Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chuyện cũ viết lại

Sáng nay, mở báo mạng đọc, lại thêm một lần nữa giật mình. Các bạn đọc bài này chưa? http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/02/dung-ngoai-duong-lam-le-cau-an/ Hãy đọc đi và hãy hình dung xem dân mình đang đi về đâu với những hành lễ cúng bái ma mị thế này. Không thể nào hiểu nổi nền văn hóa nước nhà bây giờ trong trạng thái nào, giai đoạn quá độ nào của sự phát triển xã hội loài người trên mặt đất nữa.Ở những bộ tộc thiểu số ít người đã đành, đằng này, chính giữa Thủ đô, trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, một cuộc tụ tập lớn như thế hàng năm diễn ra, số người tham gia ngày càng đông, gây ra ngày càng không ít hậu quả xã hội, mà nhà nước, chính quyền không hề có bất kì một ý kiến gì? Đêm ngày 14 âm lịch, Tết năm 2005, tôi cũng đã từng trong số các người đến xếp hàng từ 5h chiều để được vào chùa Phúc Khánh nghe đọc kinh cầu nguyện và dâng sao giải hạn. Chẳng là cô em gái tôi, người cũng có chút chức tước địa vị trong Bộ Giáo dục và đào tạo, rất tin rằng việc dâng sao giải hạn ở ngôi chùa này đã đem lại cho cô và gia đình mọi điều may mắn tốt lành trong năm, nên khi thấy tôi ở nhà đúng dịp tết, cô mời tôi cùng tham gia. Lòng tin của cô chắc chắn là do phong trào của cả cơ quan và của bạn bè dẫn dắt, chứ bình thường thì cô đâu có thời gian mà làm việc này. Chẳng là hồi đó, nghe đâu vợ các quan lớn cũng ham đến đây cúng lễ dâng sao để giải hạn cho chồng con mỗi khi có những phi vụ làm ăn hoặc cạnh tranh thắng thua trên thương trường, chính trường, thậm chí các phu nhân còn núp bóng các ông chồng, chỉ thị cho nhà chùa xây cả một lầu cao đối diện với Tam bảo, có lối lên xuống hai bên, có người canh hai đầu, không cho dân thường trèo lên. Tôi vì tò mò muốn xem nghi lễ dâng sao, một cái từ nghe hấp dẫn, lại tò mò muốn xem mặt các quan bà hành lễ thế nào nên chịu đựng, kiên nhẫn ngồi chầu chực từ chiều. Sau khi chờ đợi gần 3 giờ đồng hồ, buổi lễ cũng được bắt đầu. Sau những hồi chuông trang nghiêm, các con chiên đệ tử đứng ngồi ngổn ngang trong sân tùy chỗ chiếm được do đến sớm hay muộn, bắt đầu lắng nghe và lẩm nhẩm đọc theo Sư Thày. Vì là lần đầu tiên đi dự lễ tế sao nên tôi lắng nghe hết sức chăm chú, chỉ tiếc không mang theo máy ghi âm để minh họa cho bài viết này. Đại thể là Ngài giảng giải về Phật / chắc năm nào cũng vẫn với bài này/, về đức độ công ơn của Phật, về các bài giảng đạo đức mà Phật Tổ Như lai đã dạy dỗ các chúng sinh. Rồi đến một đoạn, Sư Thày trích dẫn : Vì có cháu bé học sinh không có ý thức tôn nghiêm nơi cửa chùa / một chùa nào đó, thày nói tên/, dám đái lên một bức tượng trong sân chùa, mấy ngày sao cháu bị ốm rất nặng rồi dẫn đến hậu quả là bị mù mắt / Khiếp quá, Phật gì mà trả thù ghê thế nhỉ/, rồi tiếp theo Ngài nói : “ Người nào không tôn thờ Phật, đất nước nào không kính yêu Phật, cũng sẽ gặp tai họa như dân Apganistan/ ngài minh họa: Dân Taliban vì phá tượng Phật nên đã bị Mỹ đem quân xâm chiếm đất nước./ Rồi tiếp theo, Ngài kể, có người đàn ông hấp hối sắp chết, đã bào đàn con đem toàn bộ số vàng / hình như 6 cây/ đem cúng chùa để đúc chuông / năm đó đang rầm rộ phong trào các Đại gia cúng chùa nhiều tiền của để đúc chuông ở Ninh bình hay đâu đó???/, rồi ngay sau đó, người đàn ông này khỏi bệnh ? /Ôi trời ơi, thì ra Phật cũng ăn hối lộ đút lót để cứu chữa các chúng sinh./ Nghe đến đoạn này thì tôi hết chịu nổi. Tôi không biết có bao nhiêu người đứng ngồi trong chùa, ngoài chùa bái vọng vào để dâng sao giải hạn.Tại sao phải giải hạn? Hạn từ đâu đến mà đi giải? Cúng lễ kiểu gì , bao nhiêu để giải được hạn? Tôi ngước nhìn lên phía trên đầu tôi, thấy các bậc mệnh phụ / phu nhân các quan to lắm, nghe đâu có cả bà vợ ông Võ Văn Kiệt ngồi đó/ đang ra sức lẩm nhẩm cái gì không rõ, vái lấy vái để.Tôi không hiểu trong số hàng ngàn con chiên đệ đang cúi đầu khấn vái quanh tôi, lẩm nhẩm theo ông Sư Thày kia, bao nhiêu người có đủ trình độ để hiểu những lời nói, những ví dụ trích dẫn của Ngài, bao nhiêu người có đủ trí tuệ để phân tích và bảo rằng: Ông Sư Thày kia là một kẻ không có chút từ tâm nào của Phật giáo, là kẻ đi tuyên truyền bậy bạ, bôi xấu Phật, coi Phật như một kẻ dã man, chuyên trả thù, chuyên đòi hỏi tiền của… Chính ông này đã làm cho dân mù lòa, tăm tối thêm, cuồng tín thêm, và thật khó hiểu, cho đến tận ngày hôm nay, hàng ngàn người vẫn đang tiếp tục mù lòa như thế,bằng chứng là bài báo ngày hôm qua, các bạn đọc chưa? Chí ít ra, thiện chí và đức độ lắm thì cũng gật gù tự bảo: “Thôi, trình độ sư ta chỉ có thế , kém cỏi về hiểu biết chính trị, non nớt về kiến thức Phật giáo”, hoặc : “ông này không biết giảng kinh Phật”. Nói tóm lại, tôi ra về, bị dòng người xô đẩy tới nơi phát lộc Phật và cũng được dúi vào tay một gói gì đó. Thất vọng quá chừng, muốn viết ngay để phản ánh tâm tư, nhưng viết để làm gì, ai là người đọc? và liệu khi đọc người ta có hiểu được là: tôi chỉ viết những gì có thật, nhìn thấy và đau lòng cho dân ta. À, mà để minh chứng cho những lời kể này, đó là việc tôi gặp ngẫu nhiên / rất ngẫu nhiên/ và là lần duy nhất , cô bạn ngày xưa cùng bộ môn, hồi đó chưa về hưu, đang chức gì to lắm ở trường Đại học Kinh tế quốc dân, cô Nguyễn Thị Kim Dung, cũng trong buổi lễ này. / Tất nhiên là ngoài cô em gái tôi, đang giữ chức cũng rất to trên Bộ Giáo dục và Đào tạo/. Khốn khổ thay, chẳng ai trong số họ nghĩ giống tôi/ huống chi đám dân phần lớn là trình độ tầm tầm/và chắc chắn là họ vẫn trong dòng người trên kia, hàng năm vẫn chen lấn vào chùa Phúc Khánh để DÂNG SAO GIẢI HẠN. Lạy Phật, xin Phật chứng giám, con chỉ là một người dân bình thường, sống và làm việc theo đạo đức Phật dạy, chứ con chẳng dám đến cửa chùa kia để nghe ông Sư trụ trì báng bổ Phật nữa đâu. Nam Mô A Di Đà Phật. Sau đây là lời một nhà sư mà một bạn đọc trích dẫn: /Trích lời dạy của hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ/ Xem tướng lành dữ, trong sao xem hạn, xem xét thịnh suy, coi ngày đoán số đều không được làm. (Kinh Di Giáo Phật) Nhân lành không chịu tạo, nhân dữ không chịu tránh, mà 1 bề sợ sao, sợ hạn là những con người mù mịt, tối tăm. Họ sợ cái không đáng sợ, cầu những thứ không thể cầu. Đó là mê tín. Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Mặc dù không được như nguyện nhưng cũng nói lên lòng hiếu kính chân thành của ta đối với cha mẹ, chúng sinh, lòng quý mến nhau. Từ đó phá tan tâm niệm vị kỷ, phát tâm từ bi. Cầu nguyện chỉ là 1 điều phụ thuộc nhỏ nhít trong Phật pháp, vì nó không phải là chân lý. Vậy mà người ta thổi phồng nó, để rồi cả đời người tu gần như hết 80% Phật sự đều nằm trong lễ cầu nguyện. Truyền bá 1 điều không phải chân lý, ắt hẳn chánh pháp phải chịu suy đồi. Cổ xúy cầu cúng là đưa người ta vào rừng sâu mê tín, gây thêm lòng tham ích kỷ cho họ, như vậy là tạo thêm tội lỗi chứ không phải người tu hành chân chính. Tu theo đạo Phật là đi trên con đường sáng, ánh sáng giác ngộ đi đến đâu thì bóng đêm mê lầm tan đến đấy. Mê tín là bóng đêm, giác ngộ là ngọn đèn sáng. Bóng đêm và ánh sáng không thể có đồng thời. Có giác ngộ thì không có mê tín, có mê tín thì không có giác ngộ.Chúng sinh là những người hiện có mặt, nghe hiểu được những lời giáo hóa. Đừng hiểu chúng sinh là những âm hồn, kẻ chết. Phật giáo độ sanh, không phải độ tử. Sự xuất hiện của các Tăng, Ni ở những đám ma chay, đưa Phật giáo đi vào cõi chết là những kẻ làm hoại diệt Phật giáo. Mỗi ngôi chùa là 1 nơi giảng dạy kinh điển, mỗi buổi lễ là mỗi lần giảng dạy giáo lý. Tăng, ni phải dành thời gian tu dưỡng, học tập và truyền bá chánh pháp chứ không phải truyền bá mê tín, dành thời gian tụng kinh cho người chết, cầu siêu, cầu an. Tinh thần đạo Phật là giác ngộ cho người sống chứ không phải cho người đã chết. Người chết sau khi tắt thở tùy nghiệp thiện ác theo đó đi thọ sinh, có ai còn lẩn quẩn bên quan tài để chúng ta tụng kinh cho họ nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét