Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Hà nội ngày tháng mới -1#

Tôi đang nghĩ: Sẽ viết cái gì và sẽ post cái gì lên Blog vào những ngày về thăm quê. Ngổn ngang quá: chuyện con cháu? chuyện bố mẹ, chị em? chuyện của mình? hay chuyện của những người xung quanh mình? Viết sao cho hết , bút nào tả được tâm trạng, buồn và thất vọng là chính, nhưng cũng có nhiều điều vui, nhiều giây phúc hạnh phúc về nhiều con người đáng trân trọng xung quanh mình. Thời gian trôi nhanh quá , ngày qua ngày, chưa kịp viết điều định viết thì đã thấy, đã nghe, đã gặp những sự việc khác đáng viết, đáng ghi hơn nhiều. Thế là lại hoãn lại ý tưởng đã hình thành trong óc, rồi lại những sự kiên, những con người nối tiếp theo thúc dục tôi. Rốt cục là cho đến tận hôm nay, chưa một dòng nào ra đời, cảm xúc trôi tuột đi cùng dòng người trên phố, cùng tiếng ồn ào hỗn loạn của các loại âm thanh. Một cô bạn thân bảo tôi: "Hà nội thân thương lắm, tôi yêu Hà nội lắm". Vâng, tôi cũng bảo cô ấy thế, nhưng xót xa nghĩ thầm: Cô chỉ nhìn thấy Hà nội ở những tòa nhà cao tầng, những con phố mới, đô thị mới, và với nguồn thu nhập đủ để đi du lịch vài ba nước tư bản trong 1 năm, những bữa tối ở những nhà hàng sang trọng với thực đơn giá cao ngất ngưởng / khoảng 600 000 đồng cho 1 suất ăn/. Còn với tôi, Hà nội là dòng người nườm nượp, là các cháu thanh niên gày gò chen nhau trên xe buýt về nhà sau giờ làm, giờ học, là những bà cụ già bán nước ở vỉa hè phố cổ cả cuộc đời, là những cô gái quê đôi quang gánh với vài mớ rau muống, chạy cuống quýt sau tiếng còi xua đuổi của công an. 
Hôm qua, mới tối hôm qua thôi, đang chờ xe buýt để đi tới nhà con trai thăm cháu nội, tôi đã phải chứng kiến một sự việc khiến tôi buồn mãi.Trời lạnh, đã gần 7h tối, đã qua 45 phút mà chiếc xe tôi mong mãi không tới, trong khi hàng chục chiếc khác nối đuôi nhau đến lại đi. Bỗng nhiên, một cậu thanh niên chừng ngoài 20 tuổi một chút, áo khoác mỏng manh như áo mùa hè, trong khi tôi, mũ kín tai, cổ chèn khăn thật kín, ghé xe máy sát người tôi, hỏi: "Bác ơi, bác đi xe ôm, cháu chỏ bác đi". Tôi nhìn cậu, thấy thanh niên mặt mũi sáng sủa, cao ráo, chẳng có chút dáng vẻ nào của người xe ôm chuyên nghiệp, tôi lắc đầu bảo: "Bác có vé tháng cháu ạ, xe bác chờ chắc sắp đến". Thanh niên vật nài : "Bác ơi, cháu chở bác đi, bác trả bao nhiêu cũng được, cháu chưa ăn gì từ sáng," Tôi nhìn thanh niên, tim đau nhói, trèo lên xe , tôi hỏi: "Cháu làm xe ôm lâu chưa", thanh niên trả lời :" Cháu làm 3 năm rồi, làm thêm bác ạ, cháu là sinh viên trường Đại học giao thông năm thứ 3". Thế rồi, chỉ 1 quãng đường chừng 2 km, tôi biết thanh niên này quê Thạch Thất, cách Hà nôi 30km, phải đi xe ôm thêm để lấy tiền học và tiền trọ. Thanh niên kể: "Có thằng lừa cháu, đòi chở vào ngõ tối, mượn máy di động kêu gọi cho người nhà ra đón, cháu vừa đưa máy, nó chạy biến luôn, không biết đằng nào mà tìm nữa, vừa mất máy, vừa không được trả công". Thanh niên hồn nhiên kể: '" Cháu phải đóng tiền học đầu tháng, mà tháng này lại có ngày lễ 20/11 nên cháu chẳng biết có kiếm đủ để nộp cho tháng 12 không?" Tội nghiệp thằng bé quá, chỉ có mấy phút trên đường mà tôi đã hình dung cảnh sống của sinh viên bây giờ ra sao. Các thày cô đứng trên bục giảng có bao giờ chứng kiến những điều tôi vừa kể. Các nhà lãnh đạo đất nước ơi, cố gắng hé mắt nhìn xuống dòng người phía dưới chân mình, qua lớp kính mờ của những chiếc xe bóng lộn hàng vài trăm nghìn đô la, để thấy một thảm cảnh, một hiểm họa trong tương lại không xa : Nghèo thì khổ, thì hèn, cố gắng theo đường học để đổi đời, nhưng đổi sao nổi, học sao nổi, nếu hàng ngày phải lo chạy từng miếng cơm thế này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét