồng tôi ra đón. Xong, vì mưa đã lâu, đường đất không chịu nổi dòng người qua lại đã trở thành con đường bùn nhão, đặc quánh dưới chân, chẳng xe đạp nào đi nổi trong dòng bùn đó. Bởi thế mà chờ mãi, chờ mãi, đến tận 6 giờ chiều, thấy chẳng  ai ra đón, chúng tôi quyết định đi bộ về làng, cách xa phố huyện chừng 5km.
Khi bắt đầu đi , vì cũng đã được nghỉ mấy tiếng ở phố huyện ,mặc dù sau hai chặng đường chen lấn, bẹp hết cả hành lí, đầu tóc bù xù, chúng tôi đi rất hăng, mong về đến nhà để còn được tắm rửa trước Giao thừa. Song chẳng được bao lâu, đôi dép lê dưới chân tôi đã bị bùn quánh lại, nặng chình chịch, hai tay tôi tê cóng/ thời đó không có khái niệm găng tay/, cái túi nhỏ đeo vai cũng trở thành nặng chĩu. Trời tối đen như mực, đêm 30 mà, cộng vào đó là mưa, gió hú từng chập, con đường làng không một bóng cây, xuyên qua  cánh đồng dài chừng 3 km. Chính chặng đường này đã đi vào kí ức của tôi, đã làm tôi sợ hãi, đã đe dọa tôi những năm tháng sau này trong cuộc đời. Hai chúng tôi đi như 2 bóng ma, thất thểu,đã phải tuột dép ra, nối chúng lại bằng 1 sợi lạt nhặt được, đeo lên vai, rồi tôi bắt đầu khóc lặng lẽ.Lặng lẽ đi, lần dò từng bước để khỏi ngã vì con đường đất đỏ bùn lầy pha lẫn đất sét, lặng lẽ khóc trách thầm bản thân, là đã chống lại ý muốn của cha mẹ, đã chối bỏ  một tương lai sán lạn được bố mẹ sắp đặt, để lấy người chồng nơi xa xôi này. Nếu chồng tôi biết, anh ta sẽ gầm lên và bảo rằng: “ Ai bắt cô lấy tôi, là vợ tôi thì cô phải về quê tôi, đó là chuyện hiển nhiên”.
Mãi rồi chúng tôi cũng về tới nhà, sau 4 tiếng trên đường, người đầy bùn đất, mặt mũi nhếch nhác, chân tay lạnh cóng. Mẹ chồng tôi ngay lập tức pha cho  nồi nước lá mùi, bắt tắm ngay, rồi bà xoa bóp cho tôi, thương cảm đứa con gái Hà nội cả đời quanh quẩn trong nhà với bố mẹ chị em ruột thịt, lần đầu tiên đi xa đến thế trong một hành trình khủng khiếp.  Đó là cái Tết đầu tiên với chồng , với gia đình nhà chồng, và cũng là cái Tết cuối cùng chúng tôi cùng đón giao thừa. Số phận chúng tôi được sắp đặt như thế đấy.

6 nhận xét:

  1. Một kỷ niêm buồn phải không em? Chị không phải về quê chồng trong đêm giao thừa nhưng cũng có lần về khi mới cưới, không biết đun rơm, -phải đun, không biết gánh nước- phỉa gánh...và...bị mẹ chồng chê. Thật khủng khiếp, vẫn nhớ đến giờ em ạ!
    Chúc em chóng quên đi nhé...cho vui với hiện tại!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " Có những nỗi buồn đốt mãi chẳng thành tro" chị à.

      Xóa
  2. Mình mong kể từ nay ngày cuối năm bạn đừng nhớ đến kỷ niệm buồn đó nữa. Quê mình hồi xưa cũng đường đất , nhoe nhoét dính mỗi đợt mưa dầm. Mình hiểu cảm giác của bạn khi dò dẫm bước trong đêm 30 trên đoạn đường lầy lội đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, ngàn năm không quên B à, nhưng con đường đó nay đẹp lắm rồi, phi lao vi vút, đường bê tông rộng mấy làn xe. Chỉ tiếc người xưa cũng đã đâu còn.

      Xóa
  3. Chào NC ! Nỗi buồn cứ đeo dẳng ta khi sống và chết nó theo ta xuống mồ. Tôi rấ hiểu và thông cảm với NC.Làm sao nó có thể thành tro được, khi nó là nỗi đau đớn hơn cắt ruột của đời ta. Tôi ví thế không sai đâu, vì tôi đã bị cắt ruột thừa chỉ băng thuốc tê bình thường.Thế đấy ! Chào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị đã chia xẻ . Cuộc đời có nhứng niềm vui, những nỗi buồn, có điều sẽ bị quên, nhưng cũng có những điều chẳng thể nào quên chị nhỉ.

      Xóa