Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Những kỉ niệm về bạn bè

Ai cũng nhớ những kỉ niệm đẹp của mình thời thơ ấu. Cũng có khi, kỷ niệm đẹp lại không nhớ, mà lại nhớ những nỗi đắng cay, nhọc nhằn, những khó khăn vất vả trong cuộc đời nhiều hơn. Còn tôi, tôi nhớ tất, tất cả những gì xảy ra trong đời, lúc nào tôi muốn nhớ lại là tôi nhớ được, đương nhiên, với nhãn quan của tôi ngày đó.
Ngày ấy,cô Mỹ là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi từ lớp 1, cho đến hết lớp 2 trường Lê quí Đôn. Ngày ấy, phố xá HN vắng vẻ, lớp học chỉ có khoảng 20 học sinh, phần lớn ở cùng một phố, hoặc cách xa nhau lắm cũng đến 2 phố nên biết nhau hết, thậm chí, các bố mẹ cũng quen biết nhau . Bố mẹ tôi ở số 8 Phùng Khắc Khoan, con phố nhỏ dẫn đến đầu chợ Đức viên, bây giờ là phố bán vải vóc bày đầy ra vỉa hè, chứ ngày đó thanh bình, chị em chúng tôi chơi đua xe đạp từ đầu phố tới cuối phố mà chẳng bao giờ bị rầy la hoặc lo sợ gì. Ngày đó, các bạn cùng lớp là Trâm, Bình, Chanh, L, Phượng… mỗi đứa mỗi kiểu, mỗi tính cách, mà sao trôi qua cả nửa thế kỉ, tôi vẫn nhớ như in không sao quên được. Trâm to béo, mẹ bán phở góc phố Hòa mã, ngay trước cửa nhà. Mỗi khi đi học qua, dù vừa mới ăn cơm ở nhà xong, đứa nào cũng hít hà, nhất là vào ngày mùa đông. Trâm vui vẻ, hay múa hát, hồn nhiên, béo tốt, má lúc nào cũng hây hây đỏ.Bình thì khác hẳn, đanh đá nhất lớp, lãnh đạo trẻ con cả phố, thậm chí, cả lớp nữa. Bình da trắng, không to béo nhưng rắn rỏi, nhà trong ngõ đối diện nhà tôi / số 1 hay 3 gì đó, Phùng khắc Khoan/. Nó học thì trung bình nhưng cả lớp sợ nó, vì nó sẵn sàng dúi đầu đứa nào không nghe lời nó vào góc tường, túm tóc, dày vò cho đến khi nào khóc mếu van xin nó mới thả ra.Cả bọn con trai cũng sợ nó một vành, đi học về, tan lớp, nó ra lệnh chạy là phải chạy, đứng là phải đứng, đi chậm hay nhanh đều do nó điều khiển./ Chẳng biết sau này cô bạn lớn lên ở đâu, làm gì, chứ hồi đó, giá mà cho cô ra chiến trường, chắc chắn trở thành nữ tướng/. Chanh thì khác, không ồn ào, thâm trầm, bố mẹ chắc khá giả hơn một chút nên thường cấm không cho nó tham gia các trò chơi ngoài phố với chúng tôi. Nó học cũng bình thường, hay đi về cùng với Bình, chắc chủ yếu để nhờ Bình che chở, nhưng nó luôn sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh của Bình nên tôi liệt nó cùng phe cánh với nhau. L, cô bạn đầy cá tính, nhất là tính đố kị ghen tuông, mà ngay từ nhỏ nó đã thể hiện cái bệnh này nhưng ngày đó tôi không biết gọi là gì. Ví dụ, nó rất ghen với Phượng, cô bạn thân nhất của tôi, gày gò, xanh xao bé nhỏ, vì Phượng được cô Mỹ rất quí, cô thường chở Phượng về một quãng từ Lê quí Đôn, đi qua vườn hoa Paster , tới chỗ nào đó cô thả Phượng xuống rồi cô quay về Trần Hưng Đạo. Tôi và Phượng chữ đều đẹp và cô Mỹ thường gọi 2 đứa chúng tôi đến nhà cô viết sổ điểm. Phượng còn được giữ sổ đầu bài cho cả lớp. L. ở cạnh nhà Phượng, quãng số nhà 25-27 phố H.M, tôi chẳng nhớ chính xác. Thế là một hôm, tan học về, L. xui Bình lãnh đạo cả bọn phải giằng xe cô Mỹ lại không cho đi, bắt Phượng đi bộ cùng cả bọn. Tôi vì thương bạn, không muốn tham gia, Bình đe dọa: “Mày không làm theo cả bọn, tao sẽ không cho mày chơi ngoài phố nữa, suốt ngày mày phải ngồi trong nhà, ló mặt ra là tao đánh.” Con phố thì nhỏ, mà tôi thì sợ nó. Vậy là 1 hôm, tan học, trời mùa đông nhá nhem tối, cả bọn nấp sau các gốc dừa ở vườn hoa Paster. Khi cô Mỹ và Phượng vừa đi tới nơi, cả bọn chạy ra giằng xe cô lại, Bình túm áo, kéo tuột Phượng xuống, tôi cũng trong đám đó, nhưng thương bạn chẳng dám đến gần, chỉ trố mắt nhìn cả bọn ,trong đó có cả L., cấu chí Phượng. Cô bạn gày gò tội nghiệp khóc thút thít, chỉ biết lủi thủi đi bộ cùng cả bọn về mà không hé răng một lời. Kể từ đó trở đi, tôi bắt đầu sợ cái nhóm bạn đồng niên, đồng phố ấy. Tôi không ra phố nữa mỗi buổi chiều, chỉ đi xe đạp trong sân nhà với chị em, và chỉ đến nhà Phượng chơi thôi. Cũng bởi thế, lên tới lớp 3, bố mẹ xin  chuyển tôi  sang học trường Đồng nhân cuối phố Lò đúc  cùng với Phượng. Dù có đi xa hơn một chút nhưng tôi tránh xa được cái nhóm bạn quỉ sứ kia, trong đó có L. Ấy thế mà chẳng biết làm sao, học kì 2 của lớp 3, tôi lại thấy L. trong lớp tôi. Cô bạn này lại một lần nữa gây ấn tượng mà mãi sau này, khi đã trưởng thành thậm chí già rồi, tôi mới biết đúc kết bản chất của con người ấy. Cô là người duy nhất trong nhóm bạn góc phố Ph. Kh. Kh.- H.M còn liên lạc với tôi đến tận bây giờ. Đôi khi tự hỏi: “Tại sao con người này không chịu buông tha tôi ra?”.
Ấy là một lần, lớp tôi mất trật tự quá, cô giáo đang dạy, nói chẳng ai nghe, ồn ào hỗn loạn. Thế rồi cô tuyên bố: “Nếu các em mất trật tự thế này, cô không dạy nữa”. Ngay lập tức, L.đứng lên, dõng dạc nói: “Cô không dạy thì đừng có mà nhận lương”. Cô giáo chợt sững người ra, nhìn L.chằm chằm, cả lớp tôi cũng sững lại, giật mình kinh hãi. Rồi cô khóc trước mặt cả lớp và bỏ ra ngoài , rồi sau đó cô Hiệu trưởng vào, gọi L. ra , rồi tiếp ra sao, tôi chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng ngày đó, với bộ óc trẻ thơ của học sinh lớp 4, L. nói câu đó dõng dạc trong lớp, chứng tỏ con người này được rèn luyện trong một gia đình như thế nào.
Lớp tôi ngày ấy có Nụ, cô bạn to lớn hơn tôi cả cái đầu.Khoảng đầu năm 1963, gia đình chúng tôi chuyển về số 4 phố Thi sách, cũng ngay gần chợ Hôm, chợ Đức viên. Nhà Nụ ở quãng giữa phố Phù Đổng Thiên Vương. Tôi làm quen với Nụ ngay từ khi chuyển sang trường mới. Nụ là con thứ 2 trong một gia đình đông con, thuộc diện phải đi Kinh tế mới, nghĩa là, họ buộc phải chuyển đến các vùng kinh tế Lạng sơn, Cao bằng, Bắc cạn… để khai hoang trồng rừng sinh sống, không được ở Hà nội cho dù họ đã sinh sống bao nhiêu năm ở đây. Ngày đó tôi không hề biết chút gì về chính sách này của Đảng và nhà nước, nhưng thấy gia đình Nụ khổ quá, đi Kinh tế mới chẳng chịu nổi, bố Nụ ốm nặng rồi mất, mẹ Nụ lại dẫn cả đoàn con về, lúc bấy giờ, nhà bị chiếm mất rồi, không có chỗ ở, nhà Nụ quây bạt sống ở cái sân trong của ngôi nhà phố Phù Đổng Thiên Vương. Nụ bằng tuổi tôi nhưng cao to cứ như bà chị, chắc vì khổ quen nên Nụ rất trầm tĩnh, luôn đợi tôi dẫn tôi đi học về tới tận cửa nhà ở phố Thi sách rồi mới vòng về nhà mình. Nụ không học giỏi nhưng cũng không thuộc loại kém, còn tôi luôn luôn nhất lớp nên Nụ rất tự hào là có tôi bên cạnh,trong chiến tranh chống Mỹ, Nụ tham gia thanh niên xung phong, rồi tôi mất tin bạn từ ngày ấy.Kỉ niệm ăn sâu vào óc tôi là lần Nụ cõng  tôi từ trường Đồng  Nhân chạy tới bệnh viện Cây Đa Nhà Bò / tức là BV Phụ sản Hai bà Trưng sau này/. Hôm ấy, sân trường ngập nước mưa, các hầm tăng xê được đào để phòng chống máy bay Mỹ ngổn ngang, ngập nước. Sáng sớm, chưa vào học, tôi đứng ở sân chờ kẻng, các bạn chạy nhảy đùa nghịch nhau, sợ họ va vào mình, tôi men ra phía mép gần những hào tăng xê để tránh bắn nước lên người. Thế rồi, bỗng dưng không biết một sức mạnh từ đâu xô tôi ngã xuống hầm, đầu đập vào thành hầm và bật ngửa người ra, nước xâm xấp mặt tôi. Tôi ngất đi không biết gì nữa, khi tỉnh dậy, tôi nằm trong bệnh viện, người đã được ủ ấm bằng chăn BV, có thày Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp đứng nhìn tôi cười vui sướng, và có cả Nụ ở đấy. Thày bảo:” Bạn Nụ cõng em đến cấp cứu đấy”. Tôi không khóc, không nói  được gì cả nhưng nhìn Nụ biết ơn. Tôi và Nụ là bạn nhau “ con chấy cắn đôi” từ ngày đấy. Năm 1965, đi sơ tán mỗi đứa mỗi nơi, trở về tìm Nụ năm 1971, người trong số nhà đó bảo Nụ đi thanh niên xung phong rồi bặt tin tức cho đến bây giờ. Nụ của tôi ở đâu, còn sống và khỏe mạnh trở về hay không? Gia đình bạn ở đâu, tại sao không ai biêt họ trong số nhà này nữa. Tôi âm thầm tìm bạn bao nhiêu năm mà chẳng được. Cuộc sống quá nhiều đổi thay để tới một lúc khi nhận ra nhau thì đã đầu bạc răng long.Người xứng đáng là bạn thì chẳng thấy đâu, còn lại những kẻ tiểu nhân thì nhan nhản, mồm hô đạo đức mà bụng đầy dao găm, sẵn sàng chọc vào lưng bạn vì ghen ghét thì lúc nào cũng sẵn.

10 nhận xét:

  1. "Cuộc sống quá nhiều đổi thay để tới một lúc khi nhận ra nhau thì đã đầu bạc răng long.Người xứng đáng là bạn thì chẳng thấy đâu, còn lại những kẻ tiểu nhân thì nhan nhản, mồm hô đạo đức mà bụng đầy dao găm, sẵn sàng chọc vào lưng bạn vì ghen ghét thì lúc nào cũng sẵn".
    Nhận xét của nhà kinh tế tinh tế thật. Đời là như thế đấy. Cũng buồn.
    Noel đến rồi, chúc NC mọi điều tốt lanhf, sống xa quê hương đất nước nhưng luôn được bạn bè gần kề, hàng xóm thân thương!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cung chuc anh cung gia dinh mot Giang sinh an lanh va mot nam moi hanh phuc

      Xóa
  2. Th. vào trang Tổng quan, vào mục "nhiều lựa chọn là hình tam giác ngược gần với cái bút chì, nhấn vào phần "cái đặt" rồi chọn "Bài đăng và nhận xét" nhấn vào đấy để tới lựa chọn "Kiểm duyệt nhận xét" chọn "không bao giờ", "Hiển thị xác minh từ" chọn "Không" rồi lưu kết quả đã thực hiện.
    Làm như thế để người comment không phải chờ kiểm duyệt comment và không phải gõ mã lằng nhằng (mã CAPCHA).
    Cám ơn nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Kỷ niệm thì vui có, buồn có. bạn bè thì có tốt, có xấu, nhưng em thấy câu nàỳ thật phù hợp ở mọi hoàn cảnh: "quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ được mấy người" phải vậy không chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dung the Thu Giang a. Den mot tuoi nao do, tham chi chang muon giao luu nua, con nguoi dong khung trong gia dinh va chi mot so than quen thoi.

      Xóa
  4. Nghĩa là bạn đã về lại bên ấy rùi. Vậy mà Ngựa vẫn đợi, hy vọng tết dương lịch bạn ghé vô chơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật tiếc B ạ, mình đã mua vé máy bay vô đó rồi, song bị một trận cảm đột ngột, đành phải bỏ vé.Đành hẹn bạn sang năm nhé, nhất định mình sẽ gặp nhau. Chúc đại gia đình một Giáng sinh vui và một năm mới sức khỏe, may mắn, hạnh phuc.

      Xóa
  5. Mình cũng đã tự hỏi : Tôi là ai? Và đến bây giờ thì mới hay Là một số không to tướng. thế là yên chí lớn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Who am I" sẽ được thể hiện qua nội dung Blog chị à.
      Chúc chị một năm mới thật khỏe, vui, hạnh phúc chị nhé.

      Xóa