Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Lịch Sử Tết Dương Lịch – HAPPY NEW YEAR




http://www.graphics45.com/g/good_day/good_day_060.gif


Lịch Sử Tết Dương Lịch – HAPPY NEW YEAR

 

Sau 12 tháng thì chúng ta lại chuẩn bị đón năm mới, ở các nước Tây Phương thì gọi là New Year người Việt gọi là Tết Dương Lịch. Tết Dương Lịch ở Hoa Kỳ nhằm ngày 01 tháng Giêng. Mọi người nô nức đón năm mới với những lời chúc tụng hạnh phúc, vui vẻ và may mắn. Với các nước Tây Phương, đêm giao thừa là đêm vui nhất, mọi người nô nức vui chơi ở nơi công cộng để chờ đón giây phút giao thừa. Những quả bóng được thả rơi trong giây đầu tiên bắt đầu cho năm mới, pháo bông được bắn lên sáng rực đất trời, mọi người cùng nâng ly chúc tụng nhau trong niềm vui mới. Tết Dương Lịch hiện nay chưa được tất cả các quốc gia trên thế giới chấp nhận ngày 01 tháng Giêng là ngày New Year. Tuy nhiên Tết Dương Lịch vẫn là thời điểm đánh dấu một năm trôi qua và năm mới bắt đầu. Có nhiều người trong chúng ta thắc mắc là không biết Tết Dương Lịch đã có từ bao giờ.

Tết Dương Lịch đã có từ lâu đời, biến đổi qua nhiều thiên kỷ trong lịch sử tiến hóa của loài người và hôm nay vẫn còn tồn tại. Tết Dương Lịch bắt đầu từ thời đại xưa cỗ, mang dấu ấn lịch sử văn minh của con người. Ngày và Giờ được thành lập khác nhau trên từng quốc gia và từng lục địa ảnh hưởng với tiết khí, múi giờ.v.v. đồng thời còn tùy thuộc vào sự khác biệt đa dạng của chủng tộc và nền văn hóa của từng Quốc Gia.
Hiện nay thế giới đón Tết Dương Lịch “New Year” vào ngày 01 tháng Giêng, ngày Tết hôm nay không giống như vài trăm năm trước đây. Sự phổ biến rộng rãi để chấp nhận ngày 01 tháng 01 là ngày Tết Dương Lịch đã liên tục trong bốn trăm năm qua.
Đế Quốc La Mã là Quốc Gia đầu tiên chọn ngày 01 tháng Giêng làm ngày New Year trong năm đầu tiên 153 trước công nguyên. Trước đó ngày 25 tháng 03 là ngày xuân phân (vernal equinox) được chọn là ngày đầu năm Dương Lịch (New Year). Ngày năm mới này đã được đa số những quốc gia Cơ Đốc Giáo ở Âu Châu chấp nhận ( khoảng thời trung cổ 1,100 – 1,400 trước Công Nguyên) Medieval.
Ngày New Year đã trải qua một thời gian khá lâu mới chấp nhận sự thay đổi ngày tháng cho New Year bởi vì có nhiều thành phần quá khó khăn và đầu óc cố hữu của họ. Với ngày tháng tính toán cho New Year không được phổ thông như những phong tục đang được bảo giữ, nó cũng không phải là thời điểm hoa màu hay những vụ mùa đặc biệt gắn liền với ngày tháng đó. Cho nên người ta nghĩ đây chỉ là một ngày bình thường sau mùa bầu cử, sau thời gian các đại biểu trúng cử bắt đầu nhận nhiệm vụ mới trong chính quyền Đế Quốc La Mã mà thôi.
Muốn thay đổi ngày tháng New Year đã có từ trước, là một việc làm to lớn đầy khó khăn cho việc tính toán làm Lịch.
Thời Đế Quốc La Mã, sự thay đổi ngày tháng cho năm mới của họ đã tính ngược lại ba tháng tới tháng giêng (tháng 3- 2- và tháng1 ) tức là tháng Ba trở thành tháng Giêng. Chúng ta không có qui tắc nào của Lịch, trước đây nguyên gốc tháng 09, 10, 11 và tháng 12 đã đổi thành tháng thứ 7,8,9 và thứ 10 rồi xếp theo tuần tự.
Thời gian sau này các vị Hoàng Đế La Mã của mỗi chính thể đã đặt tên mới cho những tháng, ví dụ như: tháng Chín (September) gọi là “Germanucus”, “Antonius” và “Tacitus” tháng 11 (November) có tên khác là “Domitianus”, “Faustinus” và “Romanus”.
Vì những sự bất tiện đó đã thúc đẩy vua Julius Caesar thiết lập nên một bộ Lịch mới. Lịch này được phát minh bởi nhà Thiên Văn Học người Hy Lạp Alexandria (tính hệ thống thời gian cho Lịch theo mặt trời). Caesar muốn thay đổi ngày đầu năm từ ngày 01 tháng Giêng mà ông cho là hợp lý nhất, sẽ phù hợp với một trong những điểm chí(Solstices) hay điểm phân (Equinoxes) và tiết khí.
Tuy nhiên, điều đó đã được xảy ra vào ngày 01 tháng Giêng 45 năm trước Công Nguyên trùng với ngày tháng của trăng non (new moon). Đây là điều không may và có nhiều dân chúng đặc biệt quan tâm muốn thay đổi nó.
Trong bộ Lịch được canh tân của ông đã được Thượng Nghị Viện thăng thưởng cho ông một vinh dự là dùng tháng sinh nhật của ông (Quintilis) đổi tên là tháng Bảy (July) để tưởng nhớ tới ông. Đến đời cháu của vua Caesar là Hoàng Đế Augustus cũng có một tưởng thưởng danh dự tương tự để trao tặng cho ông được đổi tên Sextilis thành tháng 8 “August” , vì ông có công sửa sai trong sự tính toán của năm nhuần.
Lịch này không có những sửa đồi quan trọng nào cho đến năm 1582 khi Giáo Hoàng Gregory XII nhậm chức ông đã hợp nhất phương pháp tính Lịch hiện đại để phân chia tháng năm. Giáo Hoàng sửa đổi và xác nhận ngày của năm mới là ngày 01 tháng Giêng bất chấp mọi chống đối của các hiệp hội tín đồ Cơ Đốc Giáo.
Trong bản sửa đổi của Gregorian đã hủy bỏ 10 ngày trong tháng 10. Ngày thứ năm là ngày 04/10/1582. và tiếp theo là ngày thứ sáu 15/10/1582. Sự khác biệt trong lối tính Lịch trước đây đã cung cấp những ngày của năm nhuần trong một thế kỷ chia theo tỷ lệ 400. Như vậy những năm 1700,1800 và 1900 đều là không phải năm nhuần mà năm 2000 sẽ là năm nhuần.
Sự tiếp nhận toàn cầu: Với những quốc gia Công Giáo thì tiếp nhận ngày “New Year” sớm nhất, sau đó đến những quốc gia theo đạo Tin Lành, cuối cùng là Đức Quốc chấp nhận ngày “New Year” năm 1700, Anh Quốc năm 1752 và Thụy Điển năm 1753. Đó là sự cần thiết để xóa bỏ 11 ngày trong Lịch của năm nhuần 1700.
Những nước Phương Đông ảnh hưởng của nhiều nhóm tôn giáo như Hindus, đạo Lão, Phật Giáo, Hồi Giáo nhưng họ cũng dùng giống như Lịch của tín đồ Cơ Đốc Giáo. Nhật Bản chấp nhận ngày “New Year” Dương Lịch vào năm 1873 và Trung Quốc 1912.
Những tôn giáo dòng chính thống của Đông Phương cũng nhận ngày Tết Dương Lịch muộn hơn vào năm 1924 và 1927, Nga Sô chấp nhận nó trong hai lần, lần đầu tiên năm 1918 và lần thứ hai 1924.
Ngày 01 tháng Giêng chính thức là ngày Tết Dương Lịch (New Year) căn cứ theo Lịch “Gregorian Calendar” được hầu hết các Quốc Gia sử dụng.
Các nhà thờ chính thống Đông Phương thì ngày Tết truyền thống rơi vào ngày 14 tháng Giêng (tức là ngày 01 tháng Giêng với lịch Julian Calendar). Thông thường họ dùng cả hai Lịch “Gregorian Calendar” và “Julian Calendar”.
Các Quốc Gia như: Bulgaria, Cyprus, Egypt, Greece, Poland, Romania, Syria và Turkey đều ăn Tết vào ngày 01 tháng Giêng.
Những nhà thờ dòng chính thống ở Georgia, Jerusalem, Russia và Serbia thì dùng Lịch “Julian Calender”.
.

Sưu tầm của  Túy Phượng

 

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Những kỉ niệm về bạn bè

Ai cũng nhớ những kỉ niệm đẹp của mình thời thơ ấu. Cũng có khi, kỷ niệm đẹp lại không nhớ, mà lại nhớ những nỗi đắng cay, nhọc nhằn, những khó khăn vất vả trong cuộc đời nhiều hơn. Còn tôi, tôi nhớ tất, tất cả những gì xảy ra trong đời, lúc nào tôi muốn nhớ lại là tôi nhớ được, đương nhiên, với nhãn quan của tôi ngày đó.
Ngày ấy,cô Mỹ là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi từ lớp 1, cho đến hết lớp 2 trường Lê quí Đôn. Ngày ấy, phố xá HN vắng vẻ, lớp học chỉ có khoảng 20 học sinh, phần lớn ở cùng một phố, hoặc cách xa nhau lắm cũng đến 2 phố nên biết nhau hết, thậm chí, các bố mẹ cũng quen biết nhau . Bố mẹ tôi ở số 8 Phùng Khắc Khoan, con phố nhỏ dẫn đến đầu chợ Đức viên, bây giờ là phố bán vải vóc bày đầy ra vỉa hè, chứ ngày đó thanh bình, chị em chúng tôi chơi đua xe đạp từ đầu phố tới cuối phố mà chẳng bao giờ bị rầy la hoặc lo sợ gì. Ngày đó, các bạn cùng lớp là Trâm, Bình, Chanh, L, Phượng… mỗi đứa mỗi kiểu, mỗi tính cách, mà sao trôi qua cả nửa thế kỉ, tôi vẫn nhớ như in không sao quên được. Trâm to béo, mẹ bán phở góc phố Hòa mã, ngay trước cửa nhà. Mỗi khi đi học qua, dù vừa mới ăn cơm ở nhà xong, đứa nào cũng hít hà, nhất là vào ngày mùa đông. Trâm vui vẻ, hay múa hát, hồn nhiên, béo tốt, má lúc nào cũng hây hây đỏ.Bình thì khác hẳn, đanh đá nhất lớp, lãnh đạo trẻ con cả phố, thậm chí, cả lớp nữa. Bình da trắng, không to béo nhưng rắn rỏi, nhà trong ngõ đối diện nhà tôi / số 1 hay 3 gì đó, Phùng khắc Khoan/. Nó học thì trung bình nhưng cả lớp sợ nó, vì nó sẵn sàng dúi đầu đứa nào không nghe lời nó vào góc tường, túm tóc, dày vò cho đến khi nào khóc mếu van xin nó mới thả ra.Cả bọn con trai cũng sợ nó một vành, đi học về, tan lớp, nó ra lệnh chạy là phải chạy, đứng là phải đứng, đi chậm hay nhanh đều do nó điều khiển./ Chẳng biết sau này cô bạn lớn lên ở đâu, làm gì, chứ hồi đó, giá mà cho cô ra chiến trường, chắc chắn trở thành nữ tướng/. Chanh thì khác, không ồn ào, thâm trầm, bố mẹ chắc khá giả hơn một chút nên thường cấm không cho nó tham gia các trò chơi ngoài phố với chúng tôi. Nó học cũng bình thường, hay đi về cùng với Bình, chắc chủ yếu để nhờ Bình che chở, nhưng nó luôn sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh của Bình nên tôi liệt nó cùng phe cánh với nhau. L, cô bạn đầy cá tính, nhất là tính đố kị ghen tuông, mà ngay từ nhỏ nó đã thể hiện cái bệnh này nhưng ngày đó tôi không biết gọi là gì. Ví dụ, nó rất ghen với Phượng, cô bạn thân nhất của tôi, gày gò, xanh xao bé nhỏ, vì Phượng được cô Mỹ rất quí, cô thường chở Phượng về một quãng từ Lê quí Đôn, đi qua vườn hoa Paster , tới chỗ nào đó cô thả Phượng xuống rồi cô quay về Trần Hưng Đạo. Tôi và Phượng chữ đều đẹp và cô Mỹ thường gọi 2 đứa chúng tôi đến nhà cô viết sổ điểm. Phượng còn được giữ sổ đầu bài cho cả lớp. L. ở cạnh nhà Phượng, quãng số nhà 25-27 phố H.M, tôi chẳng nhớ chính xác. Thế là một hôm, tan học về, L. xui Bình lãnh đạo cả bọn phải giằng xe cô Mỹ lại không cho đi, bắt Phượng đi bộ cùng cả bọn. Tôi vì thương bạn, không muốn tham gia, Bình đe dọa: “Mày không làm theo cả bọn, tao sẽ không cho mày chơi ngoài phố nữa, suốt ngày mày phải ngồi trong nhà, ló mặt ra là tao đánh.” Con phố thì nhỏ, mà tôi thì sợ nó. Vậy là 1 hôm, tan học, trời mùa đông nhá nhem tối, cả bọn nấp sau các gốc dừa ở vườn hoa Paster. Khi cô Mỹ và Phượng vừa đi tới nơi, cả bọn chạy ra giằng xe cô lại, Bình túm áo, kéo tuột Phượng xuống, tôi cũng trong đám đó, nhưng thương bạn chẳng dám đến gần, chỉ trố mắt nhìn cả bọn ,trong đó có cả L., cấu chí Phượng. Cô bạn gày gò tội nghiệp khóc thút thít, chỉ biết lủi thủi đi bộ cùng cả bọn về mà không hé răng một lời. Kể từ đó trở đi, tôi bắt đầu sợ cái nhóm bạn đồng niên, đồng phố ấy. Tôi không ra phố nữa mỗi buổi chiều, chỉ đi xe đạp trong sân nhà với chị em, và chỉ đến nhà Phượng chơi thôi. Cũng bởi thế, lên tới lớp 3, bố mẹ xin  chuyển tôi  sang học trường Đồng nhân cuối phố Lò đúc  cùng với Phượng. Dù có đi xa hơn một chút nhưng tôi tránh xa được cái nhóm bạn quỉ sứ kia, trong đó có L. Ấy thế mà chẳng biết làm sao, học kì 2 của lớp 3, tôi lại thấy L. trong lớp tôi. Cô bạn này lại một lần nữa gây ấn tượng mà mãi sau này, khi đã trưởng thành thậm chí già rồi, tôi mới biết đúc kết bản chất của con người ấy. Cô là người duy nhất trong nhóm bạn góc phố Ph. Kh. Kh.- H.M còn liên lạc với tôi đến tận bây giờ. Đôi khi tự hỏi: “Tại sao con người này không chịu buông tha tôi ra?”.
Ấy là một lần, lớp tôi mất trật tự quá, cô giáo đang dạy, nói chẳng ai nghe, ồn ào hỗn loạn. Thế rồi cô tuyên bố: “Nếu các em mất trật tự thế này, cô không dạy nữa”. Ngay lập tức, L.đứng lên, dõng dạc nói: “Cô không dạy thì đừng có mà nhận lương”. Cô giáo chợt sững người ra, nhìn L.chằm chằm, cả lớp tôi cũng sững lại, giật mình kinh hãi. Rồi cô khóc trước mặt cả lớp và bỏ ra ngoài , rồi sau đó cô Hiệu trưởng vào, gọi L. ra , rồi tiếp ra sao, tôi chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng ngày đó, với bộ óc trẻ thơ của học sinh lớp 4, L. nói câu đó dõng dạc trong lớp, chứng tỏ con người này được rèn luyện trong một gia đình như thế nào.
Lớp tôi ngày ấy có Nụ, cô bạn to lớn hơn tôi cả cái đầu.Khoảng đầu năm 1963, gia đình chúng tôi chuyển về số 4 phố Thi sách, cũng ngay gần chợ Hôm, chợ Đức viên. Nhà Nụ ở quãng giữa phố Phù Đổng Thiên Vương. Tôi làm quen với Nụ ngay từ khi chuyển sang trường mới. Nụ là con thứ 2 trong một gia đình đông con, thuộc diện phải đi Kinh tế mới, nghĩa là, họ buộc phải chuyển đến các vùng kinh tế Lạng sơn, Cao bằng, Bắc cạn… để khai hoang trồng rừng sinh sống, không được ở Hà nội cho dù họ đã sinh sống bao nhiêu năm ở đây. Ngày đó tôi không hề biết chút gì về chính sách này của Đảng và nhà nước, nhưng thấy gia đình Nụ khổ quá, đi Kinh tế mới chẳng chịu nổi, bố Nụ ốm nặng rồi mất, mẹ Nụ lại dẫn cả đoàn con về, lúc bấy giờ, nhà bị chiếm mất rồi, không có chỗ ở, nhà Nụ quây bạt sống ở cái sân trong của ngôi nhà phố Phù Đổng Thiên Vương. Nụ bằng tuổi tôi nhưng cao to cứ như bà chị, chắc vì khổ quen nên Nụ rất trầm tĩnh, luôn đợi tôi dẫn tôi đi học về tới tận cửa nhà ở phố Thi sách rồi mới vòng về nhà mình. Nụ không học giỏi nhưng cũng không thuộc loại kém, còn tôi luôn luôn nhất lớp nên Nụ rất tự hào là có tôi bên cạnh,trong chiến tranh chống Mỹ, Nụ tham gia thanh niên xung phong, rồi tôi mất tin bạn từ ngày ấy.Kỉ niệm ăn sâu vào óc tôi là lần Nụ cõng  tôi từ trường Đồng  Nhân chạy tới bệnh viện Cây Đa Nhà Bò / tức là BV Phụ sản Hai bà Trưng sau này/. Hôm ấy, sân trường ngập nước mưa, các hầm tăng xê được đào để phòng chống máy bay Mỹ ngổn ngang, ngập nước. Sáng sớm, chưa vào học, tôi đứng ở sân chờ kẻng, các bạn chạy nhảy đùa nghịch nhau, sợ họ va vào mình, tôi men ra phía mép gần những hào tăng xê để tránh bắn nước lên người. Thế rồi, bỗng dưng không biết một sức mạnh từ đâu xô tôi ngã xuống hầm, đầu đập vào thành hầm và bật ngửa người ra, nước xâm xấp mặt tôi. Tôi ngất đi không biết gì nữa, khi tỉnh dậy, tôi nằm trong bệnh viện, người đã được ủ ấm bằng chăn BV, có thày Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp đứng nhìn tôi cười vui sướng, và có cả Nụ ở đấy. Thày bảo:” Bạn Nụ cõng em đến cấp cứu đấy”. Tôi không khóc, không nói  được gì cả nhưng nhìn Nụ biết ơn. Tôi và Nụ là bạn nhau “ con chấy cắn đôi” từ ngày đấy. Năm 1965, đi sơ tán mỗi đứa mỗi nơi, trở về tìm Nụ năm 1971, người trong số nhà đó bảo Nụ đi thanh niên xung phong rồi bặt tin tức cho đến bây giờ. Nụ của tôi ở đâu, còn sống và khỏe mạnh trở về hay không? Gia đình bạn ở đâu, tại sao không ai biêt họ trong số nhà này nữa. Tôi âm thầm tìm bạn bao nhiêu năm mà chẳng được. Cuộc sống quá nhiều đổi thay để tới một lúc khi nhận ra nhau thì đã đầu bạc răng long.Người xứng đáng là bạn thì chẳng thấy đâu, còn lại những kẻ tiểu nhân thì nhan nhản, mồm hô đạo đức mà bụng đầy dao găm, sẵn sàng chọc vào lưng bạn vì ghen ghét thì lúc nào cũng sẵn.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Đề tài muôn thủo:Vai trò của đàn bà trong đời sống xã hội

Truyền thuyết đời xưa bảo rằng: Chúa Trời lấy một chiếc xương sườn của người đàn ông hóa phép thành đàn bà, bởi thế, đàn bà chỉ là một bộ phận rất nhỏ, đóng một vai trò rất thứ yếu trong cuộc đời người đàn ông nói riêng và với xã hội nói chung. Cứ cho rằng giả thuyết trên là sự thật, thì điều đó cũng cho ta thấy: Đàn bà chiếm một vị trí không nhỏ, bởi vì, bộ khung con người đàn ông không thể vững vàng nếu thiếu chiếc xương sườn, đồng thời, giá trị của một chiếc xương sườn không đơn thuần là như vậy. Máu huyết lưu thông, cơ thể có rắn chắc, đầu óc mới minh mẫn, mọi hành vi mới đạt được những mục tiêu định trước. Đàn bà chiếm hơn 50% dân số trái đất, đàn bà làm vai trò duy trì nòi giống, đàn bà ngày càng chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong đời sống xã hội con người, kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Từ thủơ khai thiên lập địa, đàn bà đã chứng minh vai trò của mình không chỉ là một chiếc xương sườn, mà còn là bộ óc giúp người đàn ông những lúc bối rối, những phen đảo điên bất ngờ, là đôi tay nâng đỡ, đôi vai để đàn ông dựa lên những phút giây mềm yếu, là kho lương thực, là người đầu bếp giỏi giang, là người mẹ, người chị, người tình tuyệt vời để người đàn ông có thể lấy lại mọi thăng bằng.Bởi vậy mới có câu : “ Anh hùng không thoát ải mỹ nhân”là thế. Đế chế La mã hùng mạnh với các vị tướng tài ba lỗi lạc làm nghiêng ngả một nửa thế giới vào những năm 69-30 trước Công nguyên cũng phải bao phen lận đận với nàng Cleopatra thông minh, xinh đẹp và can trường của Ai cập. Thậm chí, truyền thuyết còn cho rằng Isus Kristos/ Đức chúa Giesu/ cũng có người tình là cô Maria Magladena, để danh họa thiên tài người Ý Leonardo da Vinci cũng không tránh khỏi việc đưa hình ảnh cô vào bức tranh “ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa”. Rồi Napoleon Bonaparte, vị vua tài năng đánh đông dẹp bắc của nước Pháp thế kỉ thứ 17-18 cũng không thể thiếu được đàn bà, đồn rằng khi chiếm lĩnh bất kì một thành phố nào, một mảnh đất nào, những người chào đón nhà vua và được vua ban ân sủng bao giờ cũng là đàn bà trước tiên.Nhưng cho dù gặp bao nhiêu gái đẹp trên đường, ngài cũng quay trở về với người vợ của mình là nàng Josephine cho đến hết cuộc đời.Thế giới ngày nay cũng đã chứng minh vai trò của đàn bà trong nghiên cứu khoa học với các nhà nữ toán học nổi tiếng thế giới như Kovalepskaia, nhà vật lí-hóa học Maria Quiri, lãnh tụ chính trị như Margaret Thatcher, Hilary Clinton…Đó là chưa kể đến những người mẹ, người chị Việt nam anh hùng trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm từ ngàn xưa như hai bà Trưng, bà Triệu, các bà mẹ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước…Lịch sử đã ghi công những người đàn bà ấy, và có biết bao các sự tích khác nữa trên thế giới đã nói lên vai trò quan trọng của đàn bà đối với đàn ông cũng như với xã hội loài người. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập khái quát một số các đặc thù mà có thể, ở chừng mực nào đó, đàn bà nói chung và cả đàn ông nữa, chưa chắc đã muốn thừa nhận:
1.    Về mặt trí tuệ: Người đàn bà có trí tuệ không hề thua kém đàn ông, thậm chí, có những bộ óc xuất chúng tới mức có thể điều khiển binh tướng, sáng tạo khoa học, khám phá thiên nhiên… Khi cần phải giải quyết một vấn đề có tính cộng đồng, đàn bà cũng có tính quyết đoán, thậm chí đôi khi linh hoạt và nhậy bén hơn cả phái mày râu.
2.    Về thể lực: Cho dù được cho là phái yếu vì thể chất không bằng đàn ông, nhưng đàn bà dùng nghị lực và trí thông minh cũng có thể thực hiện được ý đồ của mình để đạt hiệu quả công việc không kém đàn ông.Ngoài việc sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống, đàn bà còn tham gia các hoạt động xã hội để hỗ trợ cho người đàn ông về mọi phươn diện.Bởi thế, người ta tổng kết: Sau lưng một vĩ nhân đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người đàn bà/ có thể là người vợ, người tình hoặc người mẹ…/, ý nói tới ảnh hưởng của đàn bà tới sự thành đạt của người đàn ông.
3.    Tư cách: Đàn bà cũng gian giảo, xảo quyệt không kém đàn ông. Để đạt được mục tiêu của mình, đàn bà cũng không hề do dự dùng đủ mọi biện pháp dã man, chà đạp lên lương tri và phẩm giá của chính mình. Đã có một Nữ hoàng Võ tắc Thiên của Trung quốc, giết chồng để chiếm ngôi báu, lần lượt giết các con để bảo đảm vị trí tối cao của mình, sống sa đọa cũng không kém đàn ông để thỏa mãn tính dục cho tới tận năm 80 tuổi. Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cũng chẳng thua kém gì, ngoài việc dùng sắc đẹp để mua chuộc các tướng tài của đế chế La mã, bà còn tàn bạo giết người anh họ của mình để giữ ngai vàng. Nữ hoàng Elidabet 1 cũng đã giam cầm người chị cùng bố khác mẹ của mình nhiều năm trong ngục tối chỉ vì mối lo bị chiếm đoạt ngôi báu, đồng thời, cả quyết hi sinh mối tình duy nhất thủo ấu thời của mình để làm vị Nữ hoàng Đồng trinh, chỉ vì lo sợ khi lấy chồng, người chồng sẽ thống trị và làm mất đi vị trí độc tôn của mình.Đàn bà sẵn sàng sám hối, ăn năn vì những hành vi đồi bại của mình, nhưng cũng sẵn sàng xả thân để đạt mục đích về tiền bạc cũng như danh vọng. Đàn bà ích kỉ, ghen tuông không thua kém đàn ông, thậm chí, khi cơn ghen đã bùng cháy trong cơ thể đàn bà, nó thiêu đốt trái tim,thiêu đốt cả trí tuệ, làm cho họ mù lòa, tăm tối, mất phương hướng. Đàn bà thời nay sống buông thả chẳng kém đàn ông, từ thủơ hồng hoang chỉ là món hàng, món đồ chơi cho đàn ông giải trí thông qua nghề làm gái mại dâm, làm bạn tình, nay đàn bà cũng phát huy nhu cầu thiên nhiên ban tặng là nhu cầu thỏa mãn tính dục, vậy nên đã sản sinh ra một lớp đàn ông làm mại dâm, vỏ ngoài như một đấng mày râu, thực chất họ cũng chỉ là một món hàng, một món đồ chơi trong tay đàn bà, nhất là với những người đàn bà có tiền bạc và quyền lực. Bởi vậy nên nói:“ Đàn bà cũng là một cấu thành tạo nên tội ác và sự hủy diệt của nhân loại” cũng chẳng có gì là oan ức cho phái đẹp. Đàn bà đáng tôn thờ, đáng yêu và cũng đáng thương,  đáng khinh, đáng ghét như đàn ông, đàn bà dịu ngọt và chua cay, đàn bà trong sáng như tia nắng ban mai nhưng cũng chứa đầy tiềm năng giết người là tia cực tím, mềm mại như một dải lụa đào, làm vật trang sức đầy quyến rũ nhưng cũng là một vũ khí giết người êm ái, sẵn sàng xiết cổ bọn đàn ông khi cần thiết. Đàn bà hiền thục như một con nai, nhưng cũng là một món mồi ngon ngọt đưa đàn ông sa chân vào hố chông dấu dưới lớp lá xanh mượt mà.
Ở ta, sau thời chiến tranh chống Mỹ, biết bao cán bộ miền Bắc được cử vào Nam để nắm bộ máy chính quyền từ chính phủ Miền Nam cũ đã sa vào vòng ăn hơi trụy lạc trác táng vì gái đẹp Miền Nam, vì những lời dịu ngọt mà các quí ông suốt đời chẳng được nghe, những âu yếm vuốt ve mà các ông chẳng được thấy, được cảm nhận trong suốt cuộc đời chinh chiến. Rồi ngày nay, chẳng ai dám phanh phui sự thật của “ thâm cung bí sử”các đời triều chính, chứ mà đem ra ánh sáng soi rọi thì thử hỏi mấy vị quan chức nhà ta ai thoát được bàn tay đàn bà/ đàn bà nắm hậu cung điều khiển các ông, đàn bà núp bóng các ông để hoành hành kiếm chác, đàn bà đưa các ông vào vòng đồi trụy…/ Vậy có nên chăng đưa ra kết luận: Đàn bà là sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất, là ngòi nổ, là trái bom tấn, là vân vân và vân vân của ĐÀN ÔNG trên trái đất này.

Đề tài muôn thuở

Đó là đề tài về đàn ông, đàn bà, tình yêu, hôn nhân, sex,li hôn, ngoại tình.. Có không biết bao nhiêu tiểu thuyết, phim ảnh, thơ... về những đề tài này, và cũng nhiều nhà văn đã mòn bút để viết các chuyện tình đẫm nước mắt, nhưng hỉ nộ ái ố trong cuộc đời mà tựu chung có thể đưa về chủ đề: Tình yêu và thù hận, hay đúng hơn, chính là những đề tài về quan hệ nam nữ dưới mọi góc độ và trong mọi hoàn cảnh.     
 Luận về đàn bà 
 Ngày xưa, Sơn Tinh- Thủy Tinh trổ mọi tài năng, bắt thiên nhiên phục tùng, người dâng nước làm ngập lụt khắp nơi, kẻ dâng núi cao lên mãi để làm đẹp lòng vua cha, cốt lõi cũng chỉ để dành được nàng công chúa Mỵ Nương xinh đẹp, thì ngày nay, cho dù đang là thế kỉ thứ 21, bài học Sơn Tinh-ThủyTinh vẫn hàng ngày, hàng giờ được lặp lại cho biết bao đôi trai gái trên mặt đất này. Dùng mọi thủ đoạn, kể cả vũ lực để đè bẹp đối phương, để chiếm lĩnh người đẹp... đã được người xưa truyền tụng, được người nay đem cả vào sách dạy cho trẻ nhỏ. Vua hứa gả con gái cho ai mang lễ vật Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao đến trước khi mặt trời mọc, làm cho hai vị thần dũng mãnh là Sơn tinh và Thủy tinh đánh nhau chí chết, làm cho muôn ngàn súc vật, cây cỏ, hoa lá tơi bời. Chỉ vì lòng tham của một ông Vua, chỉ vì ham muốn sắc dục và quyền lực/ được làm con Rể Vua/, biết bao đau thương tang tóc đã xảy ra trên mặt đất này. Bài học tự ngàn đời còn đó, nhưng con người vẫn cứ tiếp nối nhau tàn phá những gì cản trở con đường đi của họ để dành giật những cái mà họ ham muốn. Lòng tham của cải vật chất, gái đẹp và quyền lực, đó chính là nguyên nhân của sự tranh chấp và hủy diệt. Thế mới biết, đàn bà đẹp là một cấu thành của tội ác.
Có thể rút ra được một kết luận: Nếu trái đất không có đàn bà, chắc chắn sẽ không xảy ra chiến tranh,hoặc giả, cũng nhờ có đàn bà mà trái đất ngừng binh biến, cho dù chỉ là tạm thời, cho dù đàn ông có nắm trong tay nhiều quyền năng đến đâu chăng nữa. Lần ngược trở lại từ thời xa xưa, trong Thần thoại Hy lạp, nếu vị thần cai quản loài người và cai quản các vị thần là thần Dớt /Zeus/ không vì ham mê sắc đẹp của các nữ thần khác, không tàng hình để xuống mặt đất ngủ với các người đẹp, thì đâu có sự hỗn loạn, sự trả thù vì ghen tuông của nữ thần Hera/ vợ thần Dớt/ với những người đàn bà kia, và cũng chắc chắn không có cuộc chiến thành Troia kéo dài hàng10 năm với biết bao đau thương tang tóc.
 
Cléopetra (69 TCN - 30 TCN)
 

Là một người đàn bà đẹp mê hồn của Ai Cập từ hơn 2.000 năm trước, Cléopetre trở thành nữ hoàng khi mới 18 tuổi nhưng bà đã cai trị thành công đất nước Ai Cập. Không chỉ đẹp, Cléopetre còn có một trí thông minh tuyệt vời, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng thuyết phục có một không hai.Mối tình say đắm với hai người hùng của La Mã cổ đại: Hulius Caesar – vị Thống soái La Mã (100-44 trước Công Nguyên (TCN) và Antony – một trong ba người chấp chính của La Mã những năm 82-30 TCN đã được ghi vào lịch sử như một huyền thoại về tài năng và sắc đẹp của đàn bà làm nghiêng ngả cả đế chế La mã. Cléopetre đã không chỉ bảo vệ được lợi ích cho đất nước Ai Cập mà còn ngăn cản không cho người La Mã chiếm đoạt Địa Trung Hải. Sau này, Blaise Pascal – nhà toán học, vật lý học, triết học và nhà văn Pháp đã nói: “Nếu cái mũi của Cléopetre dài thêm một chút thì cục diện thế giới sẽ thay đổi”.
 Dương Quí Phi / khoảng những năm 719-756/ một cung phi của vua Huyền Tông Đường Minh Hoàng. Bà được xếp vào một trong Tứ đại mĩ nhân của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là "tu hoa".   
   
Tượng Dương Quý Phi tắm tại Tây An
  Chuyện kể vua Huyền Tông say đắm Dương Quý Phi, chiều chuộng nàng hết mực. Những cuộc đi tắm suối của nàng mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho và làm chết hàng trăm mạng người, nhà vua không chút tiếc rẻ- Người ta đã gán cho Quý Phi  tội : là mầm sinh đại loạn, làm binh triều đại bại. 
Nữ hoàng Elizabeth I  /1533-1603 /  

Elizabeth I in coronation 
robes.jpg


Là một trong 9 vị nữ hoàng của nước Anh, Elizabeth I trị vì đất nước 45 năm. Elizabeth I không chỉ là người có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Anh mà bà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử thế giới. Elizabeth I là một phụ nữ tài năng về nhiều mặt: Chính trị; quân sự; ngoại giao và tập trung trí lực để trị vì đất nước. Thời bà trị vì, nước Anh đạt được nhiều thành tựu vĩ đại cả về kinh tế, chính trị và quân sự,đặc biệt bà đã xây dựng hải quân Anh trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới. Bà không có gia đình riêng do những toan tính, cân nhắc đến những lợi ích quân sự, chính trị, ngoại giao giữa Anh và các nước lớn lúc bấy giờ là Pháp và Tây Ban Nha cũng như lợi ích của các tôn giáo đương thời cho dù bà có một người tình từ thuở ấu thời. Tính cách cứng rắn của bà đã làm cho bà suốt đời cô độc và trinh tiết. Elizabeth I mở ra cho nước Anh thời đại của một đế quốc phát triển. Chiến tích nước Anh đánh bại hạm đội của Tây Ban Nha (Armada ) năm 1588 được nối kết với tên tuổi của nữ hoàng và thường được xem là một trong những chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử nước Anh.Sau này một đại quý tộc Anh từng nói: “Nước Anh tự hào vì có Elizabeth I”
Mata Hary, /1876-1917/ người đẹp huyền thoại của Hà lan / Niderlandia/đã làm gián điệp một cách vô tình,vì nàng  là vũ nữ và là người tình tuyệt vời của những quan chức cao cấp của Tây ban nha,Pháp, Anh,  Đức...khiến cho mười bẩy tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất và đã bị vua Pháp tuyên án tử hình   .
 

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Chuyện trong ngày

Người đàn bà hỏi:
- Mọi chuyện ổn không anh?
-Ổn
-Vậy tại sao anh giật mình ghê thế khi nghe điện thọai cô ấy gọi anh?
Nhún vai.
-Anh nói đi chứ? Sao chỉ nhún vai
- Nói gì bây giờ?
- Anh nhảy vội vào Toalet để nói chuyện điện thoại với cô ấy, anh sợ ai nghe thấy? Có điều gì làm anh sợ đến thế? Sao anh không ngồi trong căn phòng ấm cúng này mà nói chuyện cho đàng hoàng? Sao anh khổ thế?    
Người đàn bà hỏi dồn dập
Im lặng kéo dài đến tận bữa cơm tối. Nhưng người đàn bà không buông tha, đúng lúc họ bắt đầu ăn món ngon nhất có trên bàn, câu hỏi ban nãy lại được nhắc lại. Lần này thì ông ta không im lặng nữa, đầu lắc lư, tay cầm cốc rượu, ông ta nói:
-Cô ta gọi tôi để xin tiền
-Trời đất, sao lại thế, anh mới gửi tiền cho cô ấy rồi cơ mà?
-Đâu có, đã trôi đi 2 tháng hơn rồi
-Anh nhầm, mới có hơn 1 tháng
-Không , từ 24 tháng 8, bây giờ đã là 11.11, tháng  8 và tháng 10 có 31 ngày mà.
-Uo, nhanh thế nhỉ, vậy ư?
-Đã 2 tháng 19 ngày
-Anh đếm từng ngày?
-Đếm
-Sao phải vậy?
Nhún vai
--Anh vẫn yêu cô ta đến thế cơ ư?
Nhún vai
-Không thể hiểu nổi
Nhún vai, và sự im lặng lại bắt đầu

Sự im lặng và những cái nhún vai của đàn ông chắc cũng có nhiều ý nghĩa tương đương với những giọt nước mắt tủi hờn của những người đàn bà.
 
 
 
Loay hoay một hồi rồi cũng tìm ra cái số điện thoại cô cần tìm:
-Alo, chào chị
-Em à, xin chào
-Chị khỏe không? Chị đang làm gì đấy?
-Hi, đang dọn vườn, mệt đứt hơi đây này
-Đến em chơi đi, có nhiều điều em muốn hỏi chị
-Thì em hỏi đi, qua điện thoại cũng được mà, để chị gọi lại cho em kẻo em tốn tiền, cái Sim của chị còn nhiều tiền khuyến mãi lắm.
-Không, em muốn chị đến đây tâm sự, em điên lắm với ông chồng em.
-Sao thế, vậy thì em đến chị đi
-Chị ở xa quá, ngại lắm
-Thì chị mà đến em cũng phải đi từng ấy cây số?
-Nhưng mà em đang buồn, chẳng muốn ra khỏi nhà
-Chị thì đang nhiều việc dọn vườn cho mùa đông, lá vàng đầy sân, tuyết rơi chắc sẽ không dọn được nữa.Vậy có gì em nói đi, chị nghe đây
 
Từ đầu dây bên kia câu chuyên được thuật lại đúng hệt như trên
-Em ơi, đừng buồn, trách nó làm gì, khổ thân nó ra
-Sao chị bảo nó khổ, em khổ hơn nhiều
-Chẳng phải thế đâu em ạ, nó cũng khổ đấy, làm lụng cực nhọc, dành dụm để nuôi vợ con
-Ơ kìa chị, nó ly dị rồi, nó đang sống với em mà suốt ngày im lìm như cái bóng, đôi khi than kêu đau xương nhức cốt em phải đấm bóp cho, cơm nước phục vụ, giặt  giũ dọn dẹp nhà cửa suốt ngày, ai khổ, nó hay là em? Rồi kiếm được đồng nào lại gửi đi luôn vợ con nó, em được cái gì?
-Thế nó không chăm sóc em à?
-Chẳng bao giờ nó hỏi một câu, khi em kêu đau mình mẩy, nó bảo: Tôi cũng đau khắp nơi, còn đau hơn cô ấy. Muốn nhờ nó đấm bóp, nó bảo đợi đấy, khi nào tay nó không đau nữa nó sẽ làm cho.
- Sao lại thế, chị tưởng nó yêu em và giúp đỡ em nhiều lắm mà, ban đầu chị nghe em nói thế.
-Thì ban đầu. Còn bây giờ…đúng là góp gạo thổi cơm chung, chán không nói làm gì.Chẳng thà em cứ một mình như chị, đỡ bực mình.

 
Im lặng, chẳng biết nói gì hơn. Cuộc đời đầy mâu thuẫn, con người thật đáng thương và đáng trách.
 
 
 
 
 

Chỉ có Thời gian

Ngày xưa, trên một hòn đảo nhỏ chung sống tất cả các cảm xúc : Hạnh phúc, nỗi buồn, nhận thức, phù phiếm và những cảm xúc khác, kể cả tình yêu.
Một ngày, các cảm xúc được thông tin rằng hòn đảo sẽ bị nhấn chìm xuống biển cả, các cảm xúc chuẩn bị thuyền để rời hòn đảo. Riêng có Tình yêu là kiên trì ở lại đến giây phút cuối cùng. Khi hòn đảo đã bắt đầu chìm, Tình yêu mới quyết định tìm sự giúp đỡ.
Sự Giàu có lướt qua bên Tình yêu:
-Giàu có ơi, hãy mang tôi theo với . Tình yêu kêu lên
-Tôi không thể, tôi mang theo nhiều vàng bạc, thuyền của tôi không có chỗ cho bạn đâu. Giàu có trả lời
Tình yêu quyết định tìm sự giúp đỡ của sự Phù phiếm trên một con tàu xinh đẹp:
-Phù phiếm ơi, hãy giúp đỡ tôi với
-Không, tôi không thể giúp được bạn đâu Tình yêu ơi, bạn ướt át đến thế kia sẽ làm hỏng tàu của tôi mất. Phù phiếm trả lời.
Nỗi buồn đến gần, Tình yêu liền van xin:
- Nỗi buồn ơi, hãy cho tôi đi cùng bạn
-Không ,tôi không thể. Tôi buồn tới mức chỉ muốn ở lại một mình, làm sao cho bạn theo tôi được cơ chứ.
Hạnh phúc cũng lướt qua bên Tình yêu, nhưng nó hạnh phúc đến nỗi đã không hề biết rằng Tình yêu đang kêu gọi sự giúp đỡ của nó.
Bỗng một tiếng nói của ai đó cất lên, Một giọng nói quen thuộc cũ kỹ.
-Lại đây, Tình yêu, tôi sẽ giúp đỡ bạn, tôi sẽ mang bạn theo tôi. 
Tình yêu sung sướng và hồi hộp đến mức quen phắt đi để hỏi xem ai là người giúp đỡ mình. Khi tới đất liền, nó tiếp tục cuộc hành trình của mình. Khi nó chợt nhớ ra mình đã chịu ơn như thế nào, nó hỏi Nhận thức:
-Ai đã giúp đỡ tôi vậy?
- Thời gian đã giúp đỡ bạn đó- Nhận thức trả lời
-Thời gian? -Tình yêu ngạc nhiên. -Nhưng tại sao thời gian lại giúp đỡ tôi cơ chứ?
Nhận thức mỉm cười, trả lời một cách thông minh, trí lí:
- Vì chỉ có Thời gian mới có khả năng hiểu được Tình yêu vĩ đại tới nhường nào.


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Kỉ niệm không quên /В памета на един голям приятел/

“Trong vạn người quen, có mấy người thân
Đến lúc lìa trần, có mấy người đưa”….
Năm 1974- tháng 5
Ngày đầu tiên đi thực tập ở Bộ cơ khí luyện kim. Đứng trước cửa phòng làm việc của anh, sau khi người thường trực cơ quan gọi :
-Anh Th. , anh có khách
Tôi rón rén bước vào, rón rén nhìn, và tim bỗng giật nảy lên, đứng sững lại khi nhìn thấy trên bàn làm việc của anh bức hình tôi. Đúng rồi, đúng là bức hình tôi, đang đứng trong thư viện nhà trường, tay cầm cuốn sách. Nhưng đây là hình cắt ra từ  báo, được đặt ngay ngắn trong một khung kính, và, đặt ngay trên bàn làm việc của anh. Tôi không quen anh, thậm chí không biết cả tên anh cho đến thời điểm này.
Một người đàn ông, áng chừng hơn tôi khoảng 5-7 tuổi, lùn, nhỏ người,bước ra cửa đón tôi. Anh tự giới thiệu, giọng hơi khàn khàn, rồi nói rất nhanh:
-         Em là Ng.Th., sinh viên khoa Toán KT năm thứ 4, đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, học sinh của thày L, thày Th, bạn anh.
Tôi sợ quá, chưa biết phản ứng thế nào, thì anh nói tiếp:
-         Vào đi, đừng sợ, anh không ăn thịt ai đâu, anh sẽ giúp em các số liệu để viết luận văn.
Thế là tôi quen anh từ đó, nhưng mãi về sau tôi mới dám hỏi:” Tại sao anh có tấm ảnh của em, tại sao anh đặt nó trên bàn làm việc của anh…” Anh bảo: “ Vì anh thấy trên báo, báo viết về em, anh thích, cắt ra và đem cho vào khung, thế thôi.”
Và cũng chính từ tấm ảnh đó mà anh biết tôi, xin tôi về cơ quan anh thực tập. Chúng tôi trở thành bạn của nhau từ ngày đó. Hồi ấy,anh đi chiếc xe đạp Đức gần như mới toanh, còn tôi, đi chiếc xe Sterlin của bố, cao cồng kềnh, cũ rích. Lần nào anh cũng tiễn tôi về, cho dù nhà tôi cách cơ quan anh chỉ 2 con phố.
 
Năm 1980-tháng 10
Tôi có mang đứa con trai đầu lòng. Anh đến thăm tôi, không, anh ghé qua chỗ vợ chồng chúng tôi thì đúng hơn, vì anh luôn luôn vội. Anh vẫn thế, chưa vợ, lúc nào cũng nói nhanh, giọng khàn khàn. Anh ngắm tôi bụng chửa vượt mặt, ngồi trước chiếc máy khâu, may thêm đồ hàng chợ kiếm chút tiền cho cuộc sinh nở. Đường đường chính chính là một giảng viên Đại học, nhưng lương của tôi thời đó may chăng đủ nuôi chính miệng tôi. Anh bảo: “ Cậu đẹp lắm, tớ thích cậu như thế này”. Ôi, anh thật ngây thơ và hồn nhiên, anh nói trước mặt cả chồng tôi, anh không hề dấu chồng tôi tình cảm của mình, và hơn thế nữa, anh còn đang là “Sếp” của chồng tôi. Thật oái oăm. Chúng tôi cùng là bạn học, sau khi tốt nghiệp, nhà trường giữ tôi ở lại, còn chồng tôi  ra cơ quan ngoài, thế nào mà lại về đúng cơ quan anh Th. Không sao, tôi với anh Th. có gì đâu ngoài tình cảm anh em. Thế nhưng, anh Th. không biết rằng chồng tôi là người có tính tình không bình thường. Chồng tôi sẽ nổi đóa lên sau khi tiễn anh về, sẽ căn vặn tôi đủ điều mà nếu có kể ra đây tôi sẽ phải rất xấu hổ. Hôm đó, khi anh Th. về rồi, lần đầu tiên tôi đứng trước gương ngắm mình, ngắm cái bụng to kềnh càng sắp tới ngày sinh nở. Mãi sau này, tôi mới hiểu được câu nói của anh. Thì ra, anh đang ước ao có một mái ấm gia đình, một người vợ, và đương nhiên, một đứa con. Khổ thân anh, một con người lúc nào cũng cười vui tếu táo, pha trò, đùa cợt với tất cả mọi chuyện trên đời, nhưng sâu thẳm bên trong, anh là một người cô đơn cùng cực. Anh cô đơn từ nhỏ, lặn lội một mình học hành lên người. Sau giải phóng miền Nam, nghe đâu anh có biết tin  bố. Nhưng, tình cảm cha con trong anh đã bị vùi dập bởi những định kiến xã hội lúc bấy giờ. Anh không được phép, vì nếu anh nhận bố, người bố đã di cư vào Nam năm 1954, thì chắc sự nghiệp bao năm anh vun đắp sẽ tiêu tan trong giây phút. Ai sẽ cho anh vào Đảng, ai sẽ đề bạt anh…và, là một người rất thông minh, anh hiểu rằng, cuộc đời anh còn ở phía trước.
Năm 1984-Tháng 9
Chồng tôi đi làm về, dắt xe đạp thẳng vào nhà, rồi tiếp theo là anh Th. Căn nhà của chúng tôi chỉ rộng 16m2, bao gồm cả bếp, cả vệ sinh, nên chỉ cần có thêm 1 người khách là đã chẳng biết đứng ngồi thế nào. Bấy giờ tôi đã có đứa con thứ 2, song mặc dù bận con nhỏ, tôi phấn đấu không mệt mỏi. Tôi vừa nuôi con, vừa học thi các môn tối thiểu để làm luận án phó tiến sỹ, vừa đi giảng đều đặn lại vừa hướng dẫn sinh viên thực tập. Hôm nay, chúng tôi tổ chức ăn tươi, nhân dịp rằm Trung thu, và mời anh. Sau khi cơm nước xong, chồng tôi nói chuyện gì đó về việc phấn đấu vào Đảng . Tự nhiên tôi cảm thấy buồn, ngồi lảng ra xa cho 2 người trò chuyện. Bỗng anh Th. quay sang tôi, nhìn tôi chằm chằm, và hỏi:
-         Sao cậu buồn thế ? Có chuyện gì vậy?
Anh Th. thông minh, nhậy cảm vô cùng. Bao giờ anh cũng đọc được ý nghĩ của người tiếp chuyện/ và có lẽ vì vậy mà tôi rất quí anh/.
Tôi trả lời: “ Nói chuyện phấn đấu vào Đảng nên em buồn. Em luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, em cư xử tốt với mọi người, em giảng dạy tốt, được sinh viên và đồng nghiệp đánh giá rất cao, làm công tác hướng dẫn thực tập, đi tới đâu là để lại tiếng tốt cho bản thân, cho nhà trường, vậy mà, chi bộ nhận xét em là không chịu học hỏi Đảng viên, lùi kết nạp hết đợt này đến đợt khác. Anh bảo làm sao em không buồn.”
Anh nhìn tôi chằm chằm, rồi đột nhiên, anh nói:
-         Tại sao cậu muốn vào Đảng, và tại sao cậu lại phải vào? Một gia đình một người là Đảng viên là đủ rồi. Biết đâu sau này, ở Vn xảy ra như ở Campuchia, ai sẽ là người nuôi các con?
Trời đất ạ, anh đã thốt lên những điều mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới, và có thể, hàng triệu, hàng chục triệu người Vn lúc bấy giờ / có thể cả bây giờ/ không thể nghĩ và dám nói lên thành lời. Anh Th. như thế đó, anh đã tìm được ngôn từ để an ủi tôi lúc bấy giờ. Thế rồi, trong tôi đột nhiên có một điều gì thay đổi, tôi đã không là tôi ngày hôm trước, giờ trước, phút trước nữa.Tôi nhớ suốt đời câu nói của anh hôm ấy, tôi mang ơn anh vì lời động viên đó.
Năm tháng qua đi, tôi đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài, anh ở lại, về một cơ quan Bộ làm Viện trưởng, sau đó nghe tin anh lấy vợ và có 1 con gái. Chưa kịp tìm đến để chúc mừng anh thì nghe tin anh mất vì bệnh hiểm nghèo. Tôi không biết tìm đâu ra địa chỉ của vợ con anh để tới thắp hương chia buồn, một phần vì đã đi xa quá lâu, một phần vì sâu thẳm trong tâm hồn, tôi sợ hãi. Hình như tôi cũng có lỗi, một cái lỗi không thế diến tả bằng hành vi, cử chỉ, một cái lỗi cho dù rất nhỏ, rất vô tình, chỉ như một giọt nước, đã làm đầy thêm bát nước cuộc đời ngắn ngủi và cô đơn của anh. Anh Th. ơi, tha lỗi cho em nhé, em vẫn chỉ là cô sinh viên ngày nào đứng trước cửa phòng làm việc của anh trên Bộ cơ khí luyện kim, thẹn thùng xấu hổ, cho dù đã gần 40 năm trôi qua./.
 

Những con chó nhà chúng tôi/ tiếp theo và hết/

Ngày 02.09.2008, như thường lệ, chúng tôi gặp gỡ các bạn bè thân quen, tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để kỉ niệm ngày  Quốc khánh.Chiều hôm đó, sau bữa tiệc, tôi nhặt nhạnh xương xẩu và thức ăn thừa vào một cái nồi và đem cho lũ cẩu nhà chúng tôi. Con Lu già bao giờ cũng dành đĩa thức ăn đầu tiên, sau đó tới Lu con, cuối cùng mới là con Rich. Hai con Lu vừa ăn, vừa gằm ghè nhìn nhau như bảo: “Tránh xa tao ra, tao để yên cho mày ăn là tốt lắm rồi”. Con Rich vẫn lặng lẽ như mọi khi, vừa ăn, vừa lấm lét nhìn hai con kia, chỉ chực bỏ chạy nếu có tín hiệu bị uy hiếp. Bởi thế nên khi cho chúng ăn, tôi luôn luôn phải thường trực bên cạnh, chủ yếu là để cho con Rích được ăn đến miếng cuối cùng. Chiều hôm đó, Lu già bỏ dở miếng xương còn dính rất nhiều thịt, nó chẳng còn răng nữa để mà gặm, mặc dù, đôi mắt vẫn rất sáng nhìn miếng xương  một cách thòm thèm. Nó từ từ đi ra phía cổng nhà, nằm xuống đó như chờ đợi điều gì . Lu con thấy vậy, ngay lập tức vồ cục xương, chạy thẳng ra vườn, chui vào một góc để đánh chén.Tôi thấy hơi lạ, gọi Lu già lại, vuốt ve nó và hỏi : “ Mày làm sao thế, tự nhiên hôm nay sao lại nhường xương cho Lu con”. Nó ngước mắt nhìn tôi như bảo : “ Bà cho tôi cục xương to, tôi biết ơn bà lắm, nhưng tôi già quá rồi, làm sao tôi ăn được”.Tự nhiên tôi linh cảm thấy một điều gì sắp xảy ra. Và đúng như thế, hai ngày hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị hành lí để đi VN, con trai tôi tìm thấy Lu già trong chuồng, thân thể đã lạnh cứng. Thì ra, nó cũng biết chúng tôi sắp đi xa, nó chết trước khi chúng tôi đi để được chúng tôi chôn cất. Lu già thông minh lắm và vô cùng kiên cường. Tuy gọi là được sống trong căn hộ từ nhỏ, nhưng hoàn cảnh của chúng tôi những năm tháng đó đâu có như bây giờ. Tôi suốt ngày bận công việc, hai đứa con lúc đó còn nhỏ, đi học về mà bảo được chúng mang Lu xuống đường cho đi chơi cũng rất hãn hữu.Ăn uống thì thất thường, có sao ăn vậy, nhiều hôm, bọn trẻ ăn hết thức ăn, Lu chẳng còn gì ngoài một mẩu bánh mỳ khô.Thế mà nó đã sống với chúng tôi gần 16 năm, với biết bao đổi thay, và bao thăng trầm của cuộc sống nó đã chứng kiến.
Tôi chôn Lu già ngay dưới gốc cây Oreckhi / tiếng Việt gọi là cây quả óc chó/. Tôi khóc và nhớ nó mất mấy ngày trời. Thế là từ nay, sân nhà tôi chẳng còn tiếng sủa hùng dũng của Lu già, chẳng còn những trận đánh nhau với Lu con đến rụng tả tơi lông lá. Lu con chẳng phải gầm ghè mỗi khi ăn, con Rích thì vẫn thế, lúc nào cũng sợ sệt Lu con, luôn nhanh chân bỏ chạy mỗi khi Lu con liếc nhìn nó.Nhưng thay vào đó, kể từ khi Lu già chết, con Rích được sở hữu cái chuồng to. Lu con chẳng thay đổi được thói quen từ khi Lu già còn sống ,chui mình cuộn tròn trong cái chuồng bé tý xíu và tự nhủ thầm: Thế này cũng tốt lắm rồi, còn hơn lang thang ngoài đường phố với đám chó mồ côi, không nơi nương tựa. Và nó vẫn không chừa được thói chạy rông, trốn nhà, rồi nhảy qua rào nhà hàng xóm để sang rào nhà mình một cách dũng mãnh như một con hổ con.
Trong những kỉ niệm về những năm tháng sống nơi đất khách quê người, chẳng thể nào chúng tôi quên được những kỉ niệm về những con chó nhà chúng tôi. Tôi yêu chúng, và chắc chắn chúng cũng cảm nhận được tình cảm của tôi, chỉ tiếc rằng chúng không nói được tiếng người để thể hiện tình cảm của chúng với chủ./.

Những con chó nhà chúng tôi /tiếp theo/

Rich xuất hiện khi ngôi nhà mới sắp hoàn thành. Chẳng còn nhiều bê tông, cát sỏi, sắt thép. Nhưng, sự xuất hiện của nó làm cho Lu con tức giận. Một con vật bé tí xíu , yếu đuối đã chiếm đi của nó sự quan tâm hàng ngày của các công nhân xây dựng. Và tôi, thay bằng sáng sớm, gọi Lu Lu, tôi chỉ cần gọi: “Richi” thế là, Lu con xuất hiện đầu tiên, sau đó mới là con vàng nhãi nhép. Đĩa thức ăn trên tay tôi bao giờ cũng đã được chia làm 2, Rich được it hơn nhưng bao giờ cũng ngon hơn, sạch hơn. Nhung Lu con ăn như một con hổ, chỉ trong nháy mắt, đĩa của nó đã sạch trơn. Rồi nó gầm gừ, tức giận, vì nó biết rằng, giá như không có cái giẻ rách màu vàng kia, toàn bộ khẩu phần ăn sẽ là của nó.Chỉ cần tôi quay lưng đi, lập tức đĩa thức ăn của Rích sẽ được nó thanh toán trong tích tắc.Rich ăn nhỏ nhẹ như con gái, mắt luôn luôn nhìn xuống. Ôi, đôi mắt của nó mới đẹp làm sao.
Đúng rồi, Rich có đôi mắt của con người. Hai lòng đen của nó tròn như 2 quả bi ve, hàng lông mi dài, dày, che rợp đôi mắt. Lúc nó nhìn tôi, muốn được vuốt ve, trông nó mới tội nghiệp làm sao.Nó hèn lắm, chỉ cần Lu con đến gần, nó bỏ chạy lập tức, tìm một nơi nào đó để trú ẩn.Có lần, tôi dấu trong tay một khúc xương không cho Lu con biết. Rồi tôi gọi con Rich. Rich đứng từ đằng xa nhìn tôi, nó biết tôi gọi nó, mà vì Lu con đang đứng gần tôi, Rich giả vờ như không nghe thấy gì.Gọi mãi nó chẳng đến, tôi bèn quẳng cho Lu con. Anh chàng vồ lấy khúc xương, nhưng vẫn không chạy đi chỗ khác, mà cứ đứng nhìn tôi, ý như canh chừng không cho tôi ném cho Rich ăn miếng khác. Lu con đáo để quá, trong khi Rich thì quá hiền lành, thậm chí đần độn. Chẳng phải vì Lu con lớn hơn Rích đâu. Tính cách của bọn chúng khác nhau từ ngày chúng mới được sinh ra, và bây giờ lớn rồi, chúng cũng chẳng thay đổi được nữa.
Sau khi Rich xuất hiện chừng 5 tháng, tôi mang con Lu già từ căn hộ ra nhà mới với cái sân rộng mênh mông cả ngàn met vuông. Thế là, cuộc chiến tranh giữa những con chó bắt đầu.
Lu già thích sự yên tĩnh, còn Lu con thì ồn ào. Mỗi khi có tiếng xe ngựa của đám người Digan chạy qua phố, Lu con chạy ào ra như cơn lốc, và sủa nhặng xị, biểu hiện sự khinh miệt lũ người bẩn thỉu, chuyên môn đi bới rác, mắt la mày lét, chỉ rình người ta sơ hở ra là cuỗm liền tay không thương tiếc bất cứ vật gì. Lu già chỉ đứng trong sân, nhìn qua hàng rào, khịt mũi vì cái mùi người, ngựa của Diagan, chẳng giống chút nào với những mùi nó quen biết trong suốt 15 năm cuộc đời trong căn hộ cũ. Còn Rích, lúc đầu chẳng tỏ thái độ gì, nhưng một thời gian sau, được thằng anh là Lu con huấn luyện, nó cũng bắt đầu tỏ vẻ rằng mình cũng có “quan điểm “ riêng. Nó chạy lăng xăng xung quanh Lu con, tiền hô hậu ủng, sủa theo Lu con, nhưng tiếng sủa mới yếu ớt làm sao, nghe như tiếng rên của một người ốm nhiều hơn. Tôi thấy vừa buồn cười, vừa tức giận con Rích.Nó làm tôi thấy thương hại, và hình như nó biết điều đó.
Một cái sân với 3 con chó đực, đó là điều người ta kiêng kị, tôi cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng tôi chẳng quan tâm tới những gì mà hàng xóm của tôi đàm tiếu. Tôi nuôi chúng vì tôi thấy thương chúng, có thế thôi.Hàng tuần, tôi mua xương về ninh,nước thì nấu cháo ngô cho chúng, còn xương thì là món điểm tâm buổi sáng. Con trai tôi cằn nhằn là mất công, tốn của với lũ chó chẳng có gốc rễ < những con chó được lai tạo tự nhiên, không thuần chủng ở đây bị khinh miệt, bị gọi là chó hoang>, hàng xóm thì ganh gét, khó chịu khi thấy tôi bưng các chậu thức ăn ngon lành cho chúng. Biết làm sao được, một khi cái nhận thức của tôi về nhân loại đã dành phần thắng trong tôi: Một khi chúng đã là của mình, bất kể xấu hay đẹp, mình cũng phải nâng niu chăm sóc nó, trách nhiệm và bổn phận của tôi là cho chúng được ăn no, và , hi vọng, chúng sẽ biết điều, trông nom nhà cửa cho tôi như những con chó bình thường khác.
Ấy thế mà sự đời đâu có như mình mong muốn.
Chúng đánh nhau dữ dội, nhất là 2 con, Lu già và Lu con. Mỗi khi bưng các chậu thức ăn ra, tôi luôn phải cầm theo một cái gậy thật to để ngăn chặn cuộc chiến đấu giữa chúng. Lu già không chịu nổi ánh mắt trìu mến của tôi nhìn Lu con, bởi tôi yêu sự dũng mãnh của nó. Mỗi lần nó bắt gặp tôi âu yếm vuốt ve Lu con, nó xông thẳng vào, giằng xé Lu con, nhe bộ răng trắng nhởn đã bị khuyết mất mấy cái vì tuổi già , ánh mắt đầy sự hằn học, căm thù kẻ đã cướp đi của nó tình cảm mà đáng lẽ chỉ mình nó được hưởng. Điều lạ là nó chẳng hề ghen tuông với Rich, có lẽ, trong mắt nó, Rich tội nghiệp, lúc nào cũng sợ sệt, chẳng có gì đáng để nó phải quan tâm. Hơn nữa, Rich luôn biết điều, chỉ cần thấy bóng Lu già tới, nó nhanh chân bỏ chạy,đứng từ xa nhìn tôi, thèm thuồng được vuốt ve nhưng sẵn sang “ nhường” , không hề tranh chấp. Vì thế, hầu như chưa bao giờ nó bị Lu già cho ăn đòn. Còn Lu con, nó không chịu nhượng bộ. Nó là một thanh niên cường tráng, tiếng sủa của nó âm vang nhất xóm, nó xua đuổi lũ người Digan, dọa dẫm những kẻ nào dám lân la ở cửa nhà tôi.Nó tự nhận cho mình vai trò chủ nhân, lẽ nào nó chịu nhường nhịn bất cứ cái gì cho bất cứ kẻ nào khác. Không biêt bao lần nó cắn cấu, giằng xé với Lu già, máu me trào ra ở khóe miệng nó, còn Lu già, lông tóc bay khắp nơi, cổ và đùi đầy vết sẹo do những cuộc chiến đấu này mang lại nhưng không bao giờ chịu thua trước. Tôi đến khổ vì chúng nó, nhiều lúc tự nhủ: Kệ chúng mày, đánh nhau mãi rồi cũng có ngày phải hòa bình nhượng bộ. Thế nhưng, thật oái ăm, không một ngày nào chúng nó không đánh nhau, chẳng phải chỉ vì tranh dành tình cảm của tôi hay tranh giành chậu thức ăn để được ăn trước/ mặc dù mỗi đứa mỗi chậu, chỉ có nhanh hay chậm không tới 5 giây đồng hồ/. Chúng đánh nhau vì mối thù hận thâm căn cố đế bên trong chúng. Lu già không thể bỏ được thói quen hàng ngày được chăm sóc cẩn thận, nay bị sống trong khu nhà có sân rộng mênh mông, chỉ có 2 cái chuồng cho 3 đứa, mặc dù nó đã dành cái chuồng to nhất cho mình. Còn Lu con , đau khổ, tức giận vì mất chỗ ngủ hàng ngày ở cái chuồng to, phải rúc vào cái chuồng nhỏ, lại bị thằng Rich lúc nào cũng lằn nhằn bên cạnh, rên rỉ, mếu máo. Nhiều lúc, nó nổi cơn điên vô cớ, không đánh nhau được với Lu già, nó xông vào con Rích, nhấc bổng Rích lên và ném một quãng xa, cứ như muốn bảo: “Mày cút đi cho tao yên, tao đang điên đây”.


/ còn nữa /



Những con chó nhà chúng tôi

Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại nghĩ như vậy, rõ ràng là con chó nhà tôi có đôi mắt của con người. Tôi nói ở đây là nói đến đôi mắt của những người hiền, người tử tế, chứ không phải là đôi mắt của những kẻ độc ác, dã man. Thật đấy, con Rich nhà tôi có đôi mắt của con người.
Cách đây gần 1 năm, chẳng biết đứa trẻ nào đã ném qua hàng rào, vào sân nhà tôi một con chó lông vàng ươm, bé tí tẹo. Tôi đoán là một đứa trẻ đã làm việc đó, vì chắc đây là một con chó dư thừa trong một đàn chó đông đúc, chủ nhân của nó đã không đủ sức cưu mang nên đã vứt nó ra đường. Rồi, chỉ có bọn trẻ con, đầy tình nhân ái, thương xót, sợ nó bị xe cán chết nên đã nhặt nó ném vào vườn nhà tôi.Có lẽ bọn trẻ con cũng nghĩ rằng tôi cũng hay mủi lòng, thương quí súc vật như bọn nó chăng?
Khi nhìn thấy nó, một sinh linh bé bỏng, run rẩy vì sợ hãi, đói khát, đột nhiên tôi nghĩ tới một đứa trẻ con mồ côi. Và thế là tôi mang nó vào nhà, đặt tên cho nó là Rich, hoàn toàn ngẫu nhiên, bột phát, cũng như sự xuất hiện của nó trong ngôi nhà rộng mênh mông này.
Phải nói trước với các bạn là : nhà chúng tôi đang nuôi 2 con chó Becgie, chẳng được thuần chủng lắm, bởi vì, chúng cũng xuất hiện ở nhà tôi hoàn toàn không trong sự sắp đặt, mong muốn. Con Lu già và con Lu trẻ. Lu già năm nay đã bước sang tuổi 16, nghĩa là, nếu theo cách tính của những người nuôi chó chuyên nghiệp, nó có tuổi tương đương với con người khoảng 100 tuổi. Đúng là một “ ông cụ” thực sự, vì khi ngủ, nó cũng khò khè trong mũi, trong họng. Mắt nó bắt đầu có những rỉ ngoèn, mặc dù vẫn sáng, nhưng đôi khi nó không nhìn thấy , mà chỉ hoàn toàn nhận thức bằng mũi và cảm tính. Lu già xuất hiện ở nhà tôi do một anh bạn người Tàu, chót mua nó về, rồi không chăm được, đem gán cho tôi, van vỉ tôi nhận nó về nuôi. Khi đó, các con tôi còn nhỏ, chúng rất yêu súc vật, nằn nì tôi nhận lời anh người Tàu, mua con Lu với giá rẻ mạt/ chỉ là hình thức mua /, chủ yếu giúp anh bạn trông nom con vật đáng thương. Vậy mà, năm tháng qua đi, Lu già đã trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi lúc nào không hay.Nó đã chứng kiến cảnh dọn nhà của chúng tôi từ căn hộ này sang căn hộ khác, nó đi theo chúng tôi khắp mọi nơi. Nó rất biết thân biết phận, chẳng đòi hỏi, chẳng chê bai bất cứ cái gì chúng tôi quẳng cho nó, từ một cục xương rắn đanh cho đến một đĩa rau sào đã thiu, hay một ít cơm thừa. Nó cần mẫn gặm xương, đôi lúc còn ngẩng đầu nhìn tôi như tỏ vẻ biết ơn. Lu già lắm rồi, nó đã chứng kiến những đứa trẻ nhà chúng tôi trưởng thành. Con gái tôi đã đi lấy chồng, cho dù chồng nó ra vẻ con nhà trưởng giả, đi ăn nhà hàng không cho vợ mang thức ăn thừa về, nó vẫn dấu chồng, mang về cho Lu từ những mẩu xương, lát bánh mì…
Rồi bỗng dưng, sân nhà tôi xuất hiện một con chó đen, giống Becgie chắc từ thời ông bà nó.Tôi cũng gọi nó là Lu, một cái tên thân thuộc, mang cả một lịch sử trong gia đình chúng tôi. Con Lu con này dũng mãnh, nhanh như con sóc, mắt tinh như mắt cáo, mũi đánh hơi kể cả mùi xe oto của tôi từ xa hàng trăm mét. Lu con xuất hiện vào lúc chúng tôi đang xây ngôi nhà mới, khắp nơi là nguyên vật liệu, gạch ngói vôi vữa. Đám thợ xây vầy vò nó lúc nghỉ giải lao, cấu véo nó, cho nó ăn, nhưng trước đó, cố tình hành hạ, gây cho nó sự thèm khát tột đỉnh , rồi mới ném cho nó một mẩu bánh hay khúc xương. Những ngày đầu khi nó mới xuất hiện, tôi ngán ngẩm nghĩ bụng: Chắc số nhà mình chẳng được nuôi chó đẹp/ vì dự đinh sau khi làm nhà xong, tôi sẽ mua một con chó nòi chính cống, vừa để trông nhà, vừa là chó cảnh/. Nhưng, ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã có thiện cảm với nó, một con chó lông đen tuyền, có những đốm trắng trên đỉnh đầu, dưới ức và cả 4 chân . Đôi mắt nó màu vàng, nhỏ và sắc, nhanh như mắt cáo. Nó còn nhỏ, nhưng đã tỏ ra có bản lĩnh phi thường. Nó chấp nhận sự hành hạ của đám công nhân xây dựng để được ăn no, nó chạy khắp sân tìm chuột, có những hôm, sáng ra đến công trường, tôi thấy nó đi khập khiễng. Cả một bên đùi bị xẻ dọc, máu chảy khắp nơi mà nó vẫn không chịu nằm yên một chỗ.Tôi hỏi đám thợ xây, tức giận nghĩ rằng họ đã cố tình hại con chó, xong họ lắc đầu , nói rằng khi họ tới làm việc, nó đã như vậy rồi. Cả tuần lễ tôi buồn vì thương nó, mà nó vẫn lăng xăng, như cố chứng minh rằng đó là chuyện nhỏ, vết thương sẽ lành thôi mà. Thật kì lạ, sang đến ngày thứ 3 , tôi cố tình bắt nó đứng tại chỗ để xem vết thương ra sao, tìm mãi mà chẳng thấy đâu cả.Đám lông dày mượt như tơ , cùng với năng lực phi thường và sức khỏe của tuổi “ thanh niên” đang lớn của nó đã làm cho vết thương biến đi đằng nào. Lu con là một bản mẫu hoàn toàn tương phản với Lu nhớn. Chúng cách nhau mấy thế hệ cơ mà, hơn nữa, Lu nhớn được lớn lên trong môi trường sạch sẽ quá, cả cuộc đời ở căn hộ khép kín, thi thoảng được con tôi dắt đi chơi với một sợi dây xích cổ. Còn Lu con, chắc cũng bị bố mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ, nó phải bươn trải sớm quá để kiếm miếng ăn, nó chịu dầm mưa, dãi nắng, chẳng có cả đến một cái chuồng có mái che. Lu nhớn luôn luôn sợ hãi, và nó yêu quí sự bình yên, tĩnh lặng. Nó có thể cả ngày không đi tè, chờ cho đến khi một trong chúng tôi đi làm về, lúc đó nó mới rên rỉ như bảo: “ Ôi, sao tôi khổ thế này, chẳng ai để ý tới tôi.”Có những hôm, cả nhà về muộn, nó phải nhịn từ sáng tới nửa đêm để được đi ra ngoài. Thật khủng khiếp quá, nó chịu đựng mới giỏi làm sao.Và nó rất biết điều, hôm nào chẳng may đái dầm hoặc ị đùn, nó tìm bằng được một chiếc khăn, mảnh giẻ nào đó đậy lên, và , ánh mắt luôn luôn sợ sệt, lấm lét vì biết mình có lỗi.
/ còn nữa/



Kỉ niệm tuổi 15

 Tôi và nàng làm quen với nhau vào năm đó, cả hai chúng tôi cùng thi vào một trường , cùng một lớp chuyên tóan.Cô giáo chủ nhiệm xếp chúng tôi ngồi chung một bàn vì tên chúng tôi bắt đầu từ cùng một chữ cái R. Năm đó nàng mới 15 tuổi, rất ngây thơ và ngộ nghĩnh.Nàng rất hay pha trò cười và rất thích chọc tức một ai đó.Nàng đâu có ngờ rằng nàng đang mang trong mình một căn bệnh vô phương cứu chữa. Nàng có tật hay gõ bút lên mặt bàn trong khi cả lớp đang yên lặng thì từ bàn của chúng tôi phát ra âm thanh đều đều “pấc, pấc, pấc”. Thày giáo nhắc thì nàng dừng tay, nhưng chỉ một lúc sau nàng lại gõ. Hình như cơ thể nàng đầy năng lượng, nàng không thể ngồi yên, chân tay nàng phải cần hoạt động để những năng lượng ấy thoát ra ngoài. Nàng rất thông minh. Trong kì thi học sinh giỏi tóan tòan quốc,nàng đoạt giải nhì, còn tôi thì bị loại ngay từ vòng hai.Nàng hơn tôi ở mọi mặt: luôn luôn đi học sớm,thân thiện với mọi người, và điều mà tôi thích nhất ở nàng, đó là nàng hay cười. Nụ cười của nàng làm người ta quên đi những nỗi bực dọc, trả lại cho họ niềm vui . Chính vì thế mà khi nàng chọc tức một ai đó, dù họ có bực mình đến mấy thì chỉ một lúc sau, họ lại thân thiện với nàng như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Từ những việc chung như ngồi cùng một bàn,cùng làm trực nhật, tôi thì lau bảng, quét lớp, nàng thì kiểm tra danh sách những người có mặt đúng giờ..., lại luôn luôn cùng bị phạt vì thường hay gây mất trật tự trong giờ học, nên giữa hai chúng tôi đã nảy sinh một tình bạn đẹp đẽ. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những lần cùng nhau chép trộm bài,những trò nghịch ngợm như bôi nến lên vở của một đứa mình ghét để nó không thể viết được..., nói chung là những trò đùa vô bổ của lứa tuổi học trò.Năm tháng trôi qua dần với tiếng cười của nàng và những trò đùa của chúng tôi . Tình bạn của chúng tôi ngày càng thêm gắn bó. Khi hè đến, chúng tôi rủ nhau đi bán báo lấy tiền tiêu vặt. Mùa đông sang, chúng tôi cùng nhau lên núi trượt tuyết trong những ngày chủ nhật. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, nếu không ở trên lớp thì chúng tôi cũng tìm được một cớ nào đó để được ở bên nhau.Cả hai chúng tôi đều không biết rằng giữa chúng tôi đã nảy sinh một tình cảm cao hơn tình bạn. Rồi một hôm, tôi đi học muộn tới những 20 phút. Không thấy nàng có mặt trên lớp, tôi ngạc nhiên sửng sốt bởi tôi biết nàng không bao giờ đi học muộn. Nàng đã từng phê bình tôi gay gắt vì tội tôi hay trễ giờ, và đã nhiều lần nàng bắt tôi học thuộc một câu: Thà đi sớm vài giờ còn hơn đi muộn vài phút. Vậy mà hôm nay? Tôi ngồi trong lớp mà đầu óc tôi chỉ để ở một câu hỏi:Tại sao nàng không đi học, vậy thì nàng đang ở đâu?Điều gì đã xảy ra với nàng? Sau tiết học đầu tiên, tôi được biết nàng bị ốm và đang phải nằm viện. Tan học, tôi vội vàng vay tiền một thằng bạn thân , tìm mua một bó hoa và một cân cam rồi chạy thẳng vào bệnh viện nơi nàng điều trị. Nàng ở phòng số 23, lại 23, con số thứ tự của nàng trên lớp. Mặt nàng xanh xao, yếu đuối, chẳng còn đâu nữa vẻ hồn nhiên , nhí nhảnh ngày thường. Dù vậy, khi thấy tôi, nàng vẫn gượng cười và hỏi:“ Hôm nay Rumen thế nào, có đi học muộn không, ở lớp có gì mới không?” Nàng luôn luôn lo cho tôi bị các bạn và thày cô giáo phê bình vì tội đi học muộn. Tôi nghẹn ngào không sao trả lời được câu hỏi của nàng, mãi sau mới cất được tiếng: “Rita bị bệnh gì vậy, tại sao em phải nằm viện ngay thế”?
 Nàng yếu ớt trả lời tôi rằng nàng chẳng có bệnh gì nghiêm trọng, rằng nàng sẽ nhanh chóng bình phục và sẽ trở về lớp học trong nay mai. Mặc dù nàng không nói, nhưng tôi vẫn biết rằng nàng sẽ phải mổ, mà lại là mổ não. Người ta cấm chúng tôi vào thăm nàng trong một tháng .
Đúng một tháng sau, tôi quay trở lại bệnh viện thăm em.Cả một tháng trời chờ đợi, tôi đã không thể học được bình thường, đã mấy lần bị điểm 2,dù vậy tôi cũng chẳng thấy buồn,bởi tâm trí tôi đang để căn bệnh của em.Tôi đếm từng ngày cho qua đi một tháng, và có một điều lạ là suốt cả tháng trời tôi không đi học muộn một buổi nào, thậm chí có những hôm tôi đến lớp sớm tới mức cả lớp phải ngạc nhiên.
Nàng vẫn ở phòng số 23, chỉ có điều là đầu nàng quấn băng trắng , mái tóc dài mượt mà đã bị cạo trọc cho cuộc mổ não.
Tôi kể cho nàng nghe những chuyện xảy ra ở lớp trong tháng qua, nàng chăm chú nghe tất cả những điều tôi nói, đôi khi phá lên cười vì những câu bông đùa của tôi, nụ cười vẫn hấp dẫn như xưa, chỉ có điều, đôi khi trong nụ cười ấy hình như có những giọt nước mắt. Cả tôi và em đều chỉ nhắc tới những chuyện vui, cố tránh đi những từ ngữ liên quan tới căn bệnh của em.Nhưng, cả hai chúng tôi đều cảm thấy thời gian như trôi đi ngày một nhanh chóng trong các cuộc gặp gỡ. Chúng tôi muốn níu thời gian cho chậm lại, và cả hai đều hiểu rằng những giây phút chúng tôi bên nhau sẽ chẳng còn nhiều nữa.
Thế rồi, kì thi cuối năm đã không cho phép tôi vào thăm em thường xuyên như trước. Bẵng đi một tuần lễ, sau khi đã thi xong môn đầu tiên, tôi trở lại bệnh viện, căn phòng số 23.Một căn phòng trống không, trắng toát, dường như được bao phủ một lớp tuyết dày đặc. Người ta trả lời tôi rằng em đã chết được 3 hôm,họ đã chôn em ngày hôm qua ở nghĩa trang thành phố. Bỗng dưng tôi thấy ù hai tai và tôi không nghe thấy người nữ y tá nói gì nữa. Tôi chạy như điên dại trên đường phố, chẳng biết mình đi đâu, về đâu. Xung quanh tôi là những khuôn mặt không quen biết, là tiếng còi tàu điện, tiếng nổ máy của xe hơi, tất cả vẫn thế, chỉ không có em thôi.
Khi tôi ra tới nghĩa trang thì trời đã về chiều, hay là đã tối, tôi cũng không biết nữa. Rốt cục thì tôi cũng đã tìm được mộ nàng, một ngôi mộ nằm lẻ loi trong một góc , một nấm đất mới tinh, còn tươi rói những bông hoa, những chùm hoa như chúng vừa chồi lên từ lòng đất. Tôi ngồi xuống bên nấm mộ, và nói như trong cơn mê sảng “ Rita, sao em lại bỏ đi vội vàng thế, sao em chẳng đợi tôi để cho tôi nói với em được một câu, dù chỉ một lần, rằng tôi yêu em.”Tôi ngồi và nói như vậy bao nhiêu lâu không biết. Rồi tôi thiếp đi bên nấm mộ em, Tôi thấy Rita, mái tóc vẫn dài như xưa, nụ cười tươi rói, chẳng có bông băng gì trên đầu, mà lại là một vành hoa trắng. Em bảo tôi : “ Rita không bỏ đi đâu, chúng mình sẽ vẫn ngồi cạnh nhau trong lớp. Nghỉ hè, chúng mình sẽ lại đi bán báo lấy tiền mua sách vở, rồi chúng mình sẽ cùng mua giày thể thao để đi núi, Rumen đồng ý chứ”.
Tôi sung sướng gật đầu đồng ý, rồi chúng tôi nắm tay nhau chạy trên bãi cỏ thẳng tắp tới tận chân trời. Vành hoa trắng trên đầu em mỗi lúc một lớn thêm, rồi cả người em biến thành một bó hoa khổng lồ, trắng toát.Cả tôi nữa, tôi cũng biến thành một bó hoa khổng lồ. Tôi nghe thấy tiếng một ai đó nói : “ Sao lại nhiều hoa đến thế, mà tại sao các bông hoa đều ướt, hình như đêm qua ở đây có mưa.”
Người ta đâu có hiểu được rằng đó chẳng phải là nước mưa, mà là nước mắt của tôi và em./.




Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chuyện một vụ án

Đấy là vào mùa hè năm 2006.Một cô bạn bỗng gọi cho tôi và khẩn khỏan nhờ tôi đi dịch giúp một trường hợp. Cô ấy nói là rất bận, không thể đi được, và ở Bungari chỉ có mỗi tôi và cô ấy là người được giấy phép của Bộ ngoại giao nước bạn cho phép đi phiên dịch các trường hợp quan trọng như thế. Đó là một vụ án, liên quan tới tính mạng của một công dân Việt nam. Tôi đành nhận lời, mặc dù trong thâm tâm thấy chẳng thích thú chút nào.Ngay ngày hôm đó, tôi nhận được liên tục các cú điện thoại, một của một bà Thư kí phiên tòa, một của ông luật sư / ông ta được nhà nước chỉ định đi bào chữa cho bị cáo/, rồi sau đấy là điện thoại của một cảnh sát, và cuối cùng là của một người bạn của bị cáo. Tất cả những người này tôi đều không quen biết, có lẽ sau khi nhận lời cô bạn, cô ấy liền cho họ số máy của tôi. Và thế là họ bắt đầu quấy rầy tôi với những cú điện thoại giật gân của họ. Thoạt tiên, bà thư kí của phiên tòa gọi, hỏi tôi cặn kẽ, tôi là ai, sống bao nhiêu năm ở Bungari,có những bằng cấp gì…Sau cuộc phỏng vấn, bà ta cho biết ngày giờ phiên tòa bắt đầu, dặn dò tôi kĩ lưỡng cách tìmTòa án Thành phố, cách đi qua cửa quay có mấy vị cảnh sát như thế nào, rồi khi qua rồi, phải gọi điện cho bà ta tới nhận diện để dẫn tới phòng xử án ra sao. Tiếp đến là ngài luật sư, nghe giọng tôi đoán là một vị đứng tuổi, ngái ngủ hay lè nhè say rượu cũng chẳng biết. Tôi thất kinh khi nghe ông ta nói cái thứ tiếng Bun bản xứ mà ngay cả những người nước ngoài mới học tiếng chắc cũng nói rõ ràng , mạch lạc hơn ông ta. Ông ấy nói về nội dung vụ án,  cú điện thoại di động 15 phút, một câu chuyện về một người công nhân VN bị bắt, liên quan đến tài sản của một công dân Bungari, trấn lột hay ăn cướp, đại khái thế.Tôi ậm ừ nghe, ậm ừ trả lời và không hỏi gì thêm, hi vọng trong phiên tòa sẽ tìm hiểu kĩ hơn. Rồi tiếp tới cú điện của tay cảnh sát, hỏi tôi quan hệ thế nào với bị cáo, rằng đây là một vụ án nghiêm trọng, nếu tôi đại diện cho anh ta thì phải tới đồn CS số…. gặp ngài…trước khi vào cuộc xử thì mới hi vọng gỡ được rắc rối. Cuối cùng là cú điện của một cô gái / hay một bà già? tôi cũng chẳng hiểu, vì cô ta nói giọng Quảng bình đặc sệt, tôi cố căng tai để nghe mà cũng chỉ hiểu láng máng. Cô ấy kể lể sự tình, giảng giải rằng  bồ của cô là bạn của bị cáo, vì thương bồ, thương bạn của bồ nên gọi cho tôi, đề nghị tôi hãy tìm mọi cách giải thoát cho nạn nhân. Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chỉ trả lời rằng tôi sẽ quan tâm, rồi cúp máy. Suốt từ hôm đó cho tới ngày phiên tòa đầu tiên bắt đầu, tôi mất ăn mất ngủ, cố gắng đấu tranh tư tưởng để không gọi lại cho bất kì người nào trong số mấy người trên, nhất là cho tay cảnh sát, vì ông ta vừa dọa dẫm, vừa mời chào vòi vĩnh, một kiểu kiếm ăn quen thuộc của cảnh sát nước này nếu có bất kì chuyện gì xảy ra liên quan đến người ngoại quốc, nhất là người Tàu hay người Việt.
·        Thế rồi ngày đó cũng tới.Để gây ấn tượng, tôi mặc bộ quần áo nghiêm chỉnh nhất, sơmi trắng,cổ kéo cao cứ như các bà mệnh phụ, tóc chải bồng lên, xịt một chút gôm, một chút nước hoa loại đắt tiền của Etste Lauder con trai mua cho, tay ôm một chiếc cặp rất xịn. Tôi cầm thêm chiếc ví nhỏ xíu da nai, đi đôi giày cao gót cùng màu hiệu Eko sang trọng.Tôi muốn thể hiện rằng, cho dù có những công dân VN ở đây phạm tội, nhưng cũng có những người như tôi, đàng hoàng, học thức, và chắc chắn sẽ không để ai bắt nạt được. Thầm nghĩ, biết đâu lại là loại tội phạm nguy hiểm, mình buộc phải phiên dịch cho hắn, phải chứng tỏ mình là người không liên quan gì đến cái thế giới ngầm của hắn, không để bọn cảnh sát nghĩ rằng mình với hắn có những ràng buộc gì cả. Nếu cần thiết, mình sẽ đấu tranh cho hắn, giúp hắn cung khai, nhưng nhất thiết không để nhà chức trách Bungari nghĩ rằng người VN ở đây toàn loại đầu đường xó chợ hay băng đảng Mafia. Sau khi đỗ xe vào nơi qui định, tôi ngẩng cao đầu bước vào con đường dẫn đến Tòa án Thành phố. Ở châu Âu, các ngôi nhà được dùng vào việc xử án bao giờ cũng rất đồ sộ, trang nghiêm, ngoài trạm gác ngay lối cổng, ngăn không cho xe cá nhân vào/ chỉ mở cho các vị quan trọng của Tòa hoặc khi cần thiết/, sau đó là hai cánh cửa cao khoảng 3,5m, rộng phải tới 2m một cánh, bằng gỗ gì chẳng rõ hay bằng sắt nhưng có hoa văn rất đẹp. Ngay cạnh cửa là một viên cảnh sát đứng, hỏi giấy tờ tùy thân, rồi cho đi qua máy soi hành lí như ở trên sân bay. Tôi phải lần lượt tháo hết mọi thứ trên người cho họ kiểm tra, cả chiếc túi đeo vai nhỏ xíu cũng bị lục soát. Sau cánh cửa này là một tiền sảnh rộng, rất đông người đứng đó, chắc họ cũng như tôi, phải gọi điện chờ người tới dẫn lên phòng xử án. Rốt cục rồi cũng xuất hiện một người đàn bà to béo, tới gọi tên tôi. Bà ta nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi chẳng nói chẳng rằng, ra hiệu cho tôi đi theo .Bà ta trông hiền từ, chắc cũng sắp tới tuổi về hưu sau suốt cuộc đời làm nghề thư kí của Tòa án, chứng kiến biết bao kiểu đau khổ và sung sướng của các thân phận sau tiếng búa gõ của vị Quan tòa.
  Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt, từ vị quan tòa, bà thẩm phán, bà công tố viên cho tới ông luật sư…tất cả đổ dồn mắt về phía chúng tôi.Rất nhanh, tôi hiểu ra đây là cơ hội của hắn. Tôi nhún vai, nhìn thẳng vào vị quan tòa, nói rất khẽ đủ để hắn nghe thấy : “ Chỉ cần cậu mấp máy mồm thôi cũng được”. Thế rồi tôi bắt đầu nói bằng tiếng Bun, kể lại thứ tự các điều xảy ra, cứ như tôi chính là hắn.Tôi chỉ có đúng 10 phút đọc hồ sơ của hắn trước khi bắt đầu phiên tòa, cộng với lời trình bày của ông luật sư trước tòa cách đấy vài phút,không hiểu điều gì đã thôi thúc  làm tôi nhớ được tất cả, và đã kể lại vanh vách mọi chuyện cứ như tôi là người trong cuộc. Chỉ khác một điều, đôi khi tôi phải dừng lại,cứ như chờ hắn thốt lên được thêm vài lời để rồi dịch tiếp. Còn hắn, cái thân phận bé nhỏ, cô đơn kia cứ cúi gầm đầu xuống, lí nhí cái gì trong cổ họng mà kể cả tôi đứng sát cạnh hắn cũng chẳng hiểu hắn thốt lên cái gì. Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã thành công trong các vai của mình.Tôi nói thay hắn, rằng không hề quen biết người đàn ông bị mất của, rằng bị bắt giữ rất oan trái, rằng hắn đi làm ở các công trường lưu động, không hề có nhu cầu tới các đồ dùng kia,rằng hắn có 1 con nhỏ chưa đầy 3 tuổi ở Varna, cách Thủ đô gần 500km, với 1 cô gái Bungari/ điều này thì hắn vừa kịp nói với tôi cách đây vài phút/, không hôn thú nhưng có giấy chứng sinh là con hắn. Cái điều cuối cùng này đã cứu hắn/ tôi thầm nghĩ/, rồi tôi kể lể về đứa con của hắn, rằng vợ hắn nghèo, đang thất nghiệp, hai mẹ con chỉ trông chờ vào những đồng lương của hắn, rằng hắn ở tù vô tội đã 8 tháng rồi, không có liên lạc gì được với vợ con, lo lắng vợ con bơ vơ không ai giúp đỡ v..v. Lúc này, tôi nhận thấy thái độ của các vị trong phiên tòa gần như thay đổi hoàn toàn. Bắt đầu là sự ghẻ lạnh, khinh bỉ, dần dần họ trở lên quan tâm,thân thiện hơn. Vị quan tòa ngắt lời tôi mấy lần khi nghe nói điều này, ông ta hỏi địa chỉ vợ hắn, số điện thoại để liên lạc, rồi hỏi hắn tại sao hắn không có giấy tờ tùy thân? Tôi quay lại phía hắn, dịch từng chữ cho hắn nghe. Thì ra, hắn thuộc diện công nhân sang Bun xuất khẩu lao động giai đoạn 1980-1990. Sau  khi hết hạn hợp đồng, biết là có trở về VN cũng chẳng kiếm đủ nuôi thân nên hắn đã quyết định ở lại. Nếu hắn như những người Việt nam khác khi hết hạn hợp đồng lao động,ngay lập tức có thể mở công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc kí tiếp hợp đồng lao động với những công ty xây dựng khác, hợp pháp hóa việc định cư…,nhưng hắn đã bỏ qua việc này bằng một cái chặc lưỡi, mặc kệ, được đâu hay đó, kiếm được đồng nào vui vẻ bạn bè, gái gú, rượu chè vui chơi. Rồi thời gian trôi qua, khi mà tên hắn đã bị xóa khỏi danh sách đội ngũ xuất khẩu lao động, hắn chẳng còn chỗ nào mà bấu víu nữa. Hai chục năm sống trên đất khách quê người, hắn chẳng nói nổi 1 câu tiếng Bun cho đúng ngữ pháp.Tuổi thanh niên của hắn cũng trôi đi trên các công trường xây dựng, bữa đói bữa no, lúc vui lúc buồn, bạn bè chỉ có vài thằng đồng hương cùng cảnh ngộ. Đi làm chui, không hợp đồng lao động, không trả thuế thu nhập, không trả bảo hiểm…hắn chẳng có tên ở đâu cả, vì thế mà Vụ ngoại kiều Bungari không thể cấp cho hắn giấy tờ tùy thân. Khi sự việc trên xảy ra, hắn đang làm cho 1 công trường cùng anh bạn người Thổ nhĩ kì, nhưng anh ta có hợp đồng lao động, có giấy chứng minh thư, lại không có bằng cớ,tang chứng về vụ trấn lột, cảnh sát không có quyền giữ anh ta quá 72 giờ trong trại giam. Còn hắn, kể cả muốn thả hắn ra, họ cũng không thả được, vì họ buộc phải giữ hắn, vì vụ trấn lột xảy ra phải có kẻ phạm tội. Mà tội của hắn là gì? Khi bắt  hắn, họ chỉ tìm thấy một quyển hộ chiếu Việt nam duy nhất trong người, mà tại đất nước này nó chỉ có giá trị chứng minh hắn là một công dân Việt nam mà không chứng minh được sự tồn tại hợp pháp của hắn. Đó chính là điều phạm luật thứ nhất. Rồi phiên tòa kết thúc với một kết luận: Hắn phải đem trình các giấy tờ liên quan đến vợ con, hắn phải mời vị giám đốc công ty nơi hắn đang làm việc đến nhận dạng, phải trình các hợp đồng lao động /nếu có/,rồi sau đó họ mới xem xét về tội trạng của hắn, tất nhiên, cũng như đối với tên người Thổ, cảnh sát chẳng thu được bất kì tang chứng gì liên quan đến vụ trấn lột.
·        Suốt thời gian gần 1tiếng đồng hồ, sau khi đã lấy lại được bình tĩnh,tôi nói không nghỉ, kể lại tất cả những điều trên với một thái độ hết sức thành thật .Cả phiên tòa lắng nghe tôi trình bầy, họ quên mất rằng kẻ bị cáo là hắn chứ không phải tôi, đôi lúc, tôi trả lời họ ngay mà chẳng thèm quay sang hắn để nghe hắn nói, vậy mà họ cũng lờ đi, chẳng có ý kiến gì. Khi ông quan tòa gõ búa tuyên bố phiên tòa kết thúc, xác định ngày của phiên tòa tiếp theo, tôi thấy tất cả hình như thở phào, mặc dù chẳng đi tới một kết luận gì.Trước khi cho tay vào còng số 8 cho tên cảnh sát đưa trở lại trại giam, hắn quay sang tôi, nói lí nhí mấy lời cám ơn, dúi vào tay tôi một mẩu giấy bẩn thỉu xé từ góc báo, ghi một số điện thoại và tên một người bạn của hắn. Tôi buột miệng hỏi : “ Cậu có cần tiền không?” Hắn dạ rất khẽ, bảo rằng ở đó có thể mua cafe trên máy tự động bằng tiền xu. Tôi vội vã lần ví dốc hết các đồng xu dúi vào tay hắn, nhưng ngay lập tức tên cảnh sát khoát tay ra hiệu không được phép, rồi lôi hắn ra khỏi căn phòng. Phiên tòa thứ nhất kết thúc ở đây.Suốt chặng đường về nhà tôi suy nghĩ miên man, trong tôi tình cảm vừa thương ,vừa giận lẫn lộn. Thương vì hắn quá khổ, quá kém cỏi và ngu dốt, thật đáng tội nghiệp. Giận vì cả một cơ chế bộ máy nhà nước quan liêu, công kềnh, chỉ có vậy mà một lũ các quan chức bỏ cả nửa ngày ra để xét xử, rồi cũng chẳng đi tới một kết luận gì.

·       
Tôi đã làm tròn nhiệm vụ người phiên dịch sau 4 phiên xử án. Những phiên tiếp theo cũng vẫn ngần đó nhân vật, thậm chí, họ còn gọi thêm khoảng 5-7 nhân chứng nữa  cho có đủ dữ kiện về các kết luận của mình. Đó là ông giám đốc công ty nơi bị cáo đang làm “ chui”, không hợp đồng, không bảo hiểm. Ông ta cũng phải chịu một án phạt vì tội này. Đó là ông gác cổng công trường, làm chứng cho hắn rằng thời gian xảy ra vụ việc trấn lột, hắn đang có mặt tại nơi làm việc, đó là một cô gái Bungari, nhỏ thó, mặt rất xinh nhưng cằn cỗi như hắn, mang theo một thằng bé cũng còi cọc như thế, tóc đen, mắt đen, da cũng đen, chẳng có một chút gì thể hiện rằng mẹ nó là người châu Âu, ngoài mỗi cái mũi rất thẳng và cao. Tất cả mọi người, bối rối, ngán ngẩm nhìn hắn, nhìn nhau… và , phiên tòa thứ 4 kết thúc với tiếng búa gõ cạch của viên quan tòa, kết luận hắn vô tội trong vụ trấn lột, nhưng  vì  hắn không có đủ các giấy tờ hợp lệ như thẻ căn cước, giấy kết hôn nên hắn được thả ra với một khoản tiền nộp phạt 500 leva. Chính người bạn đồng hương có số điện thoại trong cái mẩu giấy báo bẩn thỉu hắn đưa cho tôi đã giúp hắn số tiền trên, kết thúc10 tháng 21 ngày tù tội vô lí. Khi nghe tôi thông báo điều này, anh ta rối rít vui mừng, vội vã đến tìm tôi, nghe tôi dặn dò cách thức gặp ông luật sư để làm các thủ tục xuất tù cho hắn.
Bây giờ đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án kể trên, đôi khi hắn vẫn gọi điện cho tôi, rất thật thà kể lại dăm điều về cuộc sống hiện tại của hắn. Lần nào nghe điện, câu hỏi của tôi cũng là: “Cậu đã làm xong giấy tờ tùy thân chưa?” , và câu trả lời của hắn vẫn không thay đổi: “ Chưa chị ạ”, rồi bắt đầu kể lể các khó khăn, phức tạp, rắc rối về thủ tục hành chính của nước Bun, than phiền về công ăn việc làm…
Mọi chuyện có khởi đầu thì cũng phải có kết thúc, cho dù là hay, dở gì thì rốt cục, mọi tấn trò đời đều có phút hạ màn. Bài học lớn nhất cho những ai muốn kiếm sống nơi đất khách quê người là phải có đủ kiến thức hiểu biết về luật pháp. Để tồn tại, không đơn giản chỉ biết có lao động. Hắn lao động, hắn không ăn cắp ăn trộm của ai cái gì, và như vậy là hắn có quyền tồn tại. Nhưng, sự tồn tại của hắn không được xã hội xung quanh thừa nhận, hắn không chứng minh được : HẮN LÀ AI? Điều thứ hai: Hậu quả của sự thiếu hiểu biết cộng với thói quen cẩu thả của những con người không có học hành tới nơi tới chốn, nếp sống “ nước chảy bèo trôi”, tặc lưỡi cho qua ngày, đã cho hắn một bài học đích đáng. Hơn mười tháng tù giam, không được liên lạc với bất kì ai, đói khát và bị khinh rẻ, với một tội duy nhất là do hắn đã không biết tự vệ chính mình. Và  cứ thế..... hắn tiếp tục sống cho tới hôm nay./.